“Nghe nhà buôn nói về bán lẻ sẽ lời 100 ngàn/chiếc, mừng thầm lãi to rồi đây, nhập hẳn 50 chiếc váy áo. Sau đó thấy có người bán online thấp hơn giá mình nhập mới té ngửa là bị nhà buôn tính giá chát”, chị Mến kể về lần nhập hàng nhớ đời.
Mua 10 đồng bán 9 đồng
Với mục đích ban đầu là “tiêu” bớt thời gian rảnh rỗi nên chị Nguyễn Mến (chủ shop thời trang nữ Minh Muse, số 18, ngõ 329 Cầu Giấy, Hà Nội) nhập cuộc kinh doanh chỉ bằng sự hứng khởi. Chị Mến vốn là dân khối C, tốt nghiệp đại học là vào làm hành chính ở cơ quan nhà nước nên ít va chạm. Đi buôn bằng suy nghĩ đơn giản “mua 9 đồng bán 10 đồng là được” nên chị không ít lần dở khóc dở cười với những “cú phốt” nhập hàng.
Kể lại lần nhập hàng đầu tiên, chị vừa ức, vừa buồn cười với sự ngô nghê của bản thân. Lần đó, nghe mọi người mách nước chị cũng đến khu phố chuyên bán buôn để nhập hàng. Vào xem hàng rồi được nhân viên “tư vấn” là họ giao cho các shop đều bán được lời ít nhất 100 ngàn/chiếc, chị mừng thầm nên nhập hẳn 50 chiếc váy áo. Đến khi đăng tin lên mạng, chị mới té ngửa giá mình nhập cao hơn cả giá bán lẻ.
“Sau rồi mới biết, các nhà buôn ở khu đó gớm mặt lắm, thấy khách lạ lơ nga lơ ngơ là chặt chém ngay. Lần đó mình chưa biết gì ăn mặc chỉn chu, giày cao gót nên chắc họ đoán thừa mới tập tọe kinh doanh. Mất hơn 3 tháng không công để bán số hàng đó, lỗ hơn triệu đồng”, chị chia sẻ.
Dân “tay ngang” không giỏi tính toán nên lỡ đăng khuyến mại quá đà là không còn lãi.
Sau “phốt” đó chị định bỏ cuộc nhưng vì tiếc công xây dựng trang facebook bán hàng, cũng đã có một số khách quen trên các diễn đàn nên lại cố thử sức một lần nữa. Rút kinh nghiệm, lần này chị đi nhiều nhà buôn khảo giá, xem nhiều loại hàng, so sánh giá cả rồi mới nhập. Mỗi khi đi nhập hàng, chị cũng phải thay đổi cách ăn mặc cho bụi bặm chứ không váy vóc, giày cao gót như trước.
Cẩn thận là thế nhưng thương trường là chiến trường, việc kinh doanh của chị vẫn đầy rủi ro. “Nhập được giá ổn nhưng vì không xem kỹ nên nhiều cái bị lỗi, cái tuột chỉ, cái rách lỗ nhỏ không bán được. Mình chủ quan không lấy đơn hàng nên chả nhớ hàng nào với hàng nào mà mang ra đổi. Lỗi 2-3 chiếc là hết lãi rồi”, chị chia sẻ.
Đó là tình cảnh của những ngày đầu tập tọe đi buôn của chị Mến. Hơn 1 năm khóc cười với những đơn hàng, chị đã rút ra được khá nhiều kinh nghiệm. Nhưng vì là dân “tay ngang” đi buôn nên vẫn khó tránh khỏi những cú lừa của các “con buôn” tinh vi.
“Mình bán online nên phải tìm hàng lạ lạ, độc độc thì mới dễ bán. Nhưng tìm hàng kiểu đó mình khó kiểm soát nhà buôn, mỗi loại phải nhập một chỗ, số lượng không nhiều. Vừa rồi chủ quan nhập online, sau rồi mới biết họ cũng là nhà bán lẻ như mình. Nghĩa là mình không tiếp cận được nhà buôn cấp 1 thì giá nhập sẽ cao hơn”, chị chia sẻ thêm.
Không biết lỗ hay lãi!
Bắt đầu kinh doanh từ đầu năm 2014 với mặt hàng đầu tiên là váy áo thời trang nữ và giày dép, nay chị Mến đã mở rộng mặt hàng thêm đồ lót, tất, kính mắt, nước hoa nữ. Chị vừa khai trương cửa hàng từ đầu năm 2015. Chị bảo giờ bán online khó cạnh tranh, khách cứ hỏi cửa hàng đến thử đồ nên phải đầu tư.
Thuê một gian hàng ở mặt ngõ, sửa sang, mua sắm nội thất cũng ngốn hơn chục triệu đồng, chị Mến cũng khá lo lắng khi mỗi ngày chỉ mở cửa được vài giờ đồng hồ vào buổi tối.
“Cả ngày ngồi cơ quan rồi, tối về tranh thủ mở cửa được vài tiếng từ 5 giờ chiều đến khoảng 10 giờ đêm. Cũng may là mình chưa chồng con, công việc ở cơ quan không quá bận nên cáng đáng được. Mấy ngày đầu, thấy cửa hàng đóng cửa cả ngày, hàng xóm còn bảo nhà này buôn bán buồn cười, đóng cửa im ỉm thì khách đâu, lãi đâu”, chị nói.
Quyết định mở cửa hàng cho khách có chỗ thử đồ, công việc của chị Mến lại trở nên quá tải khi ngày 8 tiếng làm ở cơ quan, chiều về lại lọ mọ ở cửa hàng đến 10 giờ đêm.
Nghe hàng xóm nói vậy chị mới ngớ ra là chính bản thân chị cũng không biết mình lỗ hay lãi. Tiền nhập hàng, tiền đầu tư vào bao nhiêu thì chị nhớ rõ và có ghi chép, nhưng tiền thu về lắt nhắt hằng ngày chị không tính được.
“Buôn bán bây giờ khó lắm, mình lại là dân tay ngang không chuyên nên rất ngại tính toán, nhiều khi bán còn bị hớ. Có lần nhớ nhầm giá - bán thấp hơn cả giá nhập, có lần để khuyến mại quá đà – giảm 15% lại còn freeship (miễn phí vận chuyển – PV), đến lúc khách đưa địa chỉ ở tận TP.HCM tiền gửi vào đó hơn cả tiền lãi, nhưng đã trót nhận đơn hàng rồi thì phải giữ chữ tín. Rồi những mẫu lẻ size khó bán thì phải thanh lý dưới giá nhập để thu hồi vốn”, chị chia sẻ.
Giờ đã thuê cửa hàng, lượng khách online khá ổn định nhưng tiền lời chưa đủ để thuê nhân viên nên chị Mến vẫn phải tự cáng đáng. Ngày 8 tiếng ở cơ quan, tối về lại trông cửa hàng, mục đích “giết” thời gian của chị đã vượt chỉ tiêu khi giờ đây chị không còn thời gian cho các sở thích cá nhân.
“Công việc ở cơ quan không quá áp lực nên nghĩ có thể kinh doanh thêm. Nhưng giờ lại khiến mình quá bận, nhiều lúc muốn đi chơi với bạn bè khách lại hẹn đến xem đồ. Có những hôm trời mưa lạnh không gọi được shipper (người giao hàng – PV) thì phải lọ mọ tự đi, đến nơi gọi cho khách thì không liên lạc được, vừa bực vừa tủi”, chị nói.
“Lời lãi thì chưa thấy đâu, cũng hơi vất vả thật nhưng mình thấy việc buôn bán khá thú vị. Đầu tiên là hợp với sở thích thời trang của mình, mình săn được những mẫu mới, độc lạ, bản thân cũng được dùng luôn, cảm giác mua được đồ với giá gốc rất vui. Buôn bán cũng giúp mình “tinh đời” hơn, ví dụ như trước kia mua một cái áo chỉ biết là nó đẹp về kiểu dáng chứ mù tịt về chất liệu, nhưng giờ mình biết loại vải nào tốt, loại giày nào bền, loại kính nào ổn cho mắt, ….”, chị chia sẻ thêm.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét