Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

Khát vọng làm CEO của các bạn trẻ

Cách đây vài ngày tôi có nhận được email của một bạn sinh viên từng nghe tôi giảng dạy. Nội dung bức thư khá ngắn gọn, thông báo rằng bạn đó đã ra trường và lập công ty riêng.
Bạn nói về khát khao khẳng định mình và ước mơ trở thành một CEO có tên tuổi. Lẽ ra tôi phải hạnh phúc vì những học trò của mình đã không quên thầy mà thông báo tin vui, nhưng tôi lại thấy chút băn khoăn trong lòng.
v
Một ngày bận rộn của ông Cao Duy Phong. Ảnh: SVVN.
5 năm trở lại đây số lượng các công ty một thành viên và công ty cổ phần tăng rõ rệt. Trong đó đa phần các công ty này đều do những người trẻ thành lập và quản lý. Đó là tín hiệu đáng mừng vì chúng ta đang có một thế hệ trẻ năng động, dám nghĩ dám làm. Nhưng đối lập với sự gia tăng về số lượng, thì tuổi thọ trung bình của các công ty này ngày càng giảm mạnh. Có những công ty chỉ tồn tại được vài tháng đã đóng cửa. Đâu là nguyên nhân của hiện tượng này?
Ngày càng có nhiều bạn trẻ sau khi ra trường không xin đi làm mà huy động vốn của gia đình, ban bè và nhiều nguồn khác để mở công ty riêng. Họ là những con người có chí lớn và ấp ủ ước mơ, khao khát trở thành những CEO thực thụ. Đất nước đang trên đà phát triển, Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triền nền kinh tế ngoài quốc doanh như chính sách thủ tục hành chính thông thoáng, cơ cấu ngành nghề đa dạng. Đây là một thuận lợi lớn đối với các bạn trẻ trong quá trình thành lập công ty. Việc Việt Nam gia nhập WTO cũng mở ra nhiều cơ hội tốt cho những ai có thực lực, dám đương đầu với sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường.
Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi luôn là những khó khăn, trở ngại. Các công ty mới thành lập thường có số vốn hạn hẹp. Nếu không có những chiến lược phát triển cụ thể, bền vững các công ty này sẽ gặp phải vô số khó khăn về tài chính. Chưa có thương hiệu cũng là một vấn đề lớn trong việc tìm kiếm đối tác và cạnh tranh giành hợp đồng. Để chèo lái những con thuyền kinh tế vừa được hạ thủy này rất cần có những nhà quản lý thực sự vững vàng và dày dặn kinh nghiệm. Mà kinh nghiệm thì không phải doanh nhân trẻ nào cũng có, nên việc thất bại của các công ty trẻ cũng là điều dễ hiểu.
Ngày xưa khi còn là sinh viên tôi cũng có ước mơ thành lập công ty riêng, ước mơ đưa công ty của mình trở thành một tập đoàn có uy tín và tên tuổi. Nhưng tôi nghĩ muốn làm việc lớn phải bắt đầu từ việc nhỏ và tôi khởi nghiệp bằng cách đi làm thuê. Thực ra quãng thời gian mà tôi đi làm thuê cho người khác là quãng thời gian cho tôi những kinh nghiệm quý báu. Đó là cơ hội để tôi tập duyệt không mất phí, còn được trả lương nữa. Khi đã dày dặn kinh nghiệm, hiểu rõ phương thức kinh doanh tôi mới thành lập công ty và tự mình kinh doanh. Tôi đã tránh được rất nhiều rủi ro cho công ty của mình vì sự thiếu kinh nghiệm và kiến thức thực tế. Sau 3 năm tôi đã phần nào thực hiện được ước mơ của mình, tôi đã không đi nhầm hướng.
Quay trở lại vấn đề rất nhiều bạn trẻ đã chọn cách mở công ty riêng thay vì đi làm thuê. Bản thân tôi cho rằng các bạn đã bỏ qua cơ hội thực hành trên vốn và cơ sở vật chất của người khác. Tôi thấy nhiều bạn có vốn sẵn trong tay, mở công ty như một cách để khẳng định mình, không có định hình rõ rệt, thậm chí không kiên trì theo đuổi mục tiêu do mình đề ra. Những bạn trẻ như vậy chắc chắn sẽ không thể thành công trên thị trường ngày càng cạnh tranh quyết liệt.
Tôi ủng hộ những ai dám ước mơ và thực hiện ước mơ của mình. Nhưng trước khi làm gì các bạn cần suy nghĩ thật chín chắn và sâu sắc. Hãy nhìn vào những người đã thành công để học tập và nhìn những người đã thất bại để rút kinh nghiệm. Các bạn không cần đi quá nhanh mà hãy học và biết cách bước đi chắc chắn. Chúc tất cả các bạn thành công trên con đường mà mình đã lựa chọn.
Cao Duy Phong

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons