Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

Nghề “lơ lửng”, lương chót vót

Những người "thợ kiếm sống lơ lửng" thường xuyên phải đối mặt với tử thần khi vắt vẻo giữa không trung để lau kính cho các tòa nhà cao tầng.

Nghề nguy hiểm
Ở các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Vũng Tàu có rất nhiều các tòa nhà cao tầng, theo đó các công ty vệ sinh mọc lên nhan nhản. Những công ty này nhận tất cả các dịch vụ vệ sinh đô thị cho đến lau nhà, quét dọn, lau mặt kính. Đặc biệt nghề lau mặt kính được coi là nguy hiểm nhất, lương cũng cao nhất.
Nghề lau kính ở các tòa nhà cao tầng
Nghề lau kính ở các tòa nhà cao tầng
Do nhu cầu ngày càng cao nên một số công ty tư nhân về dịch vụ vệ sinh đã đăng tuyển nhân viên lên các trang mạng với giá hấp dẫn, độ an toàn cao. Đối tượng đến tuyển chủ yếu là những người xuất thân từ những vùng quê nghèo. Tưởng nghề nhàn nhã, lương cao, có bảo hộ lao động mà không cần bằng cấp, rất nhiều người đã đến để xin phỏng vấn để đi làm.
Từ những thông tin tuyển dụng đó, đã có rất nhiều người đến những công ty này xin việc. Tuy nhiên, họ cũng chẳng làm được bao lâu rồi bỏ. Do làm việc ở độ cao đến chóng mặt, nhiều người cảm thấy nguy hiểm rình rập, mọi sơ sẩy đều phải trả giá bằng mạng sống. Nhiều người đã bỏ ngay ngày làm đầu tiên.
Một số người đã bỏ công việc cho hay: Họ quảng cáo trên mạng rất hấp dẫn, nhưng khi đến tuyển dụng thì trái ngược hoàn toàn. Những công ty này viện đủ các lý do lừa khách hàng như: Tháng đầu lương thử việc chỉ được 200.000 đồng/ngày công, từ tháng sau sẽ tăng lương.
"Khi chúng tôi quyết định làm rồi mới nhận thấy thực tế không có bảo hộ lao động như mũ, dây đai, khẩu trang, găng tay; thậm chí nếu có cũng không đầy đủ hoặc không đảm bảo an toàn như dây đai cũ kỹ, giá nâng không chắc chắn...
Anh Trần Mạnh Dũng (30 tuổi, Ý Yên - Nam Định) cho hay: "Em được một người bạn giới thiệu lên Hà Nội làm nghề không cần bằng cấp mà có nhiều tiền. Ở quê suốt ngày chỉ trông vào đồng ruộng, làm lụng vất vả mà không có tiền. Em theo bạn lên Hà Nội xin việc, khi em đến nộp hồ sơ thì được nhận ngay. Công ty giao cho em cùng mấy anh chị lau tòa nhà cao tầng ở đường Phạm Văn Đồng với ngày công 200.000 đồng. Nhưng khi làm ở độ cao mà không có bảo hộ lao động đầy đủ nên em không dám làm tiếp".
Sẩy chân là... chết
Ông Nguyễn Văn Dục (50 tuổi, quê Thanh Oai, Hà Nội) đã làm nghề lau kính được 20 năm nay tâm sự: "Tôi đã bỏ quê đi làm thuê ở rất nhiều nơi khác nhau, với nhiều nghề nhưng cũng chỉ được 2 - 3 triệu đồng/tháng. Số tiền đó còn không đủ nuôi bản thân chứ đừng nói đến gửi về quê nuôi vợ nuôi con. Được một người bạn giới thiệu về nghề hơi nguy hiểm một chút nhưng lại có nhiều tiền, lúc đó, tôi nghĩ nếu làm việc gì mà không phạm pháp luật mà có tiền gửi về cho vợ con là tôi làm".
Ông Dục tâm sự: Nghề này cũng được trả công khá cao, trung bình khoảng 200 - 300.000 đồng/ngày, tùy theo độ cao. Những tòa nhà cao phải trả giá cao hơn. Hiện nay, giá ngày công ít nhất cũng phải gần 300.000 đồng mới thuê được người làm.
Được biết, nghề lau kính được trả ngày công cũng kha khá nhưng mức độ nguy hiểm lại rất lớn. Những ngày râm mát thì không sao, nhưng khổ nhất là những ngày nắng nóng hay lạnh giá.
Khi đứng ở độ cao chót vót vừa mệt vừa khát nước, người cứ mệt mỏi, cảm giác hoa mắt chóng mặt. Không dừng lại ở đó, nếu những hóa chất để lau kính, vệ sinh các tòa cao ốc mà không đảm bảo chất lượng sẽ rất nguy hiểm, chưa kể đến bụi bặm. Độc nhất là các chất tạo màu ở sơn tường, khi tiếp xúc thường xuyên và lâu dài với sơn tường sẽ gây ảnh hưởng về lâu dài, thậm chí có thể gây đột biến gen, ảnh hưởng các thế hệ sau.
Ông Phạm Quang Thạch (quê ở Tiền Hải, Thái Bình) là thợ lành nghề chia sẻ: Người ta tính lương theo độ cao, lau kính ở tòa nhà càng cao càng được nhiều tiền. Làm nghề này, nếu chẳng may rơi xuống thì chết là chắc. Vấn đề là mình phải biết cách bảo vệ chính bản thân mình.
Anh Thạch chia sẻ kinh nghiệm: Trước khi lên tầng, cần kiểm tra tất cả các dây đai an toàn, mũ bảo hiểm, khẩu trang, găng tay, các ốc vít của giá nâng. Khi mọi thứ đã bảo đảm an toàn thì mới bước lên giá nâng lên tầng; tránh tình trạng nhìn xuống dưới, nếu không sẽ bị hoa mắt, chóng mặt. Trong lúc lau kính cũng cẩn thận, di chuyển ít, không nên với quá xa, dễ bị ngã...
Trao đổi với chúng tôi, chị Vũ Thị Tâm, nhân viên kinh doanh của Công ty Sạch và Xanh cho biết: "Đây cũng là một nghề trong dịch vụ vệ sinh. Tuy nhiên, nghề lau kính ở các tòa nhà cao tầng được cho là nghề nguy hiểm nhất nhưng cũng được trả lương cao nhất. Hiện nay, do nhu cầu của xã hội ngày càng cao, chúng tôi cũng có tuyển thêm nhân viên nhưng có rất nhiều nhân viên có đến làm vài ngày rồi lại bỏ vì không chịu được áp lực của độ cao.
Nếu không có bảo hộ lao động sẽ rất nguy hiểm nên công ty trang bị bảo hộ lao động cho công nhân đầy đủ như: Mũ bảo hiểm, gang tay, khẩu trang, dây đai an toàn, giá đứng nâng lên hạ xuống. Hơn nữa, chúng tôi còn đóng bảo hiểm cho thợ. Nếu được trang bị bảo hộ lao động đầy đủ thì sẽ hạn chế đến mức tối đa tỉ lệ rủi ro".      
Tuy nhiên, đây là nghề dịch vụ, khi có khách hàng gọi thì những nhân công này mới có việc mà làm. Tuy rằng ngày công cũng kha khá nhưng không phải lúc nào cũng có việc mà làm. Có ngày làm không hết việc, có thời gian chờ dài ngày mà không có việc mà làm. Chính vì vậy, thu nhập cũng bấp bênh lắm. Tính trung bình mỗi tháng cũng chỉ khoảng 4 - 5 triệu đồng.             
 
Theo Hoàng Thế Tào

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons