Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

Thời khó khăn, siêu thị giành khách của chợ

Tại thị trường Việt Nam, các kênh bán lẻ hiện đại chiếm tới 20% thị trường bán lẻ trong nước, và vẫn có khả năng tiếp tục gia tăng, dự báo sẽ tăng lên 40% năm 2014.
Trong nhóm ngành dịch vụ, hiệu quả hoạt động của ngành bán lẻ hiện nay khá tốt
Theo số liệu thống kê mới công bố của GSO, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2013 ước tính đạt 2.618 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2012, nếu loại trừ yếu tố giá năm 2013 tăng 5,6%. Hệ thống bán lẻ đã mở rộng và tăng chất lượng dịch vụ với nhiều loại hình.
Xét về hiệu quả hoạt động ngành, theo thống kê của Vietnam Report từ BXH VNR500 năm 2013 (500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2013), ngành bán lẻ đứng vị trí thứ 6 về tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản ROA cho thấy các doanh nghiệp trong ngành đang hoạt động khá tốt, tốt hơn so với các ngành tài chính, ngân hàng, bất động sản, viễn thông, hay vận tải - là những ngành thuộc cùng lĩnh vực dịch vụ.
thị-phần, thị-trường, bán-lẻ, kinh-doanh, doanh-nghiệp, top-500, đầu-tư, bán-lẻ, gia-tăng
Hình 1: Top 10 ngành có chỉ số ROA cao nhất trong BXH VNR500 năm 2013. Nguồn: Vietnam Report

Tiềm năng phát triển - dự đoán chung từ các chuyên gia
Theo thống kê của Tổ chức tư vấn AT Kearney (Mỹ) trong báo cáo nghiên cứu về “Dự báo thị trường bán lẻ của Việt Nam đến năm 2014” thì hiện nay toàn quốc có khoảng 638 siêu thị, 120 trung tâm thương mại và trên 1.000 cửa hàng tiện ích. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, từ nay đến năm 2014, doanh số bán lẻ tại Việt Nam có thể tăng 23%/năm. Điều này cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam có rất nhiều cơ hội, nhất là khi người tiêu dùng đang có khuynh hướng chuyển sang mua sắm tại các siêu thị lớn và cửa hàng hiện đại.
Công ty nghiên cứu Taylor Nelson Sofresmarket cũng đưa ra ý kiến cho rằng tỷ lệ tăng trưởng của thị trường hàng tiêu dùng tại Việt Nam cao hơn nhiều so với các quốc gia khác trong cùng khu vực. Nhận định này cũng khá tương đồng với báo cáo về “Triển vọng thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2013” của EIU công bố cuối năm 2012, dự đoán Việt Nam vẫn được xem là một trong những nước có thị trường bán lẻ hấp dẫn giai đoạn 2013 – 2015.
thị-phần, thị-trường, bán-lẻ, kinh-doanh, doanh-nghiệp, top-500, đầu-tư, bán-lẻ, gia-tăng
Hình 2: Tăng trưởng doanh thu bán lẻ giai đoạn 2008-2013 của các quốc gia Đông - Nam Á. Nguồn: EIU

Cũng theo báo cáo mới nhất về thị trường bán lẻ Việt Nam của website Nghiên cứu và Thị trường (Research and Markets), Việt Nam là 1 trong 5 thị trường bán lẻ “sinh lời nhất” trên thế giới. Thêm vào đó, sự quan tâm đầu tư của nhiều nhà bán lẻ nước ngoài như Tập đoàn bán lẻ quốc tế Takashimaya, Index Living Mall… vào thị trường bán lẻ Việt Nam, hay sự kiện nhà bán lẻ NUTC FairPrice (Singapore) đã liên kết với Saigon Co.op cho ra đời hai chuỗi loại hình thương mại hiện đại: Đại siêu thị với thương hiệu Co.opXtra, Co.opXtra plus, và việc mở rộng hệ thống và tăng chất lượng dịch vụ của Co.opMart, HaproMart, FiviMart, Maximart, OceanMart, BigC, Viễn Thông A, Fahasha, Nguyễn Kim, HC, Trần Anh, Pico… là những minh chứng rõ ràng cho thấy sức hấp dẫn đặc biệt của thị trường này trong thời gian tới đây.
Cuộc chiến nội - ngoại trong ngành bán lẻ
Xét trong nhóm ngành bán lẻ của BXH VNR500 năm 2013, doanh thu năm 2012 của các doanh nghiệp nước ngoài chiếm đến 74,4% tổng doanh thu của cả nhóm, trong khi đó doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 25,6% cho thấy khối ngoại đang hoạt động tốt hơn so với doanh nghiệp nội.
thị-phần, thị-trường, bán-lẻ, kinh-doanh, doanh-nghiệp, top-500, đầu-tư, bán-lẻ, gia-tăng
Hình 3: Cơ cấu doanh thu nhóm ngành bán lẻ của BXH VNR500 năm 2013. Nguồn: Vietnam Report

Tìm hiểu nguyên nhân của sự chênh lệch này, nhiều chuyên gia cho rằng lượng khách hàng đến các trung tâm thương mại có vốn nước ngoài thường đông hơn do các nhà bán buôn bán lẻ này chuyên nghiệp hơn trong phục vụ, trưng bày và có số lượng mặt hàng lớn. Trong khi đó, các nhà bán lẻ nội yếu về chi phí đầu tư, yếu về năng lực quản trị.
Cũng cần lưu ý rằng, theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, bắt đầu từ ngày 11/1/2015, các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn tại Việt Nam thay vì mức tối đa 50% như hiện nay. Có lẽ sẽ chẳng có thời điểm nào thích hợp hơn cho các doanh nghiệp bán lẻ nội thay đổi chiến lược kinh doanh thích hợp nhằm thu hút khách hàng và tăng thị phần hơn thời điểm này, khi mà năm 2014 vừa mới bắt đầu. Đương nhiên, sự thay đổi về “chất” sẽ kéo theo thay đổi về “lượng”. Bởi vậy, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng các doanh nghiệp ngành bán lẻ sẽ xuất hiện ngày càng đông trong BXH VNR500 các năm tới đây.
Sáng 17/01/2014, tại Trung tâm Hội Nghị Quốc Gia, TP.Hà Nội, Ban tổ chức chương trình VNR500 gồm: Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) và Báo VietnamNet sẽ chính thức tồ chức Buổi Lễ Công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2013. Đây là năm thứ 7 liên tiếp, Bảng xếp hạng VNR500 được công bố để ghi nhận một cách khách quan thứ hạng và vị thế của doanh nghiệp cũng như vinh danh những doanh nghiệp có đóng góp to lớn cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong năm qua.


Linh Chi
 – Vietnam Report

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons