Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

8 cách ứng xử “hủy hoại” sự nghiệp

Bạn đang thắc mắc tại sao tốc độ phát triển sự nghiệp của mình lại “lẹt đẹt”, rằng sao vẫn chưa được tăng lương, thăng chức hay đảm nhận các dự án quan trọng?

8 cách ứng xử “hủy hoại” sự nghiệp
Lý do có thể là bạn đang khiến bản thân tự thụt lùi bằng cách ứng xử không tốt cho sự nghiệp dưới đây:
Bàng quan với danh tiếng sự nghiệp
Bạn đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc nhưng nếu không ai biết tới điều đó, danh tiếng, lương thưởng và cơ hội phát triển của bạn vẫn sẽ không có biến chuyển tích cực. Thay vì khiêm tốn thái quá, hãy mạnh dạn tự “PR” bản thân, thông báo cho sếp và đồng nghiệp biết những thành tích mới nhất của bạn, dù là “chinh phục” được một khách hàng khó tính hay hoàn thành dự án trước thời hạn.
Bảo thủ
Bạn có thể cảm thấy buồn, thất vọng về bản thân trước những lời trách mắng của sếp hay lời góp ý của đồng nghiệp. Nhưng nếu bảo thủ tới mức phớt lờ tất cả, thậm chí “nhảy dựng” lên phòng thủ khi ai đó có ý kiến với mình, bạn đang hủy hoại chứ không phải bảo vệ sự nghiệp của mình. Không ai thích tương tác với người bảo thủ, đồng nghiệp sẽ dần xa lánh bạn và sếp sẽ không muốn góp ý để bạn cải thiện bản thân. Bạn có thể cho rằng thật thoải mái khi không ai động tới mình nhưng điều đó có nghĩa là bạn đã phá hủy những mối quan hệ cần thiết trong sự nghiệp của mình và phủ nhận quá trình phát triển một cách chuyên nghiệp.
Ra quyết định một cách bồng bột
Đó có thể là nghỉ việc ngay lập tức khi sếp nói điều bạn không thích hoặc vội vàng chấp nhận lời đề nghị công việc mà không suy nghĩ một cách cẩn thận. Thay vì lối hành động bồng bột như vậy, bạn phải suy xét một cách cẩn thận trước khi hành động bởi mỗi quyết định liên quan tới công việc ảnh hưởng tới ví tiền, danh tiếng và chất lượng cuộc sống hàng ngày của bạn.
Thiếu quyết đoán
Bạn có thể nghĩ rằng không tạo “sóng gió” là cách tốt nhất để thành công một cách chuyên nghiệp nhưng thiếu quyết đoán cũng làm tổn thương sự nghiệp của bạn. Nếu bạn tin rằng một quyết định nào đó là sai, hoặc một dự án có nguy cơ trở thành “thảm họa” hoặc bạn xứng đáng được tăng lương, hãy mạnh dạn lên tiếng cho sếp và mọi người biết ý kiến của bạn.
Quá tiêu cực
Nếu liên tục phàn nàn về dự án mới, chính sách của công ty, rằng tại sao bộ phận IT lại mất quá nhiều thời gian để chỉnh sửa hệ thống, bạn đang tạo ra môi trường làm việc không thoải mái cho những người xung quanh. Tương tự với tính hài hước tiêu cực, bạn thường xuyên biến sếp hoặc nhân viên mới thành trò hề. Dù mọi người có thể cười vui trong chốc lát nhưng bạn sẽ bị coi là người cay nghiệt và có thái độ không tốt.
Nói dối
Nếu bị phát hiện nói dối dù đó chỉ là vấn đề nhỏ hoặc không thể chứng minh ngọn ngành, bạn sẽ phá hủy danh tiếng của mình và không thể lấy lại. Bạn có thể không bao giờ nói dối nữa nhưng sẽ vẫn bị nhớ tới như người có tiền sử dối trá và không đáng tin cậy.
“Hứa thật nhiều, thất hứa cũng thật nhiều”
Mọi người luôn chú ý tới điều bạn hứa sẽ làm, dù chỉ là nhỏ như chuẩn bị tài liệu cho cuộc họp hay hoàn thành dự án đúng hạn. Nếu bạn làm đúng những gì mình từng nói, họ sẽ tin tưởng bạn. Nhưng ngược lại, họ sẽ kết luận bạn chỉ là kẻ ba hoa, không biết giữ lời.
Lười cập nhật công nghệ mới
Bạn có thể cảm thấy mình hoàn toàn thoải mái với cách làm việc hiện tại nên không cần biết tới những công nghệ mới nhất. Nhưng nếu bạn từ chối cách làm mới, bạn sẽ sớm bị đồng nghiệp bỏ lại phía sau. Trong thời đại công nghệ thông tin, bạn sẽ có lợi thế cạnh tranh nếu nắm bắt những xu hướng cũng như công nghệ mới nhất trong lĩnh vực của mình.

Vũ Vũ
Theo Usnews

Có nên về “bến” cũ?

Bạn quyết định “dứt áo ra đi” và nộp đơn xin nghỉ việc. Ngay thời điểm này, công ty lại bày tỏ mong muốn giữ chân bạn với mức lương và chế độ đãi ngộ cao hơn. Liệu bạn nên đi hay ở? Neo lại bến cũ có nên chăng?

Thị trường lao động bất cân xứng cung - cầu khiến dân công sở cẩn trọng hơn trong các quyết định thôi việc và nhà tuyển dụng cũng chú ý hơn trong việc giữ chân nhân tài. Có không ít trường hợp công ty tìm mọi cách để níu giữ nhân viên khi họ quyết định thôi việc, hay thậm chí là “trải thảm” cho những nhân viên chủ chốt quay về với chức danh và phúc lợi cao hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nghề nghiệp, có nhiều khía cạnh bạn cần lưu ý nếu thực sự muốn quay về “bến cũ”:

Đãi ngộ tốt hơn – vẫn chưa đủ

Theo Emory Mulling, chủ tịch công ty tuyển dụng và hỗ trợ tìm việc Mulling, “Mặt tốt khi quay lại công ty cũ là bạn được đãi ngộ mức lương cao hơn, hoặc được phân công vào vị trí công việc tốt hơn, có lợi cho sự nghiệp của bạn sau này, tuy nhiên, song song đó còn nhiều vấn đề đáng lưu ý khác.”

Theo công ty tư vấn nhân sự Capital H, các nghiên cứu gần đây cho thấy: trung bình một nhân viên khi quay lại công ty cũ chỉ gắn bó thêm được nhiều nhất là một năm. Nguyên nhân là do các mâu thuẫn căn cơ khiến nhân viên không thỏa mãn với công việc vẫn chưa được giải quyết triệt để, nên dù đãi ngộ tốt hơn, mối quan hệ giữa nhân viên và công ty vẫn sẽ “dậm chân tại chỗ”.

Chirstopher Elmes, đại diện của Capital H còn lưu ý ứng viên về uy tín của bản thân. “Khi bạn nhận lời quay về công ty với mức lương cao hơn, việc bạn gắn bó với công ty sẽ được nhìn nhận là đơn thuần dựa trên tiền bạc, bạn sẽ ít được tin tưởng hơn trong tương lai.”

Hơn thế, nếu thông tin về chế độ đãi ngộ mới của bạn bị tiết lộ, mối quan hệ giữa bạn và đồng nghiệp sẽ bị ảnh hưởng, bởi không ít người sẽ so bì mức lương thưởng mới của bạn, bàn ra tán vào “chiêu thức làm giá” của bạn, cũng như hoài nghi năng lực của bạn liệu có xứng đáng.

Phòng hờ trước khi “nhảy bến”

Thay vì phải vội vã rời bỏ công việc khi không cảm thấy hài lòng để rồi chấp nhận quay về khi được đãi ngộ tốt hơn, các chuyên gia nhân sự cho rằng các nhân viên nên tiếp cận cấp trên và bày tỏ suy nghĩ về công việc, đề nghị những thay đổi cần thiết về trách nhiệm công việc, phúc lợi, thăng tiến, tăng lương… Cách này sẽ hiệu quả hơn là nhanh chóng tìm bến đỗ mới với hy vọng cải thiện những yếu tố này trong môi trường làm việc tốt hơn.

Theo Emory, bạn có thể tạo cơ hội để sếp hỗ trợ bạn khi đề nghị thảo luận về công việc. Hãy cho họ thấy thành ý gắn bó và cống hiến cho công ty của bạn. “Nhiều người không bao giờ dám đặt vấn đề với cấp trên vì cho rằng điều này là vô ích. Nhưng nếu bạn làm tốt công việc và thái độ ứng xử tốt, bạn sẽ thành công.”

Nếu biểu hiện trong công việc của bạn chỉ bình thường, và sếp tỏ vẻ không muốn bàn thảo thêm dù bạn có thiện chí, bạn hãy mạnh dạn dứt áo ra đi. “Khi đã nộp đơn nghỉ việc, bạn cần tỏ ra bản lĩnh trong việc nắm bắt cơ hội nghề nghiệp mới. Nếu bạn dễ dàng bị thuyết phục quay về, điều đó có nghĩa là bạn chưa thật sự chú tâm và dốc sức tìm kiếm cơ hội mới.”

Ngọc Vân
Theo Monster

Nan giải bài toán... việc làm

“Báo cáo Phát triển Thế giới 2013: Việc làm” vừa được Ngân hàng Thế giới chính thức công bố. Theo ông Martin Rama, Giám đốc của Báo cáo này, hiện đang có trên 620 triệu thanh niên không làm việc, cũng không đi học.

Theo tính toán, chỉ để giữ cho tỷ lệ việc làm không thay đổi, trong vòng 15 năm nữa cần phải tạo ra khoảng 600 triệu việc làm trên toàn thế giới. Không đơn thuần là đem lại thu nhập, việc làm còn là nền tảng căn bản cho phát triển, mang lại nhiều lợi ích to lớn hơn nhiều so với thu nhập đơn thuần. Việc làm có vai trò quan trọng trong quá trình giảm nghèo, giúp các thành phố vận hành và giúp lớp trẻ tránh được bạo lực…

Nan giải bài toán... việc làm
Không đơn thuần là đem lại thu nhập, việc làm còn là nền tảng căn bản cho phát triển, mang lại nhiều lợi ích to lớn

Tuy nhiên. qua phân tích 800 cuộc khảo sát và điều tra dân số, các tác giả Báo cáo đặc biệt lưu ý rằng, trên thế giới ước có trên 3 tỉ người đang làm việc, nhưng có gần một nửa trong số đó làm việc trong khu vực nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ của gia đình, công việc không thường xuyên hoặc theo thời vụ mà trong đó, mạng lưới an sinh rất mỏng manh, đôi khi thậm chí không có, còn thu nhập thì thấp.

Tại các nước đang phát triển, thời gian làm việc rất dài nhưng thu nhập vẫn không đủ đáp ứng các nhu cầu cơ bản.

Có thể thấy, chất lượng việc làm - chứ không chỉ số lượng - là một yếu tố cực kỳ quan trọng.

Trong số những khuyến nghị dành cho các chính phủ, Chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới Jim Yong Kim nhấn mạnh: "Điều quan trọng là chính phủ các nước phải kết hợp tốt với khu vực tư nhân, nơi tạo ra 90% tổng số việc làm. Phải tìm ra cách tốt nhất giúp các doanh nghiệp và nông trại nhỏ phát triển”. Mặc dù vậy, để đảm bảo chất lượng của việc làm thì sự thấu hiểu về những thách thức cụ thể đặt ra cho từng vùng hoặc từng nước là rất quan trọng.

Có đến 6 trong sô 7 người tại Đông Âu và Trung Phi làm công ăn lương trong khi 4 trong số 5 người tại khu vực Châu Phi Hạ Xahara là nông dân. Có nhiều phụ nữ hơn nam giới làm những công việc không được trả lương hoặc lương thấp hơn tại các nước thu nhập thấp hoặc thu nhập trung bình thấp. Trong khi đó tại các nước thuộc nhóm thu nhập trung bình, phụ nữ thường tìm được nhiều việc làm công ăn lương hơn (tuy thu nhập của họ vẫn thấp hơn nam giới)…

Nhân khẩu học và các đặc điểm chính của từng loại hình quốc gia khác nhau cũng cần được nhận diện. Chú ý vào các đặc điểm chính của từng loại hình quốc gia khác nhau sẽ giúp xác định rõ hơn những loại việc làm đóng góp nhiều nhất cho phát triển trong từng trường hợp cụ thể. Đơn cử, một nước có nhiều thanh niên thất nghiệp phải đặt trọng tâm ưu tiên vào nâng cao tay nghề; còn tại các xã hội đang già hóa thì ưu tiên lại là áp dụng thời gian công tác dài hơn và các chính sách an sinh xã hội phù hợp với hoàn cảnh kinh tế…

Theo Bình An
VietQ

Bí quyết ứng tuyển vào công ty Nhật

Nếu ham học, cần cù, chịu khó…, ứng viên có thể chinh phục được nhà tuyển dụng Nhật Bản

Trở về Việt Nam sau 3 tháng thực tập tại Công ty Đào tạo và Tư vấn Hyacca - Nhật Bản, bạn Vũ Thu Mai đã ứng tuyển thành công vào Công ty Kỹ thuật Shinsei Việt Nam.

Học cách làm việc chuyên nghiệp

Ba tháng thực tập tại Hyacca, Thu Mai rất ấn tượng trước phong cách làm việc chuyên nghiệp của người Nhật.

Thu Mai kể: “Vừa đặt chân đến nước Nhật, tôi liên tục bị sốt cao do chưa quen với thời tiết. Những ngày nằm viện, trưởng phòng thường xuyên đến thăm, động viên dù công việc của anh rất bận. Ngày xuất viện, tôi bị sốc khi biết tiền viện phí hết 18 triệu đồng trong khi số tiền đem theo chưa đến 10 triệu đồng. Chưa biết tính sao thì trưởng phòng cho biết khoản tiền đó công ty sẽ trả. Điều này làm tôi hết sức cảm động. Có thể nói nghệ thuật quản lý nhân sự là một trong những yếu tố làm nên sự thành công của các công ty Nhật”.

Doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm chăm lo cho nguồn nhân lực. Trong ảnh: Công ty Juki Việt
Doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm chăm lo cho nguồn nhân lực. Trong ảnh: Công ty Juki Việt Nam tổ chức thi nấu ăn cho CNVC-LĐ

Bên cạnh đó, người Nhật rất chú trọng việc đào tạo, huấn luyện nhân viên. Thu Mai đã được chỉ dạy rất nhiều điều theo đúng phương pháp của Nhật, người đi trước hướng dẫn người sau.

Thu Mai cho biết: “Điều cần lưu ý là khi phỏng vấn hay khi đi làm, bạn tuyệt đối không được đến trễ. Đặc biệt, không nên mặc cả chuyện tiền lương bởi với người Nhật, mỗi chức danh công việc đều có mức lương rõ ràng. Mặt khác, người Nhật luôn trả công xứng đáng nếu bạn là người thật sự có năng lực”.

Nguyễn Ngọc Thúy Vy, sinh viên năm 4 ngành kinh tế đối ngoại tiếng Nhật (Trường ĐH Ngoại thương TPHCM), kể sau khi tham gia lễ hội văn hóa về đất nước Nhật Bản, cô rất ấn tượng với phong cách làm việc của người Nhật: chuyên nghiệp, cụ thể, rõ ràng. Trước đây, Thúy Vy đã xin vào làm việc bán thời gian tại Công ty Koei Việt Nam. Tuy là làm thêm nhưng Thúy Vy phải trải qua nhiều lần phỏng vấn.

“Để chinh phục nhà tuyển dụng Nhật Bản, ngoài ngoại ngữ và kiến thức nền, ứng viên phải thể hiện tinh thần ham học hỏi, có ý chí và quyết tâm làm việc” - Thúy Vy tiết lộ kinh nghiệm.

Coi trọng sự chăm chỉ

Trịnh Lâm Ngọc Thanh còn nhớ như in cảm giác hồi hộp khi ứng tuyển vào Công ty Sumitomo Việt Nam. Sau khi vượt qua vòng loại, Ngọc Thanh phải trải qua 4 vòng phỏng vấn nhưng ấn tượng nhất là vòng phỏng vấn với đồng nghiệp.

Chị kể: “Sau khi phỏng vấn với bộ phận nhân sự người Việt Nam, rồi đến giám đốc người Nhật, tổng giám đốc người Nhật và cuối cùng là phỏng vấn đồng nghiệp. Người Nhật đề cao tính cộng đồng, làm việc nhóm nên phỏng vấn với đồng nghiệp rất quan trọng, mang tính chất quyết định kết quả ứng tuyển. Tôi rất ngạc nhiên về điều này”.

Người Nhật coi trọng sự chăm chỉ nên họ thường yêu cầu nhân viên làm hết việc chứ không phải hết giờ. Kết thúc một ngày làm việc không phải là kết thúc giờ làm mà là kết thúc kế hoạch công việc của ngày hôm đó. Nhân viên trong công ty Nhật phải học cách ăn nhanh, đi nhanh và làm nhanh để tận dụng giờ giấc.

“Khi ứng tuyển, hãy mạnh dạn hỏi nhà tuyển dụng về cơ hội phát triển nghề nghiệp. Điều này nhà tuyển dụng Nhật cực kỳ thích vì nó thể hiện bạn là người cầu tiến” - Ngọc Thanh nhận xét .

Còn đối với sinh viên Phan Văn Thức (Trường ĐH Ngoại thương TPHCM), những dự án làm việc cùng sinh viên Nhật đã giúp anh hiểu nhiều về phong cách làm việc của người Nhật. Thức đúc kết: “Người Nhật làm việc chăm chỉ, cần cù, chịu khó. Đặc biệt, tính tỉ mỉ, cẩn thận, tinh thần trách nhiệm cao, làm gì cũng đến nơi đến chốn là những điều rất đáng cho tôi học tập. Đây là những kinh nghiệm quý để tôi tham gia ứng tuyển vào công ty Nhật”.

Cơ hội thực tập tại Nhật cho sinh viên

Chương trình MT Japan (Management Traineeship) do AIESEC - tổ chức sinh viên lớn nhất thế giới - thực hiện vừa được phát động. Đây là chương trình dành cho sinh viên có nhu cầu thực tập tại Nhật, đem lại cơ hội thực tập, làm việc tại các công ty, tập đoàn uy tín của nước này. Chị Chu Thị Thùy Linh, đại diện AIESEC TPHCM, cho biết 100% sinh viên sau khi trở về từ chương trình đều tích lũy được kinh nghiệm, kiến thức, vốn sống và trở thành ứng cử viên sáng giá cho các công ty Nhật tại Việt Nam.

Theo Phan Anh
NLĐ

Xây dựng giá trị bản thân

Nếu bạn muốn có mức thu nhập tốt hơn trong công việc hiện tại, bạn phải gia tăng giá trị của bản thân. Nếu bạn đang tìm kiếm một cơ hội mới trong công việc, bạn cần tính đếnsự phù hợp giữa giá trị bản thân với mục tiêu tìm kiếm của doanh nghiệp.

Rất ít cá nhân chỉ gắn bó với duy nhất một doanh nghiệp trong suốt những năm tháng đi làm của mình, vì thế để có thể thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi cũng như chủ động nắm bắt cơ hội, bạn cần đầu tư một cách nghiêm túc vào việc xây dựng và nâng cao giá trị bản thân.

Nhận diện những kỹ năng mang lại giá trị bản thân

Mỗi công việc đều bao gồm những kỹ năng then chốt để giúp bạn giải quyết công việc đó. Ví dụ, trong kinh doanh, 7 kỹ năng mang lại kết quả tốt bao gồm: (1) thăm dò, (2) thiết lập mối quan hệ, (3) nhận diện nhu cầu, (4) trình bày giải pháp, (5) trả lời những phản hồi, (6) hoàn tất giao dịch và (7) bán hàng cũng như gây dựng lòng tin từ khách hàng. Nếu bạn là một nhân viên kinh doanh, hãy lấy thang điểm từ 1 đến 10 để đánh giá cho chính bản thânmình. Sau khi đã tự cho điểm những kỹ năng này, hãy nhờ một người khác kiểm tra và đánh giá lại để có kết quả chính xác và khách quan hơn. Dựa vào kết quả đó chọn ra kỹ năng bạn làm tốt nhất và phát huy tối đa nhằm biến kỹ năng đó thành giá trị của riêng bạn. Đồng thời, để hoàn thiện bản thân hãy dành thêm thời gian trau dồi những kỹ năng còn hạn chế, giá trị bản thân bạn sẽ được nâng cao khi những hạn chế của bạn được cải thiện.
Phát triển kế hoạch B
 
Phát triển kế hoạch B

Kế hoạch B là gì và kế hoạch B liên quan như thế nào đến giá trị bản thân của bạn?

Kế hoạch B là câu trả lời cho những câu hỏi: “Kế hoạch dự phòng của bạn là gì nếu công việc hoặc dự án hiện tại không đạt được kết quả như mong đợi?” hay “Đâu là phương án thay thế của bạn nếu phương án trình bày không được thông qua?”.

Thực tế cho thấy, để thành công, bạn phải luôn có sẵn kế hoạch B cho những hoạt động hoặc dự án quan trọng mà bạn chịu trách nhiệm. Càng có nhiều phương án để lựa chọn và giải quyết vấn đề, bạn càng cảm thấy thoải mái về mặt tinh thần cũng như hạn chế được tối đa áp lực - nguyên nhân chủ yếu gây ra những sai sót không đáng có trong quá trình thực hiện làm ảnh hưởng xấu đến kết quả của cả một dự án. Ngoài ra, việc thiết lập kế hoạch B còn giúp bạn rèn luyện khả năng giải quyết nhanh chóng và linh hoạt những tình huống bất ngờ xảy đến trong cả công việc và cuộc sống. Thường xuyên xây dựng phương án B giúp bạn giữ bình tĩnh khi đánh giá và đưa ra quyết định, vì thế những giải pháp bạn đưa ra sẽ giải quyết được vấn đề cũng như nhận được sự tán đồng từ phía mọi người. Tất cả những yếu tố đó đồng nghĩa với việc giá trị bản thân của bạn cũng sẽ được rèn luyện để phát triển thêm một bậc.

Trách nhiệm công việc

Trong môi trường làm việc năng động và chuyên nghiệp như hiện nay, có một cách rất hiệu quả để xây dựng giá trị bản thânnếu bạn là người luôn khao khát có được thành công trong công việc và cuộc sống, đó là xin thêm “trách nhiệm công việc”. Khi bạn đã quen và làm chủ được công việc của mình, hãy trao đổi với cấp trên để được nhận thêm “trách nhiệm công việc”. Một khi đã được giao thêm “trách nhiệm công việc”, bạn hãy nhanh chóng hoàn thành thật tốt phần việc được giao bằng tất cả năng lực của mình. Làm được điều này, bạn chắc chắn sẽ vô cùng ngạc nhiên với những gì gặt hái được trên con đường sự nghiệp của mình.

Thường xuyên gia tăng giá trị bản thân.

Trong công việc, hãy coi sếp là khách hàng khó tính và đồng nghiệp là những đối thủ cạnh tranh lành mạnh. Hãy luôn sáng tạo để tìm ra những cách riêng giúp bạn làm việc nhanh hơn, tốt hơn và thuận lợi hơn. Theo quy luật tự nhiên, phần thưởng sẽ chỉ đến với những “dịch vụ” được phục vụ tốt hơn so với đối thủ cạnh tranh, vì vậy tận dụng tối đa sức sáng tạo và khả năng sẵn có của bạn để gia tăng giá trị bản thân là điều bạn nên làm.

Hãy không ngừng nâng cao kiến thức trong lĩnh vực bạn đang theo đuổi, tận dụng mọi thời gian có thể để quan sát thực tế bên ngoài. Tham gia những khóa học bổ sung nếu bạn có điều kiện cũng là một phương pháp tốt. Lý tưởng nhất là dành từ một đến hai giờ mỗi ngày cho việc tự hoàn thiện bản thân, như vậy bạn đang tạo ra một khoản tích lũy vô giá cho những thành công vượt trội sau này. Những hoạt động gia tăng giá trị bản thân kể trên sẽ là động cơ đưa sự nghiệp của bạn vào con đường cao tốc.

VietnamWorks

8 cách “đánh bại” áp lực công việc

Áp lực công việc luôn khiến cho nhiều người rơi vào trạng thái căng thẳng, đôi khi bế tắc và thậm chí nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực. Tuy nhiên, giải quyết những vấn đề này không quá khó như nhiều người vẫn tưởng.

Tránh xa các mạng xã hội
Tránh xa các mạng xã hội. Có người từng gọi Facebook là một “cái bể sâu chứa đựng những tiêu cực và căng thẳng”. Có thể bạn vẫn muốn chia sẻ một số điều gì đó trên mạng xã hội, nhưng có rất nhiều cách khác để “xả” sự bức bối mà bạn đang chịu đựng, mà không cần đăng nhập vào Facebook. Vì có thể những gì bạn “tâm sự” trên Facebook có thể khiến bạn rơi vào những trạng thái căng thẳng tiếp theo.

Hướng tới những người tràn đầy năng lượng sống. Một số người có “biệt tài” dập tắt mọi lạc quan, năng lượng sống của bạn dù không hề chủ ý. Nhưng cũng lại có những người luôn tạo cho bạn cảm giác tràn đầy sức sống và niềm tin khi ở bên họ. Hãy cố gắng tìm ra những người đem lại cho bạn năng lượng để tiếp tục vươn lên. Nếu không thể gặp gỡ trực tiếp, bạn có thể tìm kiếm những người bạn vui vẻ trên mạng.

Tắt vô tuyến. Nếu bạn có thói quen làm việc trong môi trường ồn ã, hãy dùng âm nhạc hoặc những cuốn sách thay vì vừa làm việc vừa mở tivi.

Chăm sóc bản thân. Hãy giúp cơ thể chống lại stress bằng cách chăm sóc nó cẩn thận. Uống đủ nước, giảm bớt cà phê, chế độ ăn đủ dinh dưỡng, ngủ đủ và tập thể dục.

Nghỉ ốm một ngày. Hãy sử dụng ngày này để nghỉ ngơi và “sạc” lại năng lượng cho cơ thể. Xem một bộ phim hay hoặc một chương trình truyền hình yêu thích cũng rất cần thiết để tái tạo lại sức lao động cho bạn.

Thiết lập các giới hạn. Nếu bạn cảm thấy mình đã quá căng thẳng rồi, hãy giảm bớt tiến độ thực hiện các dự án mới và thiết lập khung thời gian rộng rãi hơn để bạn có thể hoàn thành kịp.

Tiết chế những than vãn của bè bạn. Có những người thường duy trì thói quen xả ra những căng thẳng với bạn bè. Điều này, dĩ nhiên, lại gây thêm mệt mỏi với bạn. Bạn có thể nói với họ rằng bạn rất tôn trọng nhu cầu chia sẻ của họ, nhưng bạn cũng không phải “cái ổ cứng” để “tương thích” với tất cả những thông tin đó.

Chủ động lựa chọn sự tích cực. Thái độ tiếp cận này sẽ giúp bạn tạo cho người khác những ích lợi và cũng có thể giúp bạn chống lại sự căng thẳng do công việc quá tải.

Đỗ Dương
Theo Wired

5 bước vượt qua nỗi sợ hãi trong công việc

Đã bao giờ bạn cảm thấy có những nỗi “ám ảnh vô hình” cản trở công việc và kìm hãm sự phát triển nghề nghiệp của bạn? Đó có thể là sự lo lắng bị sa thải, sợ phát biểu trước đám đông, sợ “lép vế” trước đồng nghiệp, sợ mắc sai lầm…

Bạn sẽ làm gì để thoát khỏi tình trạng này?
Bạn sẽ làm gì để thoát khỏi tình trạng này?
Dưới đây là 5 bước bạn có thể thực hiện để “đập tan” những nỗi sợ hãi đó:
Bước1: Xác định nỗi sợ hãi
Krista Regedanz, nhà tâm lý học chuyên về các vấn đề và nỗi lo lắng liên quan tới công việc, cho biết: “Bước đầu tiên đối phó với nỗi sợ là xác định dấu hiệu và nguyên nhân của nỗi sợ. Chẳng hạn, bạn cảm thấy mình đang trì hoãn vì sợ bắt đầu một dự án. Khi đó, hãy tìm hiểu tại sao bạn lại sợ, vì bạn sợ thay đối hay vì những thách thức mới khiến bạn nản chí? Một khi đã tìm được nguyên nhân, bạn sẽ biết mình nên làm gì”.
“Trong trường hợp sợ thất bại, bạn có thể tập trung vào chính xác điều gì về sự thất bại khiến bạn sợ hãi. Khi xác định được, hãy hỏi bản thân “Nếu điều đó xảy ra thì sẽ ra sao? Cho tới khi xác định tận cùng vấn đề, bạn sẽ biết phải hành động ra sao. Điều tương tự như sợ “lép vế” những người khác. Khi bạn biết tận cùng điều mình lo sợ, bạn sẽ phát hiện rằng nó không đáng sợ như bạn nghĩ”, Regedanz nói.
Bước 2: Hiểu rõ mục đích của việc đang làm
Nếu bạn cho rằng cuộc sống công sở là một nỗi sợ, hãy hỏi bản thân dù đáng sợ như vậy nhưng sao bạn vẫn phải làm việc. Đó là vì vấn đề “cơm áo gạo tiền”, cơ hội thăng tiến, khả năng phát triển bản thân… Một khi xác định mục tiêu cụ thể, bạn sẽ có động lực để vượt qua nỗi sợ.
Tương tự với những nỗi sợ khác như sợ xây dựng mối mối quan hệ với đồng nghiệp, hãy nhắc nhở bản thân về tầm quan trọng của họ trong sự nghiệp và công việc hàng ngày của bạn. Hay với nỗi sợ thuyết trình trước đám đông, bạn cần xác định kỹ năng này sẽ giúp ích cho bạn ra sao trong quá trình thăng tiến.
Bước 3: Bắt đầu từ những thay đổi nhỏ
Bạn khó có thể vượt qua nỗi sợ chỉ sau một đêm, thay vào đó, hãy từng bước thực hiện những bước khắc phục. Chẳng hạn, để “trị” chứng sợ nói trước đám đông, bạn có thể bắt đầu bằng cách chủ động nêu ra 1 quan điểm, ý tưởng vào mỗi cuộc họp hàng tuần. Chia nhỏ mục tiêu của bạn thành các bước nhỏ, dễ kiểm soát có thể khiến quá trình bớt khó khăn hơn.
Bước 4: Xây dựng từng thành công
Thành công mở ra thành công. Regedanz nêu quan điểm: “Một khi vượt qua một nỗi sợ, bạn có thể chuyển kinh nghiệm đó thành niềm cảm hứng để vượt qua những nỗi sợ khác. Ví dụ, khi bạn vượt qua nỗi sợ phát biểu trước đám đông, nỗi sợ kết nối, giao lưu với mọi người cũng sẽ được khắc phục nhanh chóng và đơn giản hơn”. Điều quan trọng là hãy hành động để vượt qua nỗi sợ, cân nhắc những gì đạt được khi hành động và cái giá phải trả nếu không hành động.
Bước 5: Tập trung vào cảm giác sau khi vượt qua nỗi sợ
Thay vì lo nghĩ nỗi sợ sẽ cản trở mình ra sao, bạn nên tập trung vào những điều tốt đẹp khi vượt qua nỗi ám ảnh của mình. Hay hãy nghĩ rằng: “Nếu bạn không tìm cách vượt qua chướng ngại vật, bạn sẽ chững lại và không thể bắt kịp với sự thay đổi xung quanh. Còn nếu cảm thấy nỗi sợ chưa đủ lớn để bạn phải thay đổi, hãy sử dụng một nỗi sợ khác để khích bản thân tiến lên phía trước. Đừng chờ cho tới khi vấn đề trở nên nghiêm trọng mới bắt tay vào hành động”, Caroline Ceniza-Levine, tác giản cuốn sách Vượt qua nỗi sợ hãi: Bí quyết thành công trong thời kỳ khó khăn, nói.
Vũ Vũ
Theo CareerBliss

Lý do cho sự bất mãn trong công việc

Trong nền kinh tế khó khăn như hiện nay, bạn có một vị trí ổn định và mức lương đáng mơ ước. Tuy nhiên, bạn vẫn không cảm thấy thỏa mãn với công việc của mình. Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do bạn:

Ngại đương đầu với thách thức
 
Ngại đương đầu với thách thức

Một công việc ổn định, nhiệm vụ hàng ngày quen thuộc, lương đều đặn hàng tháng có thể khiến bạn thỏa mãn và gây ra tâm lý “ì”, không muốn phấn đấu thêm. Như vậy, trong dài hạn, sự nghiệp của bạn sẽ chững lại. Hãy cải thiện tình hình bằng cách bước ra “vùng an toàn” của mình, mở rộng tầm mắt tới những cơ hội phía trước. Những người thành công và phát triển không ngừng trong sự nghiệp là người biết nắm bắt cơ hội, đón nhận thách thức và không chần chừ biến ý tưởng thành hành động.
Hãy coi thay đổi như một công cụ học hỏi. Càng thử sức với nhiều cơ hội xung quanh, bạn càng trở nên thoải mái với sự bất ổn và thách thức. Hãy học cách kiểm soát thay đổi và phát triển cùng nó. Bạn sẽ mở rộng tầm mắt, tiếp cận những điều mới mẻ, sáng tạo và tạo lợi thế cạnh tranh riêng biệt cho mình.

Cưỡng lại sự phát triển và trưởng thành
Như đã đề cập ở trên, công việc diễn ra bình thường, không có biến động, thay đồi dễ dẫn tới sự tự mãn. Bởi vậy, bạn cưỡng lại sự phát triển và trưởng thành, ngừng học hỏi điều mới mẻ và không muốn được đào tạo trong những lĩnh vực mới giúp mình có đủ tư cách để thăng tiến trong công ty.
Sự nghiệp sẽ chững lại khi bạn thiếu khả năng, nền tảng kỹ năng và sự tự tin để phát triển. Hãy nhìn vào trong gương và tự hỏi “ Mình đã làm việc đủ thông minh để cải thiện bản thân một cách sâu sắc những tháng vừa qua? Mình có được đào tạo những kỹ năng cần thiết để phát triển?” Nếu câu trả lời là không, bạn có nhiều điều cần làm phía trước. Hãy bắt đầu bằng quan điểm cởi mở chào đón thách thức và mở rộng chân trời của mình. Hãy nghĩ về những thứ khiến bạn cảm thấy phấn khích và đừng trì hoãn thực hiện chúng.

Khó thể hiện bản thân
Trở ngại này phổ biến hơn bạn nghĩ. Rất nhiều người không biết cách thể hiện bản thân, đơn giản như không biết bày tỏ ý kiến trong cuộc họp hay sợ phát biểu trước đám đông, ngại “PR” bản thân… Khắc phục tình trạng này đòi hỏi bạn phải mạnh dạn, chịu khó luyện tập.

Trong cuộc họp, hãy chú ý quan sát cách mọi người bày tỏ ý kiến và đưa ra đề nghị. Làm thế nào họ thu hút sự chú ý và thể hiện bản thân một cách tự tin, chuyên nghiệp? Họ thể hiện một cách ồn ào để được chú ý hay cách tiếp cận của họ kích thích tư duy và duy nghĩ? Liệu họ chân thành?
Nếu biết cách thể hiện bản thân hiệu quả, bạn sẽ xây dựng mối quan hệ khách hàng hiệu quả hơn. Ngoài ra, các công ty thường quan tâm tới những nhân tài biết cách thể hiện bản thân, nghĩa là bạn thể hiện bản thân hiệu quả mà tự nhiên, chân thành.

Hợp tác với không đúng người
Những vòng kết nối bạn bè, mối quan hệ gia tăng thêm giá trị cho sự nghiệp. Người thành công được bao bọc bởi những muốn thành công của họ tiếp diễn. Thành công ươm mầm cho thành công và bạn nên giao lưu với những người tham vọng, nó khiến bạn tham vọng hơn. Hãy “biết chọn bạn mà chơi”, tích cực đẩy mạnh các mối quan hệ xã hội.
Không tôn trọng thời gian
Thời gian trôi qua chậm chạp khi mọi thứ khó khăn và không vui vẻ. Đây là trường hợp của những người đang “giậm chân tại chỗ” trong sự nghiệp. Bởi vì họ không quản lý thời gian một cách hiệu quả và năng suất, họ đang lãng phí một cách đáng tiếc.
Giải thoát khỏi những mắc kẹt đó đòi hỏi bạn phải nghĩ về cách khiến mỗi giờ, mỗi phút trở nên giá trị. Thời gian là tài sản quý giá nhất mọi người. Mọi người làm phức tạp sự nghiệp của mình bởi họ chỉ để ý tới những điều người khác nói mình cần làm, thay vì sử dụng thời gian của mình một cách hiệu quả để tìm ra câu trả lời của riêng mình. Những người khác có thể nêu ý kiến nhưng tự bạn phải xác định và tìm kiến sự thỏa mãn nghề nghiệp của chính mình.
 
Vũ Vũ
Theo Forbes

Những dấu hiệu công việc của bạn đang đi vào ngõ cụt

Trong bối cảnh thị trường việc làm khó khăn rất nhiều người sẵn sàng chấp nhận những công việc không mấy hấp dẫn để có được sự ổn định. Dù vậy nếu bạn nhận thấy công việc của mình có những dấu hiệu sau, có lẽ đó là lúc bạn cần một khởi đầu mới.

Chia tay một công ty không phải chuyện dễ và khởi đầu một sự nghiệp mới lại càng khó khăn hơn. Bạn lại phải chứng minh bản thân, tìm hiểu về những người xung quanh và làm quen với những văn hóa công sở lại từ đầu. Tuy nhiên vẫn có những lúc thà ra đi làm lại từ con số không còn tốt hơn ở lại. Sau đây là một vài yếu tố bạn nên cân nhắc trước khi ra quyết định:
Hãy luôn chú ý để sự nghiệp hông đi vào ngõ cụt
Hãy luôn chú ý để sự nghiệp hông đi vào ngõ cụt
1. Công việc đã đi hết chu kỳ
Thông thường cảm xúc của chúng ta với mỗi công việc sẽ trải qua 7 giai đoạn: trăng mật - thực tại – làm quen với khó khăn – làm chủ công việc và gặt hái thành công – xuất hiện những hoài nghi đầu tiên – chán nản và cuối cùng là buông xuôi. Hiện bạn đang ở trong giai đoạn nào? Bạn có còn nhiệt huyết khi nghĩ đến công việc hay đã chán nản? Bạn có còn muốn chiến đấu hay đã từ bỏ?
Tốt nhất đừng đợi đến tận giai đoạn 6. Hãy để ý những dấu hiệu của nó từ sớm, ví dụ như cảm thấy mệt mỏi ngay từ khi chưa đặt chân vào cơ quan hoặc bị buồn chán vì những thứ nhỏ nhặt. Sẽ là lí tưởng nhất là nếu bạn có thể ra đi ở giai đoạn 4 hoặc 5 để được nhớ đến như là một đồng nghiệp/nhà quản lý đáng ngưỡng mộ.
2. Thay đổi giúp chúng ta trưởng thành
Vòng đời của một công việc thường kéo dài khoảng 3 đến 5 năm. Nếu tiếp tục làm công việc đó lâu hơn có thể khiến bạn mất dần tham vọng. Nói như vậy không có nghĩa là bạn cần phải “nhảy việc” sau đúng 3 năm nhưng bạn nên chắc chắn rằng tính chất, đặc điểm công việc cần liên tục được thay đổi để bạn không ngừng tiến bước và giữ được sức hấp dẫn với thị trường việc làm.
Do vậy ngay cả khi bạn đã thành công và thăng tiến, các chuyên gia cho rằng bạn không nên gắn bó với một công ty quá 15 năm. Bởi khi gắn bó quá lâu bạn sẽ khó thích nghi khi bước vào môi trường mới. Thậm chí bạn sẽ chẳng thể được một công ty khác mời phỏng vấn.
3. Sếp hoàn toàn lạnh nhạt với bạn
Bạn có thấy sếp đối xử với mình hoàn toàn khác lạ? Nếu bạn nhận được nhiều góp ý bằng văn bản thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy công ty sắp sa thải bạn. Tương tự nếu đột ngột bạn bị nhận xét là làm việc “không hiệu quả”. Nếu cấp trên của bạn bất ngờ trở nên dễ nổi nóng, tránh mặt bạn hoặc giao những việc bạn thường làm cho người khác, hãy thử đặt dấu hỏi phải chăng bạn đã quá chủ quan về công việc của mình hay năng suất công việc của bạn đã giảm.
Hãy thử kiểm tra điều đó với một đồng nghiệp hoặc nhà tư vấn, người bạn có thể tin tưởng rằng cuộc trò chuyện sẽ được giữ kín. Đôi khi bạn cũng cần đối diện với sự khó chịu của cấp trên bởi họ đang gặp vấn đề cá nhân hoặc bị gây áp lực. Dù vậy, đừng bỏ qua những dấu hiệu sớm cho thấy bạn đã ở vào thế nguy hiểm. Trước khi điều bạn lo sợ nhất trở thành sự thật, tốt nhất hãy ra đi sớm.
4. Ngành của bạn đang gặp khủng hoảng
Hãy chú ý đến tình hình của ngành bạn đang làm việc và các đối thủ hoạt động ra sao. Những tin tức kiểu như các công ty khác đang thắt chặt chi tiêu hoặc tăng cường sa thải, điều đó có thể là dấu hiệu cho thấy công ty của bạn cũng không còn ổn định như bạn nghĩ.
Điều gì đang diễn ra với nhân sự của công ty? Liệu những người giỏi còn ở lại hay đã bỏ đi? Nếu những nhân vật then chốt đang từ bỏ công ty của đối thủ hoặc rời bỏ công ty của chính bạn, hãy thử tìm hiểm xem tại sao. (Thường thì những người giỏi nhất sẽ ra đi đầu tiên). Nếu không có một sự đổi hướng mạnh mẽ thì việc bộ não của công ty cạn kiện cũng có nghĩa là công ty sắp đến hồi kết. Do vậy bạn cũng cần phải cân nhắc việc ra đi.
5. Lợi nhuận của công ty giảm sút hoặc không hề có
Hãy để ý tới tình hình tài chính của công ty, tầm quan trọng chiến lược của bộ phận bạn làm việc và vị thế của sếp bạn trong nội bộ công ty. Công ty của bạn còn khả năng trả lương và tiền thuê văn phòng hay không? Sản phẩm, dịch vụ của công ty có được định vị tốt để đối mặt với thử thách trong tương lai? Sếp có giúp bạn trưởng thành? Hãy thử phân tích về công ty và tình hình quản trị như thể bạn đang làm một báo cáo thường niên và rời bỏ nó nếu tình hình bi quan.
Thanh TùngTheo Forbes

5 bí quyết để được các công ty tuyển dụng chào đón

Trên thị trường việc làm hiện nay các công ty tuyển dụng ngày càng đóng vai trò lớn trong việc giúp doanh nghiệp tìm kiếm nhân sự. Nếu có được sự tin cậy, ưu ái của các công ty này cơ hội việc làm của bạn sẽ thêm phần rộng mở...

Với mục tiêu tiết kiệm thời gian và chi phí tuyển dụng, hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp tìm tới các công ty tư vấn nhân sự để thuê tìm kiếm ứng viên. Điều đó có nghĩa là trước khi đến được với nhà tuyển dụng tiềm năng, bạn cần gây ấn tượng tốt với các công ty nhân sự. Sau đây là 5 gợi ý để giúp bạn tạo được mối quan hệ tốt với họ.
Cơ hội việc làm chỉ đến với ai biết nắm bắt
Cơ hội việc làm chỉ đến với ai biết nắm bắt
(Ảnh: Internet)
1. Tuyệt đối tuân thủ chỉ dẫn
Đã bao giờ bạn thử chơi trò “The Moron Test” trên điện thoại chưa? Trong trò này người chơi phải hết sức chú ý vào từng chỉ dẫn về hướng di chuyển nếu không muốn phải chấm dứt trò chơi sớm. Đây cũng chính là điều bạn cần nhớ khi tìm việc nếu không hy vọng của bạn cũng sớm tan biến.
Điều này có nghĩa là nếu thông báo đăng tuyển yêu cầu bạn gửi một bức thư viết tay giới thiệu về bản thân thì hãy làm đúng như vậy. Nếu bạn không làm theo những gì nhà tuyển dụng yêu cầu, bạn đã tạo ra ấn tượng xấu rằng bạn không thể tuân thủ chỉ đạo của người khác. Hãy chú ý tới từng chi tiết và nhà tuyển dụng sẽ chú ý tới bạn.
2. Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ tại công ty cũ
Là cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động, đó có nghĩa là rất có thể một công ty tuyển dụng đã đem đến cho bạn công việc này một ngày kia có thể sẽ mở ra cho bạn một cơ hội khác. Bởi vậy nếu bạn có được một công việc thông qua một công ty tư vấn nhân sự, tốt nhất hãy nỗ lực hết mình. Nếu bạn để lại ấn tượng xấu với họ, điều đó cũng có nghĩa là bạn đã tự phá hỏng con đường đến với những công việc mới.
3. Chứng tỏ sự nhiệt huyết
Khi được các công ty tuyển dụng giới thiệu một công việc phù hợp hãy đừng ngần ngại cho thấy bạn rất thích thú và nôn nóng được thử sức. Không cần phải hét lên sung sướng như những người chơi Hãy chọn giá đúng thắng giải nhưng ít nhất cũng cho thấy bạn thực sự hào hứng.
Vì sao vậy? Các công ty tuyển dụng luôn muốn có được những ứng viên yêu thích công việc để sau đó các khách hàng của họ sẽ cảm thấy hài lòng khi có được bạn. Những ai tỏ ra thờ ơ với lời đề nghị tất nhiên sẽ khó lòng có được cơ hội lần sau.
4. Thẳng thắn khi phỏng vấn
Nếu công việc bạn được chào mời không hấp dẫn, tất nhiên bạn có quyền từ chối. Khi đó hãy thẳng thắn nói với nhà tuyển dụng những gì bạn nghĩ (sau khi đã nghe họ nói). Đừng giả vờ tỏ ra hào hứng để rồi cuối cùng lại khước từ khi đã được nhận. Như vậy bạn đã lãng phí thời gian của công ty tuyển dụng và họ có thể không muốn liên hệ với bạn khi có cơ hội kế tiếp.
5. Tôn trọng các công ty tuyển dụng
Một số người khi đi xin việc thường chỉ chú trọng tới công ty mình ứng tuyển mà xem nhẹ những công ty tuyển dụng đã giới thiệu mình. Họ xuất hiện trong buổi phỏng vấn như một ngôi sao điện ảnh và không nghiêm túc. Chắc chắn rằng đó là một sai lầm lớn bởi sẽ không ai muốn hợp tác với người làm việc không nghiêm túc. Nếu bạn không tôn trọng công ty tuyển dụng như đối với công ty mình ứng tuyển bạn rất có thể sẽ không được giới thiệu cho vị trí đó.
Hãy luôn nhớ rằng nếu có được sự chú ý của một công ty tuyển dụng tốt cơ hội để có được công việc bạn mong muốn sẽ tăng lên rất nhiều.
Thanh Tùng
Theo BI

6 cách nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề

Hàng ngày, chúng ta phải đối mặt với rất nhiều vấn đề từ đơn giản như mặc đồ gì phù hợp với cuộc hội thảo, tới phức tạp hơn như khắc phục một dự án đang “giậm chân tại chỗ”. Nếu có kỹ năng giải quyết vấn đề tốt, cuộc sống sẽ đơn giản hơn.

Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề:
Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề:
Tập trung vào giải pháp
Các nhà thần kinh học đã chứng tỏ rằng não bạn không thể tìm ra giải pháp nếu bạn chỉ tập trung vào vấn đề. Chỉ nhấn mạnh vào ai là người có lỗi, hậu quả sẽ ra sao có thể gia tăng những cảm xúc tiêu cực trong não, từ đó hạn chế tư duy các biện pháp giải quyết tiềm năng. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn nên phớt lờ vấn đề mà hãy cố gắng bình tĩnh, nhìn nhận vấn đề một cách sáng suốt, sau đó suy nghĩ các biện pháp khả thi.
Cởi mở
Hãy cố thử tất cả các giải pháp có thể để giải quyết vấn đề, thậm chí chúng có vẻ kỳ quặc. Điều quan trọng là bạn phải duy trì sự cởi mở để tăng khả năng suy nghĩ sáng tạo, từ đó tìm ra hướng giải quyết phù hợp nhất. Dù bạn hành động ra sao, đừng ngại ngùng cho rằng chúng là giải pháp ngu ngốc, không có ý tưởng nào là ý tưởng tồi tệ. Thực tế cho thấy rất nhiều hướng giải quyết, thành công xuất chúng xuất phát từ những ý tưởng điên rồ.
Nhìn nhận vấn đề một cách trung lập
Đừng coi vấn đề bạn đang mắc phải như một chướng ngại vật không thể vượt qua. Hãy nghĩ đơn giản rằng có một yếu tố hay điều gì đó không hoạt động hiệu quả và bạn cần tìm một cách làm khác. Sau đó, hãy thử tiếp cận vấn đề một cách trung lập mà không so đo quá nhiều. Đừng vì ý kiến đa chiều của những người xung quanh mà dao động. Hãy lắng nghe góp ý của họ, phân tích vấn đề kỹ lưỡng và làm theo bản năng của mình.
Lật ngược vấn đề
Đôi khi quá quen thuộc với những phương pháp, cách giải quyết thường làm mà bạn bỏ qua nhiều biện pháp khả thi khác. Vì thế, bạn nên cố gắng thay đổi cách tiếp cận và nhìn nhận mọi thứ theo cách mới bằng cách lật ngược lại vấn đề, tìm ra giải pháp khác so với những gì bạn từng làm. Thậm chí, cách giải quyết của bạn có vẻ ngốc ngếch nhưng một cách tiếp cận mới, độc đáo sẽ kích thích bạn nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều, sáng tạo hơn. Hơn nữa, khi có nhiều sự lựa chọn, bạn sẽ biết đâu là cách giải quyết tốt nhất.
Sử dụng ngôn từ tích cực
Hãy dẫn dắt suy nghĩ của bạn với những cụm từ như “Sẽ ra sao nếu như…” và “tưởng tượng rằng…”. Những cụm từ này mở rộng não bộ suy nghĩ theo hướng sáng tạo và khuyến khích giải pháp. Tránh những ngôn từ hạn chế và tiêu cực như “Tôi không nghĩ rằng…” hay “Điều này không đúng…”
Đơn giản hóa mọi việc
Chúng ta thường có xu hướng làm cho mọi thứ phức tạp hơn cần thiết. Hãy cố gắng đơn giản hóa vấn đề bằng cách nhìn vào bức tranh toàn cảnh và loại bỏ những chi tiết vụn vặn. Tìm kiếm giải pháp đơn giản, rõ ràng và bạn có thể ngạc nhiên trước kết quả đạt được.
Vũ Vũ
Theo Lifehack

Sếp ơi đừng khen em nữa!

“Giá như sếp không khen mình nhiều đến thế thì mình đã không bị cô lập như bây giờ. Bị chê cũng khổ mà được khen cũng khổ”, Yến chia sẻ.

Sếp khen, đồng nghiệp ghét

Là người mới nên Hoàng Yến (27 tuổi, Khu tập thể Nghĩa Tân, Cầu Giấy) luôn cố gắng hòa đồng với mọi người. Trong công việc Yến cũng cẩn thận, chỉn chu nên được các chị cùng phòng khá yêu quý. Mọi người vẫn thường xuyên cùng nhau đi ăn trưa, rủ nhau đi làm đẹp, tám chuyện vui vẻ giờ giải lao.

Nhưng thời gian sau, Yến thấy các chị càng ngày càng nhạt với mình, nói chuyện cũng chỉ nói với nhau, đi ăn cũng không gọi Yến đi cùng. Yến cố gắng bắt chuyện thì mọi người lơ đi như không có sự tồn tại của cô. Dần dần Yến tự tách mình ra khỏi tập thể, đến công ty chỉ cắm đầu vào máy tính làm việc cho đến giờ về, ăn trưa cũng lủi thủi một mình.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Mình làm việc chăm chỉ, có chính kiến nên được sếp quý, hay được khen trong các cuộc họp. Còn mấy chị hay bị mắng, bởi sếp không bằng lòng ai là chê thẳng thừng. Mình là người mới mà lại được khen, người ta ma cũ thì bị mắng, có thể vì thế nên bị ghét”, Yến phân tích.

Yến bảo, thời gian đầu khi biết mọi người ghét mình vì được sếp ưu ái, cô cũng tìm cách bắt chuyện nhưng mọi người vẫn dửng dưng. Sau rồi cô cũng lơ đi, việc ai nấy làm, không đụng chạm đến nhau.

“Lúc đầu cũng buồn nhiều vì thái độ của mọi người. Sau một thời gian mình nhận ra không việc gì phải thế, người ta nhiệt tình thì mình chơi, không thì nghỉ. Ganh ghét là điều tất yếu, ngay cả bản thân mình đôi khi còn ganh tị trước hạnh phúc của người khác cơ mà”, Yến nói.

“Giá như sếp không khen mình nhiều đến thế thì mình đã không bị cô lập như bây giờ. Bị chê cũng khổ mà được khen cũng khổ”, Yến nói thêm.

Mệt mỏi vì mang tiếng xu nịnh

“Vui vì được sếp quý, tin tưởng nhưng nhiều lúc nghĩ cũng buồn vì nhiều người trong công ty đặt điều nói xấu mà chả làm gì được”, Thanh Vân trưởng nhóm kinh doanh của một trang web rao vặt bắt đầu câu chuyện của mình bằng một câu đầy tâm trạng.

Vân mới vào công ty gần được nửa năm thì được cất nhắc lên chức trưởng nhóm kinh doanh gồm 8 người. Sự thăng tiến nhanh của Vân khiến nhiều người đố kỵ, họ đặt điều cho rằng cô xu nịnh trưởng phòng nên mới được leo nhanh như vậy.

“Do đặc thù công việc nên lúc mới vào công ty mình đã làm việc trực tiếp với trưởng phòng, thường đi cùng để hỗ trợ cho anh khi gặp khách hàng. Anh có nói là thấy mình có năng lực, cũng như hòa đồng với đồng nghiệp nên cất nhắc mình lên vị trí đó. Thế mà nhiều người ghen ăn tức ở, bảo mình đi “cửa sau” nên mới leo nhanh vậy”, Vân bức xúc.

Vân rất ức chế, nhiều lần cũng muốn làm rõ trắng đen, quặc lại cái người tung tin thất thiệt ấy nhưng không có bằng chứng nên không làm gì được.

“Cứ làm việc theo kiểu bằng mặt mà không bằng lòng thế này thì mệt mỏi lắm. Nhiều khi chỉ muốn từ chức làm “dân đen” cho xong”, Vân nói. Theo chuyên gia tâm lý Võ Thanh Giang (Trung tâm tư vấn tâm lý Linh Tâm) việc bị đồng nghiệp ghét khi được sếp quý mến hay được thăng chức quá nhanh cũng là điều dễ hiểu bởi lòng tham, ích kỷ, không muốn người khác hơn mình là bản tính vốn có của con người. Đặc biệt, trong môi trường xin việc khó như hiện nay, sự cạnh tranh để có một công việc tốt, một vị trí tốt là nguyên nhân dẫn đến sự ganh ghét đố kỵ.

“Đối với công việc mang tính chất tập thể, yếu tố làm giảm sự đố kỵ với người khác là mình chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết thành công. Khi làm việc nhóm phải tôn trọng ý kiến của nhau, lắng nghe các ý kiến và đề cao đóng góp của mọi người. Không nên tự kiêu, tự đề cao mình, mà hãy đề cao người khác trước”, bà Giang đưa ra lời khuyên.

Bà Giang cũng cho biết, chính những người hay đố kỵ là những người không tự tin vào bản thân.

“Họ không tự tin vào bản thân nên phải dìm người khác để họ nổi lên. Cách giúp họ, cảm hóa họ là khen ngợi, động viên, đề cao họ một cách khéo léo. Bất kỳ con người nào cũng có những ưu điểm, quan trọng là mình biết nhìn ra và khen ngợi một cách khéo léo”, bà Giang lý giải.
Theo La Hoàn
Vietnamnet

Vì đâu thương lượng lương thất bại?

Thương lượng lương là một việc quan trọng, quyết định mức quyền lợi bạn sẽ được hưởng. Dù là vấn đề "cơm áo gạo tiền" nhưng nhiều người lại mắc sai lầm đáng tiếc ở bước quan trọng này và thất bại trong việc nhận được mức lương mong muốn.

Vì đâu thương lượng lương thất bại?
Dưới đây là nguyên nhân phổ biến cho sự thất bại trong việc thương lượng lương, muốn thành công, bạn nên tránh những sai lầm này:
Sử dụng ngôn từ tự ti
“Tôi không biết nếu công ty có đủ ngân sách để trả cho tôi…”
“Liệu anh/ chị có thể xem xét mức lương…”
“Tôi ghét phải hỏi điều này nhưng công ty có thể trả cho tôi…”
Mika Brzeinski, tác giả cuốn sách Hiểu rõ giá trị bản thân chỉ ra rằng ngôn từ tự ti như vậy sẽ đặt bạn vào tình thế yếu và khiến nhà tuyển dụng dễ dàng nói không. Hãy tự tin hơn, mạnh dạn đề nghị một con số hoặc khoảng ước lượng bạn mong muốn nhận được, đồng thời đưa ra lý do xác đáng cho yêu cầu của bạn và lắng nghe phản hồi của công ty với vẻ mặt nghiêm túc, lạc quan kể cả khi họ không (chưa) chấp nhận con số của bạn.
Chấp nhận lời đề nghị đầu tiên
Không nên vội vàng chấp nhận ngay lập tức lời đề nghị đầu tiên của nhà tuyển dụng. Hãy lặp lại con số của họ, yên lặng vài giây sau đó nêu quan điểm của bạn. Nhà tuyển dụng hầu như không bao giờ bắt đầu với lời đề nghị tốt nhất nên bạn phải thương lượng để đi đến một con số đôi bên đều thấy hài lòng.
Nói nhiều
Nói quá nhiều chưa bao giờ là tốt và trong thương lượng lương nói nhiều có thể phản tác dụng, không những thất bại trong việc thuyết phục nhà tuyển dụng mà còn làm tốn thời gian của cả 2. Do đó, thay vì phản ứng lại ngay trước lời đề nghị của nhà tuyển dụng, hãy suy nghĩ trong giây lát. Sự yên lặng có thể khiến họ lo lắng và cải thiện đề nghị mà bạn không cần nói gì.
Thành công trong thương lượng đòi hỏi bạn phải hiểu đối phương mong muốn, từ đó khéo léo trình bày mình có khả năng đáp ứng được những yêu cầu đó. Để làm được điều này, bạn phải chú ý lắng nghe quan điểm của nhà tuyển dụng.
Quá cứng nhắc
Quá cứng nhắc với tư tưởng "Sẽ không chấp nhận nếu nhà tuyển dụng trả dưới..." thường khó đi đến một thỏa thuận chung khiến cả đôi bên hài lòng. Có thể họ không thể trả nhiều tiên hơn cho bạn nhưng cho phép bạn làm việc 4,5 ngày/ tuần hoặc đáp ứng các yêu cầu khác của riêng bạn. Hãy nhớ ngoài tiền lương, bạn còn có thể thương lượng các lợi ích khác như trợ cấp, thời gian nghỉ phép, làm việc tại nhà, cơ hội học tập... Vì vậy, hãy xác định điều bạn muốn ngoài tiền lương ở công việc này và linh hoạt khi thương lượng.
Bắt đầu với con số mong muốn
Nếu bắt đầu với con số mình mong muốn, khả năng bạn nhận được ít hơn số đó sẽ rất lớn. Thay vào đó, hãy nói quá lên một chút (tất nhiên không quá nhiều), sau đó tiếp tục thương lượng. Luôn luôn củng cố cho yêu cầu của bạn với những lập luận cụ thể về giá trị của bạn, về những gì bạn có thể mang lại hoặc tiết kiệm cho công ty.
Thể hiện rằng mình chắc chắn sẽ nhận việc
Nếu đối phương biết rằng bạn không có sự lựa chọn nào khác và chắc chắn sẽ chấp nhận công việc bằng bất cứ giá nào, bạn sẽ đánh mất sức mạnh "mặc cả" của mình. Kể cả dù bạn không có bất cứ lời đề nghị nào khác, hãy thể hiện rằng bạn không dễ bị lợi dụng và sẵn sàng ra đi nếu không được ghi nhận thỏa đáng.
Thương lượng qua điện thoại
Hãy cố gắng thương lượng trong cuộc gặp mặt trực tiếp. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng khoảng 60-93% giao tiếp là phi ngôn ngữ. Để hiểu chính xác điều nhà tuyển dụng muốn dựa cả trên ngôn ngữ cử chỉ, thái độ của họ, bạn nên thương lượng trực tiếp. Làm như vậy cho phép bạn kết nối với họ cả về cảm xúc. Qua cái bắt tay, nụ cười, câu chuyện vui, bạn có thể thuyết phục họ tốt hơn.
Vũ Vũ
Theo Jobmob

Sai lầm thường gặp khi “khích” tinh thần làm việc của nhân viên

Động viên cấp dưới là một trong những nhiệm vụ quan trọng của người quản lý. Nhân viên được khích lệ không chỉ làm việc năng suất, hiệu quả mà còn chuyên nghiệp và gắn bó hơn với công việc/ công ty.

Tuy nhiên, khuyến khích nhân viên không phải chuyện đơn giản, chỉ cần một sơ suất nhỏ, chiến lược có thể phản tác dụng.
Dưới đây là một số chiến lược “khích” nhân viên sai lầm, các nhà quản lý nên tránh:
Dưới đây là một số chiến lược “khích” nhân viên sai lầm, các nhà quản lý nên tránh:
Dọa nạt
Nhiều công ty tận dụng nỗi lo sợ của nhân viên với mục đích khích họ làm việc chăm chỉ và năng suất hơn. Những lời đe dọa phổ biến là không tăng lương, hạ tiền thưởng, rút ngắn thời gian nghỉ hay các lợi ích khác. Đôi khi, đây là một cách “thử lửa” nhân viên hiệu quả nhưng chỉ trong ngắn hạn. Trong dài hạn, dọa nạt mang tới nhiều cái hại hơn lợi. Nhân viên sẵn sàng nghỉ việc hơn là ở lại trong một bầu không khí làm việc căng thẳng, thiếu lành mạnh, thậm chí nguy hiểm như vậy.
Ca ngợi liên tục
Một trong những sai lầm khác của nhiều người quản lý là khen ngợi nhân viên liên tục, nhằm khiến họ cảm thấy tự tin hơn trong công việc. Ca ngợi là cần thiết nhưng khen quá đà sẽ làm tăng cái tôi cá nhân của nhân viên, khiến họ trở nên tự kiêu. Hãy nhớ rằng bất cứ lời khen ngợi nào cũng phải mang tính xây dựng, nghĩa là khi ghi nhận nhân viên, hãy giải thích họ làm tốt những gì và điều đó mang lại lợi ích ra sao cho văn phòng/ công ty. Đặc biệt, phải công bằng với mọi nhân viên, chân thành khen ngợi khi họ làm tốt và thẳng thắn góp ý nếu họ chưa đáp ứng yêu cầu.
Không xác định rõ ràng kỳ vọng ở nhân viên
Mỗi tổ chức đều kỳ vọng nhân viên đóng góp tích cực ra sao cho công ty nhưng vấn đề là nhân viên lại lờ mờ về những kỳ vọng cụ thể trong từng dự án hay thời gian làm việc. Nhiều nhân viên không nhận thức được tầm nhìn của công ty. Khi không biết mình cần đạt được gì, động lực làm việc của họ sẽ khó ở mức cao nhất.
Để tránh sai lầm này, trước khi bắt đầu một dự án hay quý làm việc mới, người quản lý nên thông báo ngắn gọn, cụ thể mục tiêu của từng thành viên trong nhóm. Đồng thời, hãy lắng nghe ý kiến của nhân viên, có thể một số người “quá tải” với nhiệm vụ của mình và khi đó, họ không thể cống hiến hết khả năng.
Không lắng nghe ý kiến của nhân viên
Nhiều sếp cho rằng mình là người lãnh đạo, mình có quyền quyết định tất cả và không cần nghe ai. Đây là quan điểm bảo thủ. Thay vào đó, người quản lý nên cởi mở hơn, ý kiến của mọi người, dù là cấp dưới có thể mang lại những ý tưởng hay trong kinh doanh. Hơn nữa, nhân viên sẽ cảm thấy mình được coi trọng, thúc đẩy họ làm việc chăm chỉ và gắn bó với công ty hơn.
Đẩy mạnh “trò” đối thủ công sở
Đây là một chiến lược phổ biến trong việc “kích” tinh thần làm việc của nhân viên. Sếp thường so sánh các nhân viên với nhau như: “Tại sao 2 người vào làm cùng một thời điểm mà anh A lại đạt được nhiều thành tích hơn?” hay “Tôi thấy hôm qua anh B ở lại làm việc muộn trong khi anh lại về từ lúc 4h30”. Tuy nhiên, hành động này thường mang lại hiệu quả tiêu cực và tác động xấu tới đạo đức nghề nghiệp của nhân viên. Một số người “cay cú” và không ngại dùng mọi biện pháp để chiến thắng đối thủ.
Với một số nhân viên đang gặp khó khăn trong công việc, so sánh họ với người làm việc tốt hơn chỉ khiến họ thêm mất động lực. Trong tình huống này, người quản lý nên khéo léo hơn, hãy phân tích vấn đề họ đang gặp phải khiến họ làm việc dưới năng suất, sau đó cùng họ tìm ra giải pháp.
Vũ Vũ
Theo Smallbizcounseldaily

Nguyên tắc “sống sót” qua giai đoạn thất nghiệp

Thất nghiệp là tình trạng có thể xảy ra với bất kỳ ai, dù là người có kinh nghiệm nhiều năm hay mới ra trường. Đặc biệt trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay, việc này ngày càng trở nên phổ biến.

Nguyên tắc “sống sót” qua giai đoạn thất nghiệp
Những nguyên tắc cơ bản dưới đây sẽ giúp bạn đẩy nhanh tốc độ tìm việc và vượt qua giai đoạn khó khăn về tài chính cũng như cảm xúc:
Nguyên tắc 1: “Chăm chút” kỹ lưỡng cho CV
Vì nôn nóng tìm việc mà nhiều người thất nghiệp “rải” hồ sơ một cách tràn lan, không có tính chiến lược. Như vậy, dù gửi CV nhưng hiệu quả không cao. Họ thường mắc phải những sai lầm dưới đây:
-          Viết CV cẩu thả: CV là cầu nối đầu tiên giữa bạn với nhà tuyển dụng nên hãy “chăm chút” thật kỹ cho nó, tuyệt đối không để có lỗi chính tả, ngữ pháp. Tốt nhất, bạn nên nhờ người đáng tin cậy và có kinh nghiệm kiểm tra hồ sơ của mình trước khi gửi chúng cho nhà tuyển dụng.
-          Liệt kê kinh nghiệm không liên quan tới công việc ứng tuyển: Hãy đọc kỹ thông tin tuyển dụng, sau đó kết nối kinh nghiệm, kỹ năng của bạn với yêu cầu, trách nhiệm của vị trí.
-          “Lỗ hổng” trong lịch sử làm việc: Bạn nên giải thích lý do cho lỗ hổng bằng cách liệt kê những hoạt động tình nguyện từng tham gia, kinh nghiệm, kỹ năng tích lũy được trong thời gian đó.
-          Liệt kê tất cả những công việc tạm thời, bán thời gian: Như đã đề cập ở trên, bạn chỉ nên liệt qua những kinh nghiệm liên quan tới vị trí ứng tuyển.
Nguyên tắc 2: Coi tìm việc như công việc toàn thời gian
Khi còn đi làm, bạn có mặt ở văn phòng 8 tiếng một ngày từ thứ 2 tới thứ 6, thậm chí còn làm việc vào cuối tuần. Giờ đây khi thất nghiệp, bạn cũng nên dành thời gian và công sức tương tự với quá trình tìm việc. Với 40 tiếng một tuần đó, bạn không nên: nằm dài xem tivi, lướt web một cách vô bổ, chơi game liên tục, “buôn dưa lê” với bạn bè (và đừng bao biện rằng bạn đang xây dựng mối quan hệ), tập trung hoàn toàn vào lau dọn nhà cửa, shopping, nấu ăn.
Để quá trình tìm việc nhanh chóng và hiệu quả, hãy áp dụng một chế độ sinh hoạt nghiêm ngặt và khi đã có việc, bạn có thể tiếp tục thoải mái tham gia các hoạt động đó sau ngày làm việc.
Nguyên tắc 3: Không tự cô lập bản thân
Khi thất nghiệp, bạn có thể ngại ra ngoài và giao tiếp với mọi người, cảm thấy không thoải mái, thậm chí sợ hãi khi có người hỏi công việc của bạn là gì. Thất nghiệp có thể dẫn tới trầm cảm, suy sụp và điều này khiến cho công cuộc tìm việc càng trở nên khó khăn hơn. Để tránh tình huống này, bạn hãy mạnh mẽ và tự tin hơn. Hãy coi thất nghiệp như một chướng ngại vật nhỏ và khi vượt qua được, bạn sẽ trưởng thành và thành công hơn.
Hãy năng động và tích cực hơn, bắt đầu bằng cách gọi điện cho các thành viên trong mạng lưới quan hệ của mình như bạn bè, người thân, đồng nghiệp, sếp cũ. Bạn cũng có thể tham gia các câu lạc bộ nghề nghiệp để cập nhật kiến thức và thông tin tuyển dụng trong lĩnh vực. Bên cạnh đó, mạng xã hội cũng là một công cụ hữu ích để duy trì và kết nối với những người mới, giúp bạn đẩy nhanh quá trình tìm việc.
Nguyên tắc 4: Kiên trì
Nếu không kiên trì trong quá trình tìm việc, tình trạng thất nghiệp của bạn sẽ còn kéo dài. Đừng vì một nhà tuyển dụng bạn yêu thích không liên lạc lại mà vội từ bỏ, lơ là quá trình tìm việc.
Đồng thời, bạn nên ở bên cạnh những người lạc quan, tích cực. Hãy tưởng tượng xem bản thân bạn đang buồn chán và những người xung quanh lại không ngừng kêu ca, phàn nàn về tình hình kinh tế khó khăn, thị trường lao động ảm đạm hay những vấn đề riêng của họ, tinh thần của bạn chắc chắn sẽ đi xuống. Bạn cũng có thể đọc những cuốn sách truyền cảm hứng, như câu chuyện thành công của những người thành đạt đi lên từ khó khăn. Bạn sẽ thấy họ phải trải qua những chướng ngại vật khổng lồ, còn “bi đát” hơn tình hình hiện tại của bạn rất nhiều trước khi bước tới đỉnh vinh quang.
Nguyên tắc 5: Không ngừng học hỏi
Không bao giờ là lãng phí thời gian hay sức lực khi học hỏi, dù bạn đang có việc hay thất nghiệp. Tham gia các khóa học ngắn dạy kỹ năng mềm, ngoại ngữ, đọc sách, báo chí hàng ngày về thông tin chuyên ngành là những hoạt động đơn giản nhất bạn có thể thực hiện trong thời kỳ thất nghiệp nhằm gia tăng giá trị bản thân. Kể cả khi đã có việc, không ngừng học hỏi giúp bạn duy trì sự cạnh tranh, thích nghi nhanh với thay đổi và vững tiến thành công.
Vũ Vũ
Theo Careerknowhow

Thăng chức, không tăng lương: Có nên chấp nhận?

Được thăng chức là điều ai cũng mong muốn, tuy nhiên có những tình huống khiến bạn phải chần chừ trước khi chấp nhận lời đề nghị hấp dẫn này. Và thăng chức nhưng không tăng lương là một trong những tình huống như vậy.

Thăng chức, không tăng lương: Có nên chấp nhận?
Đây là quyết định ít nhiều tác động tới công việc, sự nghiệp của bạn nên hãy cân nhắc thật kỹ lưỡng. Trước tiên, tìm hiểu lý do tại sao công ty lại không tăng lương cho bạn. Mark R. Gerlach, chuyên gia tư vấn nghề nghiệp, cho biết: “Có nhiều nguyên nhân cho vấn đề này. Có thể là do công ty gặp khó khăn về tài chính hoặc ban giám đốc chỉ coi sự chuyển đổi này là tạm thời”.
Quyết định chấp nhận hay từ chối thăng chức phụ thuộc vào lý do bạn không được tăng lương. Chẳng hạn, nếu công ty đang phải “chống chọi” với cuộc khủng hoảng kinh tế khó khăn, họ không thể trả nhiều hơn cho bạn. Nếu thực sự yêu thích công việc và công ty hiện tại, bạn có thể chấp nhận thăng chức, không tăng lương. Nhưng nếu bạn nghĩ sếp muốn “dồn việc” cho bạn bằng cách thay đổi chức vụ của bạn nhưng không tăng lương, bạn có thể ra đi hoặc ít nhất là từ chối vị trí mới.
Liệu chức vụ công việc mới có đáng để bạn chấp nhận không được tăng lương?
Đối với nhiều người, có một chức vụ mới đồng nghĩa với thăng chức. “Nếu thăng tiến không mang đến nhiều trách nhiệm hơn như lịch trình làm việc “dày đặc”, đi công tác thường xuyên, bạn có thể chấp nhận lời đề nghị”, Molly Mahoney Matthews, CEO của tập đoàn Starfish, chia sẻ. Một chức vị mới cao hơn sẽ giúp bạn thuận lợi hơn trong tương lai khi tìm kiếm một công việc/ công ty khác.
Thương lượng các lợi ích khác
Nếu bạn thực sự muốn gắn bó với công ty hiện tại, hãy tìm cách để việc thăng tiến này thỏa mãn  nhu cầu của cả bạn và nhà tuyển dụng. Bạn có thể đạt được những lợi ích khác, ngoài tiền bạc. Gerlach khuyên bạn nên xác định điều gì quan trọng với mình: thêm ngày nghỉ, đi lại dễ dàng hơn, thời gian làm việc linh hoạt, máy tính mới, trợ cấp điện thoại, xăng xe...
Sau khi đã lập danh sách những lợi ích mong muốn ngoài tiền bạc, hãy nói chuyện với cấp trên của bạn. Hãy mạnh dạn phân tích lý do bạn xứng đáng được thăng tiến và những lợi ích khác khi không được tăng lương. Một cuộc thương lượng, nói chuyện cởi mở giúp xác định ưu tiên của mỗi bên và quyết định liệu nguyện vọng của cả 2 có thể được đáp ứng thỏa đáng không.
Quyết định chấp nhận hay không?
Quyết định cuối cùng sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới sự nghiệp của bạn. Bạn có thể thông cảm cho công ty không thể trả cho bạn nhiều tiền hơn với vị trí mới. Mahoney Matthews khuyên bạn: “Hãy chấp nhận nếu vị trí mới “làm đẹp” cho CV của bạn, giúp bạn có nhiều cơ hội phát triển hoặc kết nối bạn với những người lãnh đạo cấp cao trong công ty, mở rộng mạng lưới quan hệ. Không nên chấp nhận nếu bạn cho rằng mình bị công ty lợi dụng, “bóc lột” sức lao động và trí tuệ”.
Đồng thời, nếu chấp nhận lời đề nghị, hãy thẳng thắn trình bày rõ ràng mong muốn sớm được đánh giá lại tiền lương khi đáp ứng các yêu cầu nhất định. Ở vị trí cao hơn với nhiều trách nhiệm hơn, bạn xứng đáng nhận được nhiều hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên chăm chăm về vấn đề tiền bạc mà bỏ lỡ cơ hội làm việc ở vai trò mới với nhiều cơ hội triển vọng. Công ty sẽ đánh giá quyết định chấp nhận thăng chức không tăng lương của bạn và sự biết ơn này chắc chắn sẽ được chuyển hóa thành sự tôn trọng, nhiều tiền và lợi ích hơn trong tương lai khi công ty làm ăn tốt hơn trong tương lai.
Vũ Vũ
Theo Usnews

3 điều khác biệt giữa lãnh đạo và quản lý

Một công ty muốn thành công phải có sự phân công vị trí, vai trò cụ thể và rõ ràng. Đa số những vai trò này đều dễ dàng xác định và phân biệt rõ nhưng có những vai trò rất khó để phân biệt như vị trí người lãnh đạo và nhà quản lý.

Có những công ty, người lãnh đạo cũng chính là người quản lý, nhưng có những công ty thì hai vị trí này được tách bạch. Vì thế, đôi khi có những người có thể là một lãnh đạo tồi nhưng lại là một quản lý xuất sắc hay ngược lại.
 
3 điều khác biệt giữa lãnh đạo và quản lý
Có những công ty, người lãnh đạo cũng chính là người quản lý, nhưng có những công ty thì hai vị trí này được tách bạch.

Vậy điều khác biệt giữa lãnh đạo và quản lý là gì?

Trong cuốn On Becoming a Leader (tạm dịch Để trở thành lãnh đạo), tác giả Warren Bennis đã chỉ ra những điểm khác nhau chủ yếu giữa lãnh đạo và quản lý. Dưới đây là 3 điểm khác nhau cơ bản được trích từ cuốn sách này cũng như những chiêm nghiệm thực tế của Gene Wade - sáng lập viên và CEO của UniversityNow và người quản lý của công ty này - Peter Drucker.

1. Lãnh đạo là người đưa ra ý tưởng còn quản lý là người thực thi ý tưởng

Điều này có nghĩa là lãnh đạo là một trong những người trong công ty có nhiệm vụ nghĩ  ra những ý tưởng mới và đưa vào kế hoạch của công ty trong giai đoạn tiếp theo. Người lãnh đạo phải luôn có tầm nhìn và luôn phát triển các chiến lược và chiến thuật mới. Do đó họ cần phải có hiểu biết về các xu hướng hay các nghiên cứu và kỹ năng mới nhất.

Trong khi đó, người quản lý sẽ duy trì và vận hành những gì đã được thiết lập để nó hoạt động trơn tru đúng kế hoạch. Người quản lý phải luôn để mắt tới nhân viên cấp dưới và duy trì sự kiểm soát thường xuyên để nhằm đảm bảo sự hoạt động của các bộ phận trong công ty. Vì trực tiếp làm việc với nhân viên nên họ am hiểu nhân viên của mình, biết rõ ai là người phù hợp nhất với những nhiệm vụ cụ thể.

2. Lãnh đạo củng cố niềm tin trong khi quản lý dựa vào kiểm soát

Ông Wade cho rằng, người lãnh đạo là người truyền cảm hứng cho nhân viên, để nhân viên biết như thế nào là tốt nhất và làm thế nào để đẩy nhanh tiến độ. “Lãnh đạo không phải là ở những gì bạn làm mà chính là những gì mà người khác làm cho bạn. Nếu không có ai thực thi ý tưởng của bạn thì bạn thực sự không phải là một lãnh đạo”, ông nói.

Nếu mọi người hào hứng với ý tưởng của bạn thì đó chính là bởi họ đã được bạn truyền cảm hứng. Điều đó có nghĩa là bạn đã tạo được sự tin tưởng đối với nhân viên, điều này là đặc biệt cần thiết nếu hoạt động kinh doanh đang thay đổi nhanh chóng và cần thiết xốc vác lại niềm tin của nhân viên vào sứ mệnh của công ty.

Ở vai trò người quản lý, Drucker lại cho rằng, nghề của họ là duy trì việc kiểm soát nhân viên để nhân viên phát huy khả năng và năng lực lớn nhất từ đó tạo ra sản phẩm hoặc tăng doanh thu/lợi nhuận cho công ty. Để làm điều này một cách hiệu quả, người quản lý cần phải am hiểu rõ cấp dưới của mình và hiểu cả đam mê và mong muốn về lương bổng của nhân viên.

3. Lãnh đạo hỏi “cái gì và tại sao” trong khi quản lý hỏi “Như thế nào và bao giờ”

Để đặt câu hỏi “cái gì” và “tại sao”, bạn có thể sẽ phải hỏi tại sao điều đó xảy ra nhưng đôi khi câu hỏi này sẽ khiến người nghe có cảm giác như bạn đang thách thức cấp trên của bạn. Ông Wade cho rằng “Điều đó có nghĩa là họ đang leo lên lớp cấp quản lý cao nhất khi nghĩ rằng cần phải hoàn thành việc gì đó cho công ty”. “Tôi luôn bảo với nhân viên của mình rằng, tôi không mong là tất cả những gì tôi nói ra là đúng mà tôi mong nó có nhiều điểm sai”.

Và nếu công ty vấp phải sai lầm nào đó, thì lãnh đạo sẽ là người hỏi “chúng ta học được điều gì sau sai lầm này?” và “Làm thế nào để sử dụng những thông này để làm rõ hoặc thực hiện tốt hơn những mục tiêu của chúng ta?”

Tuy nhiên, theo Wade, người quản lý thì lại không thực sự nghĩ nhiều về những sai lầm. Nghề của họ là hỏi “như thế nào”, “bao giờ” để cho chắc chắn kế hoạch sẽ được thực hiện phù hợp.

Còn Drucker thì cho rằng, các nhà quản lý thường chấp nhận hiện trạng. Họ biết rằng đơn đặt hàng và kế hoạch là rất quan trọng và công việc của họ là thực thi được các mục tiêu hiện tại của công ty.

Nhật Linh
Theo Business Insider

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons