Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

Làm sếp phải chịu cô đơn

Lâu nay, người ta chỉ nhìn thấy sếp bận rộn trong vai trò lãnh đạo, ăn mặc chỉn chu và hay xuất hiện chốn đông người. Nhưng quỹ thời gian ít ỏi còn lại của sếp tưởng chừng như không đủ để buồn lại chứa chất nỗi niềm rất riêng.
Vừa bước vào cửa phòng, chị Nguyên - giám đốc công ty truyền thông ở Hà Nội giật mình khi nghe tiếng 2 nhân viên thì thầm: "Từ hồi bỏ chồng, bà ấy ngày càng khó tính hơn. Mặt cau có thế thảo nào chồng không chịu nổi, bỏ là phải".
Chị Nguyên ngớ người và không tin nổi nhưng lời nói kia lại được phát ra từ chính những nhân viên của mình. Họ có biết đâu, một năm qua khi lựa chọn cuộc sống độc thân, chị đâu còn thì giờ để nghĩ đến chuyện chồng hay con. Lúc nào trong đầu chị cũng quay cuồng với câu hỏi làm thế nào để tăng doanh thu để nuôi sống doanh nghiệp. "Tôi đâu có lo cho bản thân mình mà đang nghĩ cách kiếm tiền để nuôi "những đứa con bất đắc dĩ" - hơn 20 nhân viên trong công ty", chị Nguyên than thở.
d
Đôi khi sếp thấy cô đơn trong chính căn phòng làm việc của mình. Ảnh minh họa.
Nửa năm qua, kinh tế mới phục hồi, ngành quảng cáo chậm chạp hồi sức. Các doanh nghiệp sau một thời gian chống chọi khủng hoảng chỉ dám chi rón rén cho công tác truyền thông, hợp đồng mà chị Nguyên dành về cho công ty cũng không được nhiều. "Những sếp như tôi kiếm tiền bục mặt, lúc nào cũng căng thẳng vì lo không có tiền trả lương cho nhân viên. Nhân viên lại tụ tập thì thầm nói mình khó tính. Thật không có nỗi buồn nào hơn", chị nói.
20 phút nói chuyện ngắn ngủi với VnExpress.net, chị Nguyên không ngớt than vắn thở dài: "Làm sếp chẳng hề sướng, có nhiều nỗi buồn không thể chia sẻ cùng ai. Khổ nhất là người thân hiểu lầm, nhân viên xa lánh. Đơn giản là đôi khi lo kiếm tiền, mặt cứ dài ra không nói với ai câu nào - nhân viên nghĩ sếp khó chịu, hách dịch. Sếp muốn có doanh thu, muốn nhân viên có thêm thu nhập nên thúc ép anh em làm việc thì bị cho là ác. Những hiểu lầm dẫn đến chuyện nhân viên ngấm ngầm chống đối, bằng mặt mà không bằng lòng. Khoảng cách giữa nhân viên và sếp cứ ngày một dài ra".
Rất nhiều sếp than thở với VnExpress.net chuyện gặp nhân viên ở cầu thang, ngoài hành lang chỉ nhận được câu chào qua loa. Thấy sếp ngồi ở bếp ăn tập thể, kiểu gì nhân viên cũng chọn cho mình góc khuất để tránh phải tiếp xúc, phải chuyện trò. Thậm chí, ngay cả khi ở chốn công cộng gặp sếp, nhân viên cũng cố lủi cho nhanh vì sợ sếp nghĩ mình đi chơi, không chịu làm việc.
Trong khi rất nhiều sếp quan niệm: Làm ra làm, chơi ra chơi. Khi làm thì hết sức, khi chơi thì hết mình. Thế nhưng, không phải lúc nào, nhân viên cũng thoải mái thực hiện các yêu cầu và mong muốn của người lãnh đạo.
Tổng giám đốc một hãng viễn thông lớn ở Hà Nội sau một thời gian âm thầm chịu cảnh "lủi thủi" đi ăn trưa một mình đã phải thốt lên: "Tôi có phải là cọp đâu mà từ phó giám đốc cho đến các trưởng phòng, nhân viên, chẳng ai chịu đi ăn với mình". Trừ khi phải tham gia các buổi tiệc chiêu đãi, tiếp đối tác, bạn hàng, những buổi trưa còn lại, vị sếp này vẫn lặng lẽ ăn một mình, rồi lại về phòng nghỉ.
Giám đốc hãng phân phối máy tính ở Hà Nội - Phan Đình Sơn cũng than thở: "Rất khó tìm được người chia sẻ trong môi trường làm việc. Khi khó khăn mình không thể nói thẳng với nhân viên rằng công ty đang khó khăn đấy, không làm việc cẩn thận là có thể bị sa thải. Thành thử chúng tôi cứ phải cố, cứ phải lo cho đến khi bị stress nặng mới thôi".
Có lẽ do thường xuyên phải một mình suy nghĩ, một mình lo lắng khi hàng không bán được, đối tác chậm thanh toán nên đôi khi anh Sơn bị cho là kỹ tính và đòi hỏi quá cao ở nhân viên mình. 5 năm kể từ khi thành lập doanh nghiệp, anh vẫn có thói quen đi ăn cơm một mình hoặc gọi cơm hộp về phòng làm việc. Anh chấp nhận điều này như một thực tế hiển nhiên. "Bản thân trong gia đình, đôi khi có những chuyện mình cũng không thể chia sẻ vì sợ họ lo lắng. Do vậy, làm sếp thì phải chấp nhận cô đơn thôi", anh Sơn cho biết thêm.
Danh vọng, thành tích mà các sếp đạt được là thứ không thể chối cãi nhưng cái mất của những người giữ vai trò lãnh đạo thì cũng khó mà phủ nhận. Các chuyên gia tâm lý cho rằng làm sếp cũng đồng nghĩa với việc phải chấp nhận áp lực công việc và những thiết thòi nhất định về phía mình. Bởi lẽ, các sếp không thể ngồi cùng phòng làm việc với nhân viên để thỏa sức tám chuyện, lại càng không có thì giờ để tụ tập với bạn bè.
Với những người có quá nhiều việc để làm như các sếp thì ngay cả việc bấm điện thoại để hỏi thăm bạn bè hay ai đó một câu "có khỏe không?" cũng là chuyện không dễ gì thực hiện được. Ai cũng hiểu rằng cảm giác cô đơn không mang lại lợi ích mà chỉ gây phiền toái cho con người, nhưng không phải người nào cũng tìm được cách để thoát ra. Khi đó, mái nhà, người thân được coi là bến đỗ bình yên nhất cho mỗi người. Và lời khuyên là: Khi bạn cảm thấy cô đơn, buồn chán đừng ngại ngần bấm máy điện thoại để gọi cho người mà bạn nghĩ tới đầu tiên.
Phan Linh Anh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons