Một trong những phong tục truyền thống của người Ấn Độ, Henna Tattoo, du nhập vào Việt Nam hơn 2 năm nay. Gần đây, nghệ thuật này thu hút rất nhiều bạn trẻ bởi những hình xăm cá tính và không đau. Với nguyên liệu đơn giản là các tuýp mực vẽ nhiều màu, thêm sự khéo léo từ đôi bàn tay, nhiều người đã mở dịch vụ vẽ henna và thu tiền triệu mỗi tháng.
“Mình rất thích các hình xăm nhưng lại sợ đau, bố mẹ cũng không thích mình xăm hình lên người nên từ lúc biết Henna, mình ‘nghiền’ luôn”, Hà Anh, sinh viên Đại học Thương Mại, tâm sự. Cô bạn cho biết vẽ Henna không những đẹp, thể hiện được cá tính mà hình có thể bay đi trong vòng 2 tuần chứ không như xăm chết trên da nên không sợ phụ huynh mắng. Chưa kể, giá dịch vụ rẻ, hình nhanh bay màu nên Hà Anh dễ dàng thay đổi hình xăm khác để làm mới bản thân.
Ăn theo trào lưu và sở thích này của giới trẻ, nhiều người mở dịch vụ vẽ Henna với giá trung bình khoảng 30.000 đồng hình nhỏ, 50.000 đồng hình trung bình và 100.000 đồng đối với những hình lớn. Mức giá có thể cao hơn nếu hình vẽ rộng và tốn mực.
Thương hiệu Playboy qua nét vẽ Henna thể hiện cá tính
|
Anh Nam, chủ thương hiệu MBN Handmade Artist nổi tiếng ở Hà thành cho biết: “Henna truyền thống thường chỉ là các hình hoa văn, họa tiết cầu kỳ, bắt mắt, nhưng trào lưu này đến Việt Nam, các bạn trẻ thường thích vẽ nhiều hình thù khác nhau do họ tự sáng tạo để thể hiện cá tính của mỗi người”. Trung bình, mỗi tháng cửa hàng anh Nam lãi từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng nhờ dịch vụ vẽ Henna. Vào những tháng cao điểm trong mùa hè, lãi có thể lên đến chục triệu đồng. “Có những ngày vẽ được một triệu đồng bởi mùa hè, nhiều bạn thích khoe những nét đẹp trên cơ thể”, anh Nam chia sẻ.
Lớp học dạy vẽ Henna Tattoo đông các bạn trẻ tham gia.
|
Là nghệ thuật truyền thống của Ấn Độ, Henna thường được dùng để vẽ cho các cô dâu trong lễ cưới, hoặc các dịp lễ hội lớn, vẽ lên bụng bà bầu cầu mẹ tròn con vuông, vẽ cho trẻ em cầu chúc sức khỏe và may mắn… Mực vẽ Henna chiết xuất từ cây lá móng, khi nghiền nhuyễn thành bột và thêm một số thành phần tự nhiên khác sẽ trở thành một loại thuốc nhuộm thiên nhiên an toàn cho da. Màu Henna khi vẽ là màu đen nhưng sau từ một tiếng đến 3 tiếng, mực sẽ khô và bong, khi đó sẽ cho màu cam đẹp mắt. Hình xăm Henna có thể giữ trong vòng 2 tuần. Hiện nay trên thị trường có nhiều màu khác nhau như đen, nâu và nâu đỏ…thường bán dưới dạng tuýp khối lượng 30gr với giá trung bình khoảng 80.000 - 110.000 đồng.
Các bạn nam cũng yêu thích nghệ thuật vẽ Henna.
|
Kinh doanh theo trào lưu này, nhiều người còn mở những khóa học dạy vẽ Henna Tattoo. Một khóa học chỉ gồm 2 buổi (cơ bản và nâng cao) có giá khoảng 450.000 đồng. Học viên sẽ được học nhiều kỹ năng vẽ nói chung và kỹ thuật vẽ Henna nói riêng, cách bóp mực sao cho chuẩn… Sau khóa học, nhiều người có thể tự kinh doanh dịch vụ này nếu yêu thích và có năng khiếu. Mặc dù mức học phí không quá cao nhưng nhờ thu hút nhiều học viên nên không ít người dạy vẽ cũng có thu nhập khá mỗi tháng.
“Nguyên liệu không quá đắt, chỉ cần có địa điểm, nghệ thuật này lại đang hot, thu hút cả bạn nam và nữ nên người học đông, tháng dạy đều cũng kiếm được 5-6 triệu mỗi tháng sau khi trừ hết các chi phí”, phụ trách một lớp dạy vẽ Henna tiết lộ. Song theo chị, dịch vụ này ngày càng nhiều, shop, quán café nhận vẽ Henna nở rộ nên việc cạnh tranh trong thời gian tới rất khó khăn.
Theo anh Nam, chủ thương hiệu MBN Handmade Artist, vẽ Henna chủ yếu cần sự khéo léo. Để giữ chân khách hàng, điều quan trọng nhất là phải tạo được sự uy tín, nếu vì lợi nhuận mà sử dụng những loại mực vẽ kém chất lượng, khi vẽ lên da gây kích ứng, nổi mẩn đỏ và có thể gây nhiều tác hại khác cho da thì rất dễ mất khách. “Các bạn trẻ đi vẽ Henna cũng cần xem rõ nhãn mác loại mực vẽ, mực tốt thường được nhập khẩu từ Ấn Độ hoặc Singapore, giá có thể cao nhưng đảm bảo an toàn”, anh Nam khuyên.
(Theo Tri thức)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét