Nép mình dưới tàn cây, né cái nắng Sài Gòn bỏng rát, Đặng Xuân Sỹ, sinh năm 1985 xoa mái đầu rũ rượi mồ hôi, than bằng giọng Quảng Trị: “Công ty có 11 chiếc xe đạp, phường thu hết chín. Còn hai cái thì hỏng một, cái còn lại thì giám đốc như tôi phải đi đạp lóc cóc vừa đi bán, vừa canh các lực lượng của ủy ban. Không có tiền hàng ngày thì không thể sống chứ chưa dám nói chuyện hoàn thành các ước mơ”.
Dang dở mộng cử nhân
Đặng Xuân Sỹ lớn lớn từ vùng quê nghèo khó Hải Lăng, Quảng Trị. Ngày rời quê vào TP.HCM học đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Sỹ ôm bao giấc mộng lớn.
Chỉ có điều cũng vì nghèo mà dang dở giấc mơ đến trường.
“Nhiều doanh nhân nổi tiếng thế giới không học đại học. Tôi tự nhủ lòng rồi tạm gác ước mơ giảng đường để... ra đường. Sẵn chiếc xe đạp, tôi pha cà phê đi bán dạo cho cư dân phố thị vốn không có nhiều thời gian la cà quán xá. Mình có sức, có đam mê, sợ gì không dám làm.” Sỹ hồ hởi nhớ lại mấy năm trước.
Glosyan của Đặng Xuân Sỹ (áo cam) được khách du lịch nước ngoài thích thú
|
Nhiều ý tưởng, không ngại khó, Sỹ trang trí chiếc xe đạp sặc sỡ và chất lượng cà phê ngon để thu hút khách nước ngoài. Rồi anh nghĩ cái tên cho thương hiệu cà phê của mình. Phải là một cái tên ấn tượng, mang đầy màu sắc của khát vọng từ một thanh niên nghèo.
Sau mấy đêm trằn trọc, anh lấy tên cà phê của mình là Glosyan. Hỏi, Sỹ cười hiền: “Global là toàn cầu. Sy là Sỹ tên tôi và an được viết tắt từ angel nghĩa là thiên thần. Sỹ thiên thần bán cà phê toàn cầu”.
Bạn bè thấy Sỹ bán cà phê ngoài đường, ghé ủng hộ, vui vẻ nói cười về ý tưởng có phần “mơ mộng”. Sỹ chứng minh sự thành công bằng vài tháng sau thành lập công ty từ lợi nhuận bán cà phê. Từ một chiếc xe đạp, anh nâng đội xe lên 11 chiếc. Thuê mấy em sinh viên phụ bán, chia phần trăm. Mỗi bạn sinh viên thu nhập mỗi tháng gần năm triệu đồng.
Giảng đường diệu vợi của đứa em gái nhỏ
“Lập công ty xong, tôi thuê mặt bằng ở quận 5, mỗi tháng gần sáu triệu tiền nhà. Hồi sinh viên ở nhà trọ, giờ làm giám đốc phải ở nhà được được tí xíu. Tôi làm giám đốc nhưng vẫn bán dạo cà phê cho khách Tây, khách Việt. Mười ngàn đồng/ly và bán hàng bằng phương châm thân thiện, chất lượng và luôn sử dụng tiếng Anh với người nước ngoài cho văn minh”, Sỹ kể, vẫn với nụ cười hiền lành.
Glosyan cà phê trên phố phường thì giờ bị giam ở ủy ban phường
|
Thành công của mô hình cà phê lưu động gắn liền với thành công từ phía gia đình Sỹ. Khoảnh ruộng nhỏ ở quê, giờ chỉ giao cho một mình bố kiếm hột lúa sinh nhai. Sỹ đưa mẹ vào Nam với mình, lo việc nội trợ. Bà mẹ dần quên nỗi mặc cảm vì nghèo mà con dang dở mộng cử nhân.
Rồi hạnh phúc ngập tràn khi em trai Sỹ, cũng là một nhân viên đội xe bán cà phê tốt nghiệp kĩ sư đại học Bách Khoa.
Lo vừa xong cho em trai, Sỹ lại tất tả với cô em gái nhỏ bắt đầu bước vào ngưỡng cửa cuộc đời: Trở thành nữ bác sĩ đa khoa.
Năm đầu, em thi rớt. Biết sức học của em, Sỹ nhiệt tình vỗ về: "Anh lo được cho em học nữa, thi bằng đậu để làm bác sĩ cứu người. Anh bỏ học thì còn hai em làm ba mẹ nở mặt với bà con."
Sỹ kể: "Mỗi ngày một chiếc xe đạp bán cà phê thu về khoảng một triệu đồng. Tôi chọn xe đạp vì chi phí rẻ và bảo vệ môi trường cho khách tây thấy mình văn minh. Có tiền thì lo gì mà em không học được."
Rồi Sỹ chùng giọng: "Mọi ước mơ đó, giờ sắp tan vỡ vì UBND phường Bến Thành cho lực lượng Trật tự Đô thị bắt hết chín chiếc xe đạp. Các bạn sinh viên phải bỏ nghề bán dạo. Tôi gồng mình đạp xe kiếm vài đồng tiền cọc trang trải chi phí thuê nhà, điện nước, thuế của công ty. Lòng buồn như cơm thiu. Nhiều đêm ứa nước mắt khóc thương mẹ, thương em!"
Đó là một ngày đầu tháng 11, khi đạp xe bán cà phê ở khu vực chợ Bến Thành, UBND phường và công an phường này cho người đi bắt xe. Sỹ nhanh chân chạy thoát...
“Tôi buồn vì phường không có một văn bản nào đối với việc giam, thu xe. Khách nước ngoài đang uống cũng bị xua đi, xe cà phê bị nhấc bổng vứt lên xe tải. Mình đã gãy sụp giấc mộng đến trường, chỉ sợ em gái út bỏ học vì lo cho anh thì đối với tôi đó là một nỗi đau khổ, ám ảnh cả đời”. Sỹ lại nép mình dưới tàn cổ thụ, né cái nắng Sài Gòn.
Đôi tay anh xoa xoa mái đầu húi cua vẫn chưa khô những giọt mồ hôi, không biết vì nắng hay những nhọc nhằn.
(Theo Motthegioi)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét