Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Giấc mơ cà phê sạch của chàng trai trẻ Sài Gòn

24 tuổi, Lê Ngô Hải quyết tâm từ bỏ công việc có thu nhập ổn định để làm chủ cơ sở sản xuất và chế biến cà phê rang xay với doanh thu vài trăm triệu đồng mỗi tháng.


4 năm làm việc cho một tập đoàn công nghệ, phụ trách phân phối và bán lẻ sản phẩm Apple, nhưng vì đam mê thử thách và muốn làm chủ nên Lê Ngô Hải, chàng trai 24 tuổi ở TP HCM đã quyết định tạo cho mình bước ngoặt mới khi mạnh dạn mở một cơ sở cà phê rang xay.

“Năm 2012, khi báo chí liên tục phanh phui về những sản phẩm cà phê có pha trộn và tẩm hóa chất, cũng là lúc tôi thấy cơ hội mở ra cho mình. Thời điểm ấy tôi nghĩ, nếu cho ra đời một sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng sẽ dễ dàng gặt hái thành công hơn. Tôi lập tức bắt tay vào tìm hiểu kỹ về nguồn hàng cũng như quy trình chế biến”, Hải chia sẻ cơ duyên đến với nghề.



Lê Ngô Hải là chàng trai luôm đam mê thử thách. Ảnh: NVCC.


Đến cuối năm 2013, với số vốn dành dụm 70 triệu đồng, cùng sự hỗ trợ từ gia đình 100 triệu đồng cộng thêm mặt bằng có sẵn, chàng trai 24 tuổi này mở một quán cà phê diện tích 80 m2 tại Bàu Cát (Tân Bình).

Hải cho biết vì muốn mọi người thấy tận mắt quá trình chế biến rang xay, đồng thời cũng để nghiên cứu thêm nên đã đầu tư một chiếc máy rang xay khoảng 10 triệu đồng. Tuy nhiên, thời gian đầu thử nghiệm, Hải nhận thấy công suất của máy không đủ tạo ra thành phẩm với số lượng lớn nên vài tháng sau đó quyết tâm đầu tư thêm máy rang xay lớn hơn trị giá 200 triệu đồng. Còn máy rang xay nhỏ chỉ để phục vụ cho khách hàng trải nghiệm và tận mắt chứng kiến quy trình chế biến sản phẩm. “Khi khách hàng tới quán, người dùng có thể chứng kiến quá trình từ hạt cà phê nhân ra một ly cà phê như thế nào”, Hải nói.

Cũng vào thời điểm ấy, Hải nuôi ước mơ lớn hơn là sản xuất cà phê nguyên chất để cung ứng cho cả thị trường Việt Nam và xuất khẩu.

“Càng làm công việc mà mình đam mê, tôi càng cảm thấy thú vị. Thay vì chỉ tạo lợi nhuận trên mỗi ly cà phê, tôi còn ước mơ lớn hơn là kiếm lời trên từng tấn cà phê”, Hải bộc bạch.

Tuy nhiên, chàng trai này nhận thấy giấc mơ sản xuất và cung ứng cà phê trên toàn thị trường Việt Nam đã khó, xuất khẩu lại càng khó hơn. Nếu chỉ làm một mình trong thời điểm cạnh tranh khốc liệt này sẽ vướng nhiều trở ngại. Do vậy, Hải đã chia sẻ ý tưởng trên mạng xã hội và được nhiều người ủng hộ. Đến đầu năm 2014, anh đã tìm được 5 công sự để cùng tham gia vào việc chế biến và sản xuất cà phê, hợp tác theo phương châm ai có gì đóng góp đó, cả về vốn cũng như công sức. Cụ thể, người thì tham gia vào việc phát triển thị trường, người đóng góp về đất trồng cà phê, nguyên liệu…

Hiện nhóm của Hải có 30 ha cà phê ở Bảo Lộc, Lâm Hà (Lâm Đồng) đã được thu hoạch. Ngoài ra, mỗi năm nhóm Hải còn cam kết thu mua khoảng 10 tấn cà phê chất lượng với người nông dân ở Buôn Hồ (Đắk Lắk). Hiện nay, cơ sở chế biến cà phê của Hải mới được cấp chứng nhân UTZ (một chương trình chứng nhận toàn cầu, đưa ra các tiêu chuẩn về sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp có trách nhiệm, do tổ chức UTZ Hà Lan cấp).

Hải cho biết, là người nắm giữ và phát triển thị phần cà phê ở TP HCM nên mỗi tháng anh cung cấp cho thị trường một tấn cà phê bột. Ngoài ra, một số thành viên trong nhóm đang thử nghiệm phân phối và quảng bá sản phẩm ở một số tỉnh thành khác. Một thành viên nữa ở nước ngoài thì đang thiết lập thị trường Italia. Thời gian tới, nếu người tiêu dùng nơi đây tiếp nhận, nhóm Hải sẽ mở một cơ sở sản xuất cà phê tại đó. Vốn đầu tư vào khoảng 500.000 USD (xấp xỉ 10,5 tỷ đồng). Hải cũng cho biết thêm, doanh thu mỗi tháng từ cung cấp cà phê tại thị trường TP HCM cũng vài trăm triệu đồng, sau khi trừ tất cả chi phí, riêng Hải mỗi tháng thu được vài chục triệu đồng.

Chia sẻ về quy trình chế biến, Hải cho biết toàn bộ quá trình rang xay đều do nhóm tự làm, nên có khác biệt đôi chút so với những nơi khác.

Hải phân chia chế biến cà phê theo 2 loại. Đối với dòng robusta, Hải phơi khô sau đó mới đưa vào bóc tách, rang xay và chế biến. Còn đối với arabica, loại này sẽ được chế biến ướt. Cà phê được đổ vào bể chứa, trong đó có chất emzim. Nếu hạt cà phê nào đạt chất lượng sẽ chìm xuống dưới, loại kém chất lượng nổi lên trên. Hải sẽ lựa chọn loại đạt chất lượng đem đi tách vỏ lụa, đánh bóng và rang xay để cho ra sản phẩm cuối cùng. Còn những sản phẩm kém chất lượng sẽ được tận dụng chế biến cho dòng sản phẩm loại 2, 3.

Cũng nhờ trải nghiệm qua tất cả các khâu sản xuất, Hải càng ngày càng nhận diện tinh tế hơn thế nào là cà phê nguyên chất. Chàng trai này cho hay, để nhận biết cà phê nguyên chất hay còn gọi là sạch thì bọt cà phê thường có màu nâu và chúng sẽ chuyển dần qua màu trắng sau khi tinh chất caffein lắng xuống. “Một ly cà phê nguyên chất sẽ có màu nâu cánh gián. Ngoài ra, ly cà phê nguyên chất không bị sệt, khi uống lưỡi sẽ sạch, không bị lớp bơ bám như những loại có pha trộn”, Hải giải thích thêm.

Tuy nhiên, anh cho biết, hiện thị trường Việt vẫn chưa nhiều người biết đến sản phẩm này. Do vậy, thời gian tới nếu có thêm vốn, nhóm của Hải sẽ mở thêm 4 cửa hàng cà phê ở TP HCM, đồng thời đẩy mạnh hơn thị trường xuất khẩu.

Hồng Châu

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons