Môi trường tuyển dụng ngày càng đòi hỏi sự chuyên nghiệp và đi kèm với đó là mức độ cạnh tranh giữa các ứng viên ngày càng cao để có được một công việc “hot”, thực sự phù hợp với bản thân.
Trên cương vị là nhà tuyển dụng, tôi có cơ hội tham gia vào
nhiều hoạt động tuyển dụng đa dạng để đáp ứng yêu cầu phát triển chuyên
nghiệp và bền vững của doanh nghiệp cũng như các tổ chức. Các nhà tuyển
dụng như tôi nhận được rất nhiều đơn/thư/hồ sơ ứng tuyển của các bạn
trẻ. Trong quá trình xét duyệt hồ sơ, tôi đã không ít lần bắt gặp những
tình huống “dở khóc dở cười” từ hồ sơ của các ứng viên hay những câu hỏi
các bạn đưa ra. Bên cạnh đó, cũng có những ứng viên tâm huyết, gửi cho
chúng tôi những ý kiến hữu ích trong việc tuyển dụng.
SV Đại học Monash tốt nghiệp và chuẩn bị bước sang giai đoạn tìm kiếm, lựa chọn một công việc phù hợp với mình
Với kinh nghiệm của một nhà tuyển dụng lâu năm, đồng thời ở vai trò
Giám đốc nhân sự của một số doanh nghiệp trong và ngoài nước chuyên
trách đào tạo và quản lý nhân sự một cách chuyên nghiệp, tôi hiểu rất rõ
một công việt tốt - được coi là “hot job” đòi hỏi ở ứng viên những điều
gì? Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin “mách” các bạn vài mẹo nhỏ
sau đây, hi vọng sẽ giúp các bạn tìm được một công việc “hot” và phù hợp
với mình.
Thứ nhất, về bản CV. Nhận xét chung là có tới 90% các bạn trẻ chưa biết trình bày một bản CV, vì vậy mà chưa thu hút được nhà tuyển dụng, các bạn bị loại ngay từ vòng chọn lọc hồ sơ. Trên cơ sở thực tế chúng tôi gợi ý các bạn trình bày bản CV theo các nội dung sau đây và chỉ nên gói gọn trong một trang hoặc tối đa là hai trang khổ A4:
- Chỉ rõ công việc và lĩnh vực mong muốn. Phần này chỉ nêu gọn trong một hoặc hai dòng, ví dụ: Nhân viên truyền thông/Nhân viên truyền thông nội bộ, đảm trách các vấn đề về truyền thông/thông tin đối ngoại của công ty.
- Kinh nghiệm làm việc. Phần này liệt kê theo thứ tự thời gian, công việc làm gần nhất đưa lên đầu tiên. Chỉ liệt kê những công việc chính thức (có thời gian làm từ 6 tháng trở lên) và có liên quan tới công việc muốn ứng tuyển. Cần nêu rõ tên công việc và trách nhiệm chính, ví dụ: Từ T9/2008 tới T12/2009: Nhân viên marketing tại Công ty TNHH …
Công việc chính:
• Thực hiện chiến lược marketing cho sản phẩm/bộ sản phẩm mới theo chiến lược được duyệt;
• Triển khai việc bán hàng trực tiếp và qua thương mại điện tử cho các khách hàng thường xuyên và phát triển khách hàng mới;
• Hỗ trợ bộ phận PR để quảng bá sản phẩm.
• Thực hiện chiến lược marketing cho sản phẩm/bộ sản phẩm mới theo chiến lược được duyệt;
• Triển khai việc bán hàng trực tiếp và qua thương mại điện tử cho các khách hàng thường xuyên và phát triển khách hàng mới;
• Hỗ trợ bộ phận PR để quảng bá sản phẩm.
- Đào tạo/Bằng cấp: Phần này nêu rõ trường học, khóa đào tạo, bằng cấp nhận được. Ví dụ: Từ 2001-2005: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Cử nhân Ngôn ngữ học.
- Giải thưởng: Phần này liệt kê các giải thưởng/phần thưởng, thành tích/bằng khen… thuộc các lĩnh vực có liên quan tới vị trí ứng tuyển.
- Kỹ năng/ Phẩm chất: Đưa ra
các kỹ năng/phẩm chất gần sát với yêu cầu của công việc đang ứng tuyển,
nhấn mạnh những kỹ năng/phẩm chất cơ bản/nổi bật. Ví dụ:
+ Kỹ năng chính:
• Sử dụng thành thạo các chương trình tin học văn phòng (MS Word, Excel, Power Point…), khai thác Internet tốt;
• Thành thạo tiếng Anh giao tiếp;
• Lập kế hoạch tốt và quản lý thời gian hiệu quả.
+ Kỹ năng chính:
• Sử dụng thành thạo các chương trình tin học văn phòng (MS Word, Excel, Power Point…), khai thác Internet tốt;
• Thành thạo tiếng Anh giao tiếp;
• Lập kế hoạch tốt và quản lý thời gian hiệu quả.
+ Phẩm chất:
• Khả năng giao tiếp tốt, nhanh nhẹn, sáng tạo trong công việc;
• Có trách nhiệm với công việc, chịu được áp lực cao;.
• Thận trọng và ngăn nắp.
• Khả năng giao tiếp tốt, nhanh nhẹn, sáng tạo trong công việc;
• Có trách nhiệm với công việc, chịu được áp lực cao;.
• Thận trọng và ngăn nắp.
(Nguồn: www.ducanhduhoc.com)
- Thông tin cá nhân/Tham khảo:
Phần này chỉ nêu ngắn gọn các thông tin cá nhân ứng viên, gồm: Họ tên
đầy đủ, ngày sinh, sở thích. Với các thông tin tham khảo thì đưa ra
thông tin của một hoặc hai người biết rõ về bạn nhất, có đầy đủ tên,
chức vụ, nơi làm việc và địa chỉ liên hệ (e-mail, điện thoại).
Theo nhận định của chúng tôi, có một vài nguyên nhân dẫn đến bản CV của các bạn chưa thuyết phục, bao gồm:
- Trình bày chưa có trọng tâm, dẫn đến bản CV lan man, dài dòng mà
người đọc hồ sơ vẫn không thấy được thông tin cần chú ý, như liệt kê tất
cả công việc, giải thưởng, bằng cấp, dù không liên quan/ảnh hưởng tới
công việc ứng tuyển;
- Chưa nêu bật được công việc/kinh nghiệm mình đã có. Liệt kê không
có thứ tự, thời gian lộn xộn; trách nhiệm/công việc chính không rõ
ràng;
- Trình bày CV chưa đẹp. Chưa có sự thống nhất về cách trình bày
trong toàn văn bản, không có trọng tâm, quy cách trình bày văn bản xấu,
sai lỗi chính tả. Có ứng viên gửi hồ sơ cho nhà tuyển dụng còn đặt câu
hỏi “Thư giới thiệu là gì?”. Không chỉ vì thiếu Thư giới thiệu mà ứng
viên đó bị loại, mà qua đó chứng tỏ tầm hiểu biết của ứng viên và khả
năng xử lý/thu thập thông tin và ứng xử hạn chế. (Tại sao không tự tìm
qua sách vở, bạn bè, Internet,… trước khi hỏi Nhà tuyển dụng?).
Thứ hai, về thư xin việc. Hầu như rất ít ứng viên có được một lá thư xin việc theo đúng nghĩa, các bạn chỉ gửi đính kèm bản sao các bằng cấp, sơ yếu lý lịch và một vài lời trong thư gửi cho nhà tuyển dụng. Thậm chí, buồn hơn, có rất nhiều bạn gửi hồ sơ ứng tuyển qua e-mail chỉ gửi mỗi file đính kèm mà không có một lời trong thư.
Điều này gây ấn tượng rất xấu với nhà tuyển dụng, vì chứng tỏ các
bạn không thật sự để tâm vào việc ứng tuyển. Khi các bạn chưa có việc
làm, các bạn mong muốn tìm được một công việc phù hợp thì quá trình từ
tìm kiếm thông tin tuyển dụng tới nộp hồ sơ chính là công việc của các
bạn, và nếu vậy, các bạn phải làm cho thật tốt.
Có những cuốn sách chỉ dẫn rất cụ thể cho các ứng viên để viết thư
xin việc như: Bản CV hoàn hảo; Để không bị nhà tuyển dụng bỏ lỡ…, yêu
cầu chung là thư chỉ dài trong một trang giấy khổ A4, trình bày rõ ràng,
đúng chính tả, cố gắng bày tỏ sự hiểu biết của bạn về nhà tuyển dụng,
vị trí ứng tuyển và bản thân bạn có thể đáp ứng được công việc đó như
thế nào.
Lớp Tiếng anh chuyên ngành: Giáo viên và học sinh thảo luận về cơ hội nghề nghiệp
Thứ ba, việc sàng lọc thông tin từ chính các ứng viên. Trước khi ứng tuyển vào một vị trí nào đó các bạn cần cân nhắc:
- Vị trí tuyển dụng. Có phù hợp với chuyên môn bạn được đào tạo không? Có phù hợp với sở thích của bạn không? Có đáp ứng được nguyện vọng/mong muốn của bạn không?
- Nhà tuyển dụng. Bạn phải nắm được họ hoạt động trong lĩnh vực nào? Định hướng, tôn chỉ của họ ra sao? Liệu việc gia nhập vào môi trường của họ có phù hợp với định hướng cá nhân của bạn không? Hiểu biết về họ là bạn hình dung được môi trường làm việc, văn hóa công ty như thế nào, và tự hỏi mình có phù hợp với họ không?
Từ thực tế kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực nhân sự lâu năm, tôi
đưa ra ba điểm mấu chốt trên, hy vọng sẽ góp phần giúp các bạn trẻ định
hướng rõ ràng hơn trong quá trình xin việc và có được công việc mong
muốn của mình, thậm chí là một công việc “hot”!
Chúc các bạn thành công!
Nguyễn Hồng Hà
* Đôi nét về tác giả:
Tác giả Nguyễn Hồng Hà là Giám đốc nhân sự của Công ty OCD và
của Tổ chức Pathfinder International, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội nhân sự
Việt Nam. Ngoài việc tham gia vào công tác nhân sự chuyên nghiệp, bà Hà
còn là giảng viên phụ trách nhiều khóa đào tạo cho sinh viên mới ra
trường mà gần đây nhất là khóa học Từ giảng đường đến doanh nghiệp cho sinh viên của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã diễn ra rất tốt đẹp.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét