Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Cú sảy chân của kinh tế Trung Quốc

Cả thế giới đang dậy sóng sau sự kiện thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh nhất từ năm 2007. Thậm chí, truyền thông Trung Quốc còn gọi phiên 24/8 là "Ngày thứ Hai đen tối". Trên các thị trường mới nổi, từ đồng rand Nam Phi cho đến ringgit của Malaysia đều mất giá mạnh. Giá hàng hóa thì giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999. Đà giảm còn lan sang cả thị trường của phương Tây. Chỉ số DAX của Đức mất hơn 20% so với mức đỉnh, còn Dow Jones mất hơn 6% ngay khi mở cửa.
Dù thị trường các nước phát triển đã phần nào lấy lại phong độ, 3 mối lo lớn vẫn còn tồn tại. Một là kinh tế của Trung Quốc đang chìm sâu vào rắc rối. Hai là các nước mới nổi sẽ chịu tác động của một cuộc khủng hoảng toàn diện. Và ba là thị trường các nước phát triển sẽ không còn chuỗi tăng dài như trước nữa. Một số khía cạnh của những nỗi lo ngại này có thể đã bị cường điệu hóa và một số khác là không có thật. Dù vậy, cuộc khủng hoảng diễn ra trong tuần này vẫn ẩn chứa một thông điệp đáng sợ. Đó là kinh tế thế giới thực sự đang bất ổn.
tq-8560-1440912237.jpg
Một người đàn ông đang đạp xe qua một khu phố mua sắm tại Bắc Kinh. Ảnh:Bloomberg
Trung Quốc chính là nguồn gốc của hiệu ứng domino này. Kể từ khi đồng nhân dân tệ bị phá giá đầu tháng này, khoảng 5.000 tỷ USD vốn hóa đã bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu. Biến chuyển này, kèm theo hàng loạt số liệu kinh tế tiêu cực và nỗ lực bất thành từ Chính phủ nhằm ngăn chứng khoán lao dốc, đã làm dấy lên mối lo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sắp hạ cánh cứng. Xuất khẩu của Trung Quốc đang giảm. Trong khi đó, chứng khoán mất hơn 40% từ khi đạt đỉnh hồi tháng 6, mạnh hơn cả khi vỡ bong bóng Dotcom năm 2000.
Tuy nhiên, những dự đoán bi quan có vẻ đã đi quá xa. So với thị trường chứng khoán, bất động sản đóng vai trò quan trọng hơn rất nhiều đối với kinh tế Trung Quốc. Lĩnh vực này đóng góp tới một phần tư GDP và giá trị bất động sản cũng chính là nền tảng cho hệ thống ngân hàng. Vài tháng gần đây, giá cả và giao dịch bất động sản đều vẫn trong tình trạng tốt.
Hơn nữa, tương lai của Trung Quốc phụ thuộc vào người mua hàng, chứ không phải các hãng xuất khẩu. Và ngành dịch vụ, thu nhập cũng như tiêu dùng đều đang đi lên. Nếu trường hợp xấu nhất xảy ra, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vẫn hoàn toàn có khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ. Sau khi giảm lãi suất cơ bản tuần này, lãi này mới xuống 4,6%. Thậm chí, dù kinh tế Trung Quốc có đang chậm lại, nếu tăng trưởng ở mức dự báo thấp nhất - là 5% năm nay, Trung Quốc vẫn đóng góp vào GDP toàn cầu lớn hơn cả năm 2007 (khi nước này tăng trưởng 14%).
Trung Quốc không hề khủng hoảng. Tuy nhiên, khả năng quốc gia này có thể chuyển dịch sang nền kinh tế thị trường đang là câu hỏi lớn hơn bao giờ hết. Trung Quốc muốn giảm kiểm soát thị trường chứng khoán, nhưng lại can thiệp mạnh tay để nâng giá cổ phiếu lên. Quốc gia này muốn khiến các công ty nhà nước hoạt động hiệu quả hơn, nhưng lại không muốn họ phải đối mặt với nhiều cạnh tranh. Một mặt Trung Quốc muốn tự do hóa đồng NDT, nhưng mặt khác lại tỏ ra không hài lòng vì nội tệ suy yếu sẽ khiến dòng vốn chảy khỏi nước mình.
Những quan ngại về nền kinh tế Trung Quốc còn làm nảy sinh một mối lo khác, rằng các thị trường mới nổi có thể sẽ một lần nữa trải qua khủng hoảng tài chính châu Á như năm 1997-1998. Điểm tương đồng đáng chú ý giữa hai thời kỳ này là sự tháo chạy của dòng vốn trước viễn cảnh rằng Mỹ nâng lãi suất. Tuy nhiên, các quốc gia đã học được những bài học đắt giá qua cuộc khủng hoảng này. Nhiều đồng tiền không còn bị neo nữa mà đã được thả nổi. Hầu hết các nước ở châu Á đều có dự trữ ngoại hối và thặng dư tài khoản vãng lai lớn. So với trước đây, hệ thống ngân hàng của họ cũng lệ thuộc ít hơn vào chủ nợ nước ngoài.
Dù vậy, những mối lo khác thì hoàn toàn có cơ sở. Kinh tế Trung Quốc chậm lại đã đồng loạt kéo theo các thị trường mới nổi như Brazil, Indonesia và Zambia. Kinh tế những nước này phụ thuộc vào khai thác quặng sắt, than đá và đồng. Từ giờ, nhu cầu của Trung Quốc sẽ chủ yếu liên quan đến ngành dịch vụ. Mà nhu cầu này có thể được đáp ứng ngay trong nước.
Các nước mới nổi cũng đang chịu ảnh hưởng từ tình trạng dư cung, khiến giá hàng hóa giảm, ví dụ như dầu thô. Đồng tiền trượt giá còn tăng thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp tại những thị trường này. Do doanh thu của họ được tính theo nội tệ, trong khi nợ lại tính bằng đồng đôla. Về cơ bản, các thị trường mới nổi đã tăng trưởng chậm lại từ năm 2010. Các quốc gia như Brazil và Nga đã lãng phí cơ hội cải cách để nâng cao năng suất và đang phải gánh hậu quả. Ấn Độ cũng chung tình trạng và khả năng còn phải trả giá cao hơn.
Có lẽ chỉ các quốc gia giàu có mới ít lo ngại về sự giảm tốc của Trung Quốc. Năm ngoái, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc chiếm chưa đến 1% GDP nước này. Nhưng điều đó không có nghĩa tất cả đều miễn nhiễm. Đức - cỗ máy tăng trưởng của Liên minh châu Âu (EU) hiện là nước xuất khẩu lớn nhất khu vực này sang Trung Quốc.
Giá cổ phiếu cũng dễ bị ảnh hưởng, do các công ty lớn thường hoạt động trên phạm vi toàn cầu. Trong doanh thu năm 2014 của các công ty thuộc chỉ số S&P 500, 48% đến từ nước ngoài. Trong khi đó, USD cũng đang mạnh lên so với đồng tiền các đối tác thương mại. Phố Wall đã tăng trưởng liên tục từ năm 2009 tại Trung Quốc và hệ số giá cổ phiếu trên lợi nhuận (P/E) đang trên trung bình rất nhiều. Vì thế, sự sụp đổ trên thị trường chứng khoán sẽ làm lan tràn tác động ra nền kinh tế thực.
Trong trường hợp tình trạng trên xảy ra, hãy nhớ lại giới chức phương Tây đã chật vật thế nào trong tuần này, khi họ nhận ra mình có rất ít công cụ chính sách để vực dậy nền kinh tế. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ thật sai lầm nếu nâng lãi suất vào tháng 9. Các ngân hàng trung ương khác cũng sẽ nhận ra điều tương tự. Tiền chảy khỏi các thị trường mới nổi có thể tìm đường quay lại với người tiêu dùng Mỹ, từ đó đẩy cao nợ hộ gia đình và gây biến động nguy hiểm cho nền kinh tế. Vì vậy, châu Âu và Nhật Bản cần nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa để kích cầu.
Nhưng chính sách tiền tệ mới chỉ là sự khởi đầu. Nhiệm vụ khó khăn hơn cần phải làm, cả ở châu Âu và các nước khác, là tăng GDP. Tín dụng dồi dào và sự tăng trưởng không ngừng nghỉ của Trung Quốc đã khiến kinh tế thế giới “dậm chân tại chỗ” trong nhiều năm. Giờ đây, tăng trưởng phụ thuộc vào những quyết định cứng rắn của các Chính phủ về mọi mặt, từ cải cách tài chính đến chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Đó là bài học cay đắng rút ra được từ sự hoảng loạn trên thị trường Trung Quốc.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons