Trong quá trình hội nhập, nhu cầu tuyển lao động trình độ ngày càng tăng. Tuy nhiên, có một thực tế là ở những phân khúc việc làm yêu cầu trình độ cao, lao động Việt Nam được đánh giá tốt về tinh thần sẵn sàng học hỏi và làm việc chăm chỉ nhưng lại gặp nhiều trở ngại về ngoại ngữ.
Tiếng Anh được coi là kỹ năng thành thạo đương nhiên ở một số nước nhưng đây vẫn là một trong những rào cản chính khi tuyển dụng nhân sự ở Việt Nam.
Ba kỹ năng cho người Việt
Trước thềm Việt Nam tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Công ty tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks có thực hiện khảo sát với trên 2.500 người lao động về lợi ích và hạn chế khi tham gia AEC.
Theo đó, 91% số người cho biết việc Việt Nam gia nhập AEC sẽ có lợi cho mình. Có 2 lợi ích được nhiều người tán thành nhất, đó là cơ hội học hỏi và tác phong làm việc. Cụ thể, trên 52% người cho rằng họ sẽ có thêm “nhiều cơ hội học hỏi và cọ xát với các chuyên gia và tài năng từ các nước trong khu vực ASEAN.”
Còn khoảng 46% cho rằng “văn hóa và tác phong làm việc quốc tế sẽ cải thiện văn hóa và tác phong làm việc hiện tại ở Việt Nam theo chiều hướng tốt hơn”. 70% trong số này cũng cho rằng người lao động Việt Nam đủ khả năng cạnh tranh với nhân lực ngoài nước khi Việt Nam gia nhập AEC.
Về những điểm bất lợi khi gia nhập AEC, nhiều người lao động cũng đã tỏ ra sự thiếu tự tin. Bất lợi lớn nhất mà đến 84% người đưa ra là có quá nhiều đối thủ cạnh tranh hơn trên thị trường lao động Việt Nam vì họ là những người thông thạo tiếng Anh. Bất lợi thứ 2, được nhiều người tán thành là “vì có nhiều lựa chọn ứng viên hơn, nhà tuyển dụng và doanh nghiệp có thể giảm mặt bằng lương bổng.”
Qua kết quả này, Giám đốc điều hành VietnamWorks Gaku Echizenya thừa nhận: “Chúng tôi thấy rằng đã có một nhóm nhỏ người lao động Việt Nam thiếu tự tin do khả năng ngoại ngữ kém, thiếu kỹ năng đàm phán công bằng về lương bổng với nhà tuyển dụng. Sự thiếu tự tin này càng thể hiện rõ khi có gần 70% người trong nhóm này cho rằng người lao động Việt Nam không đủ sức cạnh tranh với nhân lực nước ngoài một khi Việt Nam gia nhập AEC.”
Để vững tin gia nhập AEC, cả hai nhóm người lao động lạc quan và bi quan về việc gia nhập AEC đều cho rằng có 3 kỹ năng quan trọng nhất mà người lao động Việt Nam cần trang bị và phát triển để sẵn sàng cho AEC. Kỹ năng ngoại ngữ được 89% số người khảo sát đánh giá là quan trọng nhất. Hai kỹ năng quan trọng tiếp theo là giao tiếp (62%) và xây dựng lãnh đạo/quản lý (34%).
Ông Gaku Echizenya, cho rằng nhìn chung, người lao động Việt Nam xem ngoại ngữ là yếu tố quan trọng nhất trong việc cạnh tranh với nhân lực nước ngoài trong AEC. Thực tế đăng tuyển trên VietnamWorks.com cũng cho thấy, chỉ có khoảng 41% vị trí đăng tuyển ưu tiên cho các hồ sơ được viết bằng tiếng Anh.
Với những quan điểm khá rõ ràng này về lực lượng lao động trẻ tại Việt Nam, ông Gaku Echizenya tin rằng nguồn nhân lực quốc gia này sẽ đạt được những tiến bộ rõ rệt khi chính thức hội nhập vào AEC.
Lo thua ngay trên sân nhà
Không chỉ mở ra nhiều cơ hội việc làm trong nước, mà lao động Việt Nam còn có cơ hội sang làm việc tại các thị trường khu vực, đặc biệt là đối với lực lượng lao động có chất lượng cao khi được tự do di chuyển trong khu vực.
Với 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển, người lao động có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn.
Tự do dịch chuyển là cơ hội lớn cho nguồn lao động có chất lượng cao của Việt Nam tương tác, cọ xát, để nâng cao kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp ở các nước tiên tiến trong khu vực, từ đó làm tăng tính linh hoạt và khả năng thích ứng với môi trường làm việc đa văn hóa, chuyên nghiệp.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc “tự do” này vừa là cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam, đồng thời cũng là thách thức không nhỏ khi một lượng lớn lao động từ các nước trong khối ASEAN vào Việt Nam sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh thực sự khốc liệt với lao động trong nước.
Lao động Việt Nam chưa tự tin khi dịch chuyển trong khu vực ASEAN. (Ảnh minh họa: Hồng Kiều/Vietnam+)
Cần cù vẫn chưa đủ?
Thời gian qua, lao động Việt luôn được đánh giá là có lợi thế vì cần cù, chịu khó, “giá rẻ”... Tuy nhiên, ông Mạc Văn Tiến, Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề (Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cảnh báo, khi tham gia ACE, sự tự do luân chuyển lao động vừa là cơ hội song cũng là thách thức không nhỏ khi một lượng lớn lao động từ các nước AEC vào Việt Nam, tạo nên cuộc cạnh tranh với lao động trong nước.
“Bên cạnh việc có kỹ năng nghề nghiệp giỏi, người lao động còn cần có ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác. Nếu người lao động Việt Nam không ý thức được điều này thì sẽ thua ngay trên ‘sân nhà’, bởi chúng ta khó cạnh tranh về trình độ tay nghề, chuyên môn với nhiều quốc gia trong AEC. Để thích ứng với hoàn cảnh mới, người lao động phải học hỏi ngoại ngữ tốt, cập nhật kỹ năng mới,” ông Tiến nhấn mạnh
Dưới góc độ đào tạo, bà Nguyễn Thị An Quyên, Giám đốc điều hành Học viện Anh ngữ Equest cho biết, tham gia AEC, với sinh viên, bên cạnh ngoại ngữ cần chủ động hơn trong việc xác định cho bản thân một phương pháp học tâp khoa học, học để “đi làm” chứ không phải học để thi. Ngoài ra, cũng cần chú trọng đến các kỹ năng công việc, kỹ năng làm việc độc lập, làm việc nhóm, quản lý thời gian để có được tư duy ứng dụng đúng đắn và đầy đủ lí thuyết vào thực tiễn, để làm tăng giá trị cho bản thân, nâng cao hiệu suất lao động.
AEC sẽ mở ra những cơ hội lớn cho những lao động Việt Nam có tay nghề cao, tiếng Anh tốt được làm việc ở các nước ASEAN với mức thu nhập cao hơn. Để nắm bắt cơ hội từ AEC và hạn chế tác động mặt tiêu cực của nó đòi hỏi người lao động phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu về chất lượng của doanh nghiệp để dành cơ hội cho mình./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét