Kinh tế thế giới đang chìm trong khủng hoảng, khiến 1,2 tỷ thanh niên trong độ tuổi từ 17 - 24 không có việc làm. Người trẻ phải làm thế nào để vượt quan giai đoạn này?
"Những thế hệ bị đánh mất"
Theo ông Jose Manuel Salazar - Xirinachs, Giám đốc Ban Việc làm của Tổ chức Lao động thế giới, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đã khiến tỷ lệ thất nghiệp ở châu lục này tăng cao. Còn tại châu Mỹ, châu Á và Đông Nam Á, tỷ lệ thất nghiệp đang có xu hướng phục hồi. Trên thế giới, hiện có tới 1,2 tỷ thanh niên đang đối diện với các vấn đề về việc làm. Trong đó, cứ 3 công nhân thì có một người thất nghiệp hoặc làm việc trong điều kiện khắc nghiệt với mức thu nhập dưới 2 đôla/ngày.
Còn theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. HCM, tuy chưa có con số thống kê chính thức về tỷ lệ thất nghiệp tại TP. HCM nhưng trong năm 2012, nhu cầu tìm việc làm của người lao động tăng khá cao. Nguồn lao động có nhu cầu tìm việc làm có trình độ, tay nghề, kinh nghiệm và đáp ứng nhu cầu việc làm khoảng trên 70% ở một số ngành Marketing, Kế toán - Kiểm toán, Xây dựng, Điện tử, Viễn thông, Cơ khí, Dệt may, Giày da… Nguyên nhân là do nhu cầu tìm lại việc làm mới của nhiều người có trình độ, kinh nghiệm tăng cao.
Người trẻ nên làm gì?
Chia sẻ với hơn 500 sinh viên trường ĐH Mở TP.HCM, tại chương trình Giao lưu Khởi nghiệp, do báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp tổ chức, ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương cho rằng, sinh viên mới ra trường không dễ dàng tìm được việc làm phù hợp, nhất là trong thời điểm khủng hoảng hiện nay. Cách đây 40 năm, ông Jonathan Hạnh Nguyễn cầm bằng đi xin việc khắp nơi và cũng nếm mùi thất bại. Ông nghiệm ra rằng, bằng tốt nghiệp đại học chỉ để củng cố sức học, chứng nhận mình đã được học qua lý thuyết với chuyên ngành đó. Một người học Kinh tế nên bắt đầu với bộ phận kế toán "sổ sách", khi có kinh nghiệm thì có thể đảm nhận những chức vụ cao hơn. Theo ông, chỉ có hai cách để sinh viên được tuyển dụng khi không có kinh nghiệm, đó là nộp đơn xin vào làm ở một vị trí thấp rồi đi lên từ từ hoặc tích lũy kinh nghiệm bằng cách đi làm part-time từ sớm, với mức lương chấp nhận không cao.
Theo ông Jonathan Hạnh Nguyễn, trong khủng hoảng, sinh viên cần phải biết dành thời gian để tích lũy kinh nghiệm, tài chính và phải có nỗ lực để chấp nhận vượt qua mọi khó khăn. Ông nhấn mạnh: "Các bạn trẻ đừng phí thời gian ngồi cà phê tán gẫu mà bỏ quên những cơ hội có thể đóng góp cho xã hội. Đóng góp cho xã hội không phải bằng tiền mặt mà bằng cách gia nhập vào đoàn thể, công đoàn, nhà trường". Khi ông Jonathan Hạnh Nguyễn còn là sinh viên ở San Francisco, ông đã đi làm 3 nghề để học một năm Anh văn, sau đó vào trường mới nghe được bài giảng. Khi chuyển đến Chicago, ông làm nghề rửa xe và nhiều việc khác để tích cóp những đồng tiền đầu tiên rồi xây dựng nên khối tài sản 500 triệu đôla như hiện nay.
Còn ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Bản Việt tâm sự, dù trong thời khủng hoảng kinh tế nhưng sinh viên hiện nay rất nôn nóng, muốn vội vàng thể hiện mình, muốn gặt hái được thành công ngay mà không nghĩ đến thời gian tích lũy kinh nghiệm. Nhiều sinh viên vừa ra trường không muốn đi làm thuê mà chỉ muốn lập doanh nghiệp và làm chủ trong khi chưa có kinh nghiệm trên thương trường, chưa có mối quan hệ cần thiết nên dễ gặp rủi ro và thất bại. Vì vậy, để thành công người trẻ cần biết xây dựng vai trò cá nhân một cách vững chắc bao gồm những chuẩn bị về tài chính, kiến thức, các mối quan hệ.n
Theo ông Jose Manuel Salazar - Xirinachs, sau 1 - 2 năm không tìm được việc làm, các kỹ năng làm việc của thanh niên sẽ giảm đi đáng kể và khả năng đáp ứng các công việc được giao cũng vơi dần. Thanh niên không có việc làm sẽ có nhiều hành vi chống đối xã hội. Ông Jose Manuel Salazar - Xirinachs cho biết thêm, thanh niên Tây Ban Nha đã di chuyển sang Trung và Nam Mỹ để tìm việc làm. Việc này đã có tác động tiêu cực lên góc nhìn, tâm lý và hành động của họ. Ngày nay, thế giới thường gọi những người này là "những thế hệ bị đánh mất".
Quế Sơn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét