Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

Chân dung nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới

Bà nhận được sự ngưỡng mộ từ giới kinh doanh toàn cầu vì đã tự mình đứng ra thành lập công ty riêng từ hai bàn tay trắng.

http://static01.nyt.com/images/2015/08/02/business/02-CHINAGLASS-JP1/02-CHINAGLASS-JP1-master675.jpg
Bà đứng ra chỉ đạo tour thăm quan công ty - Ảnh: Gilles Sabrie/The NY Times
Bà Zhou Qunfei là nhà sáng lập tập đoàn Lens Technology, đồng thời sở hữu khối bất động sản khổng lồ trị giá 27 triệu USD tại Hongkong. Bà sẵn sàng bay tới Silicon Valley rồi Seoul (Hàn Quốc) để gặp gỡ các giám đốc cấp cao của Apple và Samsung – hai khách hàng quan trọng nhất, thậm chí đóng vai trò chủ trì trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới trụ sở công ty.
Mặc dù độc lập và quyền lực là vậy, bà vẫn không hề ngại ngần dùng tay không chạm vào khay nước ở bể để kiểm tra nhiệt độ phù hợp, giải thích về sự phức tạp của kính nhiệt trong bể muối kali ion, hay sẵn sàng thử nghiệm máy nghiền mà không cần sự hỗ trợ của kỹ thuật viên.
Trong nhiều năm trước đó, bà từng làm công nhân trong nhà máy – công việc tốt nhất bà có thể kiếm được vì sinh trưởng ở vùng quê nghèo ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Là con út trong ba người con, cuộc sống không hề dễ dàng với bà Zhou khi mẹ qua đời lúc bà mới 5 tuổi, còn cha – một nghệ nhân lâu năm, đã bị mất ngón tay và hầu hết khả năng nhìn sau một tai nạn lao động.
Mặc dù gia đình khó khăn, bà vẫn là học sinh giỏi xuất sắc ở trường, nhưng buộc phải bỏ học năm 16 tuổi và chuyển tới miền Nam tỉnh Quảng Đông để sống với gia đình cậu. Dù mơ ước trở thành nhà thiết kế thời trang, nhưng bà cuối cùng phải chấp nhận làm ở một nhà máy tại thành phố Thâm Quyến với mức lương 1USD/ngày.
Ba tháng sau, bà quyết định bỏ việc vì điều kiện quá khắc nghiệt. Bà đã viết thư xin nghỉ gửi giám đốc, than phiền về công việc nhưng vẫn bày tỏ sự biết ơn và mong mỏi được học hỏi thêm. Chính bức thư này đã gây ấn tượng với chủ nhà máy, ông đề xuất công việc ở chức vụ cao hơn để giữ bà ở lại.
Vào năm 1993, cô gái Zhou 22 tuổi cùng một số người thân đứng ra mở xưởng sửa chữa và thiết kế mặt đồng hồ đeo tay với 3.000 USD tiền tiết kiệm. Bà tự học các quy trình sản xuất phức tạp cùng kỹ thuật chế tạo để nâng cấp chất lượng in trên kính viền cong.
Năm 2003, bà bất ngờ nhận được cuộc gọi từ giám đốc của Motorola đề xuất phát triển mặt kính cho thiết bị chuẩn bị ra mắt – Razr V3. Chính khoảnh khắc đó đã thay đổi cuộc đời bà, khi liên tiếp các đơn đặt hàng đổ đến từ các hãng điện thoại như HTC, Nokia và Samsung.
Khi Apple tiến vào thị trường năm 2007 với sản phẩm iPhone, họ đã chọn Lens Technology là nhà cung ứng chính thức, thúc đẩy vị trí độc tôn của công ty trên thị trường Trung Quốc.
Ông James Zhao, giám đốc Lens Technology chia sẻ: “Chỉ thi thoảng bà ấy mới ngồi lại và làm việc như một người điều hành đúng nghĩa, kiểm tra xem có điều gì rắc rối trong quy trình hay không. Điều đó đẩy tôi vào tình thế rất khó xử, đó là nếu có bất cứ vấn đề nào, bà sẽ hỏi “Tại sao cậu không nhận ra?”.
http://static01.nyt.com/images/2015/08/02/business/02-CHINAGLASS-JP2/02-CHINAGLASS-JP2-popup.jpg
Thẻ căn cước thời bà còn làm công nhân nhà máy. Khi còn nhỏ, bà thường giúp đỡ gia đình bằng cách chăn lợn và vịt để lấy thức ăn hoặc kiếm thêm tiền - Ảnh: Gilles Sabrie/The NY Times
Bà Zhou đã mài giũa kỹ năng tay nghề của mình để tiến thân vào quy trình sản xuất hàng đầu thế giới trị giá hàng tỷ USD, đồng thời là người đi tiên phong trong ngành công nghiệp công nghệ cao cấp của Trung Quốc. Lens Technology giờ là một trong những nhà cung cấp kính bọc hàng đầu dành cho laptop, máy tính bảng và điện thoại di động, điển hình là iPhone của Apple và Samsung Galaxy.
Doanh nghiệp của bà cung cấp công việc cho 75.000 nhân công trên 3 nhà máy chính thức rộng khoảng gần 400 hecta ở vùng Changsha. Mỗi ngày, công ty nhận những đơn hàng lớn từ các nhà sản xuất toàn cầu như Corning (Mỹ) và Asahi Glass (Nhật Bản).
Năm nay, nhà máy nằm dưới quyền của bà được kỳ vọng sẽ đạt mốc sản xuất hơn 1 tỷ kính dành cho màn hình với kích cỡ chỉ khoảng 1mm. Để trở thành nhà cung cấp toàn cầu, người phụ nữ 44 tuổi này đã đứng lên định nghĩa lại suy nghĩ về tầng lớp nữ doanh nhân tại Trung Quốc, tự thân gây dựng tài sản từ hai bàn tay trắng – điều hiếm thấy trong giới kinh doanh.
Theo Forbes, ở Nhật Bản thậm chí không có lấy một nữ tỷ phú tự lập nào, ngay cả tại Mỹ hay châu Âu thì hầu hết những người này sống cuộc đời quyền quý đều nhờ thừa kế. Cổ phần của bà Zhou tại Lens Technology vừa công bố đầu năm đã đạt giá trị là 7,2 tỷ USD, chính điều này giúp bà ngang hàng với tỷ phú truyền thông John C.Malone và nhà sáng lập eBay Pierre Omidyar.
Khác với những tỷ phú được biết đến, như Jack Ma – người sáng lập gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, ít người ở Trung Quốc nghe tới tên bà Zhou cho tới khi thông tin được công bố rộng rãi đầu năm vừa qua, bởi bà hiếm khi xuất hiện hay nhận lời phỏng vấn.
Bà chia sẻ: “Ở ngôi làng nơi tôi lớn lên, rất nhiều bé gái không có cơ hội lựa chọn việc học tiếp trung học, mà buộc phải kết hôn và dành toàn bộ phần đời còn lại ở làng. Bản thân tôi chọn làm kinh doanh, và tôi chưa từng hối tiếc.”
Trâm Phạm


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons