Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

Những “chiêu” ép nhân viên nghỉ việc

Thời gian qua, người lao động xôn xao khi thấy trên một số diễn đàn xuất hiện bức thư của nhóm người tự nhận là nhân viên của công ty N. Họ khẳng định mình đã bị ép viết đơn xin nghỉ việc.

Theo bức thư này, để mời gọi nhân viên về làm, công ty N đã đưa ra những mức lương hấp dẫn, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, do làm ăn thua lỗ, lãnh đạo công ty lại tìm đủ mọi cách để ép người lao động tự viết đơn xin nghỉ việc.
 
Nợ, giảm lương, điều chuyển vị trí

Nợ, giảm lương, điều chuyển vị trí

“Phòng Nhân sự đã cho gọi một số người lên và thông báo họ là những người trong diện bị cắt giảm. Lý do là, dù chưa hết thời hạn ghi trong hợp đồng lao động, nhưng công ty đang cơ cấu lại và tình hình tài chính 9 tháng đầu năm gặp khó khăn nên phải thu gọn bộ máy nhân sự” - anh T, đại diện những người viết thư cho biết.

Cũng theo anh T, anh và một số người khác phải lựa chọn một trong hai phương án: Tự viết đơn xin nghỉ hoặc sẽ bị thuyên chuyển vị trí công tác (ở Hà Nội sẽ bị chuyển sang chi nhánh Đà Nẵng) và giảm hơn 50% lương. Điều này đã khiến các nhân viên chán nản xin nghỉ để công ty không phải đền bù do chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, gần 3 tháng qua, chị Phạm Thanh Trúc, nhân viên kế toán của một doanh nghiệp thuộc quận Đống Đa đã bị điều chuyển sang làm những công việc không đúng chuyên môn. Từ phòng Kế toán, chị Trúc bị điều xuống phòng Hành chính lo trà nước cho “sếp” và trực điện thoại với mức lương giảm 30%. Khi chị Trúc thắc mắc thì được lãnh đạo công ty giải thích do kinh tế khủng hoảng nên nhân viên phải chia sẻ với lãnh đạo. Không những thế, 2 tháng liền chị Trúc bị nợ lương và công ty không thông báo cụ thể thời gian nợ lương là bao lâu.

Bên cạnh đó, một bản nội quy mới cũng được lãnh đạo đơn vị đưa vào thực hiện với những quy định chặt chẽ: “Đi muộn 5 phút trở lên trừ 30 % lương của ngày đó đồng thời bị nhắc nhở trên bảng thông báo”. Do đang nuôi con nhỏ, giờ giấc không đảm bảo nên sau mấy lần bị “bêu” tên, chị Trúc đã phải tự viết đơn xin nghỉ việc và được chấp nhận nhanh chóng.

Có thể nói thời gian qua, những cách phổ biến được nhiều doanh nghiệp áp dụng để cắt giảm biên chế là giảm, nợ lương, liên tục gây ức chế, thử việc dài hạn, bố trí công việc không đúng chuyên môn, giao chỉ tiêu cao, không ký tiếp các hợp đồng đã đến hạn, chuyển các hợp đồng dài hạn thành hợp đồng thời vụ, điều chuyển địa điểm công tác. Những “chiêu” thức này đã khiến người lao động thấy “nản” tự xin nghỉ. Điều này diễn ra phổ biến hơn ở  hệ thống các cơ quan tài chính, ngân hàng. Hoạt động cơ cấu lại nhân sự ở các đơn vị này đã khiến cho không ít lao động như “ngồi trên đống lửa”.

Sao cho hài hòa lợi ích

Theo kết quả khảo sát về cung, cầu nhân lực ngân hàng - tài chính do Viện Nhân lực ngành ngân hàng tài chính (BTCI) thực hiện, trong năm 2013, sẽ có 20.000/30.000 sinh viên chuyên ngành tài chính - ngân hàng ra trường được các tổ chức tài chính, ngân hàng tuyển dụng. Bên cạnh đó, không ít nhân viên đang làm việc tại các ngân hàng, cơ quan tài chính cũng đối mặt với nguy cơ mất việc.

Về vấn đề trên, ông Trương Duy Nam - một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho rằng, động thái cắt giảm nhân sự của các ngân hàng nói riêng và các đơn vị nói chung trong thời gian gần đây là điều dễ hiểu, bởi khi tình hình kinh doanh gặp khó khăn, các đơn vị buộc phải cơ cấu lại nhân sự. Việc thanh lọc và lựa chọn những người có năng lực chuyên môn tốt, giảm tải những vị trí không cần thiết để tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả công việc là bình thường.

Còn theo luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội, điều dễ nhận thấy là nhằm tiết giảm chi phí lương và chi phí quản trị điều hành, các bộ phận lao động gián tiếp đều bị tinh giảm. Một số công ty còn chọn cách thuê người làm khoán theo thời vụ. Tuy vậy, trong tình cảnh một công ty buộc phải cắt giảm chi phí và đối mặt với nguy cơ phá sản, việc phải giữ lại những cá nhân nào, loại bỏ những ai cũng khiến người đứng đầu phải mất nhiều thời gian và trí tuệ để cân nhắc. Song, điều quan trọng nhất khi nói lời chào tạm biệt với nhân viên là chủ doanh nghiệp cần cố gắng hết mình để tạo điều kiện tốt cho các nhân viên phải “ra đi” và tạo ra một sự công bằng, niềm tin tưởng đối với đại đa số nhân viên của mình, khiến họ dù đi hay ở lại đều phải “tâm phục, khẩu phục”. Bên cạnh đó, việc chấm dứt hợp đồng với người lao động cũng phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Với việc cắt giảm nhân sự, cho dù sử dụng cách thức nào thì đây cũng chỉ là cách xử lý mang tính tình thế của các công ty trong thời buổi khó khăn. Và trong thời gian tới, chắc chắn cơn bão thất nghiệp sẽ hoành hành dữ dội hơn và số người lao động rơi vào cảnh không việc làm, không thu nhập sẽ không ngừng tăng. Trong điều kiện này, bản thân mỗi người lao động cũng cần cố gắng hoàn thiện mình, thể hiện tốt nhất năng lực của bản thân để không bị rơi vào số người “phải ra đi”.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 10 tháng đầu năm nay, nước ta có khoảng 45.000 doanh nghiệp phá sản. Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi lao động là 2,29%, trong đó khu vực thành thị là 3,62%, khu vực nông thôn là 1,65%. Dự báo con số này sẽ còn tăng trong thời gian tới.

Theo Huệ Linh
ANTĐ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons