Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Mua bảo hiểm: Osin chưa đòi, chủ nhà đã phản đối

 Ít hiểu biết, chỉ quan tâm đến lương bổng và thái độ của chủ nhà với mình, ôsin gần như chẳng đoái hoài đến việc được chủ nhà đóng bảo hiểm. Còn chủ nhà cũng phản đối bởi quy định mới cứng nhắc và chưa phù hợp.
Ngày 25/5 tới sẽ đánh dấu một bước ngoặt mới cho nghề giúp việc gia đình, hay còn gọi là ôsin. Khi đó, người sử dụng lao động buộc phải kí hợp đồng lao động với “ôsin”, mức lương không thấp hơn lương tối thiểu vùng; phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người giúp việc. Chỉ còn hơn một tháng nữa là quy định này có hiệu lực, song người trong cuộc dường như chả mấy quan tâm.
Ôsin không biết, cũng chẳng dám đòi hỏi
Đại đa số những người giúp việc gia đình có xuất thân từ nông thôn, ít tiếp xúc với các phương tiện truyền thông nên họ gần như không biết đến quy định mới trên.
Khi được hỏi, bác Nguyễn Thị Thắm (51 tuổi, giúp việc cho một gia đình ở tập thể Thành Công, Hà Nội) tỏ ra rất bất ngờ: "Lại có cả những quy định như thế cơ à. Tôi trước nay chỉ nghĩ, mình ở quê không làm gì, lên Hà Nội làm giúp việc kiếm chút tiền dưỡng già, chứ chưa bao giờ nghĩ đây là một nghề. Tôi già rồi, đóng bảo hiểm cũng không nhận được lương hưu như người ta nên có đóng hay không cũng chả quan trọng".
người-giúp-việc, ôsin, nghị-định, pháp-luật, quyền-lợi, bảo-hiểm-xã-hội, bảo-hiểm-y-tế, chủ-nhà
Cả chủ nhà và ôsin đều không mấy quan tâm đến Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Lao động với loại hình lao động giúp việc gia đình
Khảo sát tại các khu tập thể thuộc phường Thành Công, hầu hết những người giúp việc đều không hay biết về Nghị định mới ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mình.
Chị Lan (quê Phú Thọ, hàng xóm với nhà bác Thắm) chia sẻ: “Chúng tôi là người làm công ăn lương nhưng chưa bao giờ dám so sánh mình với những người đi làm bình thường khác. Thú thực, nếu kiếm được một công việc đàng hoàng thì chả ai đi làm cái nghề này. Bây giờ Nhà nước quy định vậy thì biết thế chứ mình cũng chả dám đòi hỏi. Chỉ mong nhà chủ đối xử với mình như người trong nhà, không khinh miệt, coi thường là được”.
"Thời người khôn của khó, đôi khi nhà chủ họ cũng cần mình thật nhưng mình mà làm mình làm mẩy quá thì họ cũng cho nghỉ kiếm người khác. Như làng tôi, trước có một con bé cũng lên Hà Nội giúp việc, ban đầu chảnh chọe cành cao đòi phải được nghỉ lễ tết như công chức, rồi thi thoảng lại dọa nghỉ nếu không đáp ứng yêu cầu nọ kia. Ai dè, cuối cùng nhà chủ cho nghỉ thật, lúc đấy van nài xin ở lại không được. Nửa năm rồi, con bé ấy vẫn ở quê chơi vì làm ở đâu cũng đòi hỏi chế độ này nọ, chủ nhà cũng ngán", chị Lan nói thêm.
Bác Thắm và nhiều người giúp việc khác cũng đồng tình với chị Lan, vì họ cũng đã từng chứng kiến nhiều trường hợp người giúp việc đòi hỏi nhiều quá bị cho thôi việc. Bác Thắm bảo, mình cứ làm tốt rồi nhà chủ họ thương, đến khi mình đề nghị tăng lương họ đồng ý là mãn nguyện rồi. “Mình đi làm các nghề này cốt là để kiếm chút tiền chứ chả mấy ai trông chờ chế độ”, bác nói.
Chủ nhà phản đối
Anh Tuấn, chủ nhà của bác Thắm cho hay, mấy ngày nay cũng nghe báo chí nói nhiều đến chế độ cho người giúp việc, nhưng bản thân anh không mấy quan tâm vì quy định là một nhẽ còn giao kèo giữa mình và người giúp việc là chính. Hai bên sống với nhau cảm thấy phù hợp là được, chứ có phải làm Nhà nước đâu mà chế độ rạch ròi.
người-giúp-việc, ôsin, nghị-định, pháp-luật, quyền-lợi, bảo-hiểm-xã-hội, bảo-hiểm-y-tế, chủ-nhà
Người giúp việc chủ yếu quan tâm đến tiền lương và thái độ của chủ nhà đối với họ (ảnh minh họa TT)
Anh Tuấn cũng cho hay, bác Thắm làm cho gia đình anh 2 năm nay, lương 3 triệu/tháng. Từ sau Tết anh tăng lên 3,5 triệu/tháng. Ngoài ra một năm 2 bộ quần áo, tiền tàu xe, quà cáp mỗi khi về thăm nhà.
Khi được hỏi sắp tới gia đình anh có thực hiện theo quy định mới không, anh lắc đầu: "Nghị định quy định, mỗi tuần người giúp việc phải được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục, cái này thì nhà tôi chịu. Vợ chồng tôi đi làm không chăm được con nhỏ nên mới phải thuê ôsin. Cả tuần được nghỉ có hai ngày, bây giờ phải cho ôsin nghỉ một ngày liên tục, chả lẽ hai vợ chồng nai lưng ra làm việc nhà còn người giúp việc ngồi nhìn à?".
Tương tự như anh Tuấn, chị Mai Lan (38 tuổi, nhân viên marketing) cũng chỉ ra những bất cập nếu thực hiện đúng theo quy định trên. Chị bảo, nếu ôsin nhà chị có 12 ngày phép như người đi làm công chức thì cứ nhoắt cái ôsin nhà chị lại đòi về quê, vì quê ôsin ở Thạch Thất, Hà Nội, lại có con nhỏ nên hay viện cớ về thăm.
"Quê gần, mỗi lần về không lâu, nhưng tháng nào ô sin cũng về thăm nhà 1-2 ngày thì mình cũng phải nghỉ làm theo để ở nhà trông con, coi bộ không ổn".
Bàn về chế độ bảo hiểm cho người giúp việc, chị Lan - với kinh nghiệm đã thay 5 đời ôsin - nhận xét, hầu hết người giúp việc không quan tâm đến chế độ bảo hiểm vì đối với họ, số tiền thực tế mang về cho gia đình quan trọng hơn nhiều so với các quyền lợi mà bảo hiểm mang lại. Chị kể, trước đây, khi ô sin nhà chị đòi tăng lương, anh chị cũng đề nghị giữ nguyên lương cũ kèm theo chế độ đóng bảo hiểm tự nguyện để giữ chân nhưng cô này từ chối vì không có nhu cầu, chỉ nằng nặc đòi tăng lương lên 4 triệu/tháng.
"Tôi nghĩ không nên áp dụng các quy định cứng nhắc trong Nghị định 27 mà tùy thỏa thuận giữa chủ nhà và người giúp việc. Pháp luật quy định như vậy để có chế tài xử phạt những người hay bạo hành, đánh đập, chửi mắng ô sin thôi, còn mình đối tốt với người ta thì người ta cũng biết điều với mình. Ôsin bây giờ chỉ quan tâm đến tiền lương và thái độ của chủ nhà chứ chẳng mấy ai đòi quyền lợi bảo hiểm đâu" - chị Lan kết luận.

Nhị Anh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons