Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

Sếp chán việc

Cấp trên của bạn đi muộn về sớm, không kiểm tra e-mail, chơi điện tử vài tiếng đồng hồ trong giờ làm và phớt lờ những câu hỏi liên quan tới công việc. Bạn cáu tiết vì vô số vấn đề không được xử lý khiến công việc trở nên bế tắc.
Dưới đây là những cách để nhân viên đối phó với những nhà quản lý bê trễ vì không còn hứng thú với công việc.
Tìm hiểu xem điều gì đang xảy ra
Các nhà quản lý cũng có những giai đoạn thay đổi tâm trạng giống như mọi người. Vì thế, trước tiên bạn nên tìm hiểu tại sao sếp lại tỏ ra không quan tâm tới công việc. Rất có thể sếp đang phải giải quyết một tình huống mang tính tạm thời như rắc rối hôn nhân, người thân mắc bệnh nặng. Nhưng trong nhiều trường hợp sếp đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng hơn. Một số nhà quản lý chán việc vì họ kiệt sức, song nhiều người khác buông xuôi vì họ mất động cơ phấn đấu.
Cố gắng giúp đỡ sếp
Chẳng có gì tồi tệ hơn khi phải làm việc dưới trướng một nhà quản lý chán việc. giáo sư Robert I. Sutton – một chuyên gia về khoa học quản lý tại Đại học Stanford, Mỹ - nói: “Những vị sếp không còn hứng thú với công việc sẽ làm giảm động cơ làm việc và khí thế của nhân viên. Thái độ chán nản của họ có thể lây lan như bệnh dịch”.
Nhưng cho dù phản đối thái độ làm việc của sếp thì chúng ta cũng không nên bàn tán điều đó với những người khác hoặc thốt ra những câu châm biếm hay xúc phạm. Thay vào đó, bạn hãy tìm kiếm cơ hội để giúp đỡ cấp trên.
Nhiều nhà quản lý chán việc sẵn sàng trao bớt trách nhiệm cho cấp dưới. Vì thế, nếu sếp đang quản lý một dự án, bạn hãy đề nghị được chia sẻ gánh nặng. Thái độ của bạn chẳng những làm giảm áp lực cho sếp, mà còn tạo ra cảm giác tốt đẹp về bạn trong tâm trí mọi người, kể cả sếp. Nhưng bạn nên cẩn thận khi yêu cầu giúp đỡ sếp. Một nguyên tắc mà mọi nhân viên đều phải nhớ là: Đừng bao giờ vượt qua ranh giới của bạn hoặc đe dọa vị trí của sếp. Nhà quản lý nào đó có thể chán việc, nhưng quyền hành vẫn nằm trong tay họ nếu họ chưa thôi việc.
Ảnh: bluehelm.com.
Ảnh: bluehelm.com.
Hành động quyết liệt hơn
Nếu những biện pháp trên không phát huy hiệu quả, có lẽ chúng ta cần thực hiện những biện pháp trực tiếp hơn.
Giả sử trong một công ty có sếp chán việc, vài nhân viên có vai trò quan trọng cùng tới gặp cấp trên và nói: “Chúng tôi ngưỡng mộ những thành quả mà ông/bà đã làm được cho công ty, nhưng nếu ông/bà không thay đổi thái độ làm việc hiện nay thì tôi nghĩ ông/bà nên từ chức”.
Bạn nghĩ gì về tình huống này? Đó là một hành động mạo hiểm và không phù hợp với tất cả công ty trên thế giới. Song nhiều nhân viên cảm thấy cách đó ổn, bởi họ biết chắc cấp trên không thể sa thải họ một cách dễ dàng.
Tất nhiên nhiều nhân viên khác không dám hoặc không muốn làm việc ấy. Vì thế họ cần những biện pháp tế nhị hơn. Chẳng hạn, một nhóm nhân viên có thể yêu cầu sếp tiến hành khảo sát thái độ làm việc của mọi người trong công ty, kể cả sếp. Trong những phiếu điều tra họ có thể đánh giá thái độ của sếp mà không sợ bị lộ danh tính. Một cách khác là yêu cầu khách hàng bày tỏ sự không hài lòng về sự thờ ơ của sếp. Cách này có thể dẫn tới sự thay đổi.
Nếu không thể thực hiện hai cách trước, chúng ta vẫn còn cách thứ ba: Nói chuyện với cấp trên của sếp. Trong nhiều trường hợp cách này là giải pháp tốt nhất, nhưng vẫn ẩn chứa rủi ro. Sếp trực tiếp của bạn có thể nổi giận nếu biết bạn gặp cấp trên của ông ta hoặc bà ta. Sau đó công việc của bạn có thể trở nên khó khăn hơn do sự tác động của sếp. Do đó chúng ta phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định hành động.
Trong trường hợp bạn không muốn tỏ ra là người thích phàn nàn, hãy tìm một người cố vấn trong công ty. Đó có thể là nhân viên lâu năm, có uy tín hoặc một nhà quản lý cấp thấp. Những người như vậy có thể cho bạn những lời khuyên về công việc mà bạn không thể có từ sếp. Thậm chí bạn cũng có thể yêu cầu họ tư vấn về cách đối phó với tình trạng sếp chán việc.
Đương nhiên, tìm công việc khác cũng là một lựa chọn đáng xem xét. Craig Isaacs, giám đốc điều hành của một công ty phần mềm tại Mỹ, từng chọn giải pháp đó khi ông còn làm nhân viên trong những năm đầu thập niên 90. Khi ấy ông làm việc tại một công ty công nghệ và chịu sự điều hành của một vị sếp sắp nghỉ việc. Nhiều lần Isaacs bắt gặp sếp chơi game trên máy tính trong vài giờ. Vì thế ông quyết định “tân trang” hồ sơ và tìm kiếm công việc khác.
“Vào một số thời điểm bạn phải quyết định bạn thực sự muốn gì. Nếu công việc ở công ty hiện tại không còn khiến bạn hứng thú, hãy rời khỏi nó ngay”, Isaacs nói.
Nếu tìm cơ hội việc làm mới không phải lựa chọn mong muốn thì bạn nên xem loạt phim truyền hình mang tên "The Office”. Loạt phim nói về Michael Scott, một ông chủ chán việc thường xuyên vắng mặt tại công ty và gây nên nhiều sai lầm tệ hại. Không muốn bỏ việc, các nhân viên của Scott buộc phải tìm mọi cách để đối phó và sửa chữa những sai lầm của sếp. Kết quả là công ty vẫn hoạt động tốt dù ông chủ không còn quan tâm tới nó. Bài học mà chúng ta có thể rút ra là: Ngay cả khi sếp vắng mặt triền miên, bạn vẫn có thể tìm ra cách để làm tốt công việc.
Thái Dương (theo AP)

Khát vọng làm CEO của các bạn trẻ

Cách đây vài ngày tôi có nhận được email của một bạn sinh viên từng nghe tôi giảng dạy. Nội dung bức thư khá ngắn gọn, thông báo rằng bạn đó đã ra trường và lập công ty riêng.
Bạn nói về khát khao khẳng định mình và ước mơ trở thành một CEO có tên tuổi. Lẽ ra tôi phải hạnh phúc vì những học trò của mình đã không quên thầy mà thông báo tin vui, nhưng tôi lại thấy chút băn khoăn trong lòng.
v
Một ngày bận rộn của ông Cao Duy Phong. Ảnh: SVVN.
5 năm trở lại đây số lượng các công ty một thành viên và công ty cổ phần tăng rõ rệt. Trong đó đa phần các công ty này đều do những người trẻ thành lập và quản lý. Đó là tín hiệu đáng mừng vì chúng ta đang có một thế hệ trẻ năng động, dám nghĩ dám làm. Nhưng đối lập với sự gia tăng về số lượng, thì tuổi thọ trung bình của các công ty này ngày càng giảm mạnh. Có những công ty chỉ tồn tại được vài tháng đã đóng cửa. Đâu là nguyên nhân của hiện tượng này?
Ngày càng có nhiều bạn trẻ sau khi ra trường không xin đi làm mà huy động vốn của gia đình, ban bè và nhiều nguồn khác để mở công ty riêng. Họ là những con người có chí lớn và ấp ủ ước mơ, khao khát trở thành những CEO thực thụ. Đất nước đang trên đà phát triển, Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triền nền kinh tế ngoài quốc doanh như chính sách thủ tục hành chính thông thoáng, cơ cấu ngành nghề đa dạng. Đây là một thuận lợi lớn đối với các bạn trẻ trong quá trình thành lập công ty. Việc Việt Nam gia nhập WTO cũng mở ra nhiều cơ hội tốt cho những ai có thực lực, dám đương đầu với sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường.
Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi luôn là những khó khăn, trở ngại. Các công ty mới thành lập thường có số vốn hạn hẹp. Nếu không có những chiến lược phát triển cụ thể, bền vững các công ty này sẽ gặp phải vô số khó khăn về tài chính. Chưa có thương hiệu cũng là một vấn đề lớn trong việc tìm kiếm đối tác và cạnh tranh giành hợp đồng. Để chèo lái những con thuyền kinh tế vừa được hạ thủy này rất cần có những nhà quản lý thực sự vững vàng và dày dặn kinh nghiệm. Mà kinh nghiệm thì không phải doanh nhân trẻ nào cũng có, nên việc thất bại của các công ty trẻ cũng là điều dễ hiểu.
Ngày xưa khi còn là sinh viên tôi cũng có ước mơ thành lập công ty riêng, ước mơ đưa công ty của mình trở thành một tập đoàn có uy tín và tên tuổi. Nhưng tôi nghĩ muốn làm việc lớn phải bắt đầu từ việc nhỏ và tôi khởi nghiệp bằng cách đi làm thuê. Thực ra quãng thời gian mà tôi đi làm thuê cho người khác là quãng thời gian cho tôi những kinh nghiệm quý báu. Đó là cơ hội để tôi tập duyệt không mất phí, còn được trả lương nữa. Khi đã dày dặn kinh nghiệm, hiểu rõ phương thức kinh doanh tôi mới thành lập công ty và tự mình kinh doanh. Tôi đã tránh được rất nhiều rủi ro cho công ty của mình vì sự thiếu kinh nghiệm và kiến thức thực tế. Sau 3 năm tôi đã phần nào thực hiện được ước mơ của mình, tôi đã không đi nhầm hướng.
Quay trở lại vấn đề rất nhiều bạn trẻ đã chọn cách mở công ty riêng thay vì đi làm thuê. Bản thân tôi cho rằng các bạn đã bỏ qua cơ hội thực hành trên vốn và cơ sở vật chất của người khác. Tôi thấy nhiều bạn có vốn sẵn trong tay, mở công ty như một cách để khẳng định mình, không có định hình rõ rệt, thậm chí không kiên trì theo đuổi mục tiêu do mình đề ra. Những bạn trẻ như vậy chắc chắn sẽ không thể thành công trên thị trường ngày càng cạnh tranh quyết liệt.
Tôi ủng hộ những ai dám ước mơ và thực hiện ước mơ của mình. Nhưng trước khi làm gì các bạn cần suy nghĩ thật chín chắn và sâu sắc. Hãy nhìn vào những người đã thành công để học tập và nhìn những người đã thất bại để rút kinh nghiệm. Các bạn không cần đi quá nhanh mà hãy học và biết cách bước đi chắc chắn. Chúc tất cả các bạn thành công trên con đường mà mình đã lựa chọn.
Cao Duy Phong

Sinh viên ra trường cơ hội nghề nghiệp ở đâu?

Em học năm thứ 3, sắp ra trường rất muốn có kinh nghiệm thực tế tại doanh nghiệp nhưng khó thay. Ban biên tập hãy giúp chúng em có niềm tin vào tương lai phía trước (Nguyễn Hiền).
Ông Cao Duy Phong, Chủ tịch HĐQT Hasaico Group:
Đôi lúc các em định nghĩa rằng công việc để có kinh nghiệm là chính chuyên ngành các em học, điều này từ trước tới nay rất khó. Khi còn là sinh viên chúng ta có thể làm được nhiều thứ mà vẫn được doanh nghiệp “công nhận” đó là kinh nghiệm và em cũng sẽ được ưu tiên hơn khi phỏng vấn. Công việc dành cho sinh viên không ít nhưng quan trọng là sinh viên thực sự có muốn làm hay không, làm có kiên trì không hay muốn có thêm thu nhập, kinh nghiệm. Có điều, đòi hỏi các công việc cao cấp là rất khó.
Anh có thể đưa ra các công việc em thấy sau đây:
- Hoạt động công tác đoàn đội, cần có những trải nghiệm cụ thể và khi viết CV, phỏng vấn em cần mô tả chi tiết những việc em đã làm, làm được tới đâu và mức độ thành công ra sao, công việc đó giúp em những gì.
- Nhân viên bán hàng: Công việc này nhiều bạn làm và nó rèn cho chúng ta tính kiên trì, khả năng giao tiếp và phục vụ khách hàng. Công việc này cũng giúp em có kiến thức về trải nghiệm khách hàng cũng như tư vấn.
- Nhân viên phục vụ tại nhà hàng, quán café: Đây là công việc mang lại nhiều kinh nghiệm cũng như rèn luyện tính kiên trì, cũng như thử thách về khả năng ứng xử, phục vụ khách hàng rất tốt, đồng thời cũng là cách giúp chúng ta hoàn thiện bản thân. Đây là công việc mà anh thấy ít người muốn làm (trong khi rất cần kinh nghiệm) bởi hay xấu hổ, nghĩ rằng mình là sinh viên sao phải làm công việc đó… Tuy nhiên chính bản thân anh hoặc các anh chị khác cũng từng trưởng thành và học hỏi rất nhiều từ những công việc như vậy.
- Nhân viên PR, Marketing: Công việc này đòi hỏi có sự sáng tạo và khả năng viết lách cũng như sự kiên trì. Đây là công việc không hề dễ dàng với sinh viên chút nào. Tuy nhiên nếu có năng khiếu và đam mê, em vẫn có thể làm được, thậm chí làm MC cho các chương trình xã hội cũng như các chương trình truyền hình, tuy nhiên để làm được MC truyền hình cần nhiều yếu tố hơn.
- Cộng tác viên kinh doanh: Hiện nay khá nhiều công ty vừa và nhỏ sử dụng cộng tác viên kinh doanh. Tuy nhiên công việc này khá vất vả và cần sự kiên trì lớn (để bán được sản phẩm), nhiều sinh viên khi làm một thời gian ngắn đã nản nên thấy rằng công việc không phù hợp và nghĩ rằng mình không thể làm được. Thực tế đây là một công việc rất tốt cho những ai sau nay muốn trở thành những chuyên gia bán hàng, doanh nhân... bởi nó giúp các em va chạm thực tế nhiều, tiếp xúc nhiều với khách hàng khó tính. Nó cũng giúp thử thách sự kiên trì, phát triển kỹ năng giao tiếp, lập kế hoạch rất tốt. Bản thân anh cũng trưởng thành từ cả công việc như vậy.
Và còn rất nhiều công việc khác nữa, nhưng quan trọng là em thực sự muốn làm hay không và phải xác định làm để làm gì? Chẳng có công việc nào dễ dàng và kém thử thách cả. Quan trọng chúng ta phải xác định được mục tiêu ở từng thời điểm. Khi là sinh viên chúng ta hãy làm những gì có thể và từ đó tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tế và vốn sống cho mình để có lợi thế khi đi làm. Bản thân anh cũng trưởng thành từ những công việc như phụ bán café và cộng tác viên kinh doanh.
Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp tuyển dụng và tạo cơ hội cho sinh viên làm việc. Điển hình là Hasaico Group với 3 công ty sử dụng nhiều sinh viên, tới nay đã có nhiều anh/chị trưởng thành tại Hasaico cũng như từ Hasaico với vị trí quan trọng của công ty và kết quả làm việc rất tốt.
Công ty anh có những công việc dành cho sinh viên như: Phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, quản lý lớp học, viết nội dung, quản trị website, thậm chí là trưởng ban công tác sinh viên…
Em hãy tìm hiểu và xác định rõ mình muốn gì nhé, đừng từ bỏ một cơ hội nào, miễn sao công việc của em là hợp pháp, chính đáng và phù hợp với lịch học của em, đừng quan tâm tới thu nhập hay sở thích với công việc vội. Chúc em mạnh khỏe và thành công.
Góc nhìn CEO

Những nghề lạ có thu nhập cao tại châu Á

Thợ xây, nhân viên tiếp rượu vang, gia sư, thợ mò ngọc trai là những nghề rất đỗi bình thường ở châu Á, nhưng khoản thu nhập mà chúng mang đến có thể khiến bạn ngạc nhiên.
Các thợ lặn mò ngọc trai làm việc tại Australia. Ảnh: Forbes.
Các thợ lặn mò ngọc trai làm việc tại Australia. Ảnh: Forbes.
Tìm ngọc trai dưới đáy biển là một công việc có lịch sử khá lâu đời. Những thợ lặn giàu kinh nghiệm và được đào tạo kỹ lưỡng lặn xuống độ sâu khoảng 30 m so với mặt nước biển để nhặt trai. Họ được kết nối với những người trên thuyền bằng dây. Cứ sau vài phút những người trên thuyền kéo thợ lặn lên mặt nước để hít thở. Việc làm ấy cũng giúp các thợ lặn không lạc.
“Đó là một công việc cực kỳ nguy hiểm, nhưng bù lại thu nhập khá xứng đáng”, Colin Burn - một thợ kim hoàn ở thành phố Broome, Australia - phát biểu.
Burn không hề nói đùa, bởi nhiều thợ mò trai ở Australia kiếm được tới 110.000 USD trong hai tháng.
Sau khi tham khảo ý kiến của các hãng tuyển dụng lao động, chuyên gia săn người tài, chuyên gia về việc làm tại châu Á, tạp chí Forbes tập hợp danh sách 30 nghề có thu nhập cao nhất tại châu lục này. Trong danh sách có những nghề thời thượng như kế toán, nhà giao dịch chứng khoán hay luật sư. Nhưng không phải tất cả người lao động đều thích những nghề truyền thống. Vì thế Forbes lại lập ra danh sách 12 nghề lạ thường nhưng cũng có thu nhập ngoài sức tưởng tượng.
Một thợ lặn làm việc cho dàn khoan dầu. Ảnh: Forbes.
Một thợ lặn làm việc cho dàn khoan dầu. Ảnh: Forbes.
Điều đáng ngạc nhiên là trong số đó có ba nghề mà người ta phải thực hiện dưới nước. Theo trang Oznewsroom.com, một đầu bếp có kinh nghiệm làm việc dưới tàu ngầm từ 6 năm trở lên có thể hưởng mức lương tới 227.000 USD mỗi năm, tương đương mức thu nhập của một thiếu tướng hải quân. Một trong những lý do khiến đầu bếp tàu ngầm được hưởng đãi ngộ hậu hĩnh là rất ít người muốn xuống tàu ngầm để nấu nướng cho quân nhân, bởi cuộc sống dưới đó gò bó và ít thú vui hơn nhiều so với cuộc sống trên đất liền.
Danh sách 12 nghề lạ lương cao ở châu Á
Một nghề dưới nước nữa là thợ lặn của các dàn khoan dầu mỏ và khí đốt. Những người lao động có kỹ năng chuyên môn trong nghề có thể kiếm tới 80.000 USD mỗi năm. Đó là tính toán của Nidthia Chelvam, Tổng giám đốc tập đoàn tư vấn quản lý Hay Group. Vì nhiều lý do hiển nhiên, lặn để khoan dầu và khí đốt phức tạp hơn nhiều so với lặn giải trí. Những thợ lặn chẳng những phải viếng thăm những địa điểm khoan dầu dưới đáy biển, mà còn phải thực hiện những thao tác thể chất và kỹ thuật ở dưới nước – như kiểm tra và dựng dàn khoan, hàn và đặt ống.
Thái Dương (theo Forbes)

Tuyển lao động có khuyến mãi

Xây nhà lưu trú, hỗ trợ tiền mua xe đạp, thêm phụ cấp hàng tháng… song nhiều doanh nghiệp đỏ mắt vẫn không tìm đủ lao động cần thiết đáp ứng nhu cầu sản xuất đang ở mức cao giữa năm.
Công ty Three Bambi 100% vốn Nhật Bản chuyên may quần áo trẻ em xuất sang Nhật đã rao tuyển thợ may, học viên may công nghiệp chính thức và thời vụ, nhưng chỉ lác đác vài người đến hỏi thông tin. Đại diện công ty chia sẻ: “Ai đến hỏi xin việc đều được giới thiệu những ưu đãi, ngoài lương thưởng còn có thêm phụ cấp. Nếu là nữ sẽ không phải lo tìm chỗ trọ”. Thế nhưng, chỉ tiêu 50 lao động đến nay vẫn chưa tuyển đủ.
n
Trong khi nhiều người vất vả ngược xuôi tìm việc, thì nhiều doanh nghiệp hàng tháng trời vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Ảnh: B.H.
Tại Công ty Manequins Đông Á, thông tin cần người từ hai tháng qua vẫn còn, đi kèm với bảng lương chi tiết cho từng bộ phận, từng vị trí, mức thu nhập đã có sự điều chỉnh so với trước. Nhiều công ty, nhất là lĩnh vực dệt may tuyển dụng diễn ra hàng ngày và không quên kèm theo lời giới thiệu hấp dẫn: “Môi trường làm việc tốt, trả lương cao…”.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư thương mại thủy sản (ICF) Trịnh Bá Hoàng trong văn bản gửi Sở giao dịch chứng khoán TP HCM cũng thừa nhận, một trong những nguyên nhân khiến hoạt động kinh doanh quý một giảm gần một nửa so với cùng kỳ là do yếu tố nhân lực. Bởi sau Tết, nhiều người ở hẳn dưới quê tìm đến các khu công nghiệp tỉnh, khiến cho sản lượng, doanh số xuất khẩu công ty chỉ bằng 51% so với cùng kỳ năm 2009.
Nhiều trung tâm giới thiệu việc làm than thở đang bí nguồn lao động. “Từ nhiều tháng nay, cung không đáp ứng đủ cầu, chỉ đạt 20-30% so với chỉ tiêu”, Phó giá đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Thanh Niên Nguyễn Văn Sang cho biết. Trong khi việc tuyển thư ký, kế toán, kinh doanh hiện khá dễ dàng, thì những công việc đơn giản, không đòi hỏi cao (lao động phổ thông, bán hàng…) lại hết sức khó khăn.
Bức bách, một số doanh nghiệp (nhất là lĩnh vực da giày, dệt may, ngành vệ sinh công nghiệp) nghĩ ra những chiêu thức để hút lao động. Từ việc xây nhà lưu trú, nâng phụ cấp, hỗ trợ xe đạp, lôi kéo lao động từ doanh nghiệp bạn, đến khả năng xuống tỉnh tuyển dụng. Một số đơn vị còn nghĩ đến giải pháp hỗ trợ xây dựng nhà giữ trẻ để công nhân yên tâm gửi con làm việc…
“Không phải thiếu việc, mà do người lao động kén chọn”, cán bộ phụ trách tuyển dụng ở Trung tâm giới thiệu việc làm quận 10 khẳng định. Nhiều lao động đã tốt nghiệp đại học, có chuyên môn, kinh nghiệm không chấp nhận công việc có lương khởi điểm dưới 4 triệu đồng. Còn bán hàng, phục vụ nếu trả 2 triệu đồng trở xuống cũng không mấy ai hào hứng đi làm.
j
Trưng nhiều thông tin hấp dẫn, song, việc tuyển dụng ở nhiều nơi vẫn rất khó khăn. Ảnh: B.H.
Nhiều lao động cho rằng thu nhập có tăng, nhưng thực chất không xê dịch bao nhiêu so với trước. Trong khi đó, giá cả hàng hóa đội lên nhiều lần. Chị Thanh Mai, làm ở Khu công nghiệp Tây Bắc (Củ Chi) tính toán: “Không nghỉ ngày nào, cộng thêm tăng ca, chuyên cần… mới hơn 2 triệu đồng, chỉ như muối bỏ bể trong thời buổi tiền phòng, sinh hoạt phí đều leo thang”. Chính vì vậy, những người mới chưa có tay nghề, học việc với mức lương hơn một triệu mỗi tháng do dự nộp đơn vào, dù hiện nay có rất nhiều công ty sẵn sàng đón nhận những ứng cử viên chưa có kinh nghiệm.
Phó giám đốc thường trực Trung tâm giới thiệu việc làm TP HCM (trực thuộc Sở Lao động Thương binh Xã hội – Trần Anh Tuấn) lý giải: “Doanh nghiệp khó có thể nâng lương lên mức hợp lý bởi bản thân họ cũng phải đối diện với một loạt chi phí tăng cao”. Song, không có lao động thì không thể sản xuất, doanh nghiệp sẽ phá sản nên nhiều nơi nghĩ ra trăm nghìn phương cách chèo kéo, kêu gọi người lao động. 
“Trọng tâm của bài toán nhân lực hiện nay không tập trung vào ngành nghề, đào tạo, mà là giá nhân công”, ông Tuấn đúc kết. Chính vì vậy, dù thất nghiệp ở quê, nhưng nhiều người không sẵn lòng quay lại thành phố làm việc với mức lương khó có thể đảm bảo cuộc sống.
Huỳnh Phan

Làm sếp phải chịu cô đơn

Lâu nay, người ta chỉ nhìn thấy sếp bận rộn trong vai trò lãnh đạo, ăn mặc chỉn chu và hay xuất hiện chốn đông người. Nhưng quỹ thời gian ít ỏi còn lại của sếp tưởng chừng như không đủ để buồn lại chứa chất nỗi niềm rất riêng.
Vừa bước vào cửa phòng, chị Nguyên - giám đốc công ty truyền thông ở Hà Nội giật mình khi nghe tiếng 2 nhân viên thì thầm: "Từ hồi bỏ chồng, bà ấy ngày càng khó tính hơn. Mặt cau có thế thảo nào chồng không chịu nổi, bỏ là phải".
Chị Nguyên ngớ người và không tin nổi nhưng lời nói kia lại được phát ra từ chính những nhân viên của mình. Họ có biết đâu, một năm qua khi lựa chọn cuộc sống độc thân, chị đâu còn thì giờ để nghĩ đến chuyện chồng hay con. Lúc nào trong đầu chị cũng quay cuồng với câu hỏi làm thế nào để tăng doanh thu để nuôi sống doanh nghiệp. "Tôi đâu có lo cho bản thân mình mà đang nghĩ cách kiếm tiền để nuôi "những đứa con bất đắc dĩ" - hơn 20 nhân viên trong công ty", chị Nguyên than thở.
d
Đôi khi sếp thấy cô đơn trong chính căn phòng làm việc của mình. Ảnh minh họa.
Nửa năm qua, kinh tế mới phục hồi, ngành quảng cáo chậm chạp hồi sức. Các doanh nghiệp sau một thời gian chống chọi khủng hoảng chỉ dám chi rón rén cho công tác truyền thông, hợp đồng mà chị Nguyên dành về cho công ty cũng không được nhiều. "Những sếp như tôi kiếm tiền bục mặt, lúc nào cũng căng thẳng vì lo không có tiền trả lương cho nhân viên. Nhân viên lại tụ tập thì thầm nói mình khó tính. Thật không có nỗi buồn nào hơn", chị nói.
20 phút nói chuyện ngắn ngủi với VnExpress.net, chị Nguyên không ngớt than vắn thở dài: "Làm sếp chẳng hề sướng, có nhiều nỗi buồn không thể chia sẻ cùng ai. Khổ nhất là người thân hiểu lầm, nhân viên xa lánh. Đơn giản là đôi khi lo kiếm tiền, mặt cứ dài ra không nói với ai câu nào - nhân viên nghĩ sếp khó chịu, hách dịch. Sếp muốn có doanh thu, muốn nhân viên có thêm thu nhập nên thúc ép anh em làm việc thì bị cho là ác. Những hiểu lầm dẫn đến chuyện nhân viên ngấm ngầm chống đối, bằng mặt mà không bằng lòng. Khoảng cách giữa nhân viên và sếp cứ ngày một dài ra".
Rất nhiều sếp than thở với VnExpress.net chuyện gặp nhân viên ở cầu thang, ngoài hành lang chỉ nhận được câu chào qua loa. Thấy sếp ngồi ở bếp ăn tập thể, kiểu gì nhân viên cũng chọn cho mình góc khuất để tránh phải tiếp xúc, phải chuyện trò. Thậm chí, ngay cả khi ở chốn công cộng gặp sếp, nhân viên cũng cố lủi cho nhanh vì sợ sếp nghĩ mình đi chơi, không chịu làm việc.
Trong khi rất nhiều sếp quan niệm: Làm ra làm, chơi ra chơi. Khi làm thì hết sức, khi chơi thì hết mình. Thế nhưng, không phải lúc nào, nhân viên cũng thoải mái thực hiện các yêu cầu và mong muốn của người lãnh đạo.
Tổng giám đốc một hãng viễn thông lớn ở Hà Nội sau một thời gian âm thầm chịu cảnh "lủi thủi" đi ăn trưa một mình đã phải thốt lên: "Tôi có phải là cọp đâu mà từ phó giám đốc cho đến các trưởng phòng, nhân viên, chẳng ai chịu đi ăn với mình". Trừ khi phải tham gia các buổi tiệc chiêu đãi, tiếp đối tác, bạn hàng, những buổi trưa còn lại, vị sếp này vẫn lặng lẽ ăn một mình, rồi lại về phòng nghỉ.
Giám đốc hãng phân phối máy tính ở Hà Nội - Phan Đình Sơn cũng than thở: "Rất khó tìm được người chia sẻ trong môi trường làm việc. Khi khó khăn mình không thể nói thẳng với nhân viên rằng công ty đang khó khăn đấy, không làm việc cẩn thận là có thể bị sa thải. Thành thử chúng tôi cứ phải cố, cứ phải lo cho đến khi bị stress nặng mới thôi".
Có lẽ do thường xuyên phải một mình suy nghĩ, một mình lo lắng khi hàng không bán được, đối tác chậm thanh toán nên đôi khi anh Sơn bị cho là kỹ tính và đòi hỏi quá cao ở nhân viên mình. 5 năm kể từ khi thành lập doanh nghiệp, anh vẫn có thói quen đi ăn cơm một mình hoặc gọi cơm hộp về phòng làm việc. Anh chấp nhận điều này như một thực tế hiển nhiên. "Bản thân trong gia đình, đôi khi có những chuyện mình cũng không thể chia sẻ vì sợ họ lo lắng. Do vậy, làm sếp thì phải chấp nhận cô đơn thôi", anh Sơn cho biết thêm.
Danh vọng, thành tích mà các sếp đạt được là thứ không thể chối cãi nhưng cái mất của những người giữ vai trò lãnh đạo thì cũng khó mà phủ nhận. Các chuyên gia tâm lý cho rằng làm sếp cũng đồng nghĩa với việc phải chấp nhận áp lực công việc và những thiết thòi nhất định về phía mình. Bởi lẽ, các sếp không thể ngồi cùng phòng làm việc với nhân viên để thỏa sức tám chuyện, lại càng không có thì giờ để tụ tập với bạn bè.
Với những người có quá nhiều việc để làm như các sếp thì ngay cả việc bấm điện thoại để hỏi thăm bạn bè hay ai đó một câu "có khỏe không?" cũng là chuyện không dễ gì thực hiện được. Ai cũng hiểu rằng cảm giác cô đơn không mang lại lợi ích mà chỉ gây phiền toái cho con người, nhưng không phải người nào cũng tìm được cách để thoát ra. Khi đó, mái nhà, người thân được coi là bến đỗ bình yên nhất cho mỗi người. Và lời khuyên là: Khi bạn cảm thấy cô đơn, buồn chán đừng ngại ngần bấm máy điện thoại để gọi cho người mà bạn nghĩ tới đầu tiên.
Phan Linh Anh

Khuyến khích nhân viên nhảy việc

Để kéo dài thời gian gắn bó của nhân viên, chủ một công ty cung cấp dịch vụ vệ sinh nhà ở áp dụng một chiến thuật lạ đời: Giúp người lao động học những kỹ năng cần thiết để tìm công việc tốt hơn.
s
Derek Christian, chủ công ty My Mail Service. Ảnh: CNN.
Sau 12 năm làm thuê cho tập đoàn Procter & Gamble với công việc bán chất tẩy rửa, Derek Christian muốn trở thành một doanh nhân. Vì thế mà vào năm 2007, anh mua lại My Mail Service, một công ty cung cấp dịch vụ vệ sinh nhà ở tại thành phố Lebanon, bang Ohio. Khách hàng của anh là những hộ gia đình khá giả ở Cincinnati, thủ phủ bang Ohio.
Công ty có doanh số khá ổn định, đạt mức trung bình 260.000 USD mỗi năm. Tuy nhiên điều đáng chú ý là doanh số tuy cao nhưng hầu như không tăng sau từng năm. Christian nhanh chóng nhận ra trở ngại lớn nhất kìm hãm đà tăng của doanh thu: sự luân chuyển của công nhân. Hầu như chẳng có đứa trẻ nào mơ ước trở thành công nhân vệ sinh khi trưởng thành. Vì thế mà thời gian làm việc trung bình của công nhân trong My Maid Service chỉ là 4 tháng. Thực trạng đó khiến nhiều khách hàng không hài lòng, vì họ không muốn thay đổi những công nhân mà họ tin tưởng.
Tỷ lệ luân chuyển công nhân trong năm 2007 lên tới 300% nên Christian phải dành phần lớn thời gian cho việc tuyển dụng và huấn luyện nhân viên. Tăng lương không phải là giải pháp hay để giữ chân họ.
Vì thế Christian gặp một nhà tư vấn. Người này đưa ra một giải pháp lạ thường: My Maid Service sẽ chi tiền để đào tạo những kỹ năng mới cho người lao động nếu họ muốn rời bỏ công ty.
“Nhưng đổi lại công nhân phải làm việc cho tôi trong ít nhất hai năm”, Christian nói.
Christian gặp từng công nhân và thảo luận với họ về lộ trình trong sự nghiệp. Một số người muốn gắn bó với My Maid Service với vai trò quản lý hành chính hoặc giám sát công nhân. Trong khi đó, nhiều người có ý định chuyển sang những công việc khác như y tá, thư ký hay kế toán. Christian chi tiền để công nhân tham gia những khóa đào tạo trên mạng hoặc tại các trường đại học trong thành phố. Chi phí không cao lắm – khoảng 75 tới 100 USD dành cho một người trong mỗi khóa. Một số công nhân lấy luôn dịch vụ lau dọn nhà ở làm đề tài cho bài tập về nhà, chẳng hạn như thiết kế chiến dịch quảng cáo cho dịch vụ.
Dan Bobinski, một nhà tư vấn quản lý tại thành phố Boise, bang Idaho, Mỹ nhận xét rằng chiến lược đào tạo của Christian tuy không phổ biến song lại hiệu quả.
“Anh ấy tìm hiểu động cơ làm việc của họ và sẵn sàng trả tiền để họ làm những công việc thấp kém cho công ty”, Bobinski nói.
Bobinski khẳng định chiến lược của Christian mang đến nhiều lợi ích. Chi phí trung bình cho việc tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới vào khoảng 2.000 USD. Vì thế chi tiền vào những khóa học của nhân viên cũ là một khoản đầu tư thông minh. Đào tạo là một trong những lợi ích mà các công ty nên dành cho nhân viên.
“Lý do hàng đầu khiến người lao động bỏ việc là họ không cảm nhận được thách thức trong công việc. Lực lượng lao động ngày nay, đặc biệt là thế hệ trẻ, luôn muốn học những kỹ năng mới”, Bobinski giải thích.
Nhờ chi tiền cho công nhân học kỹ năng làm việc mới và chính sách tăng lương đều đặn mà tỷ lệ bỏ việc của My Maid Service giảm xuống con số không trong năm 2009. Christian dự đoán tỷ lệ thôi việc sẽ đạt mức cao vào năm 2011, khi phần lớn 32 nhân viên của anh hoàn thành các khóa đào tạo. Tuy nhiên, ông chủ trẻ tin rằng những công nhân mới sẽ trung thành với anh trong hai năm tiếp theo.
Ngoài việc giảm chi phí đào tạo nhân viên mới, sự ổn định trong lực lượng lao động còn làm tăng doanh thu cho công ty. Khi một công nhân vệ sinh làm việc cho một gia đình trong thời gian dài, người đó sẽ chiếm được lòng tin của chủ nhà và nguy cơ trộm cắp tài sản cũng giảm. Lòng tin của khách hàng đối với nhân viên càng lớn thì họ sẽ càng muốn gắn bó lâu dài với công ty. Ngược lại, nếu nhân viên chỉ làm trong một thời gian ngắn chủ nhà sẽ giảm lòng tin với My Maid Service và có thể chọn công ty khác.
Để tăng doanh thu, Christian cũng điều chỉnh chiến thuật tiếp thị. Nhận ra rằng những người thuộc tầng lớp trung lưu như giáo viên, bác sĩ, công chức nhà nước hiếm khi thay đổi chỗ ở, anh quyết định hướng các chiến dịch tiếp thị vào họ. Công ty tuyên bố ba khách hàng trong một nghề nhất định – như lính cứu hỏa, cảnh sát – sẽ được hưởng dịch vụ vệ sinh nhà miễn phí trong một khoảng thời gian nhất định nếu họ là người đăng ký đầu tiên.
Được khuyến khích bởi thành công ở Ohio, Christian quyết định mở rộng hoạt động kinh doanh. Năm 2008 anh thành lập chi nhánh của My Maid Service tại thành phố Dallas, bang Texas cùng người em trai Shawn. Mặc dù môi trường kinh doanh ở Dallas có mức độ cạnh tranh khốc liệt hơn do nhiều công ty cùng ngành nghề sử dụng lao động nhập cư với giá rẻ mạt, chi nhánh tại đây vẫn đạt doanh thu 225.000 USD vào năm 2009. Do doanh thu của chi nhánh tại Ohio đạt 775.000 USD trong cùng thời kỳ, tổng doanh thu của My Maid Service trong năm ngoái vượt mức 1.000.000 USD.
Christian không muốn dừng lại ở đó. Anh sẽ mở thêm nhiều chi nhánh mới ở phía bắc bang Kentucky và thành phố Dayton thuộc bang Ohio ngay trong năm 2010. Ngoài ra My Maid Service sẽ “nhảy” sang cả hoạt động cung cấp dịch vụ vệ sinh tòa nhà thương mại và lau thảm. Christian phấn đấu đạt mức tăng doanh thu là 35% trong năm nay.
Đào tạo kỹ năng mới để nhân viên nhảy việc là một cách kỳ cục để giữ chân người lao động, nhưng Christian khẳng định nó đang mang đến cho anh nhiều lợi ích. Theo Christian, thà công ty có một nhân viên làm việc với tâm trạng hài lòng trong hai năm còn hơn thuê một người sẵn sàng bỏ việc sau 4 tháng.
Thái Dương (theo CNN)

Những nghề lương cao mà ít stress

Xây dựng dân dụng, viết hướng dẫn kỹ thuật cho sản phẩm mới, mát-xa là ba trong số những nghề không gây căng thẳng nhưng lại có mức thu nhập tương đối cao tại Mỹ.
Nếu tìm việc làm, chắc chắn mọi người đều muốn có được một công việc kiếm bộn tiền mà không phải chịu quá nhiều áp lực. Điều này nghe có vẻ viển vông, nhưng trên thực tế chúng ta chẳng cần phải làm một công việc đau đầu như bác sĩ phẫu thuật não, phi công hoặc môi giới chứng khoán mà vẫn có thể hưởng một mức lương cao. Trong xã hội có nhiều công việc phải chịu áp lực rất lớn mà người lao động chỉ nhận được một khoản lương bèo bọt, điển hình như: cảnh sát, nhân viên cứu hỏa hay những người làm công tác xã hội. Tại Mỹ những người này chỉ kiếm được dưới 45.000 USD một năm. Còn những binh lính ngày ngày đối diện với cái chết thì thậm chí chỉ được trả dưới 30.000 USD một năm. 
Nhưng thật may là có rất nhiều công việc tuy nhàn hạ nhưng lại trả cho bạn một mức lương khá hào phóng. 
d
Ông Kaz Mohan, một kỹ sư xây dựng dân dụng của Cơ quan Giao thông vận tải bang Illinois, Mỹ đang kiểm tra một cây cầu. Công việc này giúp ông kiếm được 50.000 USD – 115.000 USD/năm. Ảnh: AP.
1. Nhà vật lý trị liệu 
Mặc dù các nhà vật lý trị liệu làm việc trong lĩnh vực đầy áp lực: y học, họ vẫn có vài lợi thế đặc biệt so với các bác sĩ và y tá. Thứ nhất, họ khá linh hoạt về thời gian và thường không phải làm việc đêm. Thứ hai, rất nhiều người làm việc tự do và do vậy họ không phải chịu sức ép từ phía ông chủ. 
Hơn nữa, vì con người dần ngày càng phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe, các nhà vật lý trị liệu lại càng có nhiều bệnh nhân hơn. Kết quả là họ hiếm khi phải chịu cảnh thất nghiệp.  Mỗi người làm nghề này tại Mỹ có thể kiếm 50.000 USD - 105.000 USD mỗi năm.  
2. Kỹ sư phần mềm máy tính 
Nếu bạn là một người đam mê công nghệ và đang tìm kiếm một ngành nghề tương đối ít stress, có thể bạn sẽ muốn thử sức trong lĩnh vực kỹ sư phần mềm. Những người này thiết kế và kiểm tra rất nhiều loại phần mềm khác nhau, từ trò chơi điện tử đến các hệ điều hành và các ứng dụng thương mại. Ngày nay, rất nhiều kỹ sư phần mềm có thể làm việc tại nhà, bởi công việc của họ có thể được hoàn thành tại bất cứ đâu.  
Các kỹ sư phần mềm cũng được trả lương rất cao, thường là khoảng 54.000 USD đến 130.000 USD một năm. 
3. Kỹ sư xây dựng dân dụng
Kỹ sư dân dụng thiết kế và xây dựng cơ sở hạ tầng quốc gia, từ những tòa nhà công cộng, đường sá cho đến hệ thống cung cấp nước và kiểm soát chất thải. Hiển nhiên, những dự án này vẫn có áp lực, nhưng kỹ sư dân dụng thường làm việc theo nhóm nên áp lực cũng giảm bớt. Ngoài ra, nghề này thường thoải mái về thời gian. Trên thực tế, hầu hết các kỹ sư đều có vài năm để thiết kế và lên kế hoạch một dự án trước khi việc xây dựng bắt đầu. 
Các kỹ sư dân dụng không phải mất nhiều công sức để tìm được việc làm. Theo số liệu của Phòng Thống kê Lao động Mỹ, nghề này sẽ có mức tăng trưởng nghề nghiệp là 24% trong vòng 10 năm tới, cao hơn rất nhiều so với mức bình quân của các ngành nghề khác ở Mỹ.  Với nghề kỹ sư xây dựng dân dụng, bạn có thể kiếm được 50.000 USD – 115.000 USD một năm. 
4. Nhân viên mát-xa 
Mát-xa là một công việc vô cùng thoải mái và ít áp lực đối với hầu hết mọi người. Đó là bởi vì không chỉ phần lớn các nhân viên mát-xa đều làm việc tư nhân mà vì họ còn thường xuyên được ngửi mùi hương dịu mát của dầu thơm, nghe những bản nhạc êm ái hay âm thanh từ biển cả trong khi đang làm việc. 
Vì rất nhiều chuyên viên mát-xa làm việc bán thời gian, nên lương hằng năm trong lĩnh vực này cũng dao động khá lớn. Tuy nhiên, đa số họ được trả lương theo giờ và tính trung bình, họ kiếm được 10 USD - 35 USD một giờ. Dĩ nhiên, nếu có nhiều khách hàng, bạn có thể dễ dàng kiếm được 45.000 USD một năm hoặc hơn. 
5. Chuyên viên viết hướng dẫn kỹ thuật
Trong kỷ nguyên công nghệ thông tin, hàng ngày có rất nhiều công cụ, thiết bị di động và điện tử mới ra đời. Và rõ ràng là cần phải có một ai đó viết hướng dẫn cho chúng để tất cả mọi người đều biết cách sử dụng. Đó là khi người ta cần đến những người chuyên viết các hướng dẫn kỹ thuật. 
Mặc dù thỉnh thoảng những người này phải chạy bở hơi tai để hoàn thành cho kịp hạn chót, họ vẫn có thời gian biểu hết sức linh hoạt với một không gian làm việc rất thoải mái và yên tĩnh. Đa số họ chỉ mất 10 giây để di chuyển từ bàn làm việc đến giường ngủ vì tất cả những thứ cần cho công việc chỉ là một chiếc điện thoại và một máy tính có kết nối Internet. Do vậy, hầu hết họ có thể làm việc tại nhà.  
Nghề này có thể giúp bạn kiếm được từ 47.000 USD – 98.000 USD một năm. 
Hà Thu (theo AP)

Sếp lương cao dễ bần tiện

Nghiên cứu mới công bố của chuyên gia các trường đại học danh tiếng ở Mỹ cho thấy lương giám đốc điều hành tăng tỷ lệ nghịch với chế độ đãi ngộ nhân viên.
Bản nghiên cứu tiêu đề "When Executives Rake in Millions: Meanness in Organizations" (tạm dịch là 'Khi giám đốc hưởng lương triệu đô, doanh nghiệp trở nên bần tiện') được các chuyên gia trình bày tại Hội nghị quốc thường niên thứ 23 về vấn đề quản lý xung đột trong tổ chức, diễn ra 24-27/6 tại Massachusetts (Mỹ), và được Huffinton Post đăng tải hôm 6/7.
do250-1349158009_480x0.jpg
Ảnh minh họa.
Các tác giả, đến từ 3 trường đại học Harvard, Utah và Rice, cho biết mức lương trung bình của CEO các công ty trong Fortune 500 (bảng xếp hạng danh sách 500 công ty lớn nhất Mỹ tính theo tổng thu nhập) đã tăng 300% trong các năm từ 1990 đến 2005. Riêng CEO của các công ty niêm yết ở nhóm Standard and Poor 500 giờ lĩnh lương trung bình 10,9 triệu USD mỗi năm.
Việc trả lương cao cho CEO thường bị chỉ trích vì làm tăng rủi ro cho nền kinh tế, không cân xứng với mức lương thông thường hay chẳng liên quan gì đến kết quả hoạt động thực sự của công ty. Và theo các chuyên gia nói trên, lương càng cao thì các CEO lại càng “xấu tính”.
Trên thế giới, có rất nhiều ví dụ điển hình về việc lãnh đạo xử tệ với nhân viên. Nổi bật nhất là vụ việc của Wal-Mart – nhà bán lẻ lớn nhất nước Mỹ. Năm 2009, công ty tư nhân này đã vi phạm luật tiền lương, không cung cấp đầy đủ dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân viên, bóc lột công nhân, không cho thành lập công đoàn và vi phạm hàng loạt nhân quyền ở nước ngoài.
Theo bản nghiên cứu nói trên, một số chi nhánh nước ngoài của Wal-Mart đã từ chối trả lương tối thiểu, lương ngoài giờ và không trang bị dụng cụ bảo hộ đúng tiêu chuẩn cho nhân viên, thậm chí còn thuê cả lao động trẻ em. Ngay tại Mỹ, cách hành xử của các giám đốc Wal-Mart với nhân viên cũng tệ bạc. Chẳng hạn ở California, Wal-Mart còn không cho nhân viên nghỉ trưa, dù là nghỉ không lương trong vòng 30 phút. New York Times mới đây có được bản thông báo nội bộ của Wal-Mart trong đó nêu rõ sự tiết giảm chi phí nhân công thiếu đạo đức như vậy có thể giúp tăng lợi nhuận của hãng lên mức 1 tỷ USD vào năm 2011.
Các giáo sư từ ba trường đại học Harvard, Rice và Utah biện luận rằng chênh lệch về thu nhập ngày càng tăng giữa lãnh đạo và công nhân đã dẫn đến việc “bất đối xứng về quyền lực ở công sở, các lãnh đạo cấp cao có xu hướng coi các công nhân như những đồ vật có thể bỏ đi bất cứ lúc nào và không xứng đáng có được vị trí của một con người”.
Để kiểm định giả thiết này, các tác giả đã thực hiện hai cuộc nghiên cứu: Một dựa trên số liệu thống kê có sẵn và một là thí nghiệm với một nhóm sinh viên.
Trong nghiên cứu đầu tiên, họ sử dụng dữ liệu của công ty Kinder, Lydenberg, Domini & Co (KLD). Công ty này thực hiện các cuộc khảo sát hàng năm trên khoảng 650 công ty để đánh giá mối quan hệ giữa lãnh đạo, công nhân và một số bên liên quan khác. Trong dữ liệu của KLD, các công ty sẽ bị cộng điểm nếu họ từng bị phạt vì đối xử bất công với nhân viên và được trừ điểm nếu họ có các chương trình có lợi cho nhân viên. Nhóm tác giả đã chọn ra 261 công ty để nghiên cứu và chỉ tập trung vào mối quan hệ giữa lãnh đạo với nhân viên. Các số liệu thống kê cho thấy mức lương của lãnh đạo càng cao thì số điểm “xấu tính” của họ càng lớn. So sánh các phàn nàn của công nhân với các mức lương, họ nhận thấy rằng những lãnh đạo được trả lương cao thường có xu hướng nghĩ rằng mình là người đầy quyền lực và do đó càng coi thường nhân viên. .
Phần thứ hai của cuộc nghiên cứu, các giáo sư chọn ra 62 sinh viên để tham gia vào một thí nghiệm nhằm nghiên thái độ và hành vi của những người này đối với nhân viên khi họ được đặt vào vị trí của lãnh đạo. Nhóm sinh viên được yêu cầu tham gia giải một vài trò đảo chữ đơn giản và được thông báo rằng dựa trên kết quả bài làm, họ sẽ được chỉ định làm “giám đốc” hay “nhân viên”.
Tuy nhiên, sau đó, tất cả số sinh viên trên đều được gán chức danh “giám đốc”, nhưng họ được chọn ngẫu nhiên làm giám đốc lương cao và lương thấp. Các nhà nghiên cứu giải thích rằng việc này là do chất lượng bài làm của họ. Cuối cùng, các giáo sư đặt câu hỏi giả sử nhân viên của họ chỉ đạt được kết quả trung bình trong các bài tập tiếp theo, thì họ sẽ sa thải hay giữ lại những người đó. Kết quả là những giám đốc lương cao có xu hướng sa thải nhân viên hơn các giám đốc lương thấp.
Các tác giả khẳng định rằng họ là “những người đầu tiên nghiên cứu cả về lý thuyết và thực tiễn mối liên hệ giữa mức lương và quyền lực”. Họ cũng đề xuất một vài giải pháp để giải quyết vấn đề này. Đó là: phân biệt rạch ròi lợi ích của Hội đồng quản trị và các CEO, tách riêng nhân viên tư vấn mức lương và kiểm toán của công ty ra khỏi tầm quản lý của các CEO, tăng quyền hạn cho các cổ đông, giới hạn lương của CEO, áp dụng thuế lũy tiến, kết hợp trả lương với làm từ thiện, tăng quyền lực cho công nhân, và nhờ cậy các phương tiện thông tin truyền thông vào cuộc.
Hà Thu

Một CEO đáng giá cả nghìn nhân viên

Bạn có thể thuê bao nhiêu nhân viên với số tiền bạn trả cho 1 CEO? Không phải ai cũng hào phóng như Steve Jobs của Apple.
Người sáng lập ra “Quả táo” chỉ nhận mức lương chính thức 1 USD mỗi năm, trong khi một nhân viên kinh doanh tại một cửa hàng của Apple kiếm được tới 31.200 USD mỗi năm. Nhưng Jobs chỉ là trường hợp ngoại lệ.
Khoảng cách thu nhập giữa lãnh đạo và nhân viên mới vào nghề đã dần được thu hẹp trong vài năm gần đây, nhưng sẽ là rất bình thường nếu lương ngày dành cho CEO của một công ty lớn nào đó thậm chí còn nhiều hơn lương năm của vài nhân viên.
Ảnh minh họa: reviewjournal.com
Ảnh minh họa: reviewjournal.com
Mức độ chênh lệch rất khác nhau giữa các ngành nghề. Trong lĩnh vực công nghệ, dược phẩm và sản xuất, khoảng cách giữa lương CEO và nhân viên có xu hướng nhỏ hơn vì công nhân được trả lương cao. Trong khi đó, các ngành bán lẻ và một số ngành hàng tiêu dùng (nơi các nhân viên trực tiếp làm việc với khách hàng để bán sản phẩm và dịch vụ), thì khoảng cách lại lớn hơn nhiều, một phần vì nhân viên mới vào chỉ được hưởng mức lương thấp.
Trong bài viết mới đăng tải trên Daily Finance, tác giả Douglas A. McIntyre (từng là tổng biên tập tờ Financial World Magazine, chủ tịch trang Switchboard.com từng nằm trong danh sách 10 website có lượng truy cập lớn nhất thế giới) đã công bố kết quả khảo sát hơn 10 công ty có mức chênh lệch lớn giữa lương CEO và nhân viên. Ông tính tổng số tiền mà CEO nhận được, bao gồm cả tiền mặt, thưởng, quyền chọn cổ phiếu và một số ưu đãi khác như được cấp máy bay của công ty. Tất cả số liệu trên đều là thông tin cập nhật lấy từ một nguồn tin đã được ủy quyền. Còn lương của công nhân, chủ yếu tính theo lương giờ, được lấy qua công ty cũng như qua các cuộc phỏng vấn trực tiếp với công đoàn và công nhân.
Nổi bật nhất trong số các CEO trong danh sách là Jamie Dimon - CEO của JPMorgan. Năm 2009, ông chỉ kiếm được món tiền "ít ỏi" 1,3 triệu USD khi các CEO phố Wall chịu sức ép hưởng lương thấp do cuộc khủng hoảng tài chính và các khoản cứu trợ của chính phủ. Tuy nhiên, Dimon cũng đã kiếm được tới 35 triệu USD trong năm 2008 khi hệ thống tín dụng toàn cầu sụp đổ và giá cổ phiếu của JPMorgan tuột dốc.
Sau đây là danh sách các công ty có sự chênh lệch lớn về thu nhập của CEO và nhân viên.
1. CVS Caremark
CEO Thomas M. Ryan: 30,4 triệu USD (tổng thu nhập 2009)
Nhân viên thu ngân mới vào làm: 8 USD/giờ, 20.800 USD/năm
1 CEO = 1.461 nhân viên mới vào nghề
2. AT&T
CEO Randall Stephenson: 29,2 triệu USD (tổng thu nhập 2009
NV kinh doanh mới vào làm: 10 USD/giờ, 26,000/năm
1 CEO = 1.123 nhân viên mới vào nghề
3. The Walt Disney Co
CEO Robert Iger: 29 triệu USD (số liệu năm 2009)
Nhân viên lau dọn: 10 USD/giờ, 26.000 USD/năm
1CEO = 1.115 nhân viên mới vào nghề
4. McDonald's
CEO James A. Skinner: 17.6 triệu USD (số liệu năm 2009)
Nhân viên thu ngân mới: 7,25 USD/giờ, 18.850 USD/năm
1CEO = 933 nhân viên mới vào nghề
5. Target
CEO Gregg W. Steinhafel: 16.1 triệu USD (số liệu năm 2009)
Nhân viên thu ngân mới: 8,50 USD/giờ, 22.100 USD/năm
1CEO = 728 nhân viên mới vào nghề
6. Cablevision
Chủ tịch kiêm sáng lập viên Charles F. Dolan: 15 triệu USD (số liệu năm 2009)
CEO James L. Dolan: 17 triệu USD (số liệu năm 2009)
Nhân viên chăm sóc khách hàng: 13 USD/giờ, 33.800 USD/năm
1CEO = 505 nhân viên mới vào nghề
7. Starbucks
CEO Howard Schultz: 9,9 triệu USD (số liệu năm 2009)
Nhân viên pha cà phê mới: 9 USD/giờ, 23.400 USD/năm
1CEO = 423 nhân viên mới vào nghề
8. Wal-Mart  
CEO Michael T. Duke: 8,5 triệu USD (số liệu năm 2009)
Nhân viên kinh doanh mới: 9,75 USD/giờ, 25.350 USD/năm
1CEO = 335 nhân viên mới vào nghề
9. Nike
CEO Mark G. Parker: 7,3 triệu USD (số liệu năm 2009)
Nhân viên bán hàng ở New York: 9 USD/giờ, 23.400 USD/năm
1CEO = 311 nhân viên mới vào nghề
10. Time Warner Cable
CEO Glenn A. Britt: 15,9 triệu USD (số liệu năm 2009)
Nhân viên lắp đặt cáp: 20 USD/giờ, 52.000 USD/năm
1CEO = 305 nhân viên
11. AMR
CEO Gerard J. Arpey: 5,6 triệu USD (số liệu năm 2009)
Tiếp viên hàng không mới: 20,24 USD/giờ, 21.252 USD/năm
1CEO = 263 nhân viên mới vào nghề
12. FedEx
CEO Frederick W. Smith: 8,48 triệu USD (số liệu năm 2009)
Nhân viên điều khiển máy: 13 USD/giờ, 33.800 USD/năm
1CEO = 251 nhân viên mới vào nghề
13. Costco
CEO James D. Sinegal: 2,3 triệu USD (số liệu năm 2009)
NV kinh doanh mới: 11 USD/giờ, 28.600 USD/năm
1CEO = 115 nhân viên mới vào nghề
14. JPMorgan Chase & Co
CEO James Dimon: 1.3 triệu USD (số liệu năm 2009)
Nhân viên ngân hàng: 12 USD/giờ, 31.200 USD/năm
1CEO = 41 nhân viên mới vào nghề
Hà Thu

8 nghề phụ nữ hưởng lương cao hơn đàn ông

Theo bản báo cáo tháng 6 của Cục Thống kê lao động Mỹ, vẫn chưa có tiến triển đáng kể nào trong việc thu hẹp chênh lệch về lương giữa nam và nữ.
Phụ nữ tuổi 35 - 44 chỉ kiếm được số tiền bằng 73,6% đàn ông, trong khi tỷ lệ này ở phụ nữ 20 - 24 cao hơn - 92,9%. Một phần nguyên nhân là do đa số phụ nữ (69%) làm việc trong các ngành trả lương thấp như sức khỏe và giáo dục, trong khi chỉ có 9% làm việc trong các ngành kĩ sư và máy tính.
Tuy nhiên, trong số hàng trăm nghề nghiệp, vẫn có 8 nghề mà phụ phụ nữ kiếm nhiều tiền hơn đàn ông, theo Huffinton Post.
1. Kỹ thuật viên trong các lĩnh vực khoa học về đời sống, tự nhiên và xã hội
ff
Họ là những công nhân làm việc trong ngành khoa học. Công việc của họ là sắp xếp, chuẩn bị các dụng cụ thí nghiệm; điều khiển và bảo quản chúng; thỉnh thoảng theo dõi và ghi lại quá trình hoạt động của các thiết bị này.
Nhóm này không bao gồm những người làm trong các ngành khoa học về nông nghiệp, thực phẩm, sinh học, hóa học, địa chất học, dầu mỏ hay năng lượng hạt nhân.
Lương tuần trung bình:
Phụ nữ: 740 USD
Đàn ông: 723 USD
2. Thợ làm bánh
ff
Lương tuần trung bình:
Phụ nữ: 466 USD
Đàn ông: 448 USD
3. Giáo viên mẫu giáo và tiểu học
ff
Dù không có dữ liệu về lương cho nam giới, nhưng lương trung bình của phụ nữ có phần nhỉnh hơn so với lương trung bình của cả hai giới.
Lương tuần trung bình:
Cả hai giới: 612 USD
Phụ nữ: 614 USD
4. Chuyên gia dinh dưỡng
ff
Họ là những bậc thầy về thức ăn và sức khỏe. Có tới 83% những người làm nghề này là phụ nữ.
Lương tuần trung bình:
Phụ nữ: 770 USD
Đàn ông: 759 USD
5. Nhân viên giúp việc văn phòng (trừ những người quản lý sách và quản lý tiền)
ff
Lương tuần trung bình:
Phụ nữ: 681 USD
Đàn ông: 679 USD
6. Chuyên viên chăm sóc ngoại hình
ff
Nghề này bao gồm các chuyên viên trang điểm, thợ sửa móng, nhân viên gội đầu và chăm sóc da.
Lương tuần trung bình:
Phụ nữ: 434 USD
Đàn ông: 422 USD
7. Nhân viên phục vụ trong phòng ăn, quán cà phê, bar
ff
Công việc của họ là lau bàn, dọn dẹp bát đĩa bẩn, rót cà phê, thay khăn trải bàn, sắp xếp bàn ăn hay mua thêm dụng cụ bếp.
Lương tuần trung bình:
Phụ nữ: 400 USD
Đàn ông: 360 USD
8. Trợ giảng
ff
Họ giúp các giáo viên trong việc giảng dạy bằng cách lập kế hoạch đến trường, ghi lại điểm của học sinh hay chuẩn bị học cụ.
Theo số liệu của Cục Thống kê lao động Mỹ, có tới 40% trợ giảng làm việc bán thời gian, do vậy phụ nữ có cơ hội kiếm được nhiều hơn đàn ông.
Lương tuần trung bình:
Phụ nữ: 474 USD
Đàn ông: 454 USD
Hà Thu

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons