(VnMedia) - Sếp bảo bạn “Tôi sẽ tăng lương cho anh ngay sau dự án này”, nhưng khi sếp nói vậy bạn thấy dáng vẻ, tư thế của anh (cô) ấy cứng nhắc và nụ cười gượng ép. Liệu sếp có nói dối bạn không?
Người đồng nghiệp nói rằng anh ta rất vui lòng giúp đỡ bạn trong dự án này, nhưng anh ta dường như ngừng lại một lúc trước khi trả lời, và trong khi nói, mắt anh ta cứ nhìn vào màn hình máy tính. Liệu bạn có thể tin tưởng anh ta được không?
“Anh cứ tin ở sự hỗ trợ của tôi”, “Đó không phải là lỗi của tôi”, “Anh sắp đến lượt được thăng chức”. Thật hay không ?
Chẳng vui vẻ gì khi biết mình bị lừa cả. Và hơn nữa, việc xác định nói dối vẫn là một ngành khoa học không chính xác.
Đối với phần lớn mọi người, hành động nói dối sẽ gây nên một phản ứng thể hiện sự căng thẳng. Nếu biết cách nhìn, bạn sẽ thấy những dấu hiệu căng thẳng hay lo âu này rất hiển nhiên. Về cơ bản, đầu óc con người sẽ phải làm việc vất vả hơn bình thường một chút để có một câu trả lời không thành thật. Một giả thuyết nữa từ giáo sư tâm lý học Daniel Langleben của Đại học Pennsylvania là để nói dối, não phải ngừng suy nghĩ về sự thật và tạo ra một sự giả dối, và sau đó là xử lý những cảm xúc như tội lỗi, lo lắng, sợ bị phát hiện.
Phát hiện nói dối bắt đầu từ việc quan sát những ứng xử tiêu chuẩn của con người trong điều kiện thoải mái và thư giãn, để từ đó tìm ra những sơ hở đáng nói. Một trong những chiến lược mà các nhà thẩm vấn kinh nghiệm hay dùng là hỏi những câu hỏi đơn giản, không nghiêm trọng để quan sát ứng xử của người bị hỏi trong tình huống không nói dối. Sau đó, khi những vấn đề khó hơn được nêu ra, người hỏi sẽ quan sát những thay đổi trong ngôn ngữ cơ thể để phát hiện sự nói dối.
Trong đàm phán kinh doanh, cách tốt nhất để biết được phản ứng “chuẩn” của ai đó là quan sát họ trong một thời gian đủ dài. Ghi nhớ tông giọng, điệu bộ, những ngôn ngữ cơ thể khác... Một khi bạn đã biết được như thế nào là “bình thường” ở người đồng nghiệp, bạn sẽ phát hiện được khi họ làm khác đi. Hãy nhớ một điều quan trọng là những dấu hiệu điển hình mà bạn phát hiện có thể là biểu hiện của lời nói dối nhưng cũng có thể là dấu hiệu của sự lo lắng do những nguyên nhân khác.
Lời khuyên của chuyên gia là bạn không nên chỉ dựa vào một dấu hiệu nào. Bạn sẽ thành công hơn nếu tìm ra một nhóm các phản ứng. Sau đây là những phản ứng điển hình cho thấy người nào đó đang nói dối.
1. Một nụ cười giả tạo: khá khó để tạo ra một nụ cười thực sự khi ai đó đang nói dối. Những nụ cười thực sự thường tạo ra nếp nhăn ở mắt và thay đổi toàn bộ khuôn mặt trong khi cười giả tạo chỉ thay đổi vùng miệng mà thôi.
2. Thời gian trả lời khác thường: với một lời nói dối đã được lên kế hoạch (và tập dượt), những người nói dối thường trả lời nhanh hơn so với người nói thật. Tuy nhiên, với những lời nói dối bộc phát, người nói dối lại mất thời gian lâu hơn để suy nghĩ ngược lại sự thật và tạo ra lời nói dối.
3. Giọng nói : Khi nói dối, giọng của người đó sẽ cao hơn một tông. Một số biểu hiện về lời nói gồm có nói lan man, không mạch lạc, dùng từ rất lựa chọn (không trả lời thẳng vào câu hỏi), nói lắp hay dùng những từ biểu thị sự không chắc chắn (ví dụ: theo hiểu biết của tôi thì...; có thể tôi không biết...).
4. Một người nói dối thường tiết ra nhiều nước bọt hơn. Để ý xem họ có nuốt vài lần khi nói không, hay họ cầm cốc nước để uống vài lần.
5. Giãn đồng tử: Một biểu hiện phi ngôn ngữ khác rất khó làm giả là giãn đồng tử. Phần lớn mọi người khi nói dối thì đồng tử lớn hơn bình thường do họ căng thẳng và tập trung hơn.
6. Thay đổi số lần nháy mắt. Một người thường nháy mắt ít hơn khi anh ta nói dối. Tuy nhiên, sau khi nói dối xong, anh ta lại nháy mắt rất nhiều lần hơn lúc bình thường.
7. Chuyển động chân: Khi nói dối, mọi người sẽ hồi hộp bằng cách tăng số cử động ở chân. Họ có thể thay đổi tư thế chân, hay đi đi lại lại nhiều hơn. Họ sẽ duỗi rồi lại co chân để giảm căng thẳng, hay thậm chí đá chân như một nỗ lực muốn bỏ đi.
8. Chạm vào mặt: Mũi của người ta không dài ra khi nói dối, nhưng nếu nhìn kỹ bạn sẽ phát hiện khi ai đó định nói dối hay định nói điều gì quá đáng, anh ta thường vô tình sờ lên mũi (Điều này có thể được giải thích một cách khoa học là do chất adrenaline tăng lên đột ngột làm mở các mao mạch khiến mũi có cảm giác ngứa). Che miệng cũng là một cử chỉ phố biến khi ai đó không thành thực.
10. Thay đổi điệu bộ: Thường thường, trong nỗ lực để không lộ ra mình nói dối, mọi người sẽ cơ thể họ trong trạng thái không tự nhiên. Ví dụ như cắn môi, vặn ngón tay, sờ vào nhẫn, hay đồng hồ, chạm vào tóc.
11. Những biểu hiện rất nhỏ: Khó phát hiện, nếu bạn thấy bất cứ dấu hiệu biểu cảm nào trái ngược với những lời nói ra, hãy tin vào những gì bạn nhìn thấy chứ không phải những gì nghe thấy.
12. Liếc nhìn rất nhanh: Những người nói dối thường ngay lập tức nhìn xuống rồi nhìn ra xa, rồi lại nhìn lại bạn chỉ trong một chớp mắt để kiểm tra xem liệu bạn có tin lời họ nói hay không.
Một cảnh báo cuối cùng: Nếu một người thực sự tin vào lời nói dối của họ, thì bạn sẽ không có cách nào phát hiện. Tuy nhiên, trừ khi bạn gặp phải một người chuyên nói dối đến mức thành bệnh hay một diễn viên xuất sắc, còn không bạn sẽ vẫn phát hiện được sự dối trá nếu quan sát cẩn thận.
Hoàng Yến - (theo Forbes)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét