Có không ít doanh nghiệp do khó khăn, do tái cơ cấu nhân sự, giảm quỹ lương…đã không chọn cách cư xử thẳng thắn với nhân viên mà tìm đủ cách để nhân viên chán và tự viết đơn xin nghỉ việc như vậy.
Hơn 45.000
doanh nghiệp đóng cửa trong mười tháng đầu năm nay, theo số liệu từ
phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đẩy nhiều lao động
vào tình cảnh thất nghiệp.
Ở nhiều doanh nghiệp
khác, do khó khăn đã phải tái cơ cấu, thu hẹp sản xuất và sa thải bớt
nhân sự. Ngay cả lao động cấp quản lý cũng không tránh khỏi tình cảnh bị
sa thải kiểu... dở khóc dở cười.
Sa thải bằng… hạ nhục
Thời
thịnh vượng, nhà đầu tư bận bịu mang cả con nhỏ đến sàn giao dịch. Nay
thị trường đìu hiu, nhân viên chứng khoán mất việc, khó tìm thấy những
cảnh như trong ảnh.
Chị Yến đang là trưởng
phòng truyền thông kiêm phó phòng kinh doanh của một công ty bất động
sản lớn tại phố Lò Đúc, Hà Nội. Kinh tế khó khăn khiến doanh số tại
phòng kinh doanh nơi chị đang làm việc bị sụt giảm liền trong hai tháng.
Không có thông báo cụ thể, dù đang là lãnh đạo quản lý cấp trung trong
công ty nhưng chị Yến vẫn bị công ty nợ lương.
“Công ty không thông
báo cụ thể thời gian nợ lương là bao lâu. Chỉ có một số bộ phận bị nợ
lương, trong đó có phòng kinh doanh, còn lại nhiều bộ phận khác vẫn nhận
lương đều”, chị Yến nói.
Tệ hại hơn là kể từ khi
bắt đầu nợ lương, công ty bắt đầu có những quy định hà khắc với những
lao động như chị Yến. “Tôi đi vệ sinh mà tự nhiên thấy tên mình bị nhắc
trên loa của toàn công ty là đi vệ sinh lâu quá năm phút. Nhiều lần tôi
bị nhắc tên trên loa như vậy”, chị Yến kể.
Cuối cùng, không chịu
được cách cư xử ấy, sau hai tháng chị Yến đã phải viết đơn xin nghỉ
việc. Đơn của chị được chấp nhận ngay lập tức.
Chị Nga lại trong tình
cảnh dở khóc dở cười. Đang mang bầu bảy tháng và đang làm ở vị trí thư
ký phòng kinh doanh, bỗng dưng chị Nga bị điều chuyển xuống bộ phận bếp,
chuyên nấu cơm cho toàn thể công ty. Công việc nấu nướng chẳng liên
quan gì với ngành nghề chị được đào tạo, cộng thêm sự mệt mỏi khi mang
bầu, chị Nga làm được nửa tháng thì viết đơn xin nghỉ việc.
Một lao động khác trong
công ty là chị Thuý sau thời gian nghỉ sinh con, đi làm trở lại, từ vị
trí là nhân viên công nghệ thông tin, quản trị website của công ty cũng
bị điều xuống phụ bếp. Được hai tuần chị Thuý cũng tự nguyện viết đơn
nghỉ việc.
Có không ít doanh
nghiệp do khó khăn, do tái cơ cấu nhân sự, giảm quỹ lương…đã không chọn
cách cư xử thẳng thắn với nhân viên mà tìm đủ cách để nhân viên chán và
tự viết đơn xin nghỉ việc như vậy. Giảm lương, điều chuyển cho làm những
công việc không liên quan gì, liên tục gây ức chế… là những cách để
nhân viên tự nguyện viết đơn xin nghỉ việc. Đương nhiên, những lá đơn
này sẽ được chấp nhận ngay lập tức.
Hạn chế tuyển dụng mới
Theo dõi về xu hướng
tuyển dụng diễn ra trong tháng 11 này, bà Nguyễn Thị Vân Anh, giám đốc
điều hành của Navigos Search cho biết, tình trạng sa thải nhân viên tiếp
tục tiếp diễn, nhất là lĩnh vực tài chính ngân hàng. “Việc tuyển dụng
mới là rất ít trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Nếu có, chủ yếu là để
thay thế nhân viên nghỉ việc”, bà Vân Anh cho biết.
Một số ngân hàng đang
trong quá trình tái cơ cấu nên hầu như chỉ có sa thải mà không có tuyển
dụng mới. Tại nhiều lĩnh vực khác việc tuyển dụng mới cũng hầu như đóng
băng, nhất là đối với một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Riêng chỉ có doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhật Bản là còn có nhu cầu
tuyển dụng mới nhân sự.
Nhận định về những biến
động của thị trường lao động với khối lao động làm việc văn phòng, đại
diện công ty Careervision cho biết, điều dễ nhận thấy nhất là cơ cấu
nhân sự của nhiều doanh nghiệp đã thay đổi nhằm tiết giảm chi phí lương
và chi phí quản trị điều hành. Các bộ phận không trực tiếp làm ra tiền
tại công ty (back office) hầu hết đều bị giảm số lượng. Nhiều công ty đã
chọn thuê người làm kiểu dự án, khoán theo thời vụ hoặc thuê ngoài với
một số nghiệp vụ không phải là trọng yếu của công ty. Nhân viên quản lý
cấp trung của các công ty bị thay đổi liên tục do không đáp ứng được yêu
cầu ngày càng cao: chi phí tiết giảm, nguồn lực eo hẹp nhưng vẫn phải
giữ doanh thu, thị phần và phòng chống xử lý rủi ro. Lao động quản lý
cao cấp dù ít bị thay đổi hơn nhưng cũng dễ bị đào thải. Nhiều vị trí
cao cấp thậm chí có thể bị bỏ trống tạm thời do chưa tìm được người thay
thế hoặc để tiết giảm chi phí khi chưa cần phải đầu tư cho phát triển.
“Đây là thời buổi hầu
hết nhân viên phải chấp nhận thêm nhiều việc nhưng giữ nguyên lương,
thậm chí là giảm lương”, bà Vân Anh nói.
Theo Tây Giang
SGTT
0 nhận xét:
Đăng nhận xét