Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

Những 9X yêu tự do và dự án mỗi ngày có một câu chuyện về "Nghề" để kể

Đều thuộc lứa 9X, nhưng cả 3 người bạn này đều đã quyết định "sống chậm": ghi lại những câu chuyện về những con người đam mê với nghề nghiệp của mình. Họ thành lập dự án “Chuyện của Nghề” như một món quà ý nghĩa trong cuộc sống.

Những 9X bỏ việc tìm đam mê
Vừa ra trường, có ngay một công việc ổn định trong một tổ chức phi lợi nhuận ở vị trí truyền thông, thế nhưng sau một năm, Lại Hồng Vy (sinh năm 1991) đột nhiên quyết định nghỉ việc. “Công việc văn phòng ổn định nhưng có lẽ không phù hợp với tính cách của tôi. Tôi thích công việc được giao tiếp với con người chứ không phải chỉ đối diện với máy tính hay mạng internet. Tôi nghĩ đây là thời gian mình thay đổi, vì bây giờ tôi vẫn còn trẻ, còn nhiều thời gian, tôi muốn ra ngoài một thời gian để biết xem mình thật sự thích gì và muốn làm gì trong cuộc đời này”.
Những 9X yêu tự do và dự án mỗi ngày có một câu chuyện về "Nghề" để kể 1
Lại Hồng Vy: “Tôi cho rằng sống theo cách mình muốn thì khó hơn là sống theo ý người khác muốn và thực sự rất đáng để theo đuổi”
Từ bỏ một công việc ổn định để đi tìm một công việc còn chưa rõ ràng trong tương lai là một quyết định khá khó khăn với Hồng Vy. Thế nhưng, cô gái 23 tuổi này lại rất tin vào bản thân mình. “Thời gian làm ở tổ chức cũ, tôi giao tiếp với rất nhiều người đam mê nghề nghiệp của họ. Có lần tôi gặp một anh kỹ sư làm đường, nghe anh ấy kể chuyện về tình yêu với đất đá, tôi cảm nhận niềm hạnh phúc rõ ràng trong mắt của anh ấy. Câu chuyện của anh ấy khiến tôi có động lực để tiếp tục. Có thể tôi chưa biết sau này mình sẽ làm gì, nhưng khi nhìn thấy người khác hạnh phúc với công việc của họ thì tôi tin rằng ngày nào đó tôi cũng sẽ tìm thấy niềm hạnh phúc của mình”.
Cô bạn của Hồng Vy là Nguyễn Thị Ngọc Huyền (sinh năm 1991) chia sẻ: “Từ lúc là sinh viên cho đến khi ra trường, tôi may mắn luôn có việc để làm. Thế nhưng khi bước chân chính thức làm việc trong một công ty, một ngày làm việc từ 8 đến 12 giờ trong hơn 8 tháng, tôi mới cảm thấy công việc kiểu văn phòng hoàn toàn không phù hợp với cá tính của mình. Tôi thích tiếp xúc với nhiều người và thích làm việc trong một không gian mở hơn.”
Từ câu chuyện ông sửa mắt kính, chú mài dao 
Chính trong thời gian nghỉ việc, dự án Chuyện của Nghề đã đến với Hồng Vy từ những câu hỏi về cuộc sống những người xung quanh cô. “Tôi luôn tò mò về cuộc sống những người chung quanh mình, mình băn khoăn muốn biết họ sống và làm việc như thế nào, họ nghĩ về công việc của họ ra sao. Trong con hẻm nơi tôi sinh sống có một chú làm nghề mài dao. Cứ sáng sớm là chú cùng mấy “đồng nghiệp” đạp xe đi, chiều muộn mới về. Tôi chưa bao giờ mài dao cả và tự hỏi liệu trong xã hội hiện đại này thì ai còn đi mài dao? Làm thế nào chú ấy có thể sống được với nghề đó? Một ngày chú mài được mấy con dao? Có đủ sống không?” Vy kể.
Nhìn chú mài dao tôi bỗng nhớ đến câu chuyện ông cụ sửa mắt kính ở chợ Bà Chiểu những ngày còn học cấp 3. Đã biết bao lần tôi định đến hỏi chuyện ông cụ cho đến một ngày đi xe máy ngang qua, tôi không còn thấy tiệm mắt kính đâu nữa cả, ở đó bây giờ là một cửa hàng rượu Tây”, Vy bồi hồi kể lại. “Nếu một ngày nào đó chú mài dao cũng biến mất thì tôi sẽ không bao giờ có cơ hội trả lời được những thắc mắc trong lòng mình. Tôi không muốn tiếc nuối như vậy nữa”.
Chính những câu chuyện nho nhỏ ấy, chính những tiếc nuối ấy, đã khiến Hồng Vy muốn phát triển một trang chuyên kể những câu chuyện về nghề. Dự án Chuyện của Nghề bắt đầu như thế và nhanh chóng ý tưởng của Hồng Vy tìm được sự đồng cảm của Ngọc Huyền. “Mỗi khi thấy ai đó đang lao động hăng say, hoặc làm việc với niềm vui trong ánh mắt, tôi luôn thắc mắc: cảm giác được làm cái thứ mình thích hàng ngày nó như thế nào? Còn nếu không thích, ngoài lý do để mưu sinh, động lực nào giúp họ ở lại? Tôi tò mò ghê. Vì thế tôi tham gia dự án như một cách để tìm câu trả lời cho những thắc mắc của mình, cũng là cơ hội để mình cải thiện kỹ năng viết lách”,Huyền chia sẻ.
Những 9X yêu tự do và dự án mỗi ngày có một câu chuyện về "Nghề" để kể 2
Nguyễn Thị Ngọc Huyền: “Chuyện của Nghề có thể không phải là một bước ngoặt trong đời, nhưng là một món quà ý nghĩa tôi may mắn có được từ bạn tôi, từ cuộc sống. Tôi không kì vọng thu về được điều gì, nhưng việc tôi gắn bó cùng Chuyện của Nghề với nhiều niềm háo hức, đã phần nào giúp tôi có được câu trả lời cho thắc mắc của mình: “Được làm thứ mình thích hàng ngày cảm giác nó như thế nào?”
Người bạn đồng hành thứ ba với Chuyện của Nghề là một chàng trai cũng sinh năm 1991, Phạm Vũ Hoàng Giang. Vốn đam mê chụp ảnh từ bé và cũng yêu tự do, Giang chọn công việc làm nhiếp ảnh gia tự do chuyên chụp ảnh tư liệu cho các tổ chức và viết bài cho một vài tờ báo. “Tôi đến với Chuyện của nghề qua lời giới thiệu của Hồng Vy vì ý tưởng của dự án rất phù hợp với những gì mình đã và đang làm. Tôi đam mê nhiếp ảnh và nhận ra qua Chuyện của Nghề, tôi có thể phát huy thế mạnh hình ảnh của mình cũng như làm điều gì đó có ích cho người khác”.
Những 9X yêu tự do và dự án mỗi ngày có một câu chuyện về "Nghề" để kể 3
Phạm Vũ Hoàng Giang: “Chuyện của Nghề, như một cái duyên, là một cách để kẻ vụng về giao tiếp như tôi kể chuyện và chia sẻ, là một cơ hội để đi và gặp gỡ, là một chuyến đi để thấy và để học, là một thử thách cho chính bản thân hay đơn giản chỉ là động lực để làm một cái gì đó có ý nghĩa.
Chỉ mới vừa thành lập vào tháng 11/2014, nhưng fanpage Chuyện của Nghề đã có kha khá những lát cắt nghề nghiệp nhiều ý nghĩa. “Với dự án này, chúng tôi không nhắm đến một nhân vật có sẵn. Chúng tôi chỉ trải nghiệm cuộc sống, và cuộc sống sẽ cho chúng tôi gặp những nhân vật hay ho nhất", Lại Hồng Vy, chủ nhân ý tưởng dự án chia sẻ. Họ có thể là anh thợ cắt tóc, bà cụ bán củ năng, cậu thanh niên làm sushi, bác tiến sĩ tại buổi tọa đàm, hay người bạn đang ngồi uống cà phê cùng. Họ có thể là bất cứ ai, chỉ cần chúng tôi có đủ can đảm bước đến và mỉm cười”.
Với tinh thần như thế, ba thành viên của dự án đã thống nhất “sẽ cùng nhau sống chậm”. “Mỗi ngày chúng tôi sẽ đi ăn uống, mua hàng, gặp gỡ trò chuyện với bất kỳ ai mình gặp trên đường. Thay vì chỉ gặp họ, mỉm cười, rồi đi qua, thì bọn mình sẽ dừng lại trò chuyện với họ thêm vài phút để hiểu thêm về công việc của họ. Bọn mình cố gắng tương tác với nhiều người trong một ngày để ít nhất mỗi ngày đều có một câu chuyện để kể cho mọi người nghe”, Hồng Vy chia sẻ.
Bằng những câu chuyện, bằng những hình ảnh, những lát cắt nghề nghiệp trên trang Fanpage Chuyện của Nghề đã hé mở nhiều câu chuyện thú vị được đông đảo các bạn trẻ theo dõi và thích thú.
Những 9X yêu tự do và dự án mỗi ngày có một câu chuyện về "Nghề" để kể 4
Tiệm làm khóa trên đường Bạch Đằng
Cái chìa khóa xe máy gần sắp gãy khiến tôi phải mang đi làm lại cái chìa mới. Vì vậy mà tôi phát hiện ra ở gần nhà có một "tiệm" làm khóa mới xuất hiện. Nói là "tiệm", nhưng thật ra chỉ là một cái bàn máy treo cái bảng hiệu ở lề đường. Cái bàn đặt trước tiệm tạp hóa tôi hay ra mua heo đất, chủ cái bàn máy là ông bác chủ tiệm mà tôi hay thấy đi chở hàng cho vợ bán hàng.
Nhân lúc bác làm cho cái chìa mới, hỏi chuyện mới biết bác quay lại nghề làm khóa cũng gần một năm trời. Vào nghề làm khóa từ năm 1974, do mải buôn bán mà tạm nghỉ một thời gian. Nay các con đã có thể trông nom cửa hàng, tuổi già nhàn rỗi nên đầu tư cái bàn máy gần chục triệu quay lại nghề cũ, vừa đỡ thấy chán vừa kiếm thêm tí thu nhập trong thời buổi khó khăn. Bác kể làm khóa một ngày tính ra cũng ... vừa đủ ăn. Cơ mà ông bác thấy vui với cái nghề này. Tự nhiên làm tôi nghĩ đến tuổi già mở tiệm chụp hình thẻ để ... kiếm vừa đủ ăn.
Những 9X yêu tự do và dự án mỗi ngày có một câu chuyện về "Nghề" để kể 5
Anh thợ cắt tóc đường Hồng Hà.
Anh không phải là một thợ cắt tóc vỉa hè bình thường như bao người. Anh không nói được, không biết là do bị câm bẩm sinh hay bị tật ở miệng. Đây là người tôi hay ra cắt tóc gần 3 năm qua. Một con người theo nhận xét của các bác xe ôm và những người đến cắt là ... dễ thương và thật thà. Thật thà đến mức hôm nọ đến cắt, đại ca gặp mình cười hề hề, nhìn tôi và khó nhọc lắm mới nói ra được một từ ... "mập" rõ ràng. Tôi nghĩ đây là một trong những người cắt tóc dễ mến nhất mà tôi từng gặp, ở cái tướng lù khù, cái nụ cười khờ khờ và cái nét mặt hãnh diện khi cắt xong cho tôi cái đầu, kêu tôi nhìn gương rồi giơ ngón tay cái khen đẹp và giơ hai ngón tay cười hì hì khi tối bảo tính tiền. Điều đó là cắt tóc vỉa hè trở nên khác biệt hẳn so với cắt tóc trong tiệm hay salon, nơi cái Duyên cho ta gặp những con người thật đặc biệt.
Những 9X yêu tự do và dự án mỗi ngày có một câu chuyện về "Nghề" để kể 6
Anh kiến trúc sư tên Duy
- Nói thật là giờ anh cũng đang hoang mang với nghề này vì chân bước đi vẫn chưa vững.
- Hoang mang là sao hả anh?
- Vì như anh đã nói nghề Kiến trúc không phải là những gì đẹp lung linh trên bản vẽ, mà phải biến nó thành thực tế phục vụ cho những nhu cầu cụ thể cho cuộc sống. Để được điều đó thì kiến thức văn hóa xã hội phải thật vững vàng để biết những gì mình thiết kế ra sẽ phục vụ cho những ai, và nó sẽ ảnh hưởng như thế nào tới xung quanh. Mà những kiến thức này như anh tự thấy mình còn thiếu nhiều quá.
- Em thấy đúng là các bạn sinh viên kiến trúc hiện nay nếu có thêm cơ hội trau dồi kiến thức văn hóa xã hội thì thật là tốt.
- "Nếu" là không đủ em, "phải" mới đúng. Nếu không em chỉ có thể là anh thợ gia công bản vẽ. Kiến thức thì không biết bao nhiêu cho đủ, biết được điều mới mẻ là một niềm vui, niềm hạnh phúc. Vì theo anh nghề và cuộc sống không phải đích đến hay đỉnh cao mà nó là con đường để chúng ta bước đi...
Những 9X yêu tự do và dự án mỗi ngày có một câu chuyện về "Nghề" để kể 7Diệu Thùy hiện là MC cho XoneFM, chương trình Drive Xone.
- Bạn tâm đắc nhất điều gì khi làm MC cho XoneFM?
- Mình sẽ hiểu mình hơn. Trước đây mình chỉ tưởng tượng được công việc của MC radio chỉ là viết, dẫn chương trình. Nhưng vào làm mới biết có những chương trình được tài trợ thì mình còn phải sáng tạo kịch bản, nghĩ ra chuyên mục mới. Nhóm đối tượng chính của kênh của mình là các bạn trẻ. Nhưng ngoài ra cũng có những người nghe lớn tuổi cập nhật rất nhanh, các bác cũng thích những xu hướng mới, những câu nói hay ho. Làm MC còn là tạo cho mình một phong cách riêng, như là câu nói, tiếng động đặc trưng. Ví dụ mọi người chỉ cần nghe cười "hí hí hí" là biết hôm đó mình dẫn chương trình. Hay phải kết hợp với producer tốt. Bây giờ chỉ cần liếc mắt cái là producer biết đưa sting gì vào."
(Ảnh: Facbook Chuyện của Nghề)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons