Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

Quy tắc cho nhà đầu tư: Đừng dự đoán tương lai



(VnMedia) - Hãy học cách đối phó với mọi tình huống thay vì cứ cố dự đoán tương lai. Bởi vì không một ai có thể dự đoán được tương lai. Đây là một trong 9 quy tắc mà nhà đầu tư không được phép quên.

1. Tiền của mình là quan trọng nhất

Wall Street là một thỏi nam châm luôn thu hút những sinh viên giỏi nhất của các trường đại học danh tiếng nhất. Và dĩ nhiên bọn họ đến với thế giới tài chính không phải với mục đích làm cho hệ thống tài chính thế giới hoàn hảo hơn mà chỉ vì muốn làm giàu cho bản thân.
Và cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để trở nên giàu có ở Wall Street không phải là trở thành một Warren Buffett, mà là tìm những người “đủ khờ” để trả những khoản phí và hoa hồng hậu hĩnh cho những sản phẩm đầu tư hiếm khi vượt quá lợi tức cơ bản.

IBM ước tính rằng các nhà quản lý đầu tư trên thế giới đã “ăn ra” của các nhà đầu tư 300 tỷ USD mỗi năm mà không đem lại được cho họ lợi nhuận thích đáng. Và cảm giác ân hận hay xấu hổ của nhà đầu tư đã bị bỏ qua khi họ lái chiếc xe Lexus đến ngôi nhà bên bờ biển của họ.

2. Đừng cố dự đoán tương lai

Hãy thử nhìn lại thời gian cách đây hơn 10 năm trước đây. Khi đó:

- Hy Lạp là một quốc gia mạnh về kinh tế
- Kinh tế Nga bên bờ vực phá sản
- Giá dầu là 13 USD/thùng
- AOL thống trị thế giới Internet
- Các nhà kinh tế giỏi giang cho rằng chính phủ Mỹ sẽ trả hết nợ vào năm 2009
- Apple chỉ là một trò đùa ở Thung lũng Silicon
- General Motors đang ở đỉnh cao của mọi thời đại
- Mark Zuckerberg đang học cấp 2
- Y2K là nỗi lo ngại lớn
- Enron được vinh danh là một trong những tập đoàn đáng ngưỡng mộ nhất nước Mỹ

Thập kỷ tới đây rồi cũng sẽ đầy những sự thay đổi lớn. Hãy học cách đối phó với mọi tình huống thay vì cứ cố gắng dự đoán tương lai. Bởi vì không ai, không một ai có thể dự đoán được tương lai.

3. Tiết kiệm quan trọng hơn đầu tư

Bạn có thể dành cả đời để đầu tư khôn ngoan, nhưng nếu bạn không dành một khoản tiết kiệm đủ, rất có thể đến cuối đời bạn phải sống trong cảnh tay trắng. “Năng nhặt thì chặt bị”, “buôn tàu buôn bè không bằng ăn dè tiết kiệm”, những câu tục ngữ xưa vẫn luôn có giá trị cần học tập.

Rất nhiều người luôn trăn trở về chuyện đầu tư vào đâu, hay làm sao để tăng lợi nhuận lên cao hơn. Đáng lẽ họ nên dành một phần thời gian và tâm trí để suy nghĩ về cách tiết kiệm sao cho hợp lý. Điều này đặc biệt đáng lưu tâm với các nhà đầu tư trẻ.

4. Nắm bắt những tin chính

Chu kỳ tin tức 24 giờ dành cho những người quan tâm đến tình hình 24 giờ qua. Vì thế, có những tin tức quan trọng nhưng diễn ra lâu dài, chậm như tình hình sản xuất dầu mỏ, thu mua hoặc bán hàng hoá hiếm khi được nhắc đến. Tuy nhiên, chính những tin tức này sẽ giảm chỉ số Dow Jones giảm hoặc tăng. Vì thế, đó là những tin bắt buộc phải biết.

Đối với phần lớn mọi người, bản tin kinh doanh hàng ngày hoặc không tác động đến họ (bỏ qua luôn) hoặc là giúp họ hiểu được tình hình thế giới ra sao nhưng lại không giúp họ đưa ra quyết định.

Một nhà báo đã viết :”Tôi viết hàng trăm bài báo về tình hình kinh tế trong hai năm qua. Nhưng tôi nghĩ tôi có thể rút gọn hàng ngàn chữ đó xuống thành một câu ngắn gọn ‘Mọi thứ đã trở nên tốt hơn, dần dần’ ”.

5. Trí tuệ cảm xúc quan trọng hơn trí tuệ do học hành

Chọn hai nhà đầu tư. Một người là một nhà khoa học xuất sắc của MIT có thể đọc số Pi tới 50 chữ số thập phân. Anh ta dùng đòn bẩy và giao dịch vài lần một tuần. Anh ta dùng đấu óc thông minh để tính toán từng thời điểm ra, vào thị trường, “lướt sóng” khi cảm thấy đúng lúc.

Người thứ hai là một anh chàng nhà quê chưa từng học đại học. Anh ta tiết kiệm và cứ đầu tư đều đặn mỗi tháng vào một quỹ chỉ số chứng khoán giá rẻ. Anh ta chẳng quan tâm gì đến biến động của thị trường, anh chỉ muốn trung thành với một quỹ đầu tư dài hạn ổn định.
Vậy cuối cùng, ai sẽ lợi hơn về dài hạn? Tôi đánh cược vào người thứ hai

Warren Buffett từng nói: “Đầu tư không phải là một trò chơi mà một người có chỉ số IQ 160 sẽ đánh bại một người có chỉ số IQ 130. Các nhà đầu tư thành công là những người biết rõ giới hạn, nhược điểm của mình, giữ cho mình cái đầu lạnh và hành động theo nguyên tắc. Điều này không thể tính toán bằng các chỉ số.

6. Nói chuyện với mọi người

Đầu tư không hề dễ dàng. Nó thường tạo cho bạn nhiều cảm xúc khác nhau như tức giận, hồi hộp, sợ hãi, vui sướng và bối rối. Nếu bạn thường phải ra quyết định đầu tư dưới sự chi phối của những cảm xúc này, bạn sẽ phải hối tiếc.

Vì thế, hãy nói với ai đó trước khi có quyết định lớn về tiền bạc. Một người bạn, một chuyên gia, một nhà đầu tư thân thiết. Chỉ là để trò chuyện về những gì bạn đang làm với người khác. Tất cả mọi người bạn gặp đều có gì đó để dạy bạn. Nếu không thích lời khuyên của họ, bạn có thể bỏ qua nhưng ít ra bạn cũng được chia sẻ suy nghĩ của mình.

7. Phần lớn những rắc rối tài chính là do nợ nần

Tôi có một người quen từng kiếm được vài trăm ngàn USD với công việc là một chuyên gia trong một lĩnh vực công nghệ. Thế nhưng ông đã bị phá sản năm 2009 và giờ đây có thể phải đi làm trở lại ở lứa tuổi 70. Tôi cũng biết một người khác chưa bao giờ kiếm nối quá 50.000 USD mỗi năm nhưng về hưu nhàn nhã với tiền tiết kiệm và lương hưu của mình.

Điều khác biệt duy nhất giữa hai người này là một người đã chi tiêu mạo hiểm để cho nợ nần vượt quá mức thu nhập của mình, còn người kia thì luôn tránh xa nợ nần và chấp nhận một mức sống khiêm tốn theo thu nhập của mình. Thu nhập và tài sản không có liên quan nhiều như mọi người vẫn tưởng.

8. Quên chuyện quá khứ

Dù là với một cổ phiếu hay quỹ đầu tư, một trong những cách tệ nhất (nhưng lại phổ biến nhất) để tăng quy mô đầu tư là nhìn vào lợi nhuận trong quá khứ.

Một cổ phiếu đã từng rất tốt trong vài năm gần đây, không nói lên điều gì về tương lai của nó trong vài năm tới. Thực tế, những khoản đầu tư cực kỳ lời trong thời gian vừa qua nên được cảnh báo. Rất có thể chúng đã bị định giá quá cao hay bị thổi phồng quá mức.

9. Không có khoản đầu tư hoàn hảo

Vàng, một loại hàng hoá đầu tư được coi là ổn định, thành luỹ chống lạm phát, đã giảm giá gần 70% kể từ những năm 1980 cho đến đầu những năm 2000. Trái phiếu Chính phủ mất giá tới 40% kể từ sau Thế chiến thứ 2 cho đến đầu những năm 1980, nếu tính điều chỉnh theo lạm phát. Cổ phiếu, loại hình đầu tư lý tưởng hồi những năm 2000, đã giảm 40% kể từ sau đó. Và bất động sản...., tất nhiên chúng ta đã quá thấm thía khi thấy cơn sốt bất động sản hạ nhiệt như thế nào.

Đầu tư là phải có rủi ro. Điều tồi tệ có thể xảy đến với bất kỳ tài sản nào. Nhu cầu thay đổi, ngành nghề thay đổi, các nhà quản lý mắc sai lầm, các nhà chính trị trở mặt..., mọi thứ không phải lúc nào cũng như chúng ta dự tính. Đa dạng hoá là chìa khoá mấu chốt. Hãy giữ cho đầu óc tỉnh táo, kiên nhẫn, bỏ qua đám đông và sự thổi phồng của dư luận.


Hoàng Yến - (theo Motley Fool)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons