Thay vì cắt giảm, trong khủng hoảng, các công ty nên tiếp tục đầu tư khôn ngoan vào nhân lực. Nếu nhân lực chán nản, mất lửa chiến đấu, không gắn kết sẽ là những tác nhân làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng.
Nếu định
nghĩa từ "khủng hoảng" năm 2011, 2012 thì các CEO và quản lý
cấp cao đưa ra rất nhiều định nghĩa vui và hình tượng. Riêng tôi
thường nói: "Bây giờ có tiền đủ trả lãi ngân hàng hàng tháng
là vui rồi, còn tiền gốc thì phải quên đi hoặc cố quên đi từ
lâu" do giá trị thực đã mất rất nhiều so với giá trị sổ
sách.
Câu nói trên thể
hiện tầm quan trọng của quản lý doanh nghiệp trong những năm gần
đây. Đó chính là khan hiếm tài nguyên đầu vào (input) của doanh
nghiệp, hoặc chi phí cho những tài nguyên đầu vào quá cao so
với khả năng chuyển hóa các tài nguyên này thành sản phẩm cùng
với dịch vụ với tỷ lệ thặng dư chấp nhận được. Một doanh
nghiệp chắc chắn sẽ không vay vốn dù ngân hàng mang tiền tới
mời chào vì doanh nghiệp đó chỉ có khả năng sinh lời 8% một
năm trên tổng số tiền đầu tư, trong khi phải trả 10% cho nguồn
vốn vay tại ngân hàng.
Công ty trong khủng
hoảng cần phải tìm cách sử dụng nguồn tài nguyên đầu vào của
mình một cách hiệu quả và hiệu năng hơn. Hiệu quả thông qua
việc xác định các mục tiêu kinh doanh thật chính xác và hiệu
năng thông qua vận hành doanh nghiệp tiêu tốn ít tài nguyên đầu
vào hơn. Trên lý thuyết, doanh nghiệp có 5 tài nguyên đầu vào cho
bất kỳ một doanh nghiệp nào đó là Money - tài chính, Human
Resource - Nhân lực, Material - Nguyên vật liệu, Method - Các phương
thức và Machine - Máy móc. Trong khủng hoảng các nguồn tài
nguyên đầu vào như tài chính, máy móc và nguyên vật liệu có
chi phí tăng vọt. Tuy nhiên, nguồn nhân lực mới chính là yếu tố
duy nhất mà doanh nghiệp có thể tác động để tạo ảnh hưởng
toàn cục tốt cho tình hình hoạt động kinh doanh của công ty.
Nói cách khác, trong khủng hoảng và cũng như trong thời bình,
nhân lực là yếu tố duy nhất giúp cho doanh nghiệp có thể thoát
khỏi hoặc hạn chế các tác động xấu của khủng hoảng.
Làm
thế nào để nhân viên không mất tinh thần làm việc trong bối cảnh công
ty khó khăn là bài toán hóc búa với các CEO (ảnh minh họa)
Trong tất cả các
nguồn lực đầu vào, nguồn lực nhân lực có tính chất khác biệt
với các nguồn lực khác - hàng hóa sức lao động - một loại hàng hóa
đặc biệt. Các nguồn lực như tài chính, nguyên vật liệu, máy
móc có tính chất bất biến khách quan. Nguồn nhân lực có tính
chất thay đổi dương hay âm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chủ
quan. Trong khủng hoảng, các CEO hay có xu hướng cắt giảm chi
phí nhân lực - đây thực sự là ý tốt nhưng không hay, không phù hợp
do các hoạt động này sẽ làm nguồn lực nhân lực suy giảm một
cách đáng kể. Thay vì cắt giảm đầu tư vào nhân lực, công ty
cần phải tiếp tục đầu tư khôn ngoan vì đây là yếu tố trực
tiếp vận hành 4M, giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng. Nhân
lực chán nản, mất lửa chiến đấu, không gắn kết sẽ là những
tác nhân làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng.
Chúng ta hãy xét các ví dụ rất điển hình thường xẩy ra tại các công ty Việt Nam.
Ví dụ thứ nhất, công
ty có hơn 200 nhân viên bán hàng trên toàn quốc và do tình hình
khó khăn, CEO quyết định cắt giảm chi phí hỗ trợ điện thoại
từ 500.000 xuống 300.000 đồng. Như vậy, một tháng công ty sẽ tiết
kiệm được 40 triệu đồng (2.000 USD). Vì cắt giảm, các nhân viên bán hàng
sẽ giảm số lượng gọi tìm kiếm mở rộng khách hàng. Ngoài ra, tinh thần
họ sẽ trở nên cực kỳ bất mãn và giảm ý chí chiến đấu.
Điều đó dẫn tới doanh số tháng sau sụt giảm 10% và lợi nhuận
cũng sụt giảm tương ứng.
Ví dụ thứ hai, công
ty đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất khoảng 5 triệu USD và
có hơn 300 công nhân, kỹ sư vận hành dây chuyền. Do khủng hoảng
năm 2011 và năm 2012, công ty quyết định tăng lương 5-10% thay vì
tăng 15-20% như mọi năm. Cắt giảm chi phí lương là một điều dễ
dàng nhận thấy cho tất cả các doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng do việc
cắt giảm chi phí lương công nhân và kỹ sư, thời gian chết trên
dây chuyền tăng thêm 10% do tâm lý bất mãn trong nhân lực. Các CEO
và CFO cân nhắc chi phí khấu hao dây chuyền sản xuất trên đơn
vị 1giờ cho dây chuyền này sẽ thấy cắt giảm lương không phải là
yếu tố tích cực.
Ví dụ thứ ba, công
ty có hơn 100 nhân viên thực hiện dịch vụ khách hàng khi bán
hàng. Do tình hình khó khăn, công ty quyết định không tăng tiền
tài trợ cho suất ăn trưa và vẫn giữ 10.000 đồng/người. Chi phí
không đủ, suất ăn trưa ngày càng tệ hại hơn và toàn bộ nhân
viên dịch vụ bất mãn không duy trì chất lượng dịch vụ tốt như
trước. Điều đó dẫn tới khách hàng không quay lại mua sản phẩm
và dịch vụ.
Tất cả những ví
dụ trên chỉ ra một sự thật rằng muốn quản trị nhân sự thời
khủng hoảng, các CEO cần phải đầu tư và "thật tâm" với nhân sự
để hai bên cùng chung sức vượt khó. Doanh nghiệp càng khó khăn
càng thể hiện quan điểm quản lý, cơ hội tạo niềm tin gắn bó rõ nhất từ
cách lựa chọn giảm chi phí nào là phù hợp - một chiến lược nhân sự thời
kỳ khủng hoảng. Một cách tích cực hơn nữa, doanh nghiệp cần phải
đầu tư tiền vào các hoạt động nhân sự mặc dù bản thân công ty
gặp rất nhiều khó khăn về tài chính.
Để quản trị hiệu quả nhân lực trong doanh nghiệp thời khủng hoảng, cần thực hiện ưu tiên các bước sau đây:
Bước 1: Bản thân cấp
lãnh đạo cao nhất trong công ty cần thấu hiểu, cam kết và hành
động theo hướng đầu tư hiệu quả vào công tác nhân sự trong
thời kỳ khủng hoảng. Thiếu những hỗ trợ thiết thực về tài
chính, tinh thần, cam kết hành động từ cấp CEO, quản lý nhân
sự chắc chắn thất bại.
Bước 2: Cấp lãnh
đạo tại các phòng ban chức năng khác cần phải áp dụng triệt
để tinh thần tiếp cận chức năng nhân sự như trong bước 1 phát
động từ CEO. Bản thân các cấp lãnh đạo cần phải nắm được công
tác nhân sự là thuộc trách nhiệm của họ. Một lý do quan
trọng kế tiếp, quản lý nhân sự có tốt thì đó chính là cách
duy nhất có thể giúp các cấp quản lý trực tiếp vượt qua
khủng hoảng. Trong khủng hoảng, các trưởng phòng, lãnh đạo các
cấp cần phải gắn kết nhân sự hơn bao giờ hết để vận hành thật
hiệu quả bộ máy nhân sự.
Bước 3: Có một
nghịch lý rằng phòng nhân sự trong công ty là nơi chịu trách
nhiệm quản lý tài sản lớn nhất "nguồn nhân lực" nhưng bản thân
phòng nhân sự là nơi nhận được ít đầu tư và nâng cấp năng lực
nhất trong công ty. Các cấp lãnh đạo và quản lý cần thấu
hiểu để có được nguồn nhân lực là tài sản lớn nhất, công ty
cần phải đầu tư thật sự cho bộ phận nhân sự.
Bước 4: Để các bước
trên hiệu quả, phòng nhân sự cần có các hoạt động truyền
thông nhằm giải thích rõ lý do, nguyên nhân và kết quả các
bước công việc tiếp theo cho toàn bộ công ty hiểu rõ. Một thông
điệp rõ ràng cần gửi tới nhân viên đó là trong khủng hoảng
công ty và nhân viên cần cộng hưởng để cả hai bên cùng vượt
khó.
Bước 5: Công tác nhân
sự đầu tiên trong thời kỳ khủng hoảng đó chính là xác định
rõ các cấp độ nhân viên: Kim Cương, Vàng, Bạc, Đồng và Chì.
Khủng hoảng là thước đo rõ nhất năng lực nhân viên và tinh thần
chiến đấu. Trong lúc thị trường tốt rất khó phân biệt các
mức độ nhân viên như Bạc, Đồng và Chì. Trong thời gian khủng
hoảng, các nhân viên Đồng và Chì rất dễ dàng phân biệt và
phát hiện ra. Quan trọng nhất đó là việc sử dụng nhân viên Đồng, Chì
hay hoàn toàn không cần sử dụng?
Bước 6: Thực hiện
công tác đánh giá lại nhân viên để giúp họ thấy được các mặt
cần cải thiện và các kế hoạch cụ thể khắc phục các vấn đề
đó. Đánh giá giữa kỳ rất quan trọng vì công tác đánh giá
giữa kỳ nhằm giải quyết vấn đề tồn tại. Nếu chỉ đánh giá
cuối năm thì sẽ không có cơ hội sửa chữa sai lầm nữa. Trong
thời gian khủng hoảng, các công tác đánh giá giữa kỳ cực kỳ
quan trọng và cần phải thực hiện kỹ lưỡng và thấu đáo giữa
trưởng phòng và bộ phận nhân sự, đặc biệt là các trưởng phòng,
quản lý bộ phận.
Bước 7: Trong thời
gian khủng hoảng, tính kỷ luật cần phải được nêu lên hàng đầu.
Nếu tại thời kỳ phát triển "hoàng kim", các sai lệch về kỷ luật
có thể không gây ảnh hưởng nhiều. Trái lại, trong lúc khủng
hoảng, công ty cần có một bàn tay sắt để đảm bảo mọi người
tuân thủ và thực hiện đúng theo ý định của CEO và lãnh đạo
doanh nghiệp.
Bước 8: Đặc trưng
của khủng hoảng chính là sự khan hiếm của tài nguyên. Nhằm
khắc phục vấn đề đó, các rào cản nội tại như quy trình không
hiệu quả, mâu thuẫn cá nhân, cơ cấu không hợp lý cần phải được
mổ xẻ và xử lý triệt để đảm bảo hiệu quả sử dụng tài
nguyên tốt nhất trong công ty. Các khúc mắc trong các phòng ban
với nhau cần xử lý ngay và kiên quyết trên quan điểm lợi ích
doanh nghiệp là cao nhất. Trên thực tế, rất nhiều trường hợp
lợi ích của phòng ban được đặt nặng hơn lợi ích của doanh
nghiệp. Người thắng cuộc không phải doanh nghiệp mà là quyền lợi
của phòng ban có tiếng nói mạnh nhất. Góp phần cho khủng hoảng
trầm trọng hơn chính là thứ tự ưu tiên giữa các phòng ban, bộ phận được
CEO đặt tỷ lệ % không cân đối và hợp lý đối với chiến lược phát
triển kinh doanh của công ty và các biến động trên thị trường
kinh doanh có nguồn gốc từ cạnh tranh, qui định của nhà nước,
nhu cầu khách hàng thay đổi.
Bước 9: Tinh thần
nhân viên cần được phát động tối đa trong thời kỳ khủng hoảng.
Lý thuyết và thực tế đã chứng minh năng lượng tinh thần sẽ
tạo ra những kết quả đáng ngạc nhiên. Các ví dụ trong phần
trước đã nêu một phần nào những cách tiếp cận thực tế nhưng
làm giảm sút năng lượng tinh thần của nhân viên. Phòng nhân sự
cần phải thực hiện các công tác đào tạo team building, khen
thưởng kịp thời, các chính sách quan tâm tới nhân viên.
Một ưu điểm của lao
động Việt Nam đó chính là chúng ta quan tâm tới sự chân thành.
Công ty gặp khó khăn nhưng CEO, ban lãnh đạo vẫn tằn tiện tạo ra
những quyền lợi nhỏ bé cho nhân viên. Đối với người Việt Nam,
những hành động đó có ý nghĩa rất lớn chứ không phải tiền
nhiều hay là ít. Giống như vị tướng cầm quân, thua một trận còn
có cơ hội thắng chung cuộc nhưng nếu thua nhân tâm binh sỹ thì
chắc chắn thất bại.
Bước 10: Trong khủng
hoảng, công ty cần thực hiện việc "thay máu" nhân viên triệt để
thông qua ba nhóm biện pháp như sau:
- Tuyển dụng nhân viên trẻ và đào tạo phát triển nhằm thay thế các nhân viên các cấp thấp không hiệu quả.
- Thực hiện chương
trình đào tạo và nâng cấp cán bộ quản lý cấp trung đóng vai
trò quan trọng trong việc triển khai, tác nghiệp.
- Thực hiện việc
tuyển dụng và đưa về các nhân viên phù hợp. Trong thực tế, thời
gian khủng hoảng là lúc dễ dàng tuyển dụng các nhân viên giỏi
từ các công ty đối thủ do họ không có các kế hoạch nhân sự
trong khủng hoảng đầy đủ và hệ thống như doanh nghiệp chuyên
nghiệp ưu tiên các bước thực hiện này.
Để thực hiện bước
10, doanh nghiệp cần phải kiên quyết thải loại các nhân viên
Đồng và Chì nếu như họ không thực tâm cố gắng phát triển cá
nhân và tự phấn đấu trong các chương trình hỗ trợ đào tạo và
phát triển cá nhân của công ty. Doanh nghiệp cần xác định các
nhân viên Đồng và Chì còn ở lại công ty ngày nào, công ty còn
mất tiền lương và mất những khoản chi phí cơ hội khi họ là
những tác nhân cản trở hiệu quả của toàn hệ thống như trong
bước 8 có đề cập. Ngoài ra các nhân viên Đồng và Chì này là
những tác nhân âm làm giảm năng lực tinh thần và ý chí chiến
đấu của các nhân viên khác trong công ty. Do đó việc thải loại
Đồng và Chì là bắt buộc và công ty phải dành một khoản chi
phí để thực hiện công tác.
Các công ty trong
thời gian khủng hoảng cần phải có những bước đi táo bạo và
mới mẻ trong công tác quản lý doanh nghiệp nói chung và công tác
nhân sự nói riêng. Các CEO cần tiếp cận nhân sự trên khía cạnh
đầu tư hiệu quả trong khủng hoảng để nhân sự có khả năng, năng
lực, ý chí chiến đấu vận hành doanh nghiệp cùng CEO thoát
khỏi khó khăn. Trong khủng hoảng, một người CEO biết đầu tư
đúng cách, đúng chỗ, đúng phương pháp sẽ là người cầm lái
thành công con tàu doanh nghiệp khỏi vùng bão xoáy khủng hoảng.
Theo Vũ Tuấn Anh
VEF
0 nhận xét:
Đăng nhận xét