Người lao động tìm tới trang web việc làm trực tuyến ngày càng tăng đã hấp dẫn nhiều công ty chuyên cung cấp dịch vụ tìm kiếm, thu hút nhân lực nước ngoài tới Việt Nam. M&A trong lĩnh vực này hứa hẹn sôi động hơn trong thời gian tới.
Lãnh đạo một công ty chuyên giới thiệu việc làm, cung ứng nguồn nhân lực ở quận Bình Thạnh, TP HCM cho biết, các tập đoàn nước ngoài ngắm nghía thị trường lao động tại Việt Nam từ năm 2006. Họ quan sát, tìm hiểu, phân tích kỹ những mặt mạnh, yếu điểm của các công ty "săn đầu người" trong nước và nhiều lần đặt vấn đề "hợp tác" với các đơn vị.
"Nguồn thu từ hoạt động kinh doanh website việc làm trực tuyến sẽ còn mở rộng vì xu hướng tuyển dụng thông qua các công ty giới thiệu nguồn nhân lực ngày càng tăng cao. Đây là yếu tố chính hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài", ông nói.
Động thái rõ nhất cho bước thâm nhập sâu hơn vào mảng kinh doanh việc làm tại Việt Nam là 2 thương vụ đình đám với VietnamWorks và Kiemviec thời gian qua.
Thương vụ Công ty đến từ Mỹ - CareerBuilder mua 100% và đầu tư toàn diện vào Công ty cổ phần Vietnam Online Network (VON) - đơn vị sở hữu một trong những trang tìm việc trực tuyến lớn tại Việt Nam là Kiemviec chính thức công bố cuối tháng 2.
Khi đó, ông Hunter Arnold, Chủ tịch CareerBuilder Châu Á Thái Bình Dương lý giải: "Trở thành đối tác chiến lược với VON sẽ đẩy mạnh bước tiến của CareerBuilder vào Việt Nam. Đây cũng là việc quan trọng khi mở rộng thị trường Châu Á".
Tới tháng 4, Navigos - chủ sở hữu website cung cấp dịch vụ việc làm trực tuyến Vietnamwork cho biết sẽ bán cổ phần cho nhà đầu tư Nhật Bản là Công ty en-Japan. Trị giá thương vụ không được hai bên tiết lộ. Tuy nhiên, đại diện một số quỹ đầu tư lớn cho biết tỷ lệ bán lên tới gần 90%, tương đương khoảng 22 triệu USD.
Sau lễ ký kết, VON chính thức đổi tên thành CareerBuilder Việt Nam. Ảnh: Kiên Cường
|
Theo chia sẻ của lãnh đạo nhiều công ty kinh doanh website việc làm trực tuyến,một số tập đoàn nước ngoài khác vẫn âm thầm thăm dò, tiếp cận với các công ty trong nước đề xuất chuyện mua bán, sáp nhập. Những công ty thị phần top trên được săn đón nhiều nhất, bởi họ đã có sẵn nguồn lực (doanh nghiệp tuyển dụng, số lao động thường xuyên truy cập) và định vị phân khúc rõ ràng.
Đại diện trang web Timviecnhanh cho hay, có một số công ty nước ngoài ngỏ ý muốn hợp tác nhưng Hội đồng quản trị đã từ chối. “Nếu hợp tác, chúng tôi chỉ chọn doanh nghiệp Việt vì không muốn rơi vào thế bị động trong việc cung ứng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trong nước”, ông nói.
Vị lãnh đạo này phân tích, 5 năm trước, người lao động chủ yếu tìm việc qua báo giấy, nhưng giờ đây họ có xu hướng tìm tới các trang web việc làm trực tuyến. Nhiều trường hợp, doanh nghiệp chọn được ứng viên cấp cao, các vị trí quan trọng thông qua website tìm việc trực tuyến. Ngoài ra, Việt Nam là nước có dân số trẻ, trong độ tuổi lao động cao và số người dùng Internet ngày càng nhiều. Đây là điểm thu hút các tập đoàn tuyển dụng trực tuyến nước ngoài. Theo thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam vào cuối năm ngoái, số người sử dụng Internet hiện hơn 31 triệu người, chiếm 35,5%.
Ông cho biết thêm, JobStreet - trang tuyển dụng trực tuyến lớn khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng đang “dòm ngó” một số trang mạng việc làm tại Việt Nam nhằm đẩy mạnh hơn nữa sự hiện diện của họ.
Ông Đỗ Thanh Năm, Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty tư vấn và hỗ trợ chiến lược Win – Win cho rằng đây là thời điểm thích hợp để những công ty nước ngoài thực hiện thương vụ mua bán với các công ty tuyển dụng trực tuyến trong nước. Tình hình kinh tế chưa có nhiều khởi sắc là cơ hội cho các nhà đầu tư đàm phán giá chuyển nhượng ở mức hấp dẫn.
Ông phân tích, hiện các công ty cung cấp nguồn nhân lực cũng gặp khó khăn tương tự như những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh. Đơn cử, ngay cả hệ thống ngân hàng đã sa thải hơn số 30% lao động. Tuy nhiên, kinh tế gặp khó chỉ là tạm thời và nhu cầu về nguồn nhân lực sẽ tỷ lệ thuận với sự phát triển của nền kinh tế và kinh doanh việc làm trực tuyến còn nhiều cơ hội phía trước.
Phương Mai
0 nhận xét:
Đăng nhận xét