Chị Trang (Đống Đa, Hà Nội) bắt đầu bán một số món ăn sẵn như
ruốc, lạp sườn... trên một diễn đàn từ khoảng hơn một năm trước. Đầu năm
nay, chị bán thêm một số món tự chế biến và thấy số lượng khách đặt
hàng khá đông. Nhận thấy thuận lợi, gần đây, chị xây dựng website và đẩy
mạnh quảng cáo online, thuê thêm một đầu bếp, chưa kể những người phụ
việc theo giờ.
"Nhà hàng" của chị được lên thực đơn theo tuần khoảng 80 món, ngoài ra,
khách cũng có thể đặt món theo mong muốn. Bếp không phục vụ ăn tại cửa
hàng mà chỉ nhận đặt qua điện thoại, sau đó giao hàng tận nơi hoặc khách
tự đến lấy.
Bếp online thường không phục vụ tại quán mà chỉ nhận đặt qua điện thoại sau đó giao tận nơi hoặc khách tự đến lấy. Ảnh: NPH
|
"Thực đơn bao gồm cả những món ăn đơn giản hằng ngày cho đến món cỗ,
buffet... Thực phẩm chế biến cũng bao gồm nhiều loại nguyên liệu từ thịt
lợn, gà, bồ câu... đến cá, hải sản. Ngoài ra còn các món ăn sẵn như mắm
tép chưng thịt, ruốc, pate...", chị Trang cho biết. Vào những dịp
lễ, Tết đặc biệt như rằm tháng Bảy, Trung thu... thực đơn cũng có những
món phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Đợt Trung thu vừa qua, bếp của
chị cũng nhận đặt hàng các món bánh.
Theo chị Trang, nếu như trước đây, việc kinh doanh đồ ăn online chủ yếu
được các cá nhân triển khai một cách nhỏ lẻ với một vài món thì đến nay
mô hình được nhiều người mở rộng và chuyên nghiệp hóa hơn nhằm tạo dựng
uy tín với khách hàng.
"Mô hình này hình thành là do nhu cầu thực tế của chính khách hàng. Rất
nhiều bà nội trợ do bận việc công sở nên không có thời gian chuẩn bị
bữa ăn cho gia đình, hoặc đơn giản là muốn đổi món mà không phải ra nhà
hàng. Không ít người vào những dịp mời khách nhưng bận rộn nên cũng tìm
đến chúng tôi", chị Trang nói. Chị cho biết, có nhiều khách hàng còn đặt hàng gửi cho người thân ở nước ngoài.
Bếp ăn của chị Uyên, Tây Hồ lại chuyên bán các món ăn mặn bình dân dành
cho các bữa cơm gia đình hằng ngày như cá kho tộ, ba chỉ rang cháy
cạnh, cá nục kho nước mía, chả lươn cuốn lá lốt, thịt kho tàu...
Khai trương được hơn nửa năm, hiện bếp của chị có lượng khách khá ổn
định với khoảng 20-30 đơn hàng mỗi ngày, doanh thu từ 1,5-2 triệu đồng.
Doanh thu ở bếp của chị Trang mỗi ngày cũng đạt khoảng 3 triệu đồng.
Theo các chủ bếp, kinh doanh hình thức này điều quan trọng là phải đẩy
mạnh các phương thức marketing, quảng cáo online. "Khách hàng đa số là
dân văn phòng, ngồi máy tính thường xuyên nên tôi thường sử dụng mạng xã
hội, các diễn đàn và website của cửa hàng làm phương thức quảng cáo chủ
yếu", chị Uyên cho hay.
Hiện trên Facebook bếp online của chị Trang có hơn 15.000 người like.
Chị Trang cũng phát triển được hơn 10.000 khách hàng tiềm năng trên
trang mạng xã hội, chưa kể một số diễn đàn...
Một số chủ bếp cho biết, cách làm này là bước đệm để họ triển khai mở nhà hàng. "Mở
nhà hàng ngay, vốn đầu tư ban đầu rất lớn. Đó là chưa kể việc chọn lựa
địa điểm không dễ dàng, nếu không thành công thì dễ thua lỗ hàng trăm
triệu. Nếu phát triển được lượng khách ổn định mới mở nhà hàng có lẽ là
cách an toàn hơn", chị Tú, một chủ bếp chia sẻ.
Tuy nhiên, một số khác lại cho biết họ sẽ trung thành với mô hình bán
online nhằm giảm chi phí thuê mặt bằng, cạnh tranh bằng giảm giá thành
sản phẩm và dịch vụ. "Mở cửa hàng đòi hỏi tiềm lực tài chính, nhân
lực lớn, việc điều hành cũng phức tạp hơn. Hiện nay các nhà hàng cũng
phải cạnh tranh rất nhiều nên tôi chưa tính đến điều này", chị Trang
nói.
Ngọc Minh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét