Nghề lương cao không cần bằng cấp
Mức lương trung bình cho một vị trí tiếp viên hàng không trên thế giới là từ 15.000 USD đến 20.000 USD/năm trong khi yêu cầu về bằng cấp trung bình chỉ là tốt nghiệp trung học phổ thông khiến đây là một trong những nghề được nhiều bạn trẻ yêu thích. Tuy nhiên, thực tế, tùy vào tình hình tài chính của các hãng hàng không, nhân viên có thể chỉ được trả khoảng 450 USD/năm, và thậm chí ít hơn nếu hãng bay lâm vào tình trạng phá sản.
Các nhân viên của hãng hàng không Air Comet của Tây Ban Nha thậm chí bị quỵt lương tới 9 tháng khi hãng này tuyên bố phá sản với khoản nợ lên tới 160 triệu USD. Ở Việt Nam, hãng hàng không Indochina của ông chủ Hà Dũng cũng từng bị nhân viên ký đơn đòi trả nợ lương do khó khăn về ngân sách và phải tạm dừng hoạt động. Để hỗ trợ nhân viên một phần, Indochina quyết định trả cho mỗi nhân viên 1 triệu đồng để về quê ăn Tết (năm 2010) và hứa sẽ trả 3 tháng lương còn nợ cho 300 nhân viên ở cả 2 miền Bắc-Nam.
Đi du lịch miễn phí
Làm việc chính thức cho một hãng hàng không cũng có nghĩa là được bay miễn phí tới tất cả các địa điểm mà máy bay dừng, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc được đi du lịch miễn phí. Thông thường, với các hãng bay nhỏ sử dụng 1 máy bay cho cả chặng đi và về thì thời gian cho phi hành đoàn nghỉ ngơi giữa 2 hành trình chỉ khoảng 1h. Điều đó có nghĩ là họ chẳng có đủ thời gian để đi ra ngoài sân bay chứ chưa nói đến việc được vào thành phố để du lịch.
Một tiếp viên hàng không người Việt cho biết, hãng bay mà cô phục vụ có chuyến bay từ TP.HCM đến Thái Lan. Thời gian bay cho mỗi chiều là khoảng 1h10 phút, sử dụng một máy bay cho cả 2 chặng. "Chỉ với hơn một giờ nghỉ giữa 2 lần cất cánh, tiếp viên phải thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra an ninh tàu bay trước vào sau khi máy bay hạ cánh. Thông thường, phi hành đoàn chỉ nghỉ ngơi đôi chút trong phòng riêng, và việc duy nhất chúng tôi thường làm là đi lại cho thoải mái hay mua vài món đồ ở khu vực miễn thuế".
Tiếp viên hàng không là một nghề an toàn
Một nữ tiếp viên 9X của hãng hàng không giá rẻ Việt Nam từng chia sẻ, rủi ro lớn nhất với một nữ tiếp viên dưới mặt đất là nạn cướp giật, còn trên không là uy hiếp an toàn bay. "Xung quanh trụ sở công ty thường có rất nhiều cướp giật, vì chúng tôi thường mặc đồng phục và mang túi xách của hãng. Thời gian làm việc của một tiếp viên hàng không có thể bắt đầu rất sớm, từ 4h sáng, và kết thúc vào đêm khuya. Mỗi khi rời khỏi trụ sở về nhà, các tiếp viên thường phải đi thành nhóm để bảo vệ nhau tránh cướp".
Trong khi đó, khi làm việc trên không, tiếp viên hàng không phải đối mặt với những sự việc uy hiếp an toàn bay từ phía khách hàng. Để tránh các trường hợp đáng tiếc, các hãng bay thế giới cũng như Việt Nam đều có chương trình tập võ cho các tiếp viên hàng không để khống chế các đối tương khủng bố hoặc manh động trên máy bay. Mỗi năm, tiếp viên phải học và thi lại các nội dung về an ninh hàng không thì mới tiếp tục được gia hạn bằng.
Mặc dù hàng không được xem là ngành vận tải ít gặp rủi ro nhất nhưng sinh mạng của phi hành đoàn cùng khách bay gắn chặt với mỗi chuyến bay. Nếu máy bay gặp sự cố, tiếp viên phải giữ bình tĩnh, hỗ trợ khách hàng an toàn rời khỏi máy bay nếu cần và họ cũng là những người cuối cùng rời khỏi máy bay. Trong mỗi tai nạn rơi máy bay, hầu hết phi hành đoàn đều tử nạn.
Nghề nhàn hạ
Phần việc dễ thấy nhất của một tiếp viên hàng không là soát thẻ lên tàu bay, biểu diễn an toàn bay và phục vụ khách tại các khoang chính. Tuy nhiên, nếu nói đây là một nghề nhàn hạ thì chắc chắn phải xem lại, vì công việc của một nhân viên phục vụ trên không hoàn toàn không dừng lại ở đó.
Các tiếp viên hàng không làm việc trên các chặng bay dài thường phải thực hiện cả công việc dọn nhà vệ sinh, dọn bếp khi cần. Họ cũng là những y tá sơ cấp cứu khi có tình huống xấu xảy ra với sức khỏe của khách hàng.
Công việc của các tiếp viên hàng không gắn liền với lịch bay. Tiếp viên thường phải có mặt tại sân bay sớm 1 tiếng trước khi cất cánh để họp, trang điểm, thay đồng phục, và chuẩn bị đón khách. Họ vẫn phải qua các cửa kiểm tra an ninh, soi chiếu tại khu riêng biệt trước khi được phép lên máy bay. Nếu vì bất cứ lý do nào khiến lịch bay bị hoãn, hủy, các tiếp viên hàng không có thể mắc kẹt lại tại một sân bay nào đó trong nhiều ngày. "Điều đó cũng có nghĩa là mọi kế hoạch cuộc sống của bạn đều bị đảo lộn. Công việc này không hề nhàn hạ, tôi mất 8 tiếng mỗi ngày cho nó, khi về đến nhà chỉ muốn ngủ để chuẩn bị cho ngày làm việc tiếp theo".
(Theo Tri thức)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét