Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Chấp nhận dở dang đại học vì tranh thêu tay Huế

Dưới đây là câu chuyện khởi nghiệp được chị Trần Thị Như Ý ở Huế chia sẻ với độc giả VnExpress.
Cuộc sống khó khăn nên ngay từ nhỏ tôi đã phải đi bẻ bắp, phân loại nhôm nhựa trong các vựa ve chai… để kiếm tiền học và nuôi giấc mơ có được một tấm bằng đại học. Tuy nhiên, kết quả tôi chỉ thi đậu vào trường Cao đẳng Tài chính Kế toán Quảng Ngãi.
Bước vào giảng đường, tôi vẫn phải tiếp tục làm thêm, và khao khát kinh doanh một cái gì đó cho riêng mình. Lúc ấy tôi suy nghĩ sinh viên ở đây rất đông tại sao không bán cái gì đó. Tính đi tính lại, thấy mình là người Huế, tốt nhất là nên bán bánh lọc, bánh bèo.
Hãy gửi câu hỏi cần tư vấn hoặc chia sẻ kinh nghiệm đầu tư, làm giàu của bạn về kinhdoanh@vnexpress.net
Gom góp số vốn được 6 triệu đồng để xoay sở tiền thuê nhà, mua bàn ghế, chén bát… mà vẫn thiếu đầu thiếu đuôi, ngay cả cái nồi thường để nấu cúng trong nhà thờ dòng họ tôi cũng phải về quê nội xin để đem lên dùng trong việc nấu nướng. Rồi “nhà hàng nhỏ” cũng ra đời. Quán khá đắt khách và được  nhiều bạn bè, thầy cô ủng hộ. Một chén bánh bèo tôi bán với giá 300 đồng, 3 chén là 1.000 đồng. Thu nhập bình quân mỗi ngày cũng được trăm nghìn đồng.
Những ngày đầu tiên mới mở quán, ngồi trên lớp học tôi đều thấy tôm và bánh. Cũng may, chỉ trong vòng một năm tôi đã hoàn lại vốn và có chút dư giả. Mặc dù một ngày chỉ ngủ 3-4 tiếng, nhưng kết quả học của tôi rất tốt, kỳ nào cũng nhận được học bổng của trường.
tranh-theu-JPG_1436954383.jpg
Trần Thị Như Ý tạm gác con đường đại học để thực hiện niềm đam mê cho tranh thêu.
Sau 3 năm học ở Quảng Ngãi, tôi thi liên thông và đậu vào trường Đại học Kinh tế TP HCM để viết tiếp ước mơ đại học. Vừa đi học, tôi vừa phụ làm trong nhà sách và nhận thấy rằng thị trường bán văn phòng phẩm khá phát triển, có thể kinh doanh. Vậy là tôi lấy hàng về bỏ lại ở dưới quê để tạo công ăn việc làm cho người nhà. Nhưng kết thúc một năm, hàng gửi đi mà tiền lại không trở về, năm 2012, cửa hàng văn phòng phẩm chính thức phá sản khiến tôi mất trắng số vốn đầu tư 5 triệu đồng và phải mượn 6,5 triệu để trả nợ và bù đắp khoản lỗ.
Làm ăn thua lỗ, buồn quá tôi bắt xe về Huế trong những ngày mưa dầm và lụt lội. Những ngày này, tôi mới tận mắt thấy mấy dì, mấy chị ở Huế thêu tranh rất đẹp nhưng vẫn khổ. Mùa lụt, khách du lịch ít hơn nên những phòng tranh càng hạn chế nhận hàng về bán. Trong khi đó, sản phẩm tranh thêu thì đẹp mà giá lại rẻ, chỉ 300.000-400.000 đồng một bức cỡ nhỏ.
Nghề này dần mai một vì thêu tranh thu nhập chỉ tầm 1,5 triệu tháng nhưng đi làm trong các tiệm mè xửng nổi tiếng mức lương có thể lên đến hơn 2 triệu. Thêu tranh cực hơn rất nhiều vì ngồi mỏi lưng, đau mắt còn làm trong các tiệm mè xửng khá nhàn. Hơn nữa thêu tranh không có đầu ra ổn định vì không có được những đơn hàng lớn, nên nghề tranh thêu tay truyền thống khá bấp bênh và những thợ thêu cũng không còn mặn mà với nghề. Đa số họ làm vì yêu nghề chứ tính ra về mặt kinh tế thì họ sẽ không làm.
Lúc này, tôi đặt ra câu hỏi: “Tại sao mình không giữ gìn, phát triển nghề thêu của ông bà để lại, xây dựng thương hiệu cho tranh thêu tay Huế và đảm bảo cho cuộc sống của người thợ? Tại sao mình không hướng đến dòng tranh cao cấp hơn, thợ của mình rất giỏi nghề mà?”. Từ đây, tôi bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn thực trạng của nghề này ở Huế và tự ôn lại những đường thêu mũi chỉ mà ngày xưa từng được mẹ cho học để hiểu hơn về quy trình làm ra một bức tranh, có thể quản lý và kiểm tra chất lượng của sản phẩm. 
Trở lại Sài Gòn, khi đi tìm hiểu thị trường tôi nhận thấy tranh thêu chữ thập du nhập trừ Trung Quốc phát triển quá mạnh, đi đâu cũng thấy cửa hàng bán tranh thêu này với đủ kiểu mẫu, kích thước. Đây là một khó khăn và thách thức rất lớn khi tôi đưa dòng tranh thêu tay Huế ra thị trường. Khách hàng thường nhầm tranh thêu truyền thống với tranh thêu chữ thập vì chỉ hơn 20% biết về tranh thêu truyền thống. Do đó, tôi phải thuyết phục và chứng minh cho họ thấy để thêu được một bức tranh thêu truyền thống thì phải làm trong bao nhiêu ngày và tốn bao nhiêu công. Một sợi chỉ của mình bằng một phần mười tranh thêu chữ thập và được thêu rất công phu với nhiều lớp chứ không phải là những đường thêu chữ “X” và chữ “+” được hướng dẫn thêu rõ ràng như tranh thêu phổ thông kia.
Với sự lấn lướt của thị trường tranh thêu chữ thập giá rẻ, tranh thêu được tôi mang vào Sài Gòn không biết bán cho ai. Để quảng bá sản phẩm và đưa ra thị trường, ban đầu tôi chỉ biết làm website, rồi nghĩ đưa sản phẩm lên khách hàng thấy sẽ mua. Nhưng "bầu trời" online quá rộng, họ không biết mình là ai, sản phẩm của mình là gì...
Bơ vơ, lạc lõng trên thương trường, tôi tìm đến những lớp học về Internet Marketing, SEO, lớp học kinh doanh để được định hướng. Tháng 9/2014, tôi thành lập công ty và bắt đầu xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình với tên Havina, viết tắt từ cụm từ "Happy Viet Nam".
Để tạo niềm tin và thu hút khách hàng, tôi tận dụng phát triển thương hiệu của mình qua các kênh như Fanpage, website, chính sách bảo hành, miễn phí giao hàng trên toàn quốc và đặc biệt là đẩy mạnh qua hình thức truyền miệng. Và ngay khi có được hợp đồng đầu tiên của một doanh nghiệp ở Đà Lạt, tôi quyết định làm không lợi nhuận để tạo việc làm ổn định cho thợ thêu. Trung bình, một bức tranh thêu bán 12 triệu là có lời, nhưng tôi chọn bán với giá 9 triệu đồng, bởi tôi thấy trước tiên phải có trách nhiệm với những người thợ của mình.
Ban đầu, công ty chỉ có 3 thợ đều là cô, dì trong gia đình, còn hiện nay đã lên đến 50 người cùng một phòng tranh nhỏ ở TP HCM và một xưởng thêu ở Huế. Giai đoạn đầu, thợ chủ yếu là những người trung niên, còn sắp tới công ty sẽ đào tạo lớp trẻ để phát huy nghề truyền thống này.
Không chỉ bán sản phẩm trong nước, công ty tôi còn ký được những hợp đồng với nước ngoài như thêu theo yêu cầu tranh hoa của khách hàng người Nhật, thêu tranh chân dung Nữ hoàng Elizabeth II và chân dung cô gái với chiếc khuyên tai ngọc trai của khách hàng người Anh... Đặc biệt, sắp tới tôi sẽ ký hợp đồng với một công ty Nhật để nhận thêu họa tiết các mẫu hoa văn cho sản phẩm quần áo thời trang với số lượng khá lớn.
Khi đang thật sự say sưa với niềm vui công việc, cùng những kế hoạch phát triển mới, tôi nhận được thông báo nộp bài luận cuối khóa của nhà trường để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Thời gian còn lại chưa đầy một tháng, tôi đắn đo suy nghĩ rất nhiều để tìm hướng giải quyết. Dù rất tiếc và buồn, nhưng tôi vẫn quyết định tạm dừng việc học lại, vì lúc đó tôi nghĩ về những người thợ. Họ sẽ cần tôi hơn là việc tôi cần có tấm bằng đại học, bởi tôi đã thuyết phục họ đến với mình thì phải lo cho họ, không thể để họ bỏ công việc này. Nhưng tôi tự hứa, khi công việc của công ty ổn định sẽ đi học lại vì giấc mơ đại học vẫn còn nguyên trong tôi.

Cú sảy chân của kinh tế Trung Quốc

Cả thế giới đang dậy sóng sau sự kiện thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh nhất từ năm 2007. Thậm chí, truyền thông Trung Quốc còn gọi phiên 24/8 là "Ngày thứ Hai đen tối". Trên các thị trường mới nổi, từ đồng rand Nam Phi cho đến ringgit của Malaysia đều mất giá mạnh. Giá hàng hóa thì giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999. Đà giảm còn lan sang cả thị trường của phương Tây. Chỉ số DAX của Đức mất hơn 20% so với mức đỉnh, còn Dow Jones mất hơn 6% ngay khi mở cửa.
Dù thị trường các nước phát triển đã phần nào lấy lại phong độ, 3 mối lo lớn vẫn còn tồn tại. Một là kinh tế của Trung Quốc đang chìm sâu vào rắc rối. Hai là các nước mới nổi sẽ chịu tác động của một cuộc khủng hoảng toàn diện. Và ba là thị trường các nước phát triển sẽ không còn chuỗi tăng dài như trước nữa. Một số khía cạnh của những nỗi lo ngại này có thể đã bị cường điệu hóa và một số khác là không có thật. Dù vậy, cuộc khủng hoảng diễn ra trong tuần này vẫn ẩn chứa một thông điệp đáng sợ. Đó là kinh tế thế giới thực sự đang bất ổn.
tq-8560-1440912237.jpg
Một người đàn ông đang đạp xe qua một khu phố mua sắm tại Bắc Kinh. Ảnh:Bloomberg
Trung Quốc chính là nguồn gốc của hiệu ứng domino này. Kể từ khi đồng nhân dân tệ bị phá giá đầu tháng này, khoảng 5.000 tỷ USD vốn hóa đã bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu. Biến chuyển này, kèm theo hàng loạt số liệu kinh tế tiêu cực và nỗ lực bất thành từ Chính phủ nhằm ngăn chứng khoán lao dốc, đã làm dấy lên mối lo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sắp hạ cánh cứng. Xuất khẩu của Trung Quốc đang giảm. Trong khi đó, chứng khoán mất hơn 40% từ khi đạt đỉnh hồi tháng 6, mạnh hơn cả khi vỡ bong bóng Dotcom năm 2000.
Tuy nhiên, những dự đoán bi quan có vẻ đã đi quá xa. So với thị trường chứng khoán, bất động sản đóng vai trò quan trọng hơn rất nhiều đối với kinh tế Trung Quốc. Lĩnh vực này đóng góp tới một phần tư GDP và giá trị bất động sản cũng chính là nền tảng cho hệ thống ngân hàng. Vài tháng gần đây, giá cả và giao dịch bất động sản đều vẫn trong tình trạng tốt.
Hơn nữa, tương lai của Trung Quốc phụ thuộc vào người mua hàng, chứ không phải các hãng xuất khẩu. Và ngành dịch vụ, thu nhập cũng như tiêu dùng đều đang đi lên. Nếu trường hợp xấu nhất xảy ra, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vẫn hoàn toàn có khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ. Sau khi giảm lãi suất cơ bản tuần này, lãi này mới xuống 4,6%. Thậm chí, dù kinh tế Trung Quốc có đang chậm lại, nếu tăng trưởng ở mức dự báo thấp nhất - là 5% năm nay, Trung Quốc vẫn đóng góp vào GDP toàn cầu lớn hơn cả năm 2007 (khi nước này tăng trưởng 14%).
Trung Quốc không hề khủng hoảng. Tuy nhiên, khả năng quốc gia này có thể chuyển dịch sang nền kinh tế thị trường đang là câu hỏi lớn hơn bao giờ hết. Trung Quốc muốn giảm kiểm soát thị trường chứng khoán, nhưng lại can thiệp mạnh tay để nâng giá cổ phiếu lên. Quốc gia này muốn khiến các công ty nhà nước hoạt động hiệu quả hơn, nhưng lại không muốn họ phải đối mặt với nhiều cạnh tranh. Một mặt Trung Quốc muốn tự do hóa đồng NDT, nhưng mặt khác lại tỏ ra không hài lòng vì nội tệ suy yếu sẽ khiến dòng vốn chảy khỏi nước mình.
Những quan ngại về nền kinh tế Trung Quốc còn làm nảy sinh một mối lo khác, rằng các thị trường mới nổi có thể sẽ một lần nữa trải qua khủng hoảng tài chính châu Á như năm 1997-1998. Điểm tương đồng đáng chú ý giữa hai thời kỳ này là sự tháo chạy của dòng vốn trước viễn cảnh rằng Mỹ nâng lãi suất. Tuy nhiên, các quốc gia đã học được những bài học đắt giá qua cuộc khủng hoảng này. Nhiều đồng tiền không còn bị neo nữa mà đã được thả nổi. Hầu hết các nước ở châu Á đều có dự trữ ngoại hối và thặng dư tài khoản vãng lai lớn. So với trước đây, hệ thống ngân hàng của họ cũng lệ thuộc ít hơn vào chủ nợ nước ngoài.
Dù vậy, những mối lo khác thì hoàn toàn có cơ sở. Kinh tế Trung Quốc chậm lại đã đồng loạt kéo theo các thị trường mới nổi như Brazil, Indonesia và Zambia. Kinh tế những nước này phụ thuộc vào khai thác quặng sắt, than đá và đồng. Từ giờ, nhu cầu của Trung Quốc sẽ chủ yếu liên quan đến ngành dịch vụ. Mà nhu cầu này có thể được đáp ứng ngay trong nước.
Các nước mới nổi cũng đang chịu ảnh hưởng từ tình trạng dư cung, khiến giá hàng hóa giảm, ví dụ như dầu thô. Đồng tiền trượt giá còn tăng thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp tại những thị trường này. Do doanh thu của họ được tính theo nội tệ, trong khi nợ lại tính bằng đồng đôla. Về cơ bản, các thị trường mới nổi đã tăng trưởng chậm lại từ năm 2010. Các quốc gia như Brazil và Nga đã lãng phí cơ hội cải cách để nâng cao năng suất và đang phải gánh hậu quả. Ấn Độ cũng chung tình trạng và khả năng còn phải trả giá cao hơn.
Có lẽ chỉ các quốc gia giàu có mới ít lo ngại về sự giảm tốc của Trung Quốc. Năm ngoái, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc chiếm chưa đến 1% GDP nước này. Nhưng điều đó không có nghĩa tất cả đều miễn nhiễm. Đức - cỗ máy tăng trưởng của Liên minh châu Âu (EU) hiện là nước xuất khẩu lớn nhất khu vực này sang Trung Quốc.
Giá cổ phiếu cũng dễ bị ảnh hưởng, do các công ty lớn thường hoạt động trên phạm vi toàn cầu. Trong doanh thu năm 2014 của các công ty thuộc chỉ số S&P 500, 48% đến từ nước ngoài. Trong khi đó, USD cũng đang mạnh lên so với đồng tiền các đối tác thương mại. Phố Wall đã tăng trưởng liên tục từ năm 2009 tại Trung Quốc và hệ số giá cổ phiếu trên lợi nhuận (P/E) đang trên trung bình rất nhiều. Vì thế, sự sụp đổ trên thị trường chứng khoán sẽ làm lan tràn tác động ra nền kinh tế thực.
Trong trường hợp tình trạng trên xảy ra, hãy nhớ lại giới chức phương Tây đã chật vật thế nào trong tuần này, khi họ nhận ra mình có rất ít công cụ chính sách để vực dậy nền kinh tế. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ thật sai lầm nếu nâng lãi suất vào tháng 9. Các ngân hàng trung ương khác cũng sẽ nhận ra điều tương tự. Tiền chảy khỏi các thị trường mới nổi có thể tìm đường quay lại với người tiêu dùng Mỹ, từ đó đẩy cao nợ hộ gia đình và gây biến động nguy hiểm cho nền kinh tế. Vì vậy, châu Âu và Nhật Bản cần nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa để kích cầu.
Nhưng chính sách tiền tệ mới chỉ là sự khởi đầu. Nhiệm vụ khó khăn hơn cần phải làm, cả ở châu Âu và các nước khác, là tăng GDP. Tín dụng dồi dào và sự tăng trưởng không ngừng nghỉ của Trung Quốc đã khiến kinh tế thế giới “dậm chân tại chỗ” trong nhiều năm. Giờ đây, tăng trưởng phụ thuộc vào những quyết định cứng rắn của các Chính phủ về mọi mặt, từ cải cách tài chính đến chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Đó là bài học cay đắng rút ra được từ sự hoảng loạn trên thị trường Trung Quốc.

Thói quen ngủ của 4 người cực kỳ thành công

Bill Gates tối nào cũng phải đọc sách và ngủ đủ 7 tiếng, còn Tổng thống Barrack Obama thường thức tới 2h sáng để làm việc và chỉ được ngủ muộn nhất tới 8h.
Mariah Carey ngủ 15 tiếng mỗi đêm, gần gấp đôi thời gian tiêu chuẩn. Lý do của nữ ca sĩ là ngủ nhiều hơn nửa ngày sẽ đảm bảo âm vực của cô có thể chạm tới những nốt cực cao. Và cách này luôn có hiệu quả. "Tôi cần ngủ 15 tiếng mỗi ngày để hát được theo ý mình", cô chia sẻ trong một buổi phỏng vấn.
Carey không phải là trường hợp duy nhất có thói quen ngủ kỳ quặc. Tỷ phú Donald Trump thì ngược lại khi gần như chẳng ngủ gì. Tỷ phú bất động sản chỉ ngủ có 3, 4 tiếng mỗi đêm. Ông coi đó là một lợi thế cạnh tranh.
Entrepreneur đã nghiên cứu thói quen đi ngủ của 4 người được đánh giá là cực kỳ thành công.
1. Elon Musk
elon-musk-jpeg.jpg
Nhà sáng lập hãng xe điện Tesla chính là người đã tạo cảm hứng cho Jon Favreau - đạo diễn bộ phim đình đám Người Sắt. Musk luôn cố gắng không sử dụng quá nhiều caffeine trước khi đi ngủ, bởi ông nhận ra nó rất có hại cho sức khỏe. Musk từng uống tới 8 lon Coca-cola và 2 ly cà phê mỗi ngày, nhưng đã kịp dừng lại. Hiện ông chỉ uống một hoặc hai lon Coca-cola mỗi ngày và không sử dụng đồ uống có gas trong vòng 6 tiếng trước khi đi ngủ.
Musk chỉ lên giường ngủ lúc 1h sáng và thức dậy vào 7h hôm sau. Trên mạng xã hội Reddit, tỷ phú 44 tuổi này cũng khẳng định ông chỉ ngủ từ 6 - 6 tiếng rưỡi mỗi ngày, và lúc nào cũng kè kè chiếc điện thoại bên người để tiện công việc.
2. Arianna Huffington
arianna-huffington-jpeg.jpg
Arianna Huffington từng ngất do kiệt sức năm 2007, hai năm sau khi cho ra mắt tờ Huffington Post. Một tối, trong khi thức khuya vùi đầu vào công việc, bà ngã xuống sàn, đầu va đập mạnh, chảy máu và bất tỉnh. Sau đó, bà buộc phải thay đổi lối sống, tạm biệt khoảng thời gian làm việc 18 tiếng mỗi ngày và ngủ nhiều hơn.
Huffington hiện là người ủng hộ quan điểm "đặt giấc ngủ lên hàng đầu". Và để thực hiện điều đó, bà luôn cố gắng ngủ 8 tiếng trọn vẹn mỗi ngày, đồng thời dọn hết các thiết bị điện tử ra khỏi phòng ngủ, hoàn toàn tách biệt với các phương tiện truyền thông và email công việc. "Trên giường tôi giờ chỉ có sách. Là sách thật, chứ không phải Kindle hay iPad", bà cho biết.
3. Bill Gates
bill-gates-jpeg.jpg
Bill Gates cũng có thói quen đọc sách trước khi đi ngủ. Nhà đồng sáng lập Microsoft nhất định phải đọc sách mỗi đêm, từ sách về những nhân vật truyền cảm hứng (Warren Buffett, Franklin D. Roosevelt), quá trình phát triển của lịch sử (phát minh vắcxin và bom nguyên tử) cho tới những ấn phẩm triết học sâu sắc và trí tuệ (The Economist, Scientific American). Trên Seattle Times, ông cho biết "Tôi đọc khoảng một tiếng mỗi đêm như một cách để chìm vào giấc ngủ". Nhưng đôi khi điều đó cũng phản tác dụng. "Bất cứ ai yêu sách cũng vậy, nếu gặp được một cuốn sách hay thì thật khó dứt ra để ngủ", ông thừa nhận.
Ông trùm công nghệ 59 tuổi cho rằng giấc ngủ 7 tiếng là khoảng thời gian lý tưởng để đảm bảo trí sáng tạo được phát huy hết vào hôm sau. "Dù thức khuya cũng rất thú vị, như khi phải bay đêm chẳng hạn. Nhưng nếu hôm sau cần dùng tới sự sáng tạo, thì tôi nhất định phải ngủ đủ 7 tiếng. Tôi có thể phát biểu mà không cần ngủ quá nhiều, một vài công việc khác cũng vậy. Nhưng nếu đó là việc cần tới sáng tạo, tôi sẽ không thể làm tốt mà không ngủ đủ", tỷ phú tiết lộ.
4. Barack Obama
obama-jpeg.jpg
Đúng như nhiều người suy đoán, Tổng thống Mỹ không tuân thủ đúng chế độ khoa học. Lý do hiển nhiên là vì ông quá bận. Sau một ngày căng thẳng với việc điều hành cả một quốc gia, ông vẫn không thể rời khỏi chiếc điện thoại kể cả trong giờ ngủ. Ông trao đổi với cấp dưới qua điện thoại tới tận khuya, thường là khoảng 23h đêm, theo Politico. Với "lối sống về đêm" của mình, ông Obama thường thức tới 2h sáng để làm việc với chồng giấy tờ và báo cáo.
Còn nếu có những giây phút thư giãn hiếm hoi, nhà lãnh đạo 54 tuổi này sẽ đọc sách cổ, thường không phải về chính trị hay chính sự trong ngoài nước. Là fan của người dẫn chương trình Jon Stewart, ông đôi khi cố gắng dành thời gian xem chương trình The Daily Show. Nhưng ông cũng chỉ có thể nghỉ ngơi sau khi đã dỗ hai cô con gái đi ngủ.
Thời gian mỗi giấc ngủ của Tổng thống không cố định, phụ thuộc vào những gì đang diễn ra trên thế giới. Nhưng ông chỉ có thể "ngủ nướng" muộn nhất là tới 8h sáng. Khi được hỏi liệu ông đã bao giờ tắt báo thức và ngủ cố thêm vài phút chưa, ông thừa nhận thế thì Nhà Trắng sẽ ngay lập tức gọi điện. "Nếu tôi không ra khỏi giường ngay sau cuộc gọi đầu tiên thì họ vẫn sẽ cứ tiếp tục gọi thôi", ông nói.

Dân văn phòng hành nghề ăn cưới thuê: No bụng lại có tiền

Tại Hàn Quốc, số lượng khách đến dự đám cưới có tầm quan trọng đặc biệt, thể hiện uy tín và vị thế của gia đình hai họ.
Vì thế cho nên đã có những công ty cung ứng dịch vụ cho thuê những người “bạn giả” để làm khách mời đi ăn cưới.
Đây là một ngành kinh doanh đúng nghĩa. Trong một phóng sự trên đài National Public Radio của Mỹ, nữ PV Elise Hu đã tháp tùng cô sinh viên Kim Seyeon, người nhận làm thêm “nghề” khách mời đi ăn cưới. Cô Kim kể: “Khi vào mùa cưới hằng năm, tôi “diễn” mỗi ngày được hai, ba “suất” vào dịp cuối tuần”. Vai diễn của cô là làm bạn của cô dâu hoặc chú rể, sau khi ký hợp đồng làm thêm với một công ty cung cấp dịch vụ này. 
Theo tạp chí KoreAm, hiện có vài trăm công ty tổ chức loại hình dịch vụ như thế mới đáp ứng đủ nhu cầu của người Hàn hiện nay và rất nhiều công ty đã đa dạng hóa nguồn cung: Ai muốn thuê cha mẹ giả, anh chị em giả để tổ chức đám cưới thì đều có cả!
đám cưới, ăn cưới, dịch vụ, Hàn Quốc, cho thuê, cô dâu, đám-cưới, ăn-cưới, dịch-vụ, Hàn-Quốc, cho-thuê, cô-dâu,
Cô Kim cho biết cô đã dự đến gần 70 tiệc cưới trong vòng một năm rưỡi nay với mức giá 20 USD/bữa tiệc. Quả thật đây là một nguồn thu nhập đáng kể cho các nhân viên văn phòng ở độ tuổi 20-30 nào muốn có việc làm thêm ngoài giờ hành chính.
Ông Lee Mi Young, Giám đốc một công ty cho thuê nhân sự đám cưới, giải thích: “Cả cô dâu, chú rể ai cũng muốn thể hiện là mình có nhiều bạn bè. Đàng gái sẽ thuê thêm khách mời nếu thấy đàng trai đã mời được nhiều hơn họ và ngược lại, vì số lượng khách mời là dấu hiệu chứng tỏ uy thế của gia đình hai họ”.

Xu hướng này cũng đã có tại Nhật. Theo hãng tin Reuters, người dân xứ hoa anh đào đã phải chi gần 200 USD để thuê một khách lạ đến dự đám cưới của mình với yêu cầu là người này phải biết ca hát, biết khiêu vũ hoặc biết phát biểu chào mừng trong buổi tiệc.

Gái PG và mánh nghề ngôn ngữ cơ thể

PG (Promotion Girl, nữ nhân viên tiếp thị, người mẫu quảng cáo hay lễ tân...) là cụm từ có sức hấp dẫn với các cô gái trẻ. Hình ảnh các cô trong bộ đồng phục gợi cảm, sải những bước tự tin và lả lướt nơi nhà hàng, vũ trường trông đầy quyến rũ.
Những cô gái lắm chiêu
Quán nhậu Tràm Chim đông nghẹt, 18 giờ 30 các khách nam lặng đi khi thấy đội ngũ những em chân dài, xinh như mộng trong trang phục “một còn một mất” tựa nữ thần Hy Lạp của hãng bia Her. “Cơn lốc màu xanh” ấy tỏa ra các hướng.
Vị khách ngồi ở bàn cạnh tôi có vẻ khó tính. Trước cái lắc đầu đầy cương quyết, cô PG có làn da màu mật và mái tóc cắt cao không hề nao núng, thản nhiên cúi xuống cài lên ve áo vị khách một phù hiệu hình chai bia. Tình hình được cải thiện trông thấy, người đàn ông không thể kháng cự nổi khi cô nở nụ cười lần hai và đồng ý khui ngay mười hai chai cho sáu người, dù trong bàn đang dùng loại bia khác.
Lại thêm “cơn lốc” khác tràn vào, lần này là những PG của hãng thuốc xì gà nhập khẩu, dạng điếu nhỏ, các cô trông khá lạ lẫm trong chiếc váy cực ngắn, áo khoét lưng và đầu đeo nơ thỏ kiểu playboy.
Một chân dài tai thỏ ghé đến sát bàn tôi, nơi có năm khách nam đang khật khưỡng. “Anh không hút thuốc này” - người đàn ông đầu hói xua tay, rồi lấy điếu Jet trong gói thuốc để trên bàn.
PG, Promotion Girl, nhân viên tiếp thị, người mẫu quảng cáo, nhân-viên-tiếp-thị 
Rất nhanh, PG tai thỏ rút chiếc hộp quẹt bật lửa, kề đúng vào đầu điếu thuốc, sau đó dùng ngón trỏ và ngón út xoay chiếc bật lửa một cách điệu nghệ. “Em châm cho anh luôn nhé?” - người đàn ông khác lên tiếng. “Dạ được” - PG tai thỏ cười ngọt lịm - “Nhưng lần này, anh thử thuốc của em đi. Nếu thích thì lấy nguyên gói, không thì cũng chẳng sao”, vừa nói, PG tai thỏ vừa xé nhanh gói thuốc đang cầm trên tay gắn lên môi vị khách và châm lửa. Anh này ngớ người, đành hút và đương nhiên là thanh toán nguyên gói thuốc mới “bóc tem”.
Các PG hiện nay làm việc dưới hai hình thức: “cắm” tại quán và hoạt động theo nhóm. Lương cứng của một PG dao động từ 2.500.000 - 3.000.000 đồng. Các hãng thường áp dụng việc tính thêm hoa hồng cho các cô nếu tiêu thụ được đúng mức sản phẩm công ty quy định, chẳng hạn nếu bán 180 két bia/tháng thì sẽ được cộng thêm 2.000 đồng/chai từ két 181 trở lên; hoặc bán hơn 2 cây thuốc/buổi thì được cộng thêm 50.000 đồng vào lương.
Để đạt được doanh số mong muốn, các PG phải tận dụng tất cả ưu điểm mình có: từ ngoại hình xinh đẹp, khả năng ăn nói ngọt ngào đến việc áp dụng những chiêu thức kiểu như “Anh ơi, em chỉ còn một két nữa thôi là đạt tiêu chuẩn, anh ủng hộ giùm em ha”, hoặc “Nếu anh mua cho em năm gói, hôm nay em sẽ về nhà sớm. Chân sưng hết rồi nè”...
Việc sử dụng “ngôn ngữ cơ thể” như một nụ cười tươi, cái ghé sát thật gần, lời thầm thì vào tai... cũng gây nên hiệu ứng bất ngờ. Đàn ông đi nhậu, trong người lâng lâng, đứng trước một em PG xinh tươi đến thế, ai chẳng mềm lòng?
Mặt trái của nghề
Cường “vỏ” đã ngoài 40, kinh doanh vỏ xe các loại và trong túi lúc nào cũng đầy tiền. Không thích bia ôm, chẳng gái vũ trường, càng không bao giờ rờ tới “bướm đêm”, gu của Cường “vỏ” là la cà bia bọt ở những quán nhậu nổi tiếng Sài thành... Ngoài bia ra, Cường còn thích “sưu tập” các em PG vì theo Cường, số này vừa hấp dẫn lại vừa có nét kiêu sa.
Chiều 25.8, Cường rủ tôi ra Phượng Các lai rai. Khoảng 19 giờ, một nhóm PG bia Tig xuống quán. Một PG cao chừng 1m65, da trắng, tóc dài, ghé đến bàn mời, Cường hào phóng mua cho người đẹp luôn nửa két.
Vừa dán mắt vào đội ngũ PG, Cường vừa giải thích: “Em vừa rồi tuy cũng đẹp nhưng mục đích là bán bia chứ không phải bán thân”. “Sao anh biết?”, tôi ngạc nhiên. Cường đưa ly bia lên miệng nóc một hơi hết sạch: “Cứ thấy em nào hăng hái bán hàng thì đừng có rà, mất thời gian. Còn em nào mời chào nhưng chỉ thích đong đưa uốn éo thì nắm chắc em làm PG cho mình, chứ không phải cho hãng”.
Nói xong, Cường ngoắc một PG có mái tóc nâu đồng, thân hình bốc lửa tới bàn. “Em đẹp quá, cho anh số điện thoại đi”. Cô này ngúng nguẩy: "Tụi em không được cho số điện thoại”. Có lẽ đoán trước được phản ứng của người đẹp, Cường lấy mẩu giấy ghi số điện thoại của mình rồi đưa cho cô nàng: “Đây là số của anh. Sau giờ làm anh chờ điện thoại của em, mình đi chơi cho vui”. Người đẹp lấy mẩu giấy nhưng trả lại tờ 200.000 mới cứng Cường lót phía dưới: “Công ty không cho tụi em lấy tiền tip” rồi bước đi, nhưng không quên “khuyến mãi” một cái liếc. “Cô ấy sẽ gọi lại chứ?” Cường khẽ cười: “Hên xui, nhưng chắc 99% là hên”.
Vài ngày sau, Cường rủ tôi tới Phương Đông. Chưa yên vị, anh chàng đã ngơ ngẩn ngắm nhìn một PG tuyệt đẹp trong trang phục của thuốc lá BS. Khi cô PG tiến tới mời thuốc, Cường hỏi: “Em thích anh mua mấy cây?”. Cô này ngập ngừng: “Tùy anh”. Cường nhăn nhở: “Em nói bao nhiêu, anh xin tuân lệnh”. “Mười cây đi” - cô PG nói đại, nào ngờ Cường làm thiệt. Mua xong, Cường tiếp tục áp dụng chiêu đưa số điện thoại nhưng cô gái kiên quyết: “Dạ không, công ty không cho tụi em trao đổi điện thoại với khách. Anh thông cảm”.
Tôi liếc qua, khuôn mặt Cường chẳng chút thất vọng. Anh chàng rút điện thoại ra gọi cho một PG khác, hẹn nhậu ở quán Cường 333, bờ kè. Đó là Vân - một PG của hãng rượu Jar, nhan sắc trung bình. Thấy Cường sốt ruột: “Đâu?”, Vân vội lên tiếng: “Đừng nóng, thế nào cũng có mà”. Vừa nói cô này vừa lấy điện thoại ra nhắn tin.
Gần 12 giờ đêm, tôi ngạc nhiên tột độ khi nhìn thấy cô PG xinh đẹp của hãng thuốc lá lúc nãy xuất hiện trong chiếc quần sọc jeans khoe đôi chân dài miên man. Điệu bộ “gái đoan trang dễ đâu làm quen” đã được thay thế bằng vẻ ngọt ngào gần gũi. Ngồi một hồi Cường nháy tôi: “Anh tính tiền rồi. Ngồi nhậu tiếp đi, anh phải vui vẻ cái đã”. Nói xong, Cường ngoắc taxi cùng người đẹp thẳng tiến... khách sạn!
Có tôi ngồi lại hầu bia nên Vân cảm kích lắm. Ngà ngà say, cô tiết lộ mình là má mì. Lợi dụng công việc, Vân tiếp xúc với những PG có nhan sắc, sau đó giới thiệu họ đi khách, lấy huê hồng, có tháng thu nhập lên đến gần cả trăm triệu.
Tuy vậy, theo Vân thì “cuối cùng em cũng chẳng còn bao nhiêu vì phải chung chi nhiều lắm”. Những PG kiếm tiền bằng “vốn tự có” thường tồn tại hai dạng: đi chơi riêng với khách và nằm trong đường dây. Dạng thứ nhất tự hành nghề, có cô trở thành gái bao; dạng thứ hai được mai mối bảo vệ đàng hoàng, nhưng phải tuyệt đối tuân thủ quy tắc của má mì, chẳng hạn như Tuyết Thu - cô PG vừa đi với Cường “vỏ”. Mọi hoạt động của cô nàng đều nằm trong sự điều khiển của Vân nên khi nãy ở vũ trường, dù có thích Cường đến đâu, Tuyết Thu cũng không thể xé rào đi lẻ. Vì nếu chỉ một lần để Vân phát hiện được, mọi cơ hội kiếm tiền của Tuyết Thu sẽ chấm dứt, kể cả việc PG.

PG là một nghề chân chính, có thể nói đó là trạm ghé chân của những cô gái trẻ trước khi họ hoàn tất đại học hoặc học nghề. Tuy vậy, trước sự cám dỗ của môi trường làm việc, nhiều PG đã không thể giữ nổi mình, trượt dài trong những cuộc đổi chác xác thân để rồi nhẹ thì bị bủa vây bởi những tai tiếng hoặc đuổi việc, nặng thì bị rớt khi đang đi khách và lúc này thì cơ hội để họ quay lại từ đầu tương đối khó khăn, dù tuổi đời vẫn còn rất trẻ..

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons