Khó mà tưởng tượng hiện nay thu nhập của nhân viên môi giới thấp đến mức nào. Không ít người cả tháng chỉ được hơn 1 triệu đồng. Thành ra đi làm mà như thất nghiệp, gọi là “thất nghiệp nửa vời”.
Không
giống như tình trạng thất nghiệpcủa giới lao động chân tay, thị trường
chứng khoán đang tồn tại những người "đi làm mà thất nghiệp" đằng sau
sắcđỏ kéo dài thời gian qua (Ảnh minh họa)
Ngày cuối cùng của tháng 10 là ngày buồn bã đối với D, nhân viên
môi giới kì cựu của một công ty chứng khoán luôn nằm trong Top 10 thị
phần trên sàn HoSE.
“Khi bước chân ra khỏi cánh cửa công ty, ngoái đầu nhìn lại, phía sau
là bảng điện tử nhấp nháy màu đỏ, tự nhiên mắt tôi cay xè” – D tâm sự -
“Khách hàng của tôi đã bỏ đi hết. Họ chẳng còn thiết hỏi thăm thị
trường dạo này như thế nào như năm ngoái, năm kia nữa. Có ngày tôi ngồi
từ sáng đến chiều mà không thấy có một lệnh đặt mua hay bán”.Rời bỏ nghề, tiếc lắm nhưng cơm vẫn phải ăn, xăng dầu chạy xe vẫn phải đổ, lương tháng có tháng không làm sao sống?
Tình trạng môi giới chứng khoán bỏ nghề đang lan tràn như thế bệnh dịch. Các công ty cho nghỉ việc những môi giới non nghề và ráng giữ những nhân viên giàu kinh nghiệm, có quan hệ tốt với khách hàng. Tuy nhiên nhân viên môi giới tự xin nghỉ vì không thể đảm bảo chỉ tiêu được giao.
HIện nay ở những công ty chứng khoán hàng đầu, doanh thu môi giới được phân bổ khoảng 5-6 tỉ đồng/người/tháng. Mức cao nhất mà cuộc khảo sát của chúng tôi có được là 8-10 tỉ đồng/nhân viên/tháng ở một công ty tại TP.HCM. Trên mức khoán này, phần vượt sẽ được tính thưởng, dưới mức này môi giới sẽ không được nhận lương.
Ngoài lương, môi giới được phân chia tỉ lệ hoa hồng. Mức phổ biến trên thị trường hiện 25-75%, tức nếu phí môi giới thu được 100 đồng, nhân viên được hưởng 25 đồng, công ty thu 75 đồng (các công ty còn phải nộp một tỉ lệ nhất định trích từ phí môi giới cho hai Sở GDCK theo quy định). Một số đơn vị áp dụng mức 30-70% nhằm động viên nhân viên tìm kiếm khách hàng, tăng doanh thu. Cá biệt có công ty áp dụng tỉ lệ 45-55%.
“Chính sách hoa hồng có thể linh hoạt tùy theo diễn biến thị trường”- giám đốc chi nhánh của một CTCK thừa nhận – “Chúng tôi nâng tỷ lệ có lợi cho nhân viên môi giới vào thị trường ảm đạm, chấp nhận công ty không có lợi nhuận.” Ông phân trần, ngay cả tăng hoa hồng, thu nhập của môi giới cũng khó cải thiện và ở công ty ông, một phần ba nhân viên đã xin nghỉ việc.
Khó mà tưởng tượng hiện nay thu nhập của nhân viên môi giới thấp đến mức nào. Với một số người, mức ổn định 10 triệu đồng/tháng là ước mơ. Khoảng 4-6 triệu đồng/tháng cũng đành gật. không ít người cả tháng chỉ được hơn 1 triệu đồng. Thành ra đi làm mà như thất nghiệp, gọi là “thất nghiệp nửa vời”.
Năm 2006-2007, D đã từng kiếm được 50-70 triệu đồng thu nhập/tháng kể cả thưởng. “Hồi ấy giá cổ phiếu cao, doanh thu tăng chóng mặt”-D nhớ lại. Bây giờ, anh nói, kiếm được khách hàng mới đặt mua 10.000 cổ phiếu cũng khó. Đã vậy, cổ phiếu giá chỉ 3.000-4.000 đồng, nên doanh thu không bằng phần làm thêm của ngày trước.
“Cái khó ló cái khôn”. Để tồn tại, bộ phận môi giới giới thiệu một số sản phẩm mới cho khách hàng, kiểu bán khống, ký quỹ vượt quy định, vau mượn cổ phiếu giao dịch để có doanh thu, không tính phí…Những giao dịch thỏa thuận lô lớn được áp dụng mức phí thấp nhất nhằm lôi kéo khách hàng.
Nhưng cái “khôn” chẳng thấy đâu, mà bán khống hoặc những vi phạm chỉ khiến khách hàng mất thêm tiền, thị trường lao dốc và hậu quả là nhà đầu tư ngừng giao dịch hẳn.
Gần đây khi hoạt động bán khống bị thanh tra, xử phạt, thanh khoản thị trường sụt giảm. Một số môi giới chỉ còn cách thỏa thuận với khách hàng có sẵn cổ phiếu trong tài khoản, bán và mua lại ngay trong phiên để có doanh số. Vừa bán, chỉ cần chênh lệch một line (100 đồng/cp) là họ mua lại ngay, chấp nhận không tính phid môi giới. Lúc này, doanh thu được ưu tiên vì có doanh thu là có lương cố định và doanh thu quyết định thứ bậc của những công ty hàng đầu trên bảng xếp hạng thị phần của hai sàn.
Cạnh tranh thị phần những tưởng sẽ bớt quyết liệt tronghoàn cảnh giao dịch èo uột nhưng không phải. Ngược lại nó ngày càng dữ dội. Những công ty trong top đầu đo lường nhau từng phần ngàn, không phải phần trăm thị phần. Những tên tuổi mới xuất hiện trong nhóm 10 lập tức bị “săm soi” về cơ cấu doanh thu, như có nhiều giao dịch thỏa thuận không, nếu có giao dịch thỏa thuận thì là cổ phiếu gì, môi giới có chiêu mới chăng?...
Hỗ trợ đắc lực nhất cho môi giới hiện nay là bộ phận nghiên cứu, phân tích kỹ thuật để giữ chân khách hàng ruột. Song với việc bắt bớ một số nhân vật liên quan đến ngân hàng và tin đồn như một căn bệnh ngày một trầm kha, phân tích kỹ thuật cũng “đầu hàng” trước tâm lý chán nản và niềm tin đã “phiêu bạt nơi nào” của nhà đầu tư.
“Khách hàng hầu như không còn quan tâm đến các bản phân tích kỹ thuật hàng ngày. Ngay cả những người “ăn chứng khoán ngủ chứng khoán” giờ cũng chỉ ngóng tin ngân hàng thôi” – một môi giới của công ty S phản ánh. Cô còn khá trẻ, đã gắn bó với nghề hơn năm năm và đang định chuyển sang một công ty khác. “Vì sao chuyển, CTCK bây giờ ở đâu cũng thế”. “Công ty em bảo thủ và ..nghiêm túc quá, mà lại không có ngân hàng nào chống lưng” –cô trả lời.
Đấy là chuyện của tháng trước. Tháng này gặp lại, cô đã vào làm ở công ty chứng khoán ngân hàng V. Phí giao dịch ký quỹ ở công ty mới 17%/năm, so với các đơn vị khác thấp hơn và theo cô, công ty đang có những “chiến dịch”khuyến mãi rất nặng ký.
Phí môi giới ở đây, cô nhận xét, thấp kỷ lục, có lẽ thấp nhất thị trường và khách hàng mới chỉ cần mở tài khoản, chưa cần giao dịch ngay, cũng được tính vào chỉ tiêu cho nhân viên môi giới. “Nếu kích hoạt được những tài khoản “nghỉ ngơi” đã lâu, môi giới được thưởng” - cô bật mí.
Tài chính – ngân hàng – chứng khoán đã có thời là ngành nghề “nóng”, được giới trẻ săn đón, được nhìn nhận bằng con mắt ngưỡng mộ trong xã hội. Vậy mà giờ không còn nhiều lá đơn xin việc gửi tới địa chỉ các CTCK.
Chuyên viên cao cấp từ tổng, phó tổng đến các giám đốc tài chính, giám đốc nghiên cứu, giám đốc đầu tư, cả quốc tịch Việt Nam và ngoại quốc, của các CTCK nhìn ngang ngó dọc, tìm kiếm một bến đậu chờ thị trường phục hồi. Chuyên viên thấp hơn như môi giới ở tình trạng làm việc cầm chừng cũng không lạ. Tất cả chờ đợi, tránh thất nghiệp để làm…thất nghiệp nửa vời.
Theo Hải LýThời báo kinh tế Sài gòn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét