Từ bỏ công việc có thu nhập cao ở Sài Gòn, trở về quê hương làm giàu với mô hình kinh tế trang trại, Ngô Thanh Phong (34 tuổi, ở thôn Vĩnh Xuân, xã Bình Trung, H. Thăng Bình, Quảng Nam) vinh dự được T.Ư Đoàn trao tặng Giải thưởng Lương Định Của năm 2015.
Đầu năm 2012, cùng với số vốn tích góp được sau nhiều năm đi làm ăn ở Sài Gòn, Phong quyết định vay thêm ngân hàng 150 triệu đồng để xây dựng chuồng trại thử nghiệm chăn nuôi với mô hình hoàn toàn mới- nuôi heo trên nền đệm sinh học, mô hình trước nay ở địa phương chưa ai từng làm. Phong dành thời gian hàng tháng trời đọc sách về kỹ năng chăn nuôi, tham khảo các mô hình thành công trên mạng và gửi câu hỏi thắc mắc nhờ các chuyên gia tư vấn. Sau đó, Phong mạnh dạn sử dụng nguồn heo giống vốn có của gia đình để thử nghiệm và nhân rộng cả về số lượng và kỹ thuật. “Mô hình này giảm thiểu được ô nhiễm môi trường, giảm thời gian đầu tư cho chăn nuôi, heo ít dịch bệnh và tăng trưởng nhanh hơn so với nuôi thông thường”, Phong nói. Phong kể tỉ mỉ, nuôi heo đệm lót sinh học rất có lợi, lớp lót chuồng bằng trấu, mùn cưa khi gặp phân heo sẽ phản ứng lên men nên người nuôi không phải tốn công vệ sinh chuồng trại. Hiện tại, với số lượng heo chăn nuôi mỗi đợt 40-45 con, mỗi năm xuất từ 3-4 lứa, mô hình này đã thu lãi gần 100 triệu đồng.
Ngô Thanh Phong thành công với mô hình nuôi chim yến. |
Phong tiếp tục thử nghiệm mô hình nuôi chim yến. Theo Phong, xây dựng mô hình này ngay tại quê hương Thăng Bình rất phù hợp vì điều kiện tự nhiên thuận lợi, hơn nữa đây là mô hình đem lại thu nhập cao mặc dù kinh phí đầu tư ban đầu rất lớn. “Nuôi chim yến rất dễ sinh lãi vì không phải tốn tiền mua chim giống. Tất cả chỉ nhờ vào thiết bị dụ chim vào nhà và đặc biệt khu nhà dành cho chim phải được chúng ưng ý, chọn làm nơi ẩn nấp an toàn”-Phong cho biết. Hiện nhà yến của Phong có khoảng 300 cặp chim yến, mỗi tháng thu khoảng 4 lạng sản phẩm tổ yến, trừ chi phí còn không dưới 15 triệu tiền lãi. Việc chăn nuôi tiến triển khá thuận lợi đã tạo động lực để Phong tiếp tục đầu tư với quy mô lớn hơn, gầy dựng nhiều mô hình kinh tế kết hợp. Phong xây dựng thêm nhà dành riêng cho chim bồ câu. Từ 20 cặp ban đầu, đến nay nhà chim bồ câu của Phong đã có hơn 300 con, mỗi năm anh lãi thêm 35 triệu.
Có nguồn thu nhập ổn định từ các mô hình làm giàu nhưng chàng trai trẻ vẫn thấy băn khoăn khi chứng kiến nhiều người dân tại địa phương không có công ăn việc làm nào khác ngoài việc đồng áng. Hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó có tiêu chí về thu nhập và cơ cấu lao động, đầu năm 2014 được sự giúp đỡ của Phòng Kinh tế hạ tầng huyện, Phong mở cơ sở mây tre đan. Bà con nhận đem về đan lát thành sản phẩm hoàn thiện rồi nhập lại để Phong phân phối sản phẩm đi nhiều nơi.
Hiện tại, cơ sở của Phong đang tạo công ăn việc làm cho 30 lao động trong lúc nông nhàn tại địa phương, có thu nhập gần 3 triệu đồng/người/tháng. Tính tổng cộng, mỗi năm từ chuỗi mô hình kinh tế này Phong thu về gần 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Mặc dù bận rộn với việc làm ăn nhưng Phong luôn sẵn sàng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm làm ăn với bà con, tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội và là một trong những hạt nhân tiêu biểu của phong trào Đoàn tại địa phương. Chị Phan Thị Nhi- Bí thư Huyện đoàn Thăng Bình cho biết: “Điều đáng quý ở Phong không chỉ là việc phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập cho bản thân mà anh còn tham gia giải quyết công ăn việc làm cho thanh niên tại địa phương và tích cực tham gia, đồng hành với các hoạt động của Đoàn, của Hội. Tin tưởng rằng tấm gương khởi nghiệp của Phong sẽ trở thành cảm hứng khởi nghiệp cho nhiều bạn thanh niên nông thôn”.
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét