Thứ Tư, 6 tháng 5, 2015

Bỏ việc đi buôn – nỗi buồn người thất bại, bí quyết kẻ thành công

Bỏ việc đi buôn với dân công sở luôn có khá nhiều thị phi đi kèm. Thành công chẳng ai biết, nhưng thất bại thì mọi người đều chê.

Có rất nhiều người khởi nghiệp bằng con đường kinh doanh. Họ học 4 – 6 năm đại học, ra trường là bắt tay ngay vào việc kinh doanh, xin vốn từ gia đình hoặc vay bạn bè, cũng có thể là do tích cóp trong suốt thời học sinh sinh viên. Nếu thành công, đó là tấm gương sáng ngời cho mọi người học tập. Nếu thất bại, chẳng ai chê cười họ, vì tuổi trẻ phải có va vấp. 

Nhưng đối với dân công sở, bỏ việc đi buôn, từ một nghề nghiệp ổn định bước chân vào con đường đầy may rủi, thì có khá nhiều điều thị phi đi kèm. Thành công chẳng ai biết, nhưng thất bại thì một truyền mười, ai cũng cho rằng dại dột, đột nhiên bỏ việc ngon giờ thành ra thất nghiệp hoặc ôm nợ vào thân.

Thất bại cay đắng và nỗi ấm ức vì bị cười chê

Chia sẻ về vấn đề này, Nguyễn Thanh Hương, 26 tuổi, chủ một shop quần áo mẹ và bé cho biết, tốt nghiệp đại học, Hương may mắn được nhận vào làm ở một chi nhánh ngân hàng. Nhưng được gần 1 năm thì Hương nghỉ việc vì mức lương thấp hơn kỳ vọng. Thêm vào đó, cô nàng quen một đầu mối chuyên đổ buôn hàng thời trang với lời mời chào “rót mật vào tai” và hứa sẽ hỗ trợ nếu mở cửa hàng. Thế là Hương chẳng nghĩ ngợi nhiều, viết ngay đơn xin nghỉ việc, trở về hí hửng tìm thuê mặt bằng. 

Ban đầu Hương làm rất bài bản, thuê mặt bằng be bé, tận dụng phòng trọ làm kho chứa hàng, chụp ảnh các mẫu đồ của mình rồi rao bán trên một shop online, nếu khách đặt hàng nhiều thì lấy nhiều, ít lấy ít, cảm giác chẳng tốn bao nhiêu tiền. 

Thế nhưng, đến khi gian hàng mở được một thời gian, Hương mới thấy mọi chuyện không dễ như mình nghĩ. Đối thủ cạnh tranh quá nhiều, giá mỗi nơi một kiểu, lại nhiều nơi có đồ “độc” hơn của mình, khách hỏi nhiều nhưng thực tế đặt hàng chẳng bao nhiêu. Nếu bảo khách đặt tiền trước rồi gửi đồ sau thì chẳng ai chịu vì sợ bị lừa. Nhưng khi ship hàng tới tận nơi, khách chê không hợp, không thích, vặn vẹo đủ kiểu và trả lại hàng khiến cô nàng bực phát điên. 

Thời gian đó, cô nàng còn stress hơn cả hồi đầu mới bước chân vào ngân hàng. Nhiều đêm mất ngủ vì cả tuần trời không bán được một món nào. Hơn thế nữa, bố mẹ Hương gọi điện hỏi thăm, biết chuyện Hương bỏ việc ngân hàng để kinh doanh quần áo, đã mắng cô nàng rất nặng lời.

“Lúc đó em rất buồn và thất vọng. Em hối hận vô cùng vì đã bỏ việc. Thà rằng cứ sáng đi tối về, làm việc chăm chỉ cuối tháng lĩnh lương, thấp cũng được còn hơn đánh cuộc làm giàu nhờ việc buôn bán. Lúc đấy em cũng thấy bản thân mình ngốc nghếch. Mùa hè em vẫn ôm một lô hàng mùa đông không biết để đâu cho hết. Thậm chí một số hàng bị lỗi mà khi nhập hàng em không biết, đến khi đưa khách thử mới vỡ lở ra chính mình cũng bị lừa”, Hương cười buồn. 

Hương còn cho biết thêm, hàng thời trang dù không bán được, nhưng vì để đảm bảo có mẫu mới để quảng cáo, cô nàng vẫn phải nhập thêm về với hy vọng khách tới xem đồ mới thì tiện thể liếc nhìn mẫu cũ, rồi may ra ưng ý chiếc nào thì mua. Vì thế mà số lượng hàng của Hương cứ tăng dần, cửa hàng chật kín, số vốn bỏ ra ngày càng nhiều mà không thu về được bao nhiêu. 

bỏ việc đi buôn
Thất bại là điều không tránh khỏi khi thiếu kinh nghiệm kinh doanh (Ảnh minh họa)

Sau một năm cố gắng duy trì cửa hàng và kênh bán hàng online cuối cùng Hương cũng không còn sức chống đỡ nữa. Cô nàng rao thanh lý trên mạng. Nhưng thanh lý cũng có cái khó của nó. Nếu bán quá rẻ, thì số vốn thu hồi chẳng được bao nhiêu. Mà nếu bán tăng giá thêm một chút để gỡ gạc, ai cũng kêu đắt. Cuối cùng Hương nhượng toàn bộ cửa hàng cho người khác với số tiền chỉ bằng nửa số vốn bỏ ra. 

“Mặc dù thu hồi lại được ít, nhưng em cũng cảm thấy như trút được gánh nặng vậy. Có hơn một năm kinh doanh nho nhỏ mà em đã già đi cả chục tuổi, không biết nếu hồi ấy em đòi làm ăn lớn thì giờ em nhìn tàn tạ như thế nào rồi. Em thấy thèm cái cảm giác được mặc váy công sở, sáng sáng trang điểm nhẹ rồi đến công ty ngồi máy lạnh, nói chuyện vui vẻ với đồng nghiệp”, Hương cười nói. 

Hương kể, cô nàng cũng nhận được rất nhiều lời chê bai từ phía đồng nghiệp cũ và bạn bè, người thân. Đa phần đều cho rằng Hương ngốc nghếch, không biết tính toán, lanh chanh. Có người ác ý còn châm chọc Hương là “Mặt đó thì biết gì mà kinh doanh”. Khiến Hương vô cùng ấm ức nhưng vì bản thân làm ăn thất bại nên không cãi lại được. 

Sau cuộc kinh doanh thất bại đó, Hương từ bỏ ước mơ làm giàu bằng con đường buôn bán. Cô nàng nhận ra bản thân không có tố chất kinh doanh nên lại ngoan ngoãn nghe lời bố mẹ đi xin việc ở khắp nơi. May mắn cho Hương là đã vượt qua được kỳ phỏng vấn của một công ty xuất nhập khẩu, được nhận vào làm kế toán và bắt đầu lại chuỗi ngày làm “chân chạy vặt”.

Thành công nhờ "duyên kinh doanh" hay chọn đúng hướng?

Không đột nhiên chuyển sang kinh doanh như những người khác, chị Lê Vũ Thanh Hà (32 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) từng có kinh nghiệm buôn bán nhỏ lẻ trước khi chuyển hướng sự nghiệp.
 
Chị Hà làm trong một công ty nội thất, mảng chính của chị là kinh doanh nên quen biết khá nhiều. Bố mẹ chị làm chả cá, chả mực rất thơm ngon vẫn bán hàng ngày ở chợ. Vì thế mà trong khi đi làm chị thường nhận được nhiều đơn hàng. Ban đầu là đồng nghiệp trong công ty, mua xong họ còn lên facebook của chị “phát biểu cảm tưởng” nên dần dần rất nhiều người biết và số lượng người đặt hàng cứ tăng dần lên. 

Sau rồi bố mẹ chị không thể làm đủ để cung cấp cho chị bán và bán ở chợ, nên chị Hà nghỉ hẳn về nhà mở cơ sở, xin giấy phép để sản xuất chả cá, chả mực, làm thành thương hiệu riêng của mình. 

bỏ việc đi buôn
Khi xác định bỏ việc đi buôn, ai cũng đều có định hướng và sự chuẩn bị của mình (Ảnh minh họa)
“Mình làm trong công ty hơn 4 năm rồi, đâu phải nói bỏ là bỏ ngay được. Đắn đo suy nghĩ mãi, hỏi ý kiến của bố mẹ hai bên, chồng và đứa con trai mới 5 tuổi nữa. Bố mẹ mình thì phản đối gay gắt lắm. Bố mình cho rằng nếu mình bỏ việc đi buôn thì dù thành công đến mấy, trong mắt người khác mình vẫn là đứa không có công việc ổn định. Bố mẹ chồng cũng bảo do mình đi làm, mọi người nể mặt mình nên mới mua hàng. Khi mình nghỉ việc rồi, chẳng ai đoái hoài tới nữa đâu. Nghe ông bà nội ngoại nói như thế, mình cũng có hơi chột dạ. Nhưng chồng mình ủng hộ mình. Anh bảo mình cứ làm gì mình thích, miễn sao suy nghĩ cho kỹ càng. Thế là trăn trở gần tháng trời, liên tục bận việc bán chả hơn việc bán đồ nội thất, nên mình quyết định bỏ việc”, chị Hà chia sẻ.

Chị về mở cửa hàng, theo chân bố mẹ đi chọn mua nguyên liệu, thay đổi cách đóng gói hàng. Từ số lượng khách quen ban đầu và khách mua lẻ, khách làm nhà hàng, dần có nhiều người liên lạc với chị muốn làm đại lý ở xa. Chính bản thân chị Hà cũng không nghĩ được rằng mình lại có duyên kinh doanh đến vậy. Sau rồi chị chỉ làm mỗi công việc là ngồi ghi chép đơn hàng, thu tiền và liên hệ với khách hàng, không đụng vào việc sản xuất nữa. Nhưng chị vẫn luôn để mắt tới khâu chọn nguyên liệu và vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Chị Hà kể, chị căn dặn mẹ chị rất cẩn thận rằng, dù có nhiều hàng như thế nào cũng không được làm ẩu, đem uy tín chất lượng của mình ra đánh đổi. Vì thế mà đến nay, cơ sở sản xuất của chị càng ngày càng phát triển.

Chị cho biết, thành công của chị là do tích lũy kinh nghiệm từ những lần buôn bán nhỏ lẻ trước đó. Đồng thời gia đình chị cũng có truyền thống làm chả cá chả mực. Chị không kinh doanh món nào xa lạ mà tận dụng luôn những hiểu biết về “đồ nhà mình" để làm lợi thế kinh doanh.
Không phải dân công sở nào bỏ việc đi buôn cũng gặt được thành công. Nếu đã có can đảm bỏ việc để chọn con đường kinh doanh, tức là bạn đã có định hướng và sự chuẩn bị của riêng mình. Nhưng trước khi bắt tay vào việc, hãy xem mình có chọn đúng ngành nghề, đúng sở thích, bắt kịp xu hướng của thị trường hay không? Ngoài ra, “duyên bán hàng” cũng là một yếu tố khá quan trọng nữa đấy!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons