Với số vốn 100 - 150 triệu đồng, tìm
mặt bằng phù hợp, dựng lều bạt, tiến hành quảng bá, người đứng ra tổ
chức một phiên chợ có thể thu về hơn 20 triệu chỉ trong 2 ngày cuối
tuần.
Ngọc Trâm (23 tuổi) ở quận Phú Nhuận, TP HCM cho biết, mỗi lần có nhu
cầu mua quần áo hoặc những món phụ kiện đi kèm, cô hay đến các chợ phiên
cuối tuần để tìm kiếm. Bởi ở đây có nhiều lựa chọn về sản phẩm, giá cả
cũng rẻ hơn khoảng 10-20%, thậm chí tới 50% so với bình thường.
Giống như Trâm, cứ vào cuối tuần, trên mạng xã hội, các bạn trẻ ở Sài
Gòn lại rủ rê nhau đến các phiên chợ kiểu này, lúc để ngắm hàng hóa, cập
nhật xu hướng mới, lúc để mua đồ giảm giá. Thậm chí, có những cuối tuần
diễn ra 2 - 3 phiên chợ cùng lúc ở những địa điểm khác nhau.
Chợ phiên có thể tổ chức ở trong một khu chung cư, nhà thi đấu, thậm chí là trên một bãi đất trống.
|
Ý tưởng kinh doanh chợ phiên ở Sài Gòn bắt đầu từ năm 2013, khi những
phiên đầu tiên được tổ chức định kỳ mỗi tháng một lần trong nhà hoặc
quán cà phê. Đây là nơi tụ họp của nhiều cửa hàng online với các mặt
hàng đa dạng về mẫu mã, chất lượng và giá cả. Tuy nhiên, khi mô hình này
bắt đầu phát triển, nhu cầu của khách hàng đi chợ phiên cũng tăng lên,
những phiên chợ dần được mở rộng về quy mô, cách tổ chức, địa điểm họp
chợ và tần suất họp.
Kinh doanh chợ phiên thật sự không quá khó, vì với số vốn trên dưới 100
- 150 triệu đồng, trong đó 30 - 40% dành cho thuê mặt bằng, phần còn
lại chủ yếu là lều bạt và công tác quảng bá, người kinh doanh đã có thể
tổ chức nên một phiên chợ.
Đầu tiên phải kể đến là mặt bằng. Dựa vào phân khúc khách hàng, người
tổ chức chợ phiên sẽ chọn địa điểm gần hoặc xa trung tâm để họp chợ. Một
mặt bằng được gọi là đẹp khi diện tích của nó từ 100 m2 trở lên để
người ra vào cảm thấy dễ thở và tọa lạc ở một địa điểm thuận tiện. Thông
thường, người tổ chức thích chọn mặt bằng trống ở các nhà thi đấu thể
thao, nhà văn hóa, khu chung cư... Mỗi gian hàng trung bình chỉ tầm 2-6
m2, tùy cách chia của ban tổ chức. Giá cho thuê trên thị trường hiện tại
dao động 600.000 - 900.000 đồng mỗi gian hàng một ngày. Như vậy, chỉ
trong 2 ngày cuối tuần, người tổ chức chợ phiên có thể thu về xấp xỉ 20
triệu đồng.
Với những phiên chợ mới nổi, việc định hình phong cách chợ rất quan
trọng. Chị Hồ Lê Thảo Trinh - thành viên ban tổ chức chợ phiên có tiếng
cho hay, một phiên chợ quy mô có thể thu hút khoảng 800-1.500 lượt ra
vào. Hiện ở TP HCM có rất nhiều loại chợ phiên, nhắm đến những đối tượng
khác nhau. Có những phiên chợ nổi tiếng bán đồ handmade độc lạ, giá rất
đắt. Có chợ là nơi tập trung của hàng si, đồ cũ. Hoặc có những phiên
chỉ chuyên bán đồ thiết kế... Chính vì hướng đến các đối tượng khác
nhau, nên mỗi phiên chợ sẽ chọn cho mình những shop có đặc trưng phù hợp
với phân khúc đã chọn.
Chợ phiên được xem là một cầu nối giữa các cửa hàng bán online với
khách hàng. Vì vậy, tham gia chợ phiên sẽ giúp cho các cửa hàng không
những xả được lượng hàng tồn kho mà còn được PR sản phẩm. Chị Hoàng Long
- chủ cửa hàng bán online đã từng thuê gian hàng chợ phiên chia sẻ:
“Lợi ích lớn nhất khi tham gia chợ là được giới thiệu shop mình với
khách hàng lạ. Họ sẽ biết nhiều hơn về sản phẩm của mình".
Theo chị Long, với những shop có tiếng sẵn, họ không sợ lỗ vì lượng
khách quay lại sau khi mua đồ tại chợ có thể lên tới 60%, vì khi khách
đã mua trong chợ, tức là họ đã thích sản phẩm đó sau khi dò giá, lựa
chọn và cân nhắc giữa các cửa hàng khác.
Ngọc Trần
0 nhận xét:
Đăng nhận xét