Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

Công nhân “chảnh”, thuê người làm việc hộ

Là công nhân, nhưng lại cho những lao động tự do khác "thuê" công việc của mình - hiện tượng không hề hiếm, đặc biệt ở những nhóm nghề vệ sinh môi trường, điện lực, thoát nước,...

Giữ việc để lấy... lương hưu

Đã ngấp nghé tuổi về hưu nên chị N.T.N., công nhân Công ty Môi trường đô thị Hà Nội, không còn tha thiết với việc ngày ngày đẩy xe đi thu gom rác ở khắp các ngõ xóm. Ở nhà trông cháu và thu tiền dãy phòng xây cho thuê trọ, chị N chia sẻ: "Công việc cũng vất vả, nhưng do mấy năm nữa về hưu rồi nên tôi cố gắng duy trì để nhận lương hưu. Không làm được, tôi thuê cô T. là người đi mua đồng nát làm thay hàng tháng". Chị N giờ chỉ nhận lương, đi họp hành và tham gia những hoạt động không thể vắng mặt tại công ty, còn công việc hàng ngày chị phó mặc cho cô gái đồng nát quán xuyến.

Cô T. phấn khởi: "Nếu chịu khó sắp xếp, em vẫn có thể vừa đi dọn vệ sinh vừa kết hợp thu mua và nhặt đồng nát được, vì thế tuy chị N. thuê rẻ một chút (2,5 triệu đồng/tháng) em vẫn làm tốt". Khi được hỏi, làm hai việc một lúc như vậy liệu có đảm bảo yêu cầu, cô T. thật thà: "Công việc dọn vệ sinh cũng khó nói thế nào là đảm bảo. Nhưng em làm còn chu đáo hơn khối chị nhân viên chính thức, vì em cũng sợ chị N. không thuê nữa thì mất mối làm ăn".

Công việc của chị T. T. H. - cũng là công nhân môi trường đô thị nhưng lại "ra tiền" hơn chị N. Chị H. bật mí, dọn vệ sinh ở khu vực có bệnh viện tuy vất vả và nguy hiểm hơn nhưng lại kiếm được đồng ra đồng vào. Chị H. kể: "Rác trong bệnh viện đã được phân loại rồi, nhưng cũng chỉ là một phần thôi. Hơn nữa, rác do bệnh nhân bỏ ra có khá nhiều đồ có thể bán lại cho đồng nát được nên khi tôi cho thuê "nghề" của mình với giá khá bèo, ối người xung phong".

Công nhân “chảnh”, thuê người làm việc hộ
Vệ sinh môi trường là nghề vất vả, nguy hiểm nhưng nhiều người làm lâu năm vẫn muốn giữ để chờ lấy lương hưu (ảnh minh họa)

Chị L.M.X, người làm thuê công việc của chị H. thật thà: "Trước khi làm thuê, chị H. cho biết sẽ có "mối" để được vào nhặt thêm rác nên tôi chấp nhận mức lương 2 triệu đồng/tháng. Chịu khó nhặt nhạnh thêm, mỗi tháng tôi cũng có 5 triệu, thu nhập ổn định nên cố gắng làm dù cũng biết rác thải ở khu này (bệnh viện - PV) ảnh hưởng xấu tới sức khỏe".

Bên thuê, bên làm: Ai chịu trách nhiệm?

Câu chuyện rôm rả ở quán bia trên đường Hoàng Cầu của nhóm nhân viên lắp đặt Internet, điện thoại khiến người nghe phải chú ý. Đã từ lâu, Q. và H. mua một chiếc xe và đóng vào hãng taxi chạy thêm kiến tiền. Công việc mỗi tháng ra cả chục triệu đồng nên Q. và H. thuê 2 cậu sinh viên chuyên đi lắp đặt, sửa chữa mạng và điện thoại cố định cho các hộ gia đình - công việc chính ở cơ quan của họ. Tuy là làm thuê nhưng mấy cậu sinh viện kia cũng phải mặc đồng phục, đeo thẻ và làm công việc như của nhân viên chính thức.

Q. phân tích: "Mấy đứa tôi đều là công nhân, học thêm tý rồi làm việc đó nên có khi không giỏi bằng mấy cậu sinh viên học hành bài bản. Ngoan, làm tốt lại chấp nhận tiền chỉ bằng một nửa lương của anh em tôi nên chúng tôi thuê chúng làm. Đôi bên cùng có lợi. Sinh viên học một ca nên chia nhau làm việc, đảm bảo cả việc học và làm thêm".

Ông Nguyễn Mạnh Hùng ở Kim Giang, Hoàng Mai kể rằng, trước đây ở tổ dân phố ông do lắp đặt thêm cột nên phải chạy lại đường điện. Lúc đầu, cũng thấy mấy anh mặc đồng phục điện lực đến, rồi sau đó có cậu thanh niên khác làm. Khi xảy ra sự cố, mấy thanh niên vội gọi nhân viên điện lực quay lại, chúng tôi hỏi mới biết họ làm thuê cho mấy anh công nhân kia theo ngày. Cứ có việc là đến nhận, làm xong nghiệm thu rồi nhận tiền ra về".

Ông Hùng nhận xét, "mấy người làm thuê rất khỏe và chịu khó, nhưng có lẽ không có nghiệp vụ nên làm theo thói quen. Tôi cũng làm cơ khí nên tôi biết, họ nối mối dây điện cũng không đúng cách, không biết có để lại hậu quả gì không. Mấy anh điện lực chắc lương cũng khá nên ngại động tay chân. Chỉ nghĩ dại, không biết khi xảy ra chuyện gì thì ai phải gánh chịu hậu quả và ai chịu trách nhiệm?".

Câu chuyện của một nhân viên y tế một bệnh viện khiến chúng tôi suy nghĩ mãi. Chị kể về một anh nông dân từ Bắc Giang ra Hà Nội, đứng ở chợ người cho thuê lao động. Anh và hai người nữa được một nhóm công nhân môi trường thuê thông cống đoạn gần khu tập thể Hào Nam với số tiền 300.000 đồng/ngày/người. Do chui dưới cống lâu mà không có thiết bị hỗ trợ, làm đến ngày thứ 2, anh bị choáng. Nhóm công nhân kia đưa anh vào viện và đưa cho 1 triệu đồng rồi mất hút. Anh đành xin về quê vì không đủ tiền nằm viện.

Theo Hoàng Mai
VEF

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons