Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2016

Bấp bênh lao động di cư

Hàng năm, các thành phố lớn trên cả nước đều có hàng chục nghìn người lao động di cư (NLĐDC) đến làm ăn sinh sống. Tuy nhiên, lực lượng lao động quan trọng này còn khó khăn và thiệt thòi trong việc tiếp cận các chính sách về an sinh xã hội.
Cần sớm đưa ra chính sách phù hợp để đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động di cư. Ảnh: HỮU LINH.
Nhiều rào cản…
Từ nhiều năm nay, giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho NLĐDC luôn là điều nhức nhối đối với các cơ quan quản lý. Trong khi đó, bản thân nhóm người này lại mang tâm lý “người yếu thế” và không có khả năng đấu tranh vì lợi ích của mình. Không ít người lao động tại Khu công nghiệp vừa và nhỏ Bắc Từ Liêm khi tiếp xúc với phóng viên nói rằng họ mới chỉ nghe tới Bảo hiểm y tế mà không biết có Bảo hiểm xã hội. “Vì tụi em ít học nên không am hiểu luật. Bây giờ nghèo, xác định có việc làm là tốt lắm rồi, bảo hiểm hay chế độ cũng không quan trọng bằng có công việc và có lương”, chị Thanh Nhàn (Sơn Tây) lý giải.
Bên cạnh đó, nhiều NLĐDC khác cũng đành chấp nhận những “sự phân biệt” trong xã hội một cách đầy cam chịu. Chị Lương Thị Thùy (Vĩnh Phúc) cho biết: “Tôi bán hàng rong đã 7 năm nay. Có chỗ ở tạm trên thành phố là may rồi, chứ không có hộ khẩu ở thành phố, giá điện nước có cao gấp đôi, chứ gấp ba thì cũng chỉ biết chấp nhận thôi”.
Anh Đinh Văn Hùng (Phú Thọ) làm ở Khu công nghiệp vừa và nhỏ Bắc Từ Liêm chia sẻ: “Tôi làm phòng lắp ráp đồ điện tử, mỗi ngày làm 8 tiếng, kể cả Chủ nhật. Nếu làm bình thường thì 5 giờ tan làm, tăng ca thì 8 giờ tối mới xong việc”. Khi được hỏi về vai trò của Công đoàn trong công ty thì anh Hùng thở dài: “Công đoàn là người của công ty, ăn lương công ty thì làm sao dám đứng về phía người lao động (?)”. Cũng theo anh Hùng, không ít hộ gia đình ở khu công nghiệp phải chấp nhận cho con của họ học ở quê và xa bố mẹ cũng chỉ vì họ không có hộ khẩu ở thành phố.
Theo kết quả nghiên cứu về “Rào cản pháp luật và thực tiễn đối với người lao động di cư trong tiếp cận an sinh xã hội” vừa công bố trong khuôn khổ Chương trình Quyền Lao động của Oxfam tại Việt Nam, tỷ lệ thất nghiệp của NLĐDC cao gấp 5 lần người lao động nói chung (từ 15 tuổi trở lên). 99% NLĐDC khu vực phi chính thức không có bảo hiểm xã hội, vai trò của thanh tra lao động và Công đoàn còn hạn chế trong bảo vệ quyền lợi cho NLĐDC. 70% NLĐDC không nhận được hỗ trợ nào từ địa phương tạm trú. 2/3 NLĐDC trong báo cáo phải trả tiền nước cao gần gấp ba lần và tiền điện cao gần gấp đôi so với dân địa phương.
Thực tế, cho đến nay chưa có chính sách hỗ trợ tạo việc làm dành riêng cho NLĐDC. Các chính sách việc làm chỉ tập trung vào đào tạo nghề và cung cấp thông tin về việc làm mà không tính tới việc đào tạo các kỹ năng mềm trong công việc và xã hội để NLĐDC, phần lớn là nông dân từ nông thôn ra, thích nghi được với môi trường làm việc công nghiệp và đô thị. Trong khi đó, nhận thức của NLĐDC về pháp luật và Bộ luật Lao động còn chưa cao, do đó khả năng thương lượng và đấu tranh quyền lợi còn hạn chế.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Lưu Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết: Nếu như quy định rằng NLĐDC là người lao động di chuyển khỏi nơi cư trú, từ tỉnh này đến tỉnh khác thì hiện tại nước ta có khoảng 5 triệu người thuộc nhóm NLĐDC. Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, pháp luật nước ta, cụ thể là Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội… không có sự bất kỳ sự phân biệt giữa lao động di cư và người bản địa. Tuy nhiên, thực tế mức độ NLĐDC được bảo vệ vẫn còn hạn chế bởi số lượng cung về các dịch vụ xã hội thấp nên tự hình thành phân biệt giữa người di cư và người có hộ khẩu.
Cùng chung nhận định trên, bác sỹ Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng nhận định: “Việc làm của người di cư luôn bấp bênh và thiếu chế độ là điều đáng báo động. Lấy ví dụ đơn giản, trong ngành xây dựng, có rất nhiều công nhân trong các công trình xây dựng, bản thân họ không hề có chế độ bảo hiểm, chỉ đơn giản là chủ đầu tư ký kết với chủ thầu. Còn các chế độ an sinh xã hội liên quan tới người lao động thì chủ đầu tư không cần quan tâm”.
Cần nỗ lực đổi mới
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát Nhân dân) cho biết: Yếu tố làm thay đổi cơ bản giữa NLĐDC và người bản địa đó chính là hộ khẩu. Chừng nào chúng ta chưa giải quyết được vấn đề này thì chừng đó NLĐDC còn gặp nhiều thiệt thòi. Hiện tại, đã có đề xuất bỏ hộ khẩu, nhưng phải có lộ trình. Để tiến tới bỏ hộ khẩu thì trình độ pháp lý phải được nâng lên tương xứng, dân trí phải cao hơn.
Ông Đỗ Cảnh Thìn cho biết thêm, nếu như bỏ hộ khẩu vào thời điểm hiện tại sẽ không quản lý được, ảnh hưởng tới trật tự xã hội, dân cư thì lại là một vấn đề lớn. Để giải quyết được vấn đề trước mắt, cần phải thay đổi trong tư tưởng những người làm hành chính. Chừng nào tư tưởng của một số cán bộ công chức không vì dân mà vì bản thân mình vẫn còn tồn tại thì luật pháp có tiến bộ mấy, họ vẫn có cái cớ để gây phiền hà, sách nhiễu.
Hiện tại, tuy rằng luật pháp không có sự phân biệt giữa NLĐDC và người có hộ khẩu, song thực tế cho thấy NLĐDC vẫn còn một khoảng cách rất xa để chạm đến hai chữ “công bằng”. Theo bác sỹ Nguyễn Thu Giang, đã đến lúc chúng ta cần có một cơ quan quản lý tập trung để giải quyết tổng thể, nhất quán nhiều khía cạnh của người di cư. “Hiện nay, liên quan tới vấn đề việc làm, NLĐDC phải liên hệ với một đơn vị quản lý; liên quan tới bảo hiểm lại là một đơn vị khác… Điều này làm cho vấn đề đang tồn tại trở nên phức tạp hơn rất nhiều”.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề NLĐDC, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề về xã hội của Quốc hội khẳng định: Quốc hội đã có nhiều biện pháp khác nhau nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐDC. Cụ thể, các tỉnh, thành phải trích một nguồn ngân sách nhất định cho lao động di cư, song việc thực thi vẫn chưa hiệu quả.
Bên cạnh đó, Ủy ban cũng luôn đề nghị chính quyền cơ sở phải coi lao động di cư như là người địa phương để giải quyết các vấn đề này. Đối với người lao động vào các doanh nghiệp thì tổ chức Công đoàn, chính quyền địa phương phải khảo sát, xem xét, cân nhắc chế độ đối với NLĐDC.


NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons