Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Đừng lãng phí tuổi 20 ở các công ty lớn

Làm việc ở các doanh nghiệp tên tuổi ngay sau khi ra trường chưa chắc đã giúp bạn học hỏi được nhiều và khám phá sâu về bản thân mình như các công ty mới.
Raj De Datta là doanh nhân gốc Ấn Độ. Ông tốt nghiệp Trường Kinh doanh Harvard (HBS), từng làm việc cho Cisco, Lazard và đồng sáng lập các công ty như BloomReach, Founder Collective, FirstMark Communications. Mới đây, trên mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn, ông đã chia sẻ quan điểm của mình về sự nghiệp của người trẻ.
Ở tuổi 20, bạn muốn đạt được điều gì trong công việc? Kiếm được nhiều tiền? Hay đầu quân cho một công ty lớn để có lý lịch hoành tráng? Tôi thì cho rằng quan trọng nhất là bạn hãy đi theo tiếng gọi của bản thân. Nhà khởi nghiệp nổi tiếng với xuất thân nghèo khó - Jim Rohn từng nói: "Thời gian là tài sản quý giá nhất của chúng ta. Nhưng chúng ta thường có xu hướng lãng phí nó, giết nó, hoặc tiêu xài thay vì đầu tư".
Đầu tư thời gian vào tuổi 20 một cách thông minh sẽ giúp bạn có cả phần đời còn lại được làm điều mình yêu thích, chứ không phải đi tìm kiếm nó. Vì vậy, câu hỏi bạn nên đặt ra cho bản thân mình là: "Làm thế nào tôi có thể học được nhiều nhất (về bản thân và những điều mình quan tâm) trong thời gian ngắn nhất, để biết được mình sẽ trở thành người thế nào khi lớn lên?".
raj-de-datta-jpeg-9468-1409996163.jpg
Raj De Datta (phải) cùng nhà đồng sáng lập BloomReach - Ashutosh Garg (trái). Ảnh: BloomReach
Hãy bắt đầu với việc không nên làm trước, đó là đầu quân cho một công ty công  nghệ lớn. Quyết định này không hề dễ dàng chút nào. Google và các đại gia công nghệ thường tuyển dụng ngay khi bạn còn ngồi trên ghế nhà trường. Họ đưa ra các ưu đãi hấp dẫn, như lương cao, bữa ăn miễn phí hay thường xuyên được gặp Hillary Clinton và Bono. Rất nhiều bạn bè của bạn có thể cũng đang làm tại đó. Và đây cũng như bước đệm giúp bạn làm được nhiều việc khác.
Vấn đề là tốc độ học hỏi tại đây của bạn sẽ rất chậm. Nếu là một kỹ sư, bạn có thể sẽ làm trong một dự án lớn mà có khi chẳng đóng góp mấy cho kết quả kinh doanh của công ty. Bạn sẽ phải làm việc với những người có trình độ rất phân hóa, mà trong một công ty 50.000 người, điều này cũng rất dễ xảy ra. Còn nếu làm nhân viên kinh doanh, bạn sẽ rất khó biết được mình thành công là nhờ thương hiệu công ty hay do chính bản thân.
Liệu doanh nghiệp có thay đổi chút nào nhờ sự có mặt của bạn không. Câu trả lời gần như trong mọi trường hợp là không. Kết quả là, bạn có thể sẽ giàu có hơn một chút sau khi rời đi. Nhưng bạn thật sự không khám phá được mấy về bản thân mình, và có thể còn thụt lùi so với những người bạn làm trong các công ty mới thành lập hoặc đang phát triển.
Những doanh nghiệp dịch vụ như McKinsey hay Goldman Sachs có vẻ mở ra rất nhiều cơ hội. Bạn sẽ được hưởng lương cao, luân chuyển qua nhiều dự án, đi đến nhiều quốc gia và gặp gỡ nhiều lãnh đạo cấp cao ở công ty khách hàng. Nhưng điều này chỉ đúng phần nào thôi.
Phần lớn các tư vấn viên và nhân viên ngân hàng tôi biết đều còn mơ hồ về việc họ muốn làm gì trong cuộc sống khi quyết định gia nhập các công ty này. Các dự án cũng chỉ làm bạn thêm rối rắm. Dù bạn có thể được rèn giũa kỹ năng suy nghĩ phản biện, nhưng hãy nhớ công việc cơ bản của một tư vấn viên hoặc nhân viên ngân hàng chỉ là dùng Excel để thống kê và PowerPoint để thuyết trình. Toàn bộ những gì bạn học được là lập chiến lược (vốn chỉ chiếm 5% cuộc sống) và bỏ qua nhiều kỹ năng cần thiết hơn (như thực thi chẳng hạn).
Tôi từng làm việc 2 năm tại một công ty dịch vụ lớn (ngân hàng Lazard) và 3 năm tại một hãng công nghệ lớn (Cisco) khi còn ở tuổi 20. Nhưng tôi đã học được nhiều hơn gấp 10 lần về bản thân mình và con đường mình muốn đi trong cuộc đời khi đồng sáng lập FirstMark Communications. Tôi đã làm việc tại đây từ năm 23 đến 26 tuổi. FirstMark cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao tại châu Âu cuối thập niên 90, huy động được 1 tỷ USD vốn, có hơn 600 nhân viên, làm việc với hơn 10 quốc gia. Đó là trải nghiệm thay đổi cả cuộc đời tôi.
Nó cho tôi biết tôi thực sự muốn trở thành một doanh nhân. Và quan trọng hơn, nó cho tôi sự tự tin. Dù công việc tại đây rất nhiều, áp lực, hay biến động, tôi vẫn rất yêu nó. Tôi đã nhận ra rằng cuộc đời mình sẽ gắn liền với việc khởi nghiệp.
Làm việc tại một công ty mới sẽ giúp tốc độ học hỏi của bạn tăng nhanh đáng kể. Đây là khoản đầu tư tốt nhất bạn có thể làm được ở độ tuổi 20. Nó sẽ giúp bạn nhận ra chính bản thân mình.
Nếu thất bại, bạn cũng đừng căng thẳng. Vì ở tuổi này, bạn không có nhiều vướng bận, như gia đình, hay con cái. Bạn có thể ở nhờ nhà bạn bè vài tháng cũng chẳng sao. Ngoài ra, tôi cam đoan nhân viên đáng tuyển dụng nhất trong ngành công nghệ là những người ở độ tuổi 20 với những kỹ năng chuyên môn lý tưởng. Vì thế, kể cả nếu khởi nghiệp thất bại, bạn vẫn có cả tá cơ hội ở phía trước và ít ra khi ấy, bạn cũng đã hiểu rõ bản thân mình.
Hà Thu

Giám đốc trung tâm tiếng Anh bỏ đại học giữa chừng

Hơn 2 năm sau khi khởi nghiệp với 40 triệu đồng đi vay để mở lớp học, hiện trung tâm của Phương có 9 cơ sở tại Hà Nội và TP HCM.
Sinh năm 1989 tại Hòa Bình, từ nhỏ, Bùi Thị Phương đã nổi tiếng ở vùng quê nghèo vì học giỏi, chịu khó. Cấp I, cấp II đều học trường làng, lên cấp III Phương thi đỗ vào lớp chuyên Lý, trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (TP Hòa Bình).
Với thành tích học tập đáng nể, từng đại diện cho trường tham gia đội tuyển thi quốc gia môn Vật lý, Phương thi đỗ vào Đại học Ngoại thương Hà Nội. Từ năm đầu của bậc cử nhân, cô đã nung nấu ý định kinh doanh. Gia đình không có điều kiện, nhưng do học giỏi nên nhiều họ hàng tin tưởng cho cô vay hơn 30 triệu để mở một shop thời trang trong một con ngõ phố Chùa Láng. Một thời gian sau, công việc thuận lợi nên cô mở thêm 2 cửa hàng nữa. 
Không dừng lại ở đó, cô sinh viên còn mở thêm một nhà hàng chuyên bán Pizza, mỳ Ý và cơm văn phòng. Những công việc này giúp cô đủ trang trải cho việc học tập và phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, với cô sinh viên năm thứ 4 đầy tham vọng, Phương bắt đầu cảm thấy nhàm chán và muốn tìm cho mình một hướng đi mới, dài hơi hơn. Cô nhượng lại các shop thời trang, còn cửa hàng bánh thì cho người nhà quản lý để dành thời gian ấp ủ cho kế hoạch mới.
E-Phuong-450-7712-1409826884.jpg
Giám đốc trung tâm ngoại ngữ Aten chưa từng tốt nghiệp đại học. Ảnh: NVCC
Phương cho biết những năm đại học, các môn của cô đều có kết quả không tệ. Tuy nhiên, riêng với ngoại ngữ, mặc dù rất chịu khó nhưng cô cảm thấy rất bế tắc trong phương pháp học và kết quả không mấy khả quan, thậm chí đứng cuối ở lớp.  
"Có kỳ thi mình chép bài ngoại ngữ của bạn. Thực sự đó là một cảm giác không mấy dễ chịu. Tuy nhiên, khi ấy mình lại khá bế tắc trong phương pháp học môn ngoại ngữ này. Nhận thấy rất nhiều sinh viên rơi vào tình trạng đó nên mình có ý tưởng sẽ mở trung tâm tiếng Anh", Phương kể.
Nảy ra ý tưởng như vậy nhưng bắt tay vào làm là một điều không dễ dàng trong khi cô còn đang bận với những kế hoạch học tập và tốt nghiệp của một sinh viên năm cuối. Lúc đó, Phương có suy nghĩ sẽ nghỉ học để triển khai kế hoạch kinh doanh. Tất nhiên, biết được ý định đó, cả gia đình cô kịch liệt phản đối.
"Ai cũng nói chỉ còn mấy tháng nữa là lấy bằng đại học tại sao không cố gắng. Mẹ khuyên nhủ không được thì mắng mỏ nhằm thay đổi suy nghĩ của mình. Tuy nhiên, tính cách của mình vốn là như vậy, không thể chờ đợi thêm được nữa. Mình cũng tự tin với kế hoạch và sẵn sàng với mọi điều xấu nhất nên đã không suy nghĩ lại", Phương kể.
Đầu năm 2012, cô nghỉ học và triển khai kế hoạch mới với 40 triệu đồng để trang trải tiền thuê 2 phòng học và một giáo viên. Đến tháng 3 năm đó, Trung tâm ngoại ngữ mang tên Aten của cô đi vào hoạt động. Để tiết kiệm chi phí do thời gian đầu, khi học viên chưa đông, Phương phải tự tay làm tất cả mọi việc, thậm chí là dọn nhà vệ sinh cho trung tâm. 
Một khó khăn khác cũng đòi hỏi cô phải tìm ra hướng giải quyết, đó là cải thiện trình độ tiếng Anh của bản thân. Bởi vì nếu làm quản lý một trung tâm ngoại ngữ mà chính mình lại học môn này rất tệ thì không ổn. Phương mua sách, CD về tự mày mò để tìm ra phương pháp học đúng đắn nhất. Vài tháng sau, lượng học viên ổn định, cô thuê được địa điểm lớn hơn, chuẩn hóa chương trình học, và tuyển dụng giáo viên... Và đến nay, trung tâm đã có 9 cơ sở với khoảng 300 nhân viên. Mỗi ngày, một cơ sở có 10 đến 20 lớp học. 
"Tuy là trung tâm ngoại ngữ cho những người học ngoài giờ nhưng cũng có những nội quy thưởng phạt cho học viên, giáo viên một cách rõ ràng. Mình muốn tạo ra một môi trường học tập, làm việc nghiêm túc và hiệu quả", Giám đốc Aten nhấn mạnh nguyên tắc điều hành trung tâm.
Phương cũng cho biết, những kiến thức về quản trị, đào tạo nhân sự, phát triển hệ thống, mạng lưới kinh doanh... cô đều tự mày mò đọc sách. Cô đang ấp ủ rất nhiều kế hoạch kinh doanh mới như mở trường mầm non với các phương pháp giáo dục hiện đại, có cam kết đầu ra. 
Với câu hỏi "Làm sao khởi nghiệp khi không có tiền?", Phương cho biết, các bạn trẻ đừng ngại ngần vay mượn.
"Những người trẻ muốn khởi nghiệp hầu hết đều phải đi vay mượn trong quy mô có thể của dự án. Tuy nhiên, không làm được lớn luôn thì bắt đầu từ nhỏ, rồi tích tiểu thành đại, chính vì thế, chỉ cần một vài triệu cũng có thể làm được rồi", cô chủ trẻ bộc bạch.
Ngọc Minh

5 tuyệt chiêu kiếm tiền trên Facebook

Những giải pháp dưới đây sẽ giúp bạn gia tăng tỷ lệ nhấp chuột và thu lợi nhuận cao sau mỗi chiến dịch quảng cáo trên mạng xã hội.
1. Sử dụng hình ảnh độc đáo và ấn tượng
Việc sử dụng hình ảnh đẹp, độc đáo và ấn tượng rất quan trọng trong quảng cáo trên Facebook. Nếu hình ảnh tốt sẽ giúp cho người dùng tò mò và bị hấp dẫn bởi những thông điệp trên hình ảnh, từ đó sẽ “click” chuột để xem thêm thông tin. Hình ảnh tốt là hình ảnh truyền tải được thông điệp quảng cáo một cách thú vị với người xem. Bạn có thể mua hình ảnh có bản quyền, tự chụp ảnh hoặc sử dụng những hình ảnh thiết kế để đạt được hiệu quả cao và tránh vi phạm Luật Quảng cáo và các rắc rối về vấn đề bản quyền. Nên gắn theo logo thương hiệu của sản phẩm và nút kêu gọi như “mua ngay, xem ngay, chơi ngay” kèm theo mức giảm giá cùng thông điệp ấn tượng trong bức ảnh.
FB-1-8063-1409468334.jpg
Việc thiết kế hình ảnh cần phải được tối ưu theo kích thước mà Facebook quy định. Lựa chọn những bức ảnh xuất sắc để chạy quảng cáo sẽ làm tăng hiệu quả và gia tăng chuyển đổi.
Việc thiết kế ảnh cũng cần tính đến việc tối ưu theo vị trí quảng cáo. Facebook có 3 vị trí hiển thị quảng cáo đó là vị trí bảng tin cho máy tính, vị trí cột phải cho máy tính và vị trí bảng tin cho di động. Ví dụ quảng cáo cột bên phải chỉ hiển thị kích thước ảnh bé thì có thể sử dụng những hình ảnh tối ưu thông điệp.
2. Linh hoạt trong việc viết tiêu đề và nội dung quảng cáo
Facebook cho phép chạy 9 kiểu quảng cáo khác nhau, với mỗi một loại đều có những quy định hạn chế về số lượng ký tự tiêu đề và nội dung. Vì vậy với mỗi kiểu quảng cáo, bạn cần tối ưu và linh hoạt trong việc viết các tiêu đề. Với mỗi mẫu, bạn nên tập trung chào hàng một thông điệp cụ thể như giá bán ưu đãi, chương trình khuyến mại.
FB-2-9313-1409468334.jpg
Trong một chiến dịch, bạn nên sử dụng nhiều hơn một thông điệp quảng cáo để thu hút khách hàng và kiểm chứng hiệu quả của từng thông điệp đó. Mỗi thông điệp là mội mẫu quảng cáo khác nhau, cần có hình ảnh minh họa tương ứng phù hợp và hướng tới một tập khách hàng cụ thể. Cần tận dụng tối đa số ký tự được hiển thị trong mỗi loại hình quảng cáo để truyền tải thông điệp quảng cáo tốt nhất đến với khách hàng.
Trong tiêu đề nội dung cần có lời kêu gọi hành động hấp dẫn, đường link website, số điện thoại tư vấn miễn phí hoặc là các sản phẩm dịch vụ được dùng thử. Bạn nên có chương trình bán hàng ưu đãi hấp dẫn khi chạy quảng cáo, hoặc chương trình trò chơi tương tác cho khách hàng, đố vui dự thưởng (mini quiz game) sẽ làm gia tăng giá trị và tính hấp dẫn của mẫu quảng cáo.
3. Sử dụng các biểu tượng và sửa đổi tính năng xem trước
Đối với việc viết tiêu đề và nội dung quảng cáo, bạn có thể sử dụng các biểu tượng của Facebook để tạo cho quảng cáo thêm nổi bật, khác biệt và gây sự chú ý trên máy tính hoặc là điện thoại di động của người dùng. Các biểu tượng (icons) có các màu sắc và sắc thái khác nhau phù hợp với nhiều nội dung quảng cáo khác nhau.
FB-3-7303-1409468334.jpg
Sử dụng thẻ Hashtag (#) của Facebook để làm nổi bật từ khóa mà bạn muốn nhấn mạnh, như thương hiệu, sản phẩm, giá tiền… Sửa đổi tính năng xem trước của đường link url chia sẻ trên Facebook để tạo sự thu hút hơn. Thông thường, Facebook cho phép hiển thị xem trước đường link và tự động lấy tiêu đề cũng như nội dung hiển thị xem trước của đường url liên kết đó. Bạn nên nhấp vào phần tiêu đề và nội dung xem trước của đường link để tối ưu hóa khả năng hiển thị thông điệp quảng cáo bổ sung cho thông điệp quảng cáo chính. Làm cho quảng cáo của bạn hấp dẫn thêm. Hoặc bạn có thể chia sẻ nhiều hơn một đường link để tăng thêm độ uy tín với khách hàng.
4. Nhắm khách hàng mục tiêu
Facebook cho phép các quảng cáo của mình có thể nhắm chọn mục tiêu khách hàng theo khu vực địa lý, tuổi tác, giới tính, sở thích… Thậm chí là quảng cáo tới tệp khách hàng tiềm năng của đối thủ, quảng cáo đeo bám (re-marketing ads), thiết lập lịch (giờ vàng) để hiển thị quảng cáo. Việc nhắm chọn đúng khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp, giúp cho quảng cáo đến đúng được với “chân dung một khách hàng điển hình” sẽ giúp giảm chi phí quảng cáo lãng phí, kém hiệu quả mà hiển thị vào những khách hàng không phải là mục tiêu của doanh nghiệp và người bán hàng.
FB-4-7288-1409468334.jpg
Các quảng cáo sẽ chỉ hiển thị đến đúng khách hàng mục tiêu mong muốn nhất của doanh nghiệp. Vì vậy, cơ hội và tỷ lệ chuyển đổi thành khách hàng của doanh nghiệp sẽ cao. Bạn có thể kết hợp chạy nhiều chiến dịch quảng cáo từ chạy mục tiêu rộng, cho đến hẹp, thử nghiệm ngân sách nhỏ cho đến ngân sách lớn hơn.
5. Sử dụng kiểu quảng cáo “độc”
Thực tế trên thị trường, có rất ít doanh nghiệp và cá nhân bán hàng chạy kiểu quảng cáo video (video views) của Facebook, vì đây là một tính năng mới, cũng như cần phải thực hiện việc sản xuất các video là khó hơn việc thiết kế và sử dụng hình ảnh, ngôn từ. Chính vì vậy, kiểu quảng cáo này có thể đem lại hiệu quả tốt về mặt thương hiệu hoặc khả năng lan truyền. Video nên ngắn, có nội dung hay, hấp dẫn, ấn tượng với khách hàng mục tiêu. Những video quảng cáo càng hay càng được chia sẻ nhiều, khiến cho giá thành giảm và hiệu quả quảng cáo tăng cao.
FB-5-5031-1409468334.jpg
Ngoài ra có thể chạy kiểu quảng cáo nhận ưu đãi hoặc phản hồi sự kiện bằng cách tạo ra chương trình giảm giá, sự kiện giảm giá để thu hút khách hàng và “lạ mắt” hơn cho các Facebookers.

Quán trong hẻm doanh thu trăm triệu mỗi tháng

Ngại phí thuê mặt bằng ở vị trí mặt tiền đắt đỏ, nhiều hàng ăn, quán cà phê tại TP HCM chấp nhận vào hẻm, thậm chí lên chung cư để giảm áp lực tài chính. Song nhờ chi phí rẻ, lại tạo được gu riêng nên kinh doanh trong hẻm vẫn sống khỏe.
Ở Sài Gòn không phải cứ quán xá trong ngõ ngách là thất thế vì nếu khéo xoay sở, chủ quán vẫn có thể đạt doanh thu kỳ vọng. Chị Kiều, chủ một quán lẩu trong hẻm trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 5, TP HCM dày công gầy dựng quán hơn 2 năm. Từ tháng thứ 13 trở đi thì đạt doanh thu trung bình 250-300 triệu đồng mỗi tháng. Hàng ngày quán đón khoảng 100 thực khách, chưa kể các tour du lịch đến bất ngờ không hẹn trước.
Chị Kiều cho hay, ban đầu vì mở quán với suy nghĩ "tay ngang": vô hẻm mới tìm được không gian yên tĩnh, chỗ ngồi cũng thoải mái hơn ngoài mặt tiền và nơi để xe tiện lợi. Đến khi biết rằng quán nằm trong hẻm không có khách vãng lai là tự 'chặt' cụt chân mình thì đã muộn. Lúc đó, chị phải xoay đủ kiểu, từ tặng voucher, chào các tour du lịch đến đăng quảng cáo trên các trang ẩm thực uy tín để mời chào khách.
a-tb-quan-trong-hem-doanh-t-9665-1409374
Một quán lẩu trong hẻm ở quận 5, TP HCM vẫn đông khách nhờ đáp ứng được gu sành ăn của người Sài Gòn. Ảnh: Vũ Lê
Trải qua 12 tháng vượt khó, bà chủ trẻ mới đạt được doanh thu kỳ vọng.  Đến thời điểm sắp bước sang năm kinh doanh thứ ba, chị Kiều tự tin chia sẻ: "Tôi không ngại kinh doanh trong hẻm nữa. Tôi đang ấp ủ dự án mở một quán ăn thứ hai cũng nằm trong ngõ vào năm 2015, hứa hẹn mang lại bất ngờ thú vị cho thực khách của mình".
Có gần 5 năm kinh doanh trong những ngõ ngách của Sài Gòn, anh Hữu Thành đang quản lý 2 quán cà phê, một nằm trong hẻm trên đường Phạm Ngọc Thạch, một nằm tít trên chung cư cũ ở quận 3 nhưng vẫn lãi cả trăm triệu mỗi tháng.
Thành cho biết: "Kinh doanh mà chạy vào hẻm tất nhiên không hề dễ dàng nhưng tôi dùng âm nhạc (ca hát, giao lưu hàng đêm) và thiết kế nội thất độc đáo để mời các bạn trẻ đến thưởng thức. Nhờ gu riêng này mà khách hàng yêu mến quán của tôi".
Với quán nằm trong hẻm đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3, Thành thiết kế phong cách cà phê kèm những món tráng miệng theo gu của tuổi teen, buổi tối có chương trình giao lưu âm nhạc. Trong khi đó, quán cà phê nằm trên chung cư cũ, anh chọn gu nội thất nhà cổ của Việt Nam thập niên 80 và âm nhạc phù hợp đã hấp dẫn nhiều khách nước ngoài.
"Người Sài Gòn uống cà phê vì tìm một chỗ ngồi có vị trí tiện lợi. Muốn họ nhớ đến mình, quán phải khác với phần còn lại. Chính vì thế tôi luôn cố gắng tạo nét riêng làm nên sức hấp dẫn cho hàng quán trong ngõ ngách của mình", Thành nói.
a-tb-quan-trong-hem-Pham-Ng-6020-1409374
Một quán cà phê trong hẻm đường Phạm Ngọc Thạch hút được khách nhờ thiết kế cổ điển kiểu Italy và gu cà phê riêng. Ảnh: Hà Thanh
Giám đốc Công ty Minh Trân, Nguyễn Trí Dũng chuyên sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu cũng có một tiệm bánh Nhật Bản nằm ngay trong trụ sở công ty ở quận Tân Bình, cách khu trung tâm TP HCM mười mấy cây số .
Khi được hỏi vì sao không mở hẳn một cửa tiệm ở mặt tiền khu trung tâm quận 1, 3 cho tiện buôn bán, ông Dũng phân tích: "Tôi bán bánh cao cấp nên chỉ chọn nhóm khách hàng V.I.P, bán qua điện thoại, email, đơn đặt hàng. Người tiêu dùng là đối tác và bè bạn đã quá hiểu công ty nên đâu cần mặt bằng ở phố Nguyễn Huệ hay Đồng Khởi. Với tôi đó là cuộc chơi xa xỉ".
Theo ông Dũng, mặt bằng có vị trí đẹp nằm ở mặt tiền khu trung tâm có thể là cái lợi trước mắt nhưng không phải lâu dài trong kinh doanh. Bởi lẽ, chi phí phải trả cho mặt bằng rất lớn, tích lũy dần năm này tháng nọ ăn mòn vào doanh thu, không tạo điều kiện cho chủ cửa hàng đầu tư cải tiến chất lượng sản phẩm. "Ngõ ngách, hẻm hóc mà đồ ăn thức uống ngon, vệ sinh, cộng thêm biết cách tiếp thị phù hợp là nét duyên ngầm độc đáo. Ai đã ăn thì nhớ mãi rồi giới thiệu nhiều người tìm đến, đó mới là thành công thật sự", ông Dũng nói.
Trưởng phòng đào tạo Tập đoàn Thiên Minh Hospitality, Trang Minh Hà phân tích, với những người kinh doanh hàng quán quy mô nhỏ lẻ, vốn ít thì giải pháp vào hẻm là lựa chọn hợp lý vì tiết kiệm được nhiều chi phí.
Ông Hà đánh giá, nhìn chung tâm lý kinh doanh nhỏ lẻ đã ăn sâu và bám rễ trong tâm trí của nhiều nhà đầu tư. Vốn ít, tránh rủi ro và muốn thu hồi vốn nhanh... họ đã chịu khó "len lỏi" vào trong các hẻm, hóc. Tuy nhiên do yếu thế hơn về vị trí, hàng quán trong hẻm phải tạo được những phong cách riêng hơn hẳn đối thủ ở mặt tiền thì mới có thể thành công.
Chuyên gia này cho rằng trong ngành F&B, mặt bằng tác động khá lớn đến phương thức marketing sản phẩm. Việc làm và xây dựng thương hiệu, mức độ nhận biết ... của mặt hàng quán trong hẻm rất hạn chế nếu đem so với những chuỗi cửa hàng tiện lợi có vị trí đắc địa. "Quán trong hẻm vì thế chỉ sống với phương thức marketing truyền miệng, hữu xạ tự nhiên hương là chủ yếu", ông Hà nhận xét.
Không chỉ những nhà đầu tư sành sỏi, tại Sài Gòn hiện khá nhiều bạn trẻ mê kinh doanh đang tích cực săn lùng các mặt bằng trong hẻm nhỏ, góc khuất để kinh doanh cà phê, quán ăn. Để hút khách, họ rất chịu khó áp dụng những phương thức quảng cáo riêng biệt. Các chủ quán thường bỏ thêm một khoản tiền để treo tên cửa hàng ở đầu hẻm, thậm chí trang hoàng con hẻm đẹp hơn như bắt dây treo lồng đèn, hoặc chịu tiền điện để chiếu sáng cả con hẻm. Có quán trưng dụng luôn ban công thành một chỗ ngồi độc đáo, lại giúp nới rộng không gian quán...
Vũ Lê

8 lỗi cần tránh khi làm giàu

Đầu tư theo xu hướng, tiêu tiền vì sĩ diện, chỉ dựa vào một nguồn thu nhập và hợp tác làm ăn theo cảm tính sẽ khiến bạn chẳng bao giờ giàu nổi.
Kiếm được nhiều tiền khác với giàu có. Giàu là tình trạng dư thừa gần như không thể bị phá hủy. Và làm giàu là việc rất ít người học được. Bạn đã bao giờ nghe thấy câu "tiền không bao giờ ngủ"? Người giàu rất coi trọng quan niệm này và tin rằng tiền phải được quay vòng để sinh sôi. Họ quan tâm đến tài sản của mình và biết rằng chúng không thể phát triển nếu bạn không làm gì đó.
Grant Cardone là triệu phú tự thân nổi tiếng của Mỹ với ba công ty trị giá hàng triệu USD. Ông đã viết nhiều cuốn sách nằm trong top bán chạy của New York Times. Cardone cũng dẫn chương trình radio tên Cardone Zone, được coi là "Chuyên gia bán hàng hàng đầu" và "Chuyên gia huấn luyện doanh nghiệp hàng đầu" để theo dõi trên Twitter. Dưới đây là một số sai lầm bạn cần tránh mắc phải nếu muốn làm giàu, được ông chia sẻ trên Entrepreneur.
grant-cardone-4002-1409115305.jpg
Grant Cardone đã trở thành triệu phú khi chỉ mới 30 tuổi. Ảnh: Lesterdiaz Online
1. Muốn làm giàu để được thoải mái
Sự thoải mái là kẻ thù của giàu có và là yếu tố nguy hiểm nhất của tài chính. Tầng lớp trung lưu thường tìm kiếm sự thoải mái về tài chính. Tuy nhiên, những người giàu có lại theo đuổi sự tự do về tiền bạc. Khi ấy, họ không cần phải nỗ lực để kiếm tiền nữa mà vẫn dư dả. Bạn lúc nào cũng phải tự nhủ cần kiếm được nhiều tiền hơn nữa và đừng để cho cảm giác thoải mái khiến bản thân chây ì.
2. Đa dạng hóa đầu tư tài chính
Bạn sẽ không bao giờ thực sự giàu lên bằng cách này đâu. Phố Wall đã làm được một việc tuyệt vời khi gieo rắc vào công chúng ý tưởng đa dạng hóa đầu tư. Vì nó thực sự làm lợi cho phố Wall.
Tỷ phú đầu tư Mark Cuban từng nói rằng "Đa dạng hóa đầu tư chỉ dành cho những kẻ ngốc". Còn vua thép Mỹ - Andrew Carnegie thì quan niệm: "Hãy cho tất cả trứng vào một cái giỏ và trông chừng cái giỏ đó".
Vì thế, nếu bạn thực sự muốn làm giàu, hãy tìm hiểu tất cả những gì có thể về một mảng và tập trung vào nó.
3. Chỉ dựa vào một nguồn thu nhập
Bất kể thu nhập của bạn lớn đến đâu, đừng bao giờ chỉ dựa vào một nguồn. Tôi có một người bạn làm CEO, từng nhận lương tới 350.000 USD một năm, thuộc top 1% người giàu nhất nước Mỹ. Đột nhiên ngành công nghiệp của cô ấy bị đình trệ và nguồn thu nhập này biến mất. Điều này đã xảy ra với rất nhiều người Mỹ.
Vì thế, để giàu có, bạn phải tạo ra nhiều nguồn thu nhập chắc chắn, độc lập với nguồn chính. Ví dụ như tiền cho thuê căn hộ chẳng hạn. Hãy luôn chú ý phát triển các nguồn thu này. Đây không phải đa dạng hóa, mà là củng cố tài sản.
4. So sánh với những người khác
76% người Mỹ đang có mức lương không đủ sống. So sánh thu nhập của mình với những người khác sẽ chẳng làm cho bạn giàu hơn đâu. Mọi người thường tự so mình với các quốc gia nghèo khó ở một nơi rất xa của thế giới chỉ để thỏa mãn là họ "giàu hơn". Tình hình những người khác, dù tốt hoặc xấu, cũng sẽ chẳng giúp bạn tăng lương hay có tiền trợ cấp khi nghỉ hưu. Vì thế, hãy dừng ngay hành động so sánh này lại.
5. Đầu tư theo xu hướng
Đừng đổ tiền vào những công nghệ mới nhất, tuyệt vời nhất mà có thể bị thay thế bởi những thứ mới hơn trong tương lai. Hãy học tập Warren Buffett, ông đầu tư vào ngành điện, đường sắt, bảo hiểm, đồ uống có gas, thực phẩm và kẹo.
Vì thế, đừng đi đường tắt. Hãy chọn tuyến dài hơn, chậm hơn nhưng đảm bảo sẽ giúp bạn tới nơi.
6. Tin tưởng vô căn cứ
Sai lầm tài chính lớn nhất của tôi là từng tin tưởng mù quáng vào một nhóm người chỉ vì tôi quý mến họ và cảm thấy mình làm đúng. Tôi không chú ý đến việc tìm ra một căn cứ xác đáng mà chỉ đi theo  cảm xúc cá nhân. Vì thế, trước khi tôi kịp nhận ra lỗi của mình thì đã mất triệu USD rồi.
Lời khuyên ở đây là hãy bỏ qua cảm xúc khi làm việc với con người và luôn tìm kiếm căn cứ. Nếu bạn quá thân thiết với một người và không tiện hỏi anh ta về bằng chứng, đừng bao giờ kinh doanh với người đó.
7. Tiết kiệm chỉ để tiết kiệm
Bạn sẽ không thể giàu lên chỉ bằng cách tiết kiệm đâu. Tại Mỹ, các ngân hàng chỉ trả lãi 0,25% mỗi năm. Tính ra, bạn sẽ mất 40 năm để có lời 10% nếu lãi suất vẫn giữ nguyên. Quan trọng hơn, tiền nhàn rỗi sẽ luôn phải tiêu nếu có việc khẩn cấp.
Tác giả nổi tiếng người Mỹ - Dave Ramsey từng gợi ý bạn không nên mang theo đồng thời cả tiền mặt và thẻ tín dụng. Vì bạn sẽ có lí do để dùng chúng.
8. Tiêu tiền vì sĩ diện
Nhiều người cố gắng tạo ấn tượng với người khác bằng cách mình tiêu tiền, mà nhiều khi cũng chẳng phải tiền của họ. Họ tậu xe thể thao, thời trang xa xỉ, túi hàng hiệu hay đặt bàn VIP.
Còn người giàu sẽ không cố gây ấn tượng với bất kì ai. Họ chỉ nỗ lực đạt mục tiêu tự do tài chính. Chỉ khi ấy, họ mới mua ôtô, du thuyền, máy bay hay biệt thự. Số tiền mà họ tiêu lúc này chỉ là rất nhỏ so với những gì họ kiếm được.
Thiều Linh

13 triệu USD cho ý tưởng kinh doanh giấc ngủ

Hầu hết những người 23 tuổi đều đang ở ngưỡng cửa sự nghiệp, cố gắng kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp đại học. Còn James Proud, thanh niên trẻ gốc Anh vừa huy động 13 triệu USD để biến ý tưởng kinh doanh đơn giản thành hiện thực.
23 tuổi, James Proud là CEO của công ty do anh thành lập mang tên Hello Inc., chuyên sản xuất thiết bị theo dõi hành vi cảm giác lúc ngủ của con người. Đây là thiết bị nhỏ xíu, sau khi được lắp đặt ở chỗ ngủ sẽ ghi lại những điều kiện trong phòng ngủ.
Ý tưởng này giúp mọi người quan tâm nhiều hơn về thói quen ngủ, và tìm hiểu xem nhũng yếu tố nào khiến chúng ta thức giấc vào giữa đêm.
Để có nguồn vốn biến ý tưởng của mình thành sản phẩm thực thụ, James Proud đã lên trang web huy động vốn từ cộng đồng nổi tiếng Kickstarter. Đây là phương pháp huy động giúp người khởi nghiệp nhận được vốn từ tất cả mọi người, với số tiền bất kỳ có thể từ một USD trở lên. Còn các nhà đầu tư sẽ nhận được lợi ích tương ứng với số tiền mình bỏ ra nếu dự án họ rót vốn thành công.
jamesproud-1-7142-1408836901.jpg
Nhà khởi nghiêp trẻ James Proud.
Lúc đầu James Proud chỉ đặt mục tiêu huy động được 100.000 USD để đưa thiết bị theo dõi giấc ngủ vào sản xuất. Tuy nhiên, kết quả đã vượt kế hoạch với con số 2,4 triệu USD khi đợt huy động trên Kickstarter kết thúc vào thứ sáu tuần trước.
Không dừng lại ở đó, có thêm nhiều nhà đầu tư lớn đã quan tâm đến dự án của Proud. Đến vòng huy động từ những nhà đầu tư giàu, Proud đã có thêm 10,5 triệu USD nữa, thông tin từ tờ Wall Street Journal cho biết, đưa tổng số tiền rót cho dự án này lên gần 13 triệu USD.
Bảng danh sách các nhà đầu tư của Proud gồm một số cái tên đình đám trong làng công nghệ như David Marcus - từng đứng đầu PayPal, hay Dan Rose - một quản lý cấp cao của Facebook và Hugo Barra - một quản lý của Xiamoi và từng phụ trách hệ điều hành Android ở trụ sở Google.
Proud cho biết ý tưởng cho thiết bị theo dõi giấc ngủ xuất phát từ điều đơn giản: Ai cũng cần ngủ, và hầu hết trong chúng ta muốn học cách để có giấc ngủ tốt hơn.
Ham muốn tạo ra những sản phẩm mới hình thành trong con người James Proud từ rất sớm. Khi mới 9 tuổi, Proud đã tự học về HTML và làm công việc xây dựng website từ năm 12 tuổi.
Proud chưa vào đại học dù rất muốn. Sau khi tốt nghiệp trung học, anh tham gia chương trình học bổng của người sáng lập PayPal - tỷ phú Peter Thiel năm 2011. Học bổng này được thiết kế để cấp cho các doanh nhân trẻ một khoản tiền để họ tự xây dựng ý tưởng kinh doanh của mình.
Dự án đầu tiên của Proud là dịch vụ tổng hợp nhạc trực tiếp, bán được cho một nhà đầu tư ngay sau khi anh kết thúc đợt nhận học bổng vào năm 2012. Từ kết quả này, Proud bắt tay thực hiện dự án sản xuất thiết bị chuyên theo dõi giấc ngủ. Theo tính toán của anh, sản phẩm khi ra mắt sẽ có giá bán lẻ 129 USD.
Bí mật để tạo ra một sản phẩm công nghệ thành công, theo James Proud, là sáng tạo ra những thứ thích ứng một cách tự nhiên với cuộc sống hàng ngày của tất cả mọi người. "Công nghệ sẽ trở nên có giá trị nhất khi người dùng không phải suy nghĩ về chúng. Đó là khi công nghệ biến thành ảo thuật", anh nói thêm.
Anh Đức (Theo BI)

Bí quyết kinh doanh tiệm ăn của cô Kim

Sau một thời gian vắng bóng cùng với biến cố nợ nần của gia đình, diễn viên điện ảnh Kim Thư đang hằng ngày thức dậy từ 4h sáng đế nấu nướng cho tiệm ăn riêng ở góc đường Pasteur - Võ Văn Tần, TP HCM.
Trái với hình ảnh thường xuất hiện trước công chúng, Kim Thư mặc một chiếc áo thun đơn giản, kèm đôi dép xẹp để tiện chạy ra chạy vào hỏi han khách hàng.
Với cá tính “chăm sóc gia đình như một người đàn bà, và làm việc như một người đàn ông”, cô đang cố gắng tìm mọi cách vực dậy kinh tế gia đình để ba mẹ con thoát khỏi khủng hoảng.
“Thời gian đó, tôi không cho phép mình uỷ mị, khóc lóc vì tôi còn 2 đứa con cần chăm sóc. Đóng phim thì tôi vô cùng e ngại, còn đi làm cho các công ty thì tinh thần lại không tập trung được để hết lòng vì công việc và tiền lương chưa chắc  đủ  trang trải cuộc sống. Trong lúc như bị đập đầu xuống đất và bật máu, tôi đã nghĩ đến hình ảnh của những người mẹ buôn gánh bán bưng chăm chỉ, kiên nhẫn và tự nhủ chỉ cần có lòng tin cùng sự cố gắng thì mọi chuyện sẽ ổn", Kim Thư tâm sự. Cũng chính lúc này, cô nhận ra mình rất thích nấu ăn. Máu kinh doanh  sẵn có cùng với sự giúp đỡ của bạn bè, Thư quyết định mở tiệm ăn Kim Foodcourt.
Kim-Thu-settop-JPG_1408619334.jpg
Khác với việc quản lý Nhà hàng Biển Nhớ trước đây, Kim Thư đang hàng ngày tự nấu ăn và có lúc còn đi giao hàng  cho khách
Từng điều hành nhà hàng Biển Nhớ có vốn đầu tư cả chục tỷ đồng, giờ đây Kim Thư dè chừng và thận trọng hơn. Cô rút mình trong không gian kinh doanh chỉ tầm 60m2, nhưng được bài trí theo kiểu gia đình với những tông màu ấm cúng. Khi được hỏi tại sao quán lại tên Kim mà không phải Kim Thư – cái tên nổi tiếng trong làng giải trí, nữ diễn viên chia sẻ: “Tôi mong muốn mình kinh doanh như một người bình thường, và khách hàng đến với quán là vì những món do tự tay tôi nấu, từ đó phát triển nó thành một thương hiệu kinh doanh. Tôi không muốn những người khác có ý nghĩ Kim Thư mở nhà hàng để chỉ tay 5 ngón”.
Những quán ăn qua tay Kim Thư trước đây thành công một phần do thói quen luôn quan sát và ý tưởng lạ đến từng chi tiết nhỏ. Xuất phát từ nguyên tắc người Việt Nam dù thích ăn pizza hay gà rán đến đâu, cũng không thể thiếu đi những bữa cơm gia đình với những món ăn đơn giản nhưng mang hương vị quê hương. Cô đã nảy ra ý nghĩ kinh doanh món ăn nhanh Việt Nam.
Khi nói đến đây, nhiều người sẽ nghĩ đến gà rán, pizza hay hamburger..., nhưng Kim Thư đang dần định nghĩa lại cụm từ “thức ăn nhanh”.
Để khách hàng khi ăn món ăn mình nấu đều cảm nhận được mùi vị quen thuộc ở gia đình, Thư chủ trương món ăn trong quán hoàn toàn thuần Việt, ít dầu mỡ, đa dạng  vùng miền. Gọi là “thức ăn nhanh” vì từ món khô đến món nước đều được mang ra trong tích tắc và ở trong tình trạng nóng hổi mà vẫn giữ được độ tươi. Để đáp ứng tiêu chí này, Thư tổ chức bếp nấu trước nhiều món, đầu tư một hệ thống làm nóng cách thuỷ để thức ăn luôn được hâm nóng. Chưa hết, lò vi sóng, máy nướng cũng được trang bị đầy đủ tại bàn bếp của tiệm.
Vì diện tích quán không lớn, Kim Thư tổ chức thêm dịch vụ giao nhận đồ ăn trong nội thành. Thư giải thích: “Nhiều người có hôm thích ăn bún hay xôi buổi trưa, mà ăn có một chút chẳng lẽ lại tự nấu, hay lại đi xa, nên nếu có một hình thức gọi những món ăn như thế giao đến tận văn phòng hay nhà riêng thì còn gì bằng”. Tuy mới, nhưng hình thức này của Kim Thư được nhiều người ủng hộ, có những hôm nhân viên giao hàng không kịp, bà chủ quán cũng dắt xe máy để đi giao đồ ăn.
Không được đào tạo bài bản trong nấu nướng và trang trí đồ ăn, Thư thẳng thắn cho biết học từ người này, người kia một ít. Khi ăn một món mới, cô thường để ý đến mùi vị, nếu thấy ngon sẽ bắt đầu mon men hỏi người nấu bí quyết. Nhiều người bạn làm trong nhà hàng cũng không ngần ngại chia sẻ cách nấu những món lạ để  Thư lấy đó làm nên một cuốn thực đơn phong phú như bây giờ.
Món ăn chính tại quán có giá dao động từ 55.000 đến 110.000 đồng. Thư cho biết, lượng khách đến buổi trưa trung bình 30-35 người, giao hàng mỗi ngày 25-30 chuyến, riêng buổi tối ít hơn nhưng doanh thu lại tăng, trung bình mỗi bàn đạt 1-3 triệu đồng.
Đối tượng mà quán Kim Foodcourt nhắm đến là những người ở xa nhà và muốn ăn những món ăn gia đình, có thu nhập trung bình 7 – 10 triệu đồng/tháng. Với đối tượng đó, địa điểm đặt quán là yếu tố vô cùng quan trọng, vì phải làm sao cho tiện và có nhiều người qua lại. Sở dĩ cô chọn tiệm đầu tiên ở Pasteur vì gần trường đại học, công ty. Các giảng viên của trường và nhân viên văn phòng là những khách quen của quán. Chưa kể, khi quán bắt đầu có thương hiệu và dần được nhiều người ủng hộ, Kim Thư sẽ đầu tư thêm ở những con đường trung tâm Sài Gòn.
Đã trải qua hết cung bậc giàu sang, vất vả, giờ đây Kim Thư đang dần học được chữ nhẫn trong cuộc sống và kinh doanh. Cô cho biết đã có người ngỏ ý mua lại thương hiệu Kim Foodcourt, nhưng cô không hấp tấp đồng ý ngay vì muốn xây dựng nền móng vững chắc cho mình và thương hiệu. Thậm chí, có đối tác mở lời mời hợp tác ở một thành phố khác, trong đó họ sẵn sàng miễn tiền thuê mặt bằng, nhưng xác nhận mình chưa đủ mạnh nên Thư quyết định buông tay với cơ hội này. Tuy nhiên, cô khẳng định, khi đã xây dựng thương hiệu đủ vững và vừa vặn, sẽ không ngại việc nhân rộng và nghĩ đến mô hình nhượng quyền như nhiều thương hiệu ẩm thực đã làm trước đó.
Ngọc Trần

Nguyên tắc đơn giản nhất để giàu có

Tiêu ít hơn số tiền kiếm được có vẻ là quy tắc cực kỳ đơn giản, nhưng lại không hề dễ thực hiện với rất nhiều người.
Theo lý thuyết, bạn sẽ phải biết được mình làm ra bao nhiêu tiền và chi ít hơn số đó. Tuy nhiên, thay vì tiêu ít đi, một số thậm chí còn đi vay để tiêu nhiều hơn số mình có. Nợ nần sẽ hủy hoại tài chính của bạn. Vì vậy, nếu không muốn sống với một tương lai nghèo khó, hãy làm theo 2 bước sau trên Business Insider.
Đầu tiên, hãy tính toán xem bạn kiếm được bao nhiêu mỗi tháng. Cộng toàn bộ lương, lãi suất tiền gửi hay bất cứ khoản nào được trả đều đặn. Đừng tính các khoản bất thường, như tiền thưởng hay quà tặng. Bạn không thể lúc nào cũng dựa vào chúng được đâu.
Còn nếu không có thu nhập ổn định, hãy lấy số liệu trong vài tháng gần nhất và chia trung bình. Bỏ những con số quá cao và quá thấp đi. Việc này sẽ giúp bạn ước lượng chính xác mình kiếm được bao nhiêu trong một tháng thông thường.
thu-nhap-8749-1408526818.jpg
Bước đầu tiên là phải tính toán bạn kiếm được bao nhiêu tiền mỗi tháng. Ảnh: AFP
Bước tiếp theo là lên kế hoạch chi tiêu. Bạn không cần phải ghi chi tiết sẽ tiêu bao nhiêu vào những khoản nào và nhất nhất tuân theo nó. Thay vào đó, hãy định ra giới hạn số tiền sẽ tiêu trong mỗi tháng. Nguyên tắc là chỉ cần đảm bảo bạn tiêu ít hơn con số đã được tính ra ở bước 1.
Nếu không thể theo được cả hai bước này, có vẻ bạn vẫn chưa cố gắng hết sức. Tuy nhiên, rất may là bạn vẫn còn hai lựa chọn khác để điều chỉnh và biến mong muốn "tiêu ít hơn kiếm" thành hiện thực.
Một là hãy tiêu ít đi. Có rất nhiều cách giúp bạn tiết kiệm tiền, như cắt dịch vụ truyền hình cáp không dùng đến, giảm đi ăn ngoài, chuyển sang ngân hàng không tính phí hay mua sản phẩm xịn để dùng được lâu. Hãy bắt đầu bằng cách loại bỏ các chi phí mang lại ít giá trị cho bạn nhất.
Hai là kiếm nhiều tiền lên. Rất ít người nghĩ đến phương pháp này khi muốn thực hiện mục tiêu chi ít hơn thu. Hãy tăng thu nhập bằng cách kiếm việc làm thêm hoặc đơn giản là làm thêm giờ với công việc hiện tại.
Bạn có thể tự kinh doanh sau giờ làm hoặc kiếm một công việc tự do có thể làm trong lúc rảnh rỗi. Những cơ hội bên ngoài có rất nhiều nếu bạn nghĩ rộng ra một chút. Cách này bền vững hơn do bạn có thể tăng thu nhập nhiều đến chừng nào bạn muốn, còn tiết kiệm thì cũng chỉ đến một mức nhất định mà thôi.
Nói tóm lại, dù có vẻ bất khả thi, bạn cũng phải tự tìm ra cho mình một cách để giữ chi phí dưới thu nhập. Tất cả những gì bạn phải làm là nỗ lực thực hiện theo để có tài chính dư dả sau này.
Hà Thu

Nhân viên ngân hàng bỏ nghề đi chụp ảnh cưới

Từ bỏ vị trí chuyên viên tín dụng với lương tháng chưa tới 10 triệu đồng, Nguyễn Tuấn Tú quyết rẽ ngang để mở studio chụp ảnh cưới - nơi cho anh thu nhập tiền tỷ mỗi năm.
Cách đây 2 năm, TuArts Nguyen (Nguyễn Tuấn Tú) vẫn ngày ngày đóng bộ sơ mi - quần âu, xách cặp đến ngân hàng, đi mời khách vay tiền rồi cần mẫn thu hồi nợ. Để có thêm thu nhập ngoài tiền lương dưới 10 triệu đồng hàng tháng, Tú thường nhận chụp những bộ ảnh cưới, thời trang... vào cuối tuần cho bạn bè, người quen. Đây là nghề tay trái anh có được khi còn là một sinh viên ngân hàng.
Ngã rẽ chỉ thực sự đến với Tú vào tháng 10/2012 khi mong muốn có một công việc kinh doanh riêng, được làm chủ, cộng với quan niệm không thể làm tốt nếu không chuyên tâm thôi thúc anh bỏ hẳn việc tại ngân hàng để lập một studio ảnh cưới chuyên nghiệp.
"Mọi người trong gia đình đều bất ngờ, phản đối. Chỉ bố tôi ủng hộ, bởi ông hiểu làm nghề này không đơn thuần là đi buôn một món hàng rồi đem về bán. Chụp bất kỳ thể loại ảnh nào cũng cần sự sáng tạo. Đổi lại, giá trị thặng dư sau mỗi sản phẩm sẽ là cơ hội để mình làm một ông chủ đúng nghĩa", Tú tâm sự.
anh-cuoi-03-9459-1408248394.jpg
Bài toán quan trọng đầu tiên của doanh nhân trẻ là xác định khách hàng mục tiêu.
Học ngân hàng, có 2 năm làm tín dụng doanh nghiệp, Tú cho rằng lợi thế của mình khi gia nhập thị trường ảnh cưới vốn đã rất chật chội là hiểu chuyện kinh doanh, vai trò của khách hàng, marketing và quản lý dòng tiền. Điều này càng trở nên quan trọng khi nguồn lực ban đầu để khởi nghiệp không quá dồi dào: 200 triệu tích góp và vay mượn được, bộ đồ nghề đang sử dụng và 4 nhân sự thân tín. "Tôi luôn cố gắng tiếp cận vấn đề đặt ra bằng suy nghĩ của một doanh nhân, không phải nghệ sĩ hay một thợ chụp ảnh", chàng trai có bề ngoài chín chắn hơn nhiều so với độ tuổi 25 nói.
Bài toán quan trọng nhất khi khởi nghiệp, theo Tú là định vị "sân chơi" và khách hàng mục tiêu. Xác định chưa thể nhắm tới phân khúc cao cấp, nơi khách hàng sẵn sàng chi 20-40 triệu đồng hoặc hơn cho một bộ ảnh cưới; cũng không đủ sức "bao sân" nhiều đối tượng khách như các đơn vị lớn, studio của Tú quyết định chỉ tập trung cho thị phần trung cấp. "Khách hàng mình hướng tới là những người trẻ - góp phần đảm bảo ổn định về lượng khách; thích sự độc đáo và có thể chấp nhận chi phí từ 10-15 triệu đồng cho một bộ ảnh", Tú giải thích.
Không chỉ vậy, doanh nhân trẻ này cho rằng không cứ giá rẻ là tốt. "Ai sử dụng dịch vụ cũng muốn mình "có lời", nên việc chăm sóc khách hàng cũng như chất lượng sản phẩm. Cái quan trọng, là khi chụp một bộ ảnh cưới với chi phí 10 triệu đồng, khách hàng phải thấy nó đáng giá 13-15 triệu", Tú nói.
Để làm được điều này, bên cạnh việc nghiên cứu quy trình in ấn, lựa chọn xưởng in thích hợp để cho màu sắc đẹp, một bí quyết được ông chủ trẻ này tiết lộ là sẵn sàng cho cô dâu mặc những bộ váy mới nhất tại cửa hàng để đi chụp - điều mà không phải studio nào cũng dám làm. "Ban đầu mình nhập váy với mục đích bán hoặc cho thuê trong ngày cưới, sau một vài lần mới mang ra làm váy chụp. Đây là cách mà ai cũng làm. Tuy nhiên, dần dà mình nhận ra việc mặc váy mới khiến khách hàng thấy được nâng niu, có lợi hơn cho việc chụp nên mới quyết định mạnh tay", anh bộc bạch.
Khi studio dần phát triển, với tư duy của một "banker", Tú nhận thấy thấy có nhiều bài toán liên tục phải tính lại, một trong số đó là vấn đề nhân sự. Anh cho biết, chi phí trả lương cố định hiện nay khoảng hơn 80 triệu đồng, chưa kể lương sản phẩm. Lúc đầu anh nghĩ tăng thu nhập là giải pháp để khuyến khích nhân viên nhưng không phải. "Trước đó họ có thể rất nhiệt nhưng khi thu nhập ổn thì lại lười hơn, sức ì lớn", Tú nói.
Do đó, cựu nhân viên tín dụng lại phải đổi chiến thuật, chuyển sang tuyển thêm nhân viên để giảm bớt áp lực cho nhân sự cũ. Tú nhận ra, dù thu nhập tăng nhưng năng suất của mỗi người đã đến một giới hạn nên không thể đòi hỏi hơn được. "Rất bất ngờ là biện pháp này hiệu quả khi có vừa sự cạnh tranh giữa các vị trí lại không phải đốt cháy quỹ lương. Ngoài ra, cách trả lương cứng thấp, lương sản phẩm cao cũng khiến mọi người làm việc tốt hơn", ông chủ này chia sẻ.
anh-cuoi-3-7496-1408248394.jpg
Ngoài ảnh cưới, Tú còn muốn mở rộng việc kinh doanh sang nhiều lĩnh vực khác.
Không hối hận vì bỏ nghề ngân hàng giữa chừng nhưng Tú thừa nhận thời gian làm việc trước đây giúp ích không nhỏ cho công việc hiện nay. Học theo các nhà băng, Tú cũng xây dựng một bộ quy trình chuẩn của studio, cho tất cả các vị trí nhân sự để tăng hiệu quả công việc, giảm thời gian và chi phí. Tương tự, anh cũng niêm yết công khai giá chụp ảnh để tạo tâm lý thoải mái cho khách hàng thay vì chọn cách làm ai hỏi mới gửi email báo giá của một số nơi.
Có trong tay một đội chụp ảnh lành nghề với 4-5 ê-kíp, mỗi tháng studio có thể nhận 50-60 bộ ảnh cưới, mang về doanh thu 400-600 triệu đồng, Tú dồn hết sức vào việc quản lý các ê-kíp và marketing thay vì chỉ chuyên tâm đi chụp. 
Anh nhân viên ngân hàng ngày trước, nay đã trở thành ông chủ với thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Giờ đây, Nguyễn Tuấn Tú đang ấp ủ kế hoạch hợp tác hoặc sáp nhập với một thương hiệu may đo vest, áo cưới để mở rộng quy mô và bán chéo sản phẩm tốt hơn. "Quy mô của ngành này không thể bằng ngân hàng. Nhưng giống các nhà băng cách đây mấy năm thôi, nội bộ trong ngành cưới hỏi cũng đang âm ỉ chuyện mua bán sáp nhập, hợp tác để tồn tại. Mình nghĩ đây là con đường tốt để phát triển lâu dài", anh nhận định.
Thanh Thanh Lan

7 bước để kinh doanh tại gia thành công

Làm việc quan trọng và khó khăn nhất mỗi buổi sáng, hằng tháng tự tập một thói quen tốt. Hãy tắt điện thoại, email để tập trung cao độ vào công việc.
1. Chọn việc ưu tiên
en-1-6213-1408160966.jpg
Mỗi người chỉ có một lượng ý chí hữu hạn để thực hiện các công việc. Vì vậy, hãy ưu tiên hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng và khó khăn nhất trong buổi sáng. Mỗi ngày, bạn chỉ nên giới hạn làm 4-6 đầu việc. Nó sẽ giúp bạn tập trung giải quyết những gì thực sự cần thiết.
2. Hình thành một thói quen tốt mỗi tháng
em-2-6121-1408160966.jpg
Thói quen được tạo ra khi bạn liên tục làm một việc gì đó vào cùng thời điểm trong ngày. Tuy nhiên, bạn chỉ nên tập trung hình thành một thói quen mỗi tháng.
Thử tưởng tượng bạn sẽ làm việc hiệu quả thế nào nếu sau một năm bạn có thêm được 12 thói quen tốt. Nếu hiện tại bạn vẫn chưa tập thể dục, hãy cố gắng biến nó thành thói quen tốt đầu tiên. Tập luyện sẽ giúp tăng cường trí lực, cải thiện khả năng tập trung và khiến bạn ngủ ngon hơn.
3. Học cách nói không
en-3-9099-1408160966.jpg
Bạn sẽ làm việc năng suất nhất nếu tắt điện thoại và email. Hãy học cách từ chối các cuộc gọi đến, đặc biệt là từ số lạ bởi chúng rất dễ khiến bạn phân tán tư tưởng. Điều này cũng có nghĩa là nói không với bản thân - đừng làm gì khác khi công việc hiện tại vẫn còn dang dở.                    
4. Sắp xếp công việc hợp lý
en-4-8339-1408160966.jpg
Thực hiện một loạt công việc giống nhau cùng lúc sẽ giúp bạn tiết kiệm được kha khá thời gian. Vì vậy, hãy gọi tất cả các cuộc điện thoại cần gọi và gửi hết các e-mail cần gửi cùng một lúc.
Bên cạnh đó, đôi khi chúng ta không tìm thấy hứng thú làm việc mà chỉ muốn vui chơi hoặc xem TV. Vậy thì hãy lên kế hoạch thư giãn để giải tỏa căng thẳng. Theo nhiều nghiên cứu, con người chỉ nên làm việc liên tục trong hơn một tiếng rồi nghỉ giải lao, và đừng có ngồi trong nhà cả ngày.
5. Tự động hóa công việc
en-5-7010-1408160966.jpg
Hãy lập danh mục Câu hỏi thường gặp (FAQ) hoặc một cơ sở dữ liệu để những thắc mắc của khách hàng được giải đáp ngay mà không cần có bạn. Bạn cũng nên cài đặt chế độ trả lời tự động kèm đường dẫn FAQ trong chữ kí e-mail. Vì thế, thay vì phải cuống cuồng hồi đáp ngay khi khách hàng liên hệ, việc này sẽ giúp khách hàng biết bạn sẽ trả lời e-mail hoặc gọi lại khi thuận tiện.
6. Đừng quá cầu toàn
en-6-7095-1408160966.jpg
Bạn chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn nếu cứ lo lắng bản thân mắc sai lầm. Bạn sẽ học được nhiều thứ hơn khi bắt tay vào thực hiện, thay vì cứ ngồi tưởng tượng và lên kế hoạch. Bạn nên cảm thấy lo sợ vì đã không làm việc đó, chứ không phải là đã làm rồi. Làm điều mình muốn hiếm khi là sai lầm, bởi nhờ đó mà việc kinh doanh của bạn sẽ phát triển và sinh lời.
7. Không ngừng phấn đấu
en-7-2461-1408160966.jpg
Nếu nghĩ công việc của mình đã hoàn hảo, bạn sẽ không tiếp tục cố gắng nữa. Tốt hơn hết là luôn nỗ lực tìm ra cách làm hiệu quả hơn, thay vì loay hoay tìm một phương án hoàn hảo cho mọi chuyện.
Rất nhiều người đặt câu hỏi làm thế nào để phát triển việc kinh doanh. Câu trả lời là đừng bao giờ để bản thân cảm thấy quá hài lòng.
Hà Tường

Từ rửa bát thuê trở thành triệu phú

Từ một cậu bé nghèo khổ rửa bát thuê, Andy Ong đã trở thành triệu phú Singapore khi mới 26 tuổi. Ông từng kiếm được 30 triệu USD chỉ trong một buổi sáng nhờ sự quyết đoán.
Góp mặt trong một sự kiện mới đây tại TP HCM, dù ở tuổi 45 - Andy Ong, một trong những triệu phú nổi tiếng của Singapore vẫn toát lên vẻ trẻ trung với mái tóc rất sành điệu. Nhìn ông tràn trề nhiệt huyết của một con người “3 trong một”: nhà báo, giảng viên kiêm doanh nhân.
6 tuổi, gia đình Ong bị bố bỏ rơi, mẹ ông đơn thân nuôi 5 người con trong hoàn cảnh nghèo khó. Kể từ khi 15 tuổi, ông đã phải đi làm phụ bếp, rửa chén cho nhà hàng để có tiền đi học cho tới tận lúc ra trường.
Khi đi ngang qua những tòa nhà chọc trời, ông buột miệng: “Thật tuyệt nếu mình có một tòa nhà như thế”. Ong luôn khao khát trở nên giàu có. Nghe lời mẹ dạy “nếu muốn giàu thì con phải học hành và làm việc thật chăm chỉ”, ông thực hiện điều đó cần mẫn mỗi ngày và mong chờ thầy giáo dạy cho cách làm giàu. Cho đến khi tốt nghiệp Đại học Quốc gia Singapore, ông sợ hãi và tự hỏi “Chỉ vậy thôi đó à?”.
Andy-Ong-2-JPG-9280-1407985007.jpg
Andy Ong là một trong 10 triệu phú trẻ tuổi tay trắng làm nên tại Singapore, tác giả của nhiều cuốn sách kinh tế bán chạy nhất này  sở hữu doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực: giáo dục, nhà hàng, khách sạn, bất động sản... ở Đông Nam Á với doanh thu hơn 100 triệu USD/năm.
Ong nhận ra những kiến thức từ sách vở là không đủ, muốn giàu có thì phải học thực tế từ những người có tài sản lớn. Ông suy nghĩ: “Muốn tiếp cận những người giàu như vậy thì có một ngành nghề thích hợp là làm phóng viên chuyên viết về những doanh nhân thành đạt”.
Sau đó, ông trở thành quản lý biên tập của một tạp chí kinh tế sau 8 lần được tiến cử thăng chức. Khi khủng hoảng kinh tế năm 1997 xảy ra, ông chủ sợ Andy Ong thay thế vị trí của mình nên đã sa thải ông.
“Tôi cảm thấy vô cùng kinh khủng, nhưng cũng phải tự trấn an: 'Một là chìm hai là bơi’ nên quyết định tự thành lập doanh nghiệp riêng. Tôi đúc kết được hai điều: Làm sao sử dụng kiến thức, hiểu biết của mình để làm ra tiền và phải có kiến thức về đầu tư để tiền kiếm được sinh sôi, nảy nở ”, ông nói.
Với 10.000 USD tiền tiết kiệm và 20.000 USD vay vốn ngân hàng, ông thành lập Tạp chí Kế hoạch tài chính châu Á chỉ với 2 thành viên. "Tôi tự mình đi bán quảng cáo với danh sách liên lạc, mối quan hệ trong lĩnh vực tài chính đã tạo dựng được. Tôi cảm thấy thật khó để tồn tại nếu chỉ trông chờ vào quảng cáo, nên đã mở thêm các hoạt động tổ chức sự kiện về hội thảo kinh tế, hay sự kiện xuất bản sách”, Ong chia sẻ.
Tạp chí chia nhân sự quản lý thành nhiều nhóm kết hợp cùng đội ngũ làm bán thời gian để phát triển theo đường hướng đã vạch ra. Chỉ trong vòng 5 năm, doanh thu công ty của Ong từ vài trăm nghìn đã tăng lên vài triệu USD. Năm 2003, ông bán nó cho một công ty Mỹ.
Andy Ong chia sẻ niềm đam mê lớn nhất của mình là bất động sản. Ông đầu tư bằng cách mua những cửa hàng buôn bán trên những con phố sầm uất. Năm 2002, ông mua một cửa hàng trên đường Club giá 2,2 triệu USD và sau này bán lại với giá gần 6 triệu USD.
Casey Tan, trợ lý của Andy Ong kể về một phi vụ kiếm tiền “đau tim” của ông chủ:  Ong đã quyết đoán mua một tòa nhà cũ hơn 40 triệu USD và đặt cọc trước một triệu USD. Ông trấn an nhân viên của mình “hãy chờ, và chúng ta không cần làm gì cả”. Sau 4 tiếng đặt cọc, ông Andy bán lại tòa nhà đó với giá cao ngất ngưởng và lãi hơn 30 triệu USD chỉ trong một buổi sáng.
“Bạn phải điên một chút để thành công trong thế giới hỗn loạn này. Mỗi lĩnh vực mới đều có sự hấp dẫn thú vị. Trong con mắt những người tìm kiếm cơ hội thì khủng hoảng kinh tế là thời cơ rất tốt. Kinh tế thăng trầm không kiểm soát được, sự khác biệt là ta có kiếm tìm được cơ hội, mua được những doanh nghiệp tiềm năng với giá thấp hơn hay không”, Ong chia sẻ và còn nhấn mạnh thêm rằng thời điểm tốt nhất để một người khởi nghiệp là khi đang có một công việc ổn định.
Năm 2002, Singapore có xu hướng mở trường để thu hút nhân tài. Hội đồng phát triển kinh tế đã hỗ trợ quỹ cho Ong mở trường học. Ông vận động đối tác để có một triệu USD thành lập học viện ERC (Entrepreneur Resource Centre) vào năm 2003 và bỏ ra 5 triệu USD cải tiến trường tiểu học River Valley thành một khuôn viên cho 1.600 học viên.
Ông nhận thấy rằng khi kinh tế khủng hoảng, không có nhiều việc làm sẽ phát sinh nhu cầu học nhiều hơn. Bên cạnh đó, những đối tượng có việc làm cũng muốn tri thức cao hơn để giữ vị trí của mình. Từ nhu cầu của thị trường, Andy Ong kiên trì khởi nghiệp và được thị trường đón nhận. Thành lập ERC, Andy Org đặt ra mục tiêu là đào tạo doanh nhân, nên những hoạt động kinh doanh của sinh viên được khuyến khích rất nhiều.
“Có 3 dạng người ở trên thế giới: Người luôn tìm kiếm khả năng, đam mê bản thân để tạo ra cơ hội cho bản thân; nhóm thứ 2 là người nhìn thấy cơ hội nhưng cứ đứng đó suy nghĩ, suy nghĩ, suy nghĩ... Ba năm sau nhìn lại họ mới tiếc 'phải chi lúc đó mình làm được như vậy’". Nhóm thứ 3 lớn lên nhìn xung quanh mà không hề nhận biết được những chuyển biến, cơ hội xung quanh.  Điều đó là lí do khiến tôi bước vào lĩnh vực giáo dục để giúp nhiều người hiểu được bản thân, nắm bắt cơ hội để thành công”, Ong giãi bày.
Chưa hết, Ong đã chi 103 triệu USD mua lại tòa nhà trung tâm Prime của Tập đoàn Hong Leong và đổi mới tòa nhà này thành một trung tâm giáo dục đồng thời là một khách sạn cao cấp. Tháng 4/2013, ERC hoàn thành xây dựng  khách sạn Big với 302 phòng lý tưởng cho giới doanh nhân ngay giữa trung tâm thành phố của Singapore.
"Trong các chuyến công tác của mình, những gì tôi cần là một chiếc giường ấm  gối êm, TV màn hình lớn và một phòng tắm thoải mái, sạch sẽ". Andy Ong cho rằng kiểu cách của một khách sạn 5 sao sang trọng đôi khi không cần thiết và có lẽ là một khoản lãng phí đối với các doanh nhân như ông. Ông tiếp lời: "Trong khi đó, phòng của chúng tôi chỉ tốn chi phí bằng một nửa so với các khách sạn 5 sao khác, nhưng lại có thêm dịch vụ chiếu phim miễn phí”. Trong tương lai, Ong dự định sẽ nhân rộng mô hình này ở các nước Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc. Đây cũng sẽ là cách tạo cơ hội nghề nghiệp cho các sinh viên của ERC sau khi tốt nghiệp.
Ngoài ra, Ong tận dụng mối quan hệ từ những doanh nhân thành đạt như Douglas Foo (chủ chuỗi cửa hàng Sakae Sushi), Kenny Yap (chủ  trại cá cảnh Qian Hu)... để giúp học viên học hỏi kiến thức kinh doanh thực tiễn.
Ong nhìn nhận có quá nhiều cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Bản thân ông sau khi tốt nghiệp đại học, với 200 USD tiền tiết kiệm, đã đến Việt Nam "đi phượt" từ Bắc chí Nam. "Tôi rất yêu đất nước này, chỉ tiếc vì là người nước ngoài nên có những lĩnh vực tôi chưa được phép đầu tư. 20 năm nữa kinh tế Trung Quốc sẽ chững lại vì dân số già đi, Việt Nam là một nước phát triển nên còn nhiều cơ hội và thời gian. Người Việt thật sự chưa biết nắm bắt cơ hội, nhiều lần tôi tự hỏi ‘Những người Việt Nam đang làm gì trong thời gian rảnh của họ vậy'?”, Ong nói.
Trần Bé

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons