Ảnh minh họa
Thỉnh thoảng có mấy bài báo tiết lộ về thu nhập “ khủng”, toàn được tính bằng ngoại tệ của stylist khiến cho mắt tôi “sáng rực”, tôi hăm hở bắt tay vào nghề và tưởng tưởng về một viễn cảnh tôi có thể shopping thỏa thích, không phải đắn đo suy tính gì. Thế nhưng sự thật khiến cho tôi “hoa mắt chóng mặt”.
Ảnh minh họa
“Thương vụ” đầu tiên tôi nhận làm đó là lo trang phục, lên concept hình ảnh cho môt MC dẫn trong chương trình của nhà Đài, mức thù lao tôi nhận được là 500,000 VNĐ. Thu nhập “khủng” người ta hay nhắc tới, có lẽ chỉ là một trong những số ít và hiếm hoi. Còn hàng ngày những stylist như tôi vẫn cặm cụi kiếm “tiền lẻ”, làm stylist cho mỗi chương trình sẽ kiếm được khoảng 500,000, làm stylist cho một bộ hình thời trang thì thu nhập sẽ kiếm được từ 1- 2 triệu cho mỗi bộ ảnh. Nhưng công việc cũng không đều và thường xuyên, nên hầu hết những stylist như tôi, đều phải làm song song nhiều công việc khác nhau để vừa duy trình cuộc sống, vừa thoải chí đam mê.
Stylist nghề “sang chảnh”?
Nhiều người từng nghĩ nghề stylist thì sẽ rất oai, được mặc những bộ quần áo thời trang, bước đi từ những đôi giày gót nhọt cao chót vót, và đứng chỉ tay năm ngón, sẽ có trợ lý riêng. Ôi không! Điều đó chỉ thực sự có trong những bộ phim của Mỹ, còn thực tế ư? Trời mùa hè nóng bức để lo được mấy bộ trang phục cho khách hàng, tôi phải tự chạy nhong nhong ngoài đường để tìm kiếm đồ, tìm được đồ ưng ý rồi thì sẽ tìm cách liên hệ năn nỉ thuyết phục, để làm sao người ta đồng ý cho mình mượn đồ. Càng những món đồ đẹp, nổi tiếng, đắt tiền, càng làm khó cho những stylist như chúng tôi, vì đâu phải ai cũng yên tâm tin tưởng mà giao cho bạn mượn một món đồ quý giá, có giá trị.
Ảnh minh họa
Công việc của một stylist lúc nào cũng phải đối mặt với tỉ thứ rủi ro. Khi ngôi sao mặc một bộ váy đẹp người ta sẽ khen cô ấy đẹp, nhưng khi cô ấy mặc một bộ trang phục xấu, người ta sẽ truy tìm stylist của cô ấy là ai. Hoặc có những rủi ro mà bất cứ lúc nào cũng gặp phải, ví dụ có lần tôi liên hệ để mượn đồ , nhưng đến lúc tới lấy, bộ trang phục đó không còn, mà việc thì đang cần gấp, thế là lại phải chạy đôn chạy đáo để đi tìm đồ khác thay thế. Trong quá trình mượn đồ để tác nghiệp, đồ bị hư hại mất mát, thì stylist phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, đồ rẻ tiền thì đỡ, đồ đắt tiền, thì có khi thu nhập mấy tháng của stylist cũng chưa đủ đề bù vào.
Biết cách tự làm mới hình ảnh của chính mình.
Nhiều người nghe tôi kể thì sẽ thắc mắc làm stylist khổ vậy, thì làm làm gì, nhưng khi bạn đã thực sự làm một công việc mà bạn yêu thích và đam mê bạn sẽ thấy mỗi khi vượt qua khó khăn lại là thành tựu. Cảm giác nhìn thấy khách hàng của mình tự tin bước trên thảm đỏ hay bước lên sân khấu, tôi có niềm hạnh phúc khó tả.
Hơn nữa không phủ nhận một thực tế là nghề stylist giúp tôi có cơ hội được tiếp xúc với những xu hướng quần áo thời trang mới, giúp tôi biết cách tự làm mới mình mỗi ngày, biết cách làm đẹp cho bản thân nhiều hơn. Hình ảnh bên ngoài của bản thân cũng chính là cách giúp tôi tạo dựng được uy tín với khác hàng. Vì suy cho cùng muốn định hình phong cách thời trang cho người khác, trước hết phải là một người “diện đẹp” với chính mình.
Ảnh minh họa
Do bản chất và yêu cầu của công việc, nên những người làm stylist như tôi luôn có động lực để tìm tòi và sáng tạo trong công việc, không cho phép bản thân mình được lười biếng, tụt hậu. Công việc stylist cũng giúp tôi có cơ hội được đi đến nhiều nơi, gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người thú vị, để có những trải nghiệm quý giá.
Stylist cũng giống như bao nhiêu công việc khác, có những khó khăn, và có những thú vị riêng. Quan trọng nhất vẫn là cảm hứng đam mê và năng lực.
Và bởi vậy, nếu chẳng thể trở thành stylist cho người khác, thì trước tiên bạn cũng có thể trở thành stylist cho chính mình.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét