Cực nhọc lấy lòng "ma cũ"
Nhớ lại chuyện hồi còn là "ma mới" cách đây gần một năm, Nga - nhân viên bộ phận kế hoạch tại một công ty tổ chức sự kiện tại Hà Nội vẫn không khỏi "ấm ức": "Hồi đó mình mới được nhận vào thử việc hưởng 70% lương chính thức, tất cả được gần 3 triệu/tháng. Thế mà sáng nào cũng đều như vắt chanh phải rút túi hơn 100 ngàn đồng để mời chị trưởng phòng đi ăn sáng. Hôm thì phở bò bắp kèm trà đá hay sữa đậu nành, bữa thì bún riêu cua bò giò đậu, rồi ly nước cam... đều đặn cả tháng coi như là hết lương".
Của đáng tội, một phần cũng là do Nga muốn lấy lòng trưởng phòng. Sinh viên mới ra trường kinh nghiệm chưa có, quan hệ cũng không, đương nhiên là phải tốn "xèng" thì mới ra việc được. Chị trưởng phòng của Nga cũng biết thừa là nhân viên mới nịnh nọt nhưng "Em có lòng thì chị cũng có dạ. Coi như hai bên cùng có lợi!".
Ngoài khoản bao ăn sáng trọn gói cho sếp, Nga còn tranh thủ nịnh nọt sếp nhiều khoản nho nhỏ như đấm lưng, bóp vai cho sếp giờ nghỉ trưa, chịu khó tìm hiểu thời trang để dẫn sếp đi shopping mua đồ đẹp. Thậm chí đôi khi sếp bận quá, Nga sẵn sàng đi chợ thay sếp vài buổi với tiêu chí "giao hàng tận bếp".
Nỗ lực của Nga được đền đáp bằng bản hợp đồng chính thức với những lời nhận xét tốt từ sếp trực tiếp. Mặc dù bây giờ đôi khi buôn chuyện với bạn bè cô vẫn tỏ thái độ "ấm ức" nhưng ngay cả bây giờ, khi có cơ hội, Nga vẫn tiếp tục muốn chịu "ấm ức" tiếp.
Khi ma cũ chèn ép quá đáng...
Lan mới được tuyển vào bộ phận tài chính của một công ty lớn. Từng có 2 năm kinh nghiệm làm việc tại một công ty kinh doanh thiết bị văn phòng nhỏ nhưng công việc mới đối với Lan vẫn nhiều bỡ ngỡ, cô phải học hỏi đồng nghiệp rất nhiều. Trước thái độ nhiệt tình học hỏi của nhân viên mới, các đồng nghiệp mới của cô cũng có chỉ bảo nhưng kèm theo là vô số những pha "lợi dụng".
Từ khi có Lan, cả phòng không ai phải nhúng tay vào các việc pha trà, đổ rác, dọn dẹp phòng ốc. Lan nhanh nhẹn nhiệt tình học hỏi và nhiệt tình cả khi được nhờ vả nên cuối cùng trở thành chân sai vặt của cả phòng. Có hôm, Lan vừa chạy xuống tầng 1 mua hộ chị Mai cái bánh mì ăn sáng, chị Hồng phó phòng đã véo von "Lát em lên thì tranh thủ vệ sinh hộ chị cái bàn phím máy tính nhé".
Tính cả nể khiến Lan lúc nào cũng vội vội vàng vàng. Chẳng muốn làm mất lòng ai nên cô nhận tất. Thậm chí nếu phải làm việc nhóm, đồng nghiệp cũng luôn ỷ lại để Lan soát xét và hoàn thành các hồ sơ báo cáo. Cũng nhờ sự chăm chỉ học hỏi nên chẳng mấy chốc, chuyên môn của Lan khá vững vàng, được trưởng phòng đánh giá cao. Tuy nhiên các đồng nghiệp vẫn ỷ lại sự dễ tính của Lan, luôn tranh thủ nhờ vả khiến cô lúc nào cũng bận túi bụi.
Đến một ngày, khi đồng nghiệp cùng nhóm và cô kiểm tra lại một hồ sơ thanh toán, chị đồng nghiệp hoàn toàn không làm gì cả, ỷ lại cho cô kiểm tra vì cho rằng, hồ sơ hoàn toàn bình thường. Nhưng khi cô phát hiện ra khá nhiều vướng mắc xảy ra trong quá trình thanh toán và trao đổi lại với chị thì sáng hôm sau, trưởng phòng nhận được email báo cáo đầy đủ của chị ta với hàm ý "đây là kết quả làm việc riêng của chị, không liên quan gì đến đồng nghiệp trong nhóm".
Sau khi nghe trưởng phòng khen ngợi chị đồng nghiệp, Lan vừa bất ngờ vừa bức xúc. Cô không thể ngờ mình lại bị cướp công một cách trắng trợn như vậy. Bao nhiêu ấm ức lúc này Lan sẵn sàng "xả" luôn với tâm thế "làm không công thì nghỉ luôn không tiếc".
Trưởng phòng khá bất ngờ trước những bằng chứng của cô và tất nhiên cũng quá hiểu các nhân viên cũ trong phòng. Sau vụ ầm ĩ đó, Lan không những không bị nghỉ việc mà các đồng nghiệp cũ cũng hết dám sai vặt cô luôn do chứng kiến cơn giận dữ bất ngờ của "nhân viên hiền lành nhất công ty"
Một bài học Lan đã rút ra cho riêng mình và truyền đạt cho cô em gái chuẩn bị đi làm: "Mình càng nhân nhượng, địch càng lấn tới".
(Theo Afamily)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét