Rất nhiều email xin việc mở đầu không kể về năng lực bản thân mà lại kể về hoàn cảnh. Có đến 99% nhà tuyển dụng sẽ bỏ qua những thư xin việc kiểu này
Nữ doanh nhân 9X Tuệ Nghi chia sẻ những vấn đề có thể khiến bạn không tìm được việc làm.
Tất nhiên ngoài những nguyên nhân khách quan về năng lực, sự phù hợp với vị trí công việc, chất lượng sản phẩm, các điều kiện liên kết… thì những điều mà tôi sắp liệt kê dưới đây cũng là nguyên nhân góp phần làm giảm sự thành công về mặt giao tiếp của bạn với nhà tuyển dụng hay đối tác, mất luôn những cơ hội mở trong tương lai.
Thứ nhất, người xin việc sa vào kể lể hoàn cảnh
Rất nhiều email xin việc mở đầu không kể về năng lực bản thân mà lại kể về hoàn cảnh. Có đến 99% nhà tuyển dụng sẽ bỏ qua những thư xin việc kiểu này.
Ở giai đoạn họ chưa biết bạn là ai hoặc chưa có đủ thời gian để tương tác với bạn, thì tất nhiên họ cũng không có nhu cầu biết về những vấn đề cá nhân của bạn. Nếu bạn muốn chia sẻ, hãy đợi sau khi đủ thân thiết để có được sự đồng cảm thật sự.
Thứ hai, gửi quá 3 email với cùng một nội dung vào hòm email của đối tác hay nhà tuyển dụng
Spam email là điều rất khó chịu đối với kỳ ai. Thiện cảm sẽ mất đi khá nhiều nếu bạn làm việc này.
Thứ ba, lấy câu chuyện 'nói xấu' người khác làm quà ra mắt
Đối tác vừa đề cập đến một bên thứ ba, bạn nhảy ngay vào ngang họng để tặng họ một thông tin không mấy gì tốt đẹp về bên thứ ba đó nhằm thể hiện sự nhanh nhạy trong nắm bắt thông tin.
Nhà tuyển dụng vừa gợi ý đến sếp cũ, công ty cũ, đồng nghiệp cũ của bạn, bạn liếng thoắng nói về họ với những lời lẽ không mấy tích cực để gợi lòng "thông cảm" cho nhà tuyển dụng mới.
Bạn ngộ nhận rằng tất cả những điều trên sẽ là món quà ra mắt đầy ấn tượng với đối phương? Rất tiếc bạn đã nhầm, không đối tác hay nhà tuyển dụng nào muốn làm việc với một người như vậy. Bởi vì biết đâu một ngày bạn không vui, chính họ sẽ trở thành quà ra mắt ấn tượng cho bên khác?
Hãy biến sự chưa thành công thành một cơ hội mở, là tiềm lực trong tương lai.
|
Thứ tư, không phải lúc nào im lặng cũng là vàng
Khi bị email từ chối ký hợp đồng, từ chối nhận bạn vào làm việc. Cảm giác đầu tiên là sự thất vọng, tất nhiên, nhưng dù có cảm giác gì đi chăng nữa thì cũng hãy lịch sự reply email đó, một lời cảm ơn và một lời chúc chân thành. Nhờ vào email đó, khả năng đối tác hay nhà tuyển dụng trở lại với bạn vào lần sau là rất cao. Nhưng nếu bạn im lặng, cơ hội đó bằng 0.
Thứ năm, ứng xử bất cẩn trên mạng xã hội
Nếu hôm nay bạn chưa ký được hợp đồng với đối tác nào đó, có một vài sự khó chịu xảy ra với bạn trong quá trình thương thảo. Không việc gì cả, cơm chưa nấu thì gạo vẫn còn. Hãy biến sự chưa thành công thành một cơ hội mở, là tiềm lực trong tương lai.
Đừng vội trút sự bực dọc, ca thán thậm chí là xỉa xói của bạn lên mạng xã hội. Đừng nghĩ mạng xã hội là bao la đến mức họ không thể tình cờ đọc được những gì bạn viết. Tôi đã từng gặp phải trường hợp này, nhân viên của một công ty thương mại điện tử tham gia comment, bôi xấu tôi trên Facebook chỉ vì tôi từ chối ký kết với cậu ấy.
Tất nhiên, lời xin lỗi của cậu ấy không thể nào xây dựng lại sự sụp đổ mà chính cậu đã tạo ra trước đó. Và kết quả thế nào thì hẳn là mọi người cũng biết. Cậu ấy tự đóng tất cả các cánh cửa cơ hội tiềm năng, ít nhất là đối với tôi và những người tôi có thể biết.
Trên đây là 5 trong rất nhiều điều có thể dẫn đến việc mất cơ hội nghề nghiệp nếu bạn phạm phải. Điều nào đã từng, thì hãy rút kinh nghiệm, chưa từng thì hãy ghi nhớ để tránh. Đôi khi việc lớn bất thành chỉ vì những lý do tưởng chừng như rất nhỏ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét